Chuyện thua lỗ và nợ nần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

clip_image001Năm trước, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo lỗ hơn 8.000 tỉ đồng. Tuần trước, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, EVN còn nợ tập đoàn này khoảng 5.000 tỉ đồng. Hai chuyện này rõ ràng là có liên quan đến nhau: đã lỗ to làm sao còn sớm trả được nợ? Nhưng quả thực, trong chuyện EVN mắc nợ PVN còn có những khúc mắc cho thấy cách mà EVN cư xử với chủ nợ chẳng mấy đàng hoàng.

Theo ông Đinh La Thăng, chủ tịch hội đồng quản trị của PVN thì việc EVN nợ tới 5.000 tỉ đồng, tất nhiên là làm khó cho PVN, cụ thể ở đây như tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) “bán hàng lại chẳng thu được tiền về ngay”. Nhưng ông chủ tịch PVN cũng tỏ ra rất “chính trị” khi nói rằng, sẽ không vì thế mà PVN ngừng sản xuất (điện) và PVN hiểu được khó khăn của EVN, do hiện nay EVN còn phải bán điện dưới giá thành sản xuất. Để cứu Điện lực dầu khí, ông Đinh La Thăng cho biết, có thể tập đoàn mẹ sẽ bơm thêm vốn cho công ty này. Hoặc với công ty Khí, trực thuộc PVN, công ty mẹ – tập đoàn PVN cũng sẽ có chính sách.

Khi nghe thấy thông tin trên, ông Vũ Huy Quang, tổng giám đốc Điện lực dầu khí cũng chẳng tỏ ra vui vẻ gì. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông này nói: “Tập đoàn có bơm thêm vốn cũng chỉ là một chuyện, vì có nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Để số nợ lớn, kéo dài như vậy thì cơ quan cấp trên, rồi kiểm toán, thanh tra… lại có đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn”.

Một nguồn tin từ bộ Công thương cho biết, thực tế, tổng số tiền nợ đọng của EVN với PVN chủ yếu là tiền mua điện từ Điện lực dầu khí, cụ thể là từ hai nhà máy: điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1 trong các tháng cuối năm 2010 và tháng 1.2011 với số nợ gần 4.150 tỉ đồng. Khoản tiền nợ còn lại, ít nhất phải trên 800 tỉ đồng, thì EVN chưa thống nhất cách tính của PVN là khoản chi phí vận hành và bảo dưỡng (O&M) của nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 từ tháng 4.2007 đến tháng 11.2009.

Theo hợp đồng mua bán điện giữa hai bên, phí O&M là giá trị tạm tính được xác định bằng USD với tỷ giá liên ngân hàng. Nhưng cuối năm 2009, hai bên lại ký phụ lục hợp đồng thống nhất phí O&M sẽ được thanh toán theo hai loại tiền là euro và tiền Việt Nam. Cho nên, để tính được số tiền còn lại phải trả cho Điện lực dầu khí, hai bên lại phải đổi số tiền đã trả bằng USD theo giá tạm tính sang euro. Nhưng EVN và Điện lực dầu khí lại chưa nhất trí cách xác định tỷ giá chuyển đổi: EVN thì muốn tính theo tỷ giá Euro/VND để tính thuế xuất nhập khẩu hàng hoá do ngân hàng Nhà nước công bố – có lợi cho mình hơn. Còn Điện lực dầu khí lại muốn áp dụng cách chuyển đổi theo tỷ giá do ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố, theo phụ lục hợp đồng. Chính vì EVN chỉ muốn tính theo tỷ giá mình thích nên phía PVN chưa phát hành được hoá đơn, nên khoản nợ này mãi chưa được giải quyết.

Ngoài ra, theo phía PVN, EVN còn phải trả khoản tiền phạt do chậm thanh toán tiền điện; tiền chênh lệch chi phí phát sinh do vận hành nhà máy điện Cà Mau 1 bằng dầu DO... hàng trăm tỉ đồng nữa. Tổng cộng các khoản nợ lại cũng lên đến gần 5.000 tỉ đồng.

EVN vừa được cho phép tăng giá bán điện, với số tiền lãi tăng thêm, tập đoàn này sẽ dư sức trả tiền nợ cho PVN. Những khoản nợ hai bên đã thống nhất cách tính và Điện lực dầu khí đã xuất hoá đơn thì lẽ ra, EVN phải thanh toán ngay, vô điều kiện. Không nên chỉ vì việc không thống nhất phí O&M của riêng nhà máy điện Cà Mau mà trì hoãn việc thanh toán toàn bộ tiền nợ. Được biết, trong hợp đồng hai bên còn có quy định, nếu có tranh chấp mà không hoà giải được, các bên sẽ đưa vụ việc ra giải quyết tại trung tâm Trọng tài quốc tế.

Qua cách EVN xử lý nợ nần, có thể thấy tập đoàn này vẫn hành xử theo kiểu một ông lớn độc quyền. Trong khi hợp đồng quy định một đằng, EVN vẫn muốn làm một nẻo, kéo dài thời gian thanh toán. Dù EVN vẫn luôn kêu gào thiếu tiền đầu tư nhưng với thái độ cửa quyền, chỉ muốn lấy hết phần thuận lợi về mình, o ép đối tác thì tập đoàn này khó có thể huy động được nhiều vốn từ cổ phần hoá, không mua được điện từ các nhà đầu tư khác.

Theo SGTT

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn