Việt Nam làm gì để phồn vinh cạnh "cái bóng" Trung Quốc?

Lan Hương

(VEF) - Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam cho rằng thoát hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là điều "không tưởng", mà việc cần làm lúc này là Việt Nam phải tìm đường phát triển phồn vinh dựa trên sự phồn vinh của Trung Quốc.

LTS: "Không có một nước Đông Nam Á nào ngoài Việt Nam bị cuốn sâu vào nền kinh tế Trung Quốc như vậy". Nhận định của tờ Nihonkeizai (Nhật Bản) khi đưa tin về việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm những nhân tố đa phương đã một lần nữa thổi bùng lên mối quan ngại về một nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào nước láng giềng.

Đã "bấm nút" nhưng chưa kịp chất vấn Thủ tướng, câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc vẫn còn để ngỏ: "Chúng ta phải làm gì để vừa khai thác được nguồn lực tích cực trong hợp tác với Trung Quốc, vừa tránh không rơi vào sự lệ thuộc"?

Một số chuyên gia và nhà khoa học tâm huyết đã cùng thảo luận với VEF về chủ đề này. Tham gia trao đổi có đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Quang A, TS. Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore), ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Nguyễn Mai Phương (công ty luật Mỹ Mayer Brown).

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

Có lẽ hiện nay cả xã hội đều đang cảm nhận được sự phụ thuộc quá mức của cả nền kinh tế vào người láng giềng Trung Quốc. Nhưng thực trạng sự phụ thuộc này lớn đến đâu, những nguy cơ tiềm ẩn như thế nào thì đều chưa rõ ràng.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cấp thiết lúc này là phải nhận diện được tình hình phụ thuộc hiện nay, xem chúng ta đang cam kết những gì và nếu thực hiện hết các cam kết ấy thì hệ quả ra sao.

"Cần phải có sự tổng kết lại và công bố lên", ông Doanh nhấn mạnh. "Chúng ta luôn nói là chủ động hội nhập nhưng thực tế là rất bị động".

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho rằng, chưa từng có thời điểm nào mà điều kiện khách quan lại thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam như lúc này.

clip_image001

"Phân tích về đại cục, cả thế giới đều ủng hộ Việt Nam phát triển", ông Vũ nói. "Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam có hiểu chính mình hay không, có hiểu người hay không để xác định chiến lược kinh tế".

Những năm 1990, Việt Nam vẫn còn xuất siêu sang Trung Quốc thì khoảng một thập kỷ trở lại đây, gió đã hoàn toàn đổi chiều. Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt hơn 16 tỉ USD, thì xuất khẩu của ta lại "ì ạch", chỉ được khoảng gần 5 tỉ USD.

Ngay cả những mặt hàng nông sản truyền thống của Việt Nam như hành, tỏi hiện cũng nhập hàng nghìn tấn từ Trung Quốc về. Đặc biệt gần đây, có hiện tượng hàng hóa Trung Quốc dán mác Việt Nam tràn ngập thị trường. Có những doanh nghiệp được danh hiệu "hàng Việt Nam chất lượng cao" nhưng lại là hàng đặt từ Trung Quốc.

Doanh nghiệp chẳng cần biết chất lượng ra sao, chỉ cần giá thành quá rẻ là nhập hàng về.

"Cái cần phải nói là sự ngây ngô, vụ lợi của một bộ phận trong đời sống của ta, chỉ vì một chút lợi lộc cục bộ cá nhân mà có thể hy sinh mọi thứ, tạo lợi thế cho nước ngoài" ông Dương Trung Quốc khẳng định. "Vậy phải tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng Việt Nam đang mở cửa ào ạt cho đầu tư nước ngoài không có chọn lọc. "Dọc bờ biển đều là nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 80% là người gốc Hoa", bà Lan chia sẻ.

Nhà thầu phương Tây đều "thua" Trung Quốc

Báo chí từng dẫn lời ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, ước tính số dự án mà nhà thầu Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC hoặc giữ vai trò chính trong liên doanh trúng thầu lên đến khoảng 80% dự án nhiệt điện than đã ký kết hợp đồng trong Tổng sơ đồ điện 6.

Bà Nguyễn Mai Phương, luật sư thuộc công ty luật Mayer Brown, cho biết với quy chế đấu thầu hiện nay, các khách hàng của bà từ Mỹ, Anh, Nhật "không thể trúng thầu được" bởi chất lượng máy móc của họ quá tốt, dẫn dến giá thầu cao hơn.

Theo bà Phương, trong một tình thế năng lực tài chính quá yếu, chỉ có một khoản tiền hạn hẹp mà vẫn muốn hoàn thành một dự án nào đó, thì bắt buộc phải chọn nhà thầu Trung Quốc với giá rẻ hơn nhiều.

"Vấn đề là chúng ta không có tiêu chí về mặt chất lượng", bà Phương nói.

clip_image002Doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc.

 

Đồng thời, quy chế đấu thầu có quy định rất chặt chẽ là nhà thầu phải chứng minh phải có năng lực thông qua các dự án đã thực hiện ở Việt Nam. Trung Quốc đã làm dự án ở Việt Nam từ những năm 1990 nên có thể chứng minh được, trong khi các nước Mỹ, Anh, Nhật thì "bó tay".

Còn TS. Nguyễn Quang A cho rằng luật đấu thầu không tạo khe hở cho Trung Quốc vào mà là vấn đề vốn. Tất cả các nhà máy điện do Trung Quốc trúng thầu đều là cho vay thương mại vì chúng ta không có vốn để làm.

Phát triển trên sự phồn vinh của Trung Quốc

TS. Nguyễn Quang A cho rằng hoàn toàn không phụ thuộc và Trung Quốc là "ảo tưởng" nên Việt Nam cần tiếp cận vấn đề thực dụng hơn, để với những điều kiện sẵn có, ta có thể ứng xử khôn ngoan nhất.

"Làm thế nào để họ cũng phụ thuộc vào mình, để mình chủ động hơn", ông Quang A nói.

Theo TS. Vũ Minh Khương, bài toán cần giải lúc này là làm thế nào để cùng phồn vinh với Trung Quốc chứ không phải gạt bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Việt Nam - China prosper together (Việt Nam - Trung Quốc cùng phồn vinh) sẽ là một khẩu hiệu nhân bản hơn, cao quý hơn, mãnh liệt hơn", ông Khương nhấn mạnh. "Chúng ta không thể tránh Trung Quốc bởi vì "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa".

Theo ông Khương, Việt Nam nên lập riêng một cục hợp tác phát triển với Trung Quốc và coi đây như một "mặt trận". Phải tìm một người thật giỏi, có tâm, có tầm và được trả lương xứng đáng để lãnh đạo và phối thuộc các doanh nghiệp, người dân tìm mọi biện pháp, kế sách để phồn vinh trên sự phồn vinh của Trung Quốc.

Một thực tế rõ ràng là người láng giềng của ta đang trỗi dậy mạnh mẽ, ta phải tranh thủ chính sự phát triển này để tạo đà cho mình. Ông Khương đề xuất tập hợp các doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Trung Quốc để lắng nghe ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu, tìm hiểu giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp để hỗ trợ họ xuất khẩu được nhiều hơn.

Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì cho rằng, chúng ta phải thay đổi tâm thế từ trước đến nay vẫn coi Trung Quốc là cái "đầu" đè lên trĩu nặng lên ta và càng ngày càng nặng.

"Bây giờ có thể xem họ là cái "đế" để chúng ta phát triển được không?", ông Vũ đặt câu hỏi.

Ông Vũ cho rằng ta phải chuẩn bị tâm thế để khai thác chứ không phải để co cụm lại. Đồng thời, ta phải phá bỏ cái tâm thế thu mình vào trung tâm mà phải "mở biên" liên thông với thế giới.

Theo ông Vũ, hiện nay trên trường quốc tế Mỹ đang nắm lá cờ chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, còn Trung Quốc cũng đang nắm cờ kinh tế, tiến tới cầm luôn lá cờ chính trị. Nhưng có một lá cờ mà chưa nước nào nắm giữ mà Việt Nam hoàn toàn có thể cầm được. Đó là lá cờ "nhân văn".

"Thế giới đang cấp thiết cần một hình mẫu về phát triển bền vững", ông Vũ nhận định.

Có lẽ khi Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên trường quốc tế, với lá cờ "nhân văn" trong tay thì câu chuyện một đất nước nhỏ bé đứng cạnh người láng giềng khổng lồ không còn là câu chuyện riêng của ta.

"Nếu Việt Nam nắm được lá cờ này thì quốc tế sẽ cùng xây và cùng bảo vệ cho ta", ông Vũ khẳng định.

L. H.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn