Nhập siêu với Trung Quốc ngày càng lớn

Ngọc Lan

(TBKTSG) - Con số nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã lên đến 4 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm nay. Thế yếu trong thương mại song phương của Việt Nam không được cải thiện trong khi đối tác Trung Quốc tiếp tục gia tăng kim ngạch, tận dụng lợi thế.

Ngày càng khó giảm nhập?

Hàng hóa nào được nhập nhiều nhất từ Trung Quốc trong bốn tháng qua? Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: “Nhóm hàng liên quan đến nguyên liệu gia công, lắp ráp như bông, sợi dệt, vải, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử máy tính”.

Tổng cục Thống kê lý giải, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chưa giảm do thuộc nhóm các mặt hàng cần thiết phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất, chưa bị ảnh hưởng bởi chính sách cắt giảm đầu tư của Chính phủ. Hơn nữa, đơn giá nhập khẩu lại tăng mạnh khiến cho kim ngạch nhập khẩu tăng cao: bông tăng 99%, sợi tăng gần 40%, xăng dầu tăng 39%, lúa mì tăng 39%...

Do vậy nếu tính các mặt hàng có lượng nhập khẩu theo đơn giá bình quân cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 19%. Tất cả những yếu tố nêu trên đều là những “mảnh đất” có lợi cho đối tác Trung Quốc, nơi mà Việt Nam nhập khẩu đến 90% máy móc và nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất.

Ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nói với báo chí hôm đầu tuần trước, bên lề cuộc hội thảo về thị trường Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội rằng, nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, phục vụ, chế biến xuất khẩu. Hay nói khác đi là nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, chứ không phải nhóm hàng máy tính xách tay hay điện thoại di động. Như vậy, sự lệ thuộc vào đối tác càng cao, giải bài toán nhập siêu càng khó.

Lấn sâu vào thị trường

Ông Chương thống kê: xuất nhập khẩu chính ngạch giữa hai nước năm 2010 là 30 tỉ đô la Mỹ, gấp ba lần xuất nhập khẩu biên mậu (10 tỉ đô la). Cũng có thể hiểu, nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng trở nên “chính danh” và khó hạn chế vì không phải là hàng nhập lậu. Đang có những bằng chứng cho thấy Trung Quốc gia tăng mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tạo thế liên kết ở nước ngoài cho doanh nghiệp nhiều vùng.

Như tỉnh Hồ Nam, ở miền Trung Nam bộ của Trung Quốc, không phải là bạn hàng lớn của Việt Nam so với các tỉnh cùng biên giới hay Quảng Đông, Quảng Tây nhưng họ cũng đã có những mục tiêu rất rõ ràng. Ông Mai Khắc Bảo, Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Nam, gọi Việt Nam là “bạn hàng đầu tư thương mại lớn nhất của tỉnh tại Đông Nam Á”, trong cuộc tọa đàm về cơ hội hợp tác, đầu tư Việt Nam và tỉnh Hồ Nam (ngày 14-3, tại Hà Nội).

Một ví dụ cho thấy, năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hồ Nam với Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ 250 triệu đô la Mỹ nhưng 230 triệu đô la trong số này là hàng xuất khẩu của Hồ Nam vào nước ta. Ông Bảo cho hay các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hồ Nam là khung gầm, sắt thép, máy biến áp và họ nhập lại bông sợi, cao su tự nhiên, gỗ nguyên liệu. Chỉ tính riêng doanh nghiệp Hồ Nam nhận thầu một công trình trị giá hợp đồng 20 triệu đô la Mỹ tại Việt Nam năm ngoái thì doanh thu mà doanh nghiệp này thu về là 14,32 triệu đô la.

Việc nhận thầu công trình nước ngoài là một bước cụ thể hóa thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, khiến mức nhập siêu của Việt Nam càng trầm trọng vì việc nhập khẩu máy móc của nhà thầu là điều bắt buộc. Chưa bằng lòng với những con số đó, Hồ Nam mới đây đã thành lập thương hội tại Việt Nam, quyết tâm liên kết doanh nghiệp và mở rộng thị trường.

Với những bước đi như thế từ Trung Quốc, việc Việt Nam bị chìm trong “cái hố” nhập siêu là điều khó tránh. Vì vậy, dự báo nhập siêu từ Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng khoảng hơn 20% so với năm trước, tức tăng thêm hơn 2 tỉ đô la nữa (năm 2010 nhập siêu với Trung Quốc 12,7 tỉ đô la).

Việc nhận thầu công trình nước ngoài là một bước cụ thể hóa thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, khiến mức nhập siêu của Việt Nam càng trầm trọng vì việc nhập khẩu máy móc của nhà thầu là điều bắt buộc.

N. L.

Nguồn: Thesaigontimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn