Bao giờ mới hết nhập siêu?

Mỹ Loan

clip_image001(Tamnhin.net) - Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 12%/năm trong 10 năm để cân bằng cán cân thương mại và chuyển sang xuất siêu từ năm 2020 trở đi.

TS Đinh Văn Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại Hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020.

Phát triển xuất khẩu là con đường để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Song, mục tiêu của chiến lược phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

TS Đinh Văn Thành cho rằng, với mục tiêu này và mục tiêu cân bằng xuất nhập khẩu vào năm 2020, việc cấp bách đầu tiên là phải tạo ra các đột phá để cơ cấu lại thị trường và hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiêu chí chất lượng, hiệu quả, tính bền vững phải đặt lên hàng đầu.

Theo TS Lê Đăng Doanh, xuất khẩu của Việt Nam không hề bền vững và cần nhìn thẳng vào sự thật này để phân tích. Hiện cơ cấu xuất khẩu của ta chậm chuyển biến, qua từng ấy năm vẫn xuất khẩu các sản phẩm thô là chính. Các sản phẩm công nghiệp chỉ có dệt may, da giầy, hàng điện tử. Với chính sách vĩ mô này, lạm phát như hiện nay thì dệt may Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với Indonesia, Bangladesh vì ta phải tăng lương mà giá quốc tế là giá so sánh.

Ta nhập siêu thế này sẽ dẫn tới phụ thuộc vào Trung Quốc, giống như dệt may. Nếu giờ Trung Quốc dừng cung ứng nguyên phụ liệu thì các nhà máy dệt may sẽ lao đao. Chúng ta hội nhập nhưng là hội nhập thụ động chứ không chủ động. Hiện ta mới mang đất đai, ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào. Đây là điều hết sức khó khăn và nguy hiểm đối với chúng ta.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho rằng, tình trạng nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến, nhất là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu thiết bị lạc hậu, thực phẩm kém chất lượng, hóa chất độc hại từ Trung Quốc và qua các cửa khẩu tiếp giáp với Lào và Campuchia chưa được ngăn chặn. Quản lý nhập khẩu chưa tốt làm nảy sinh hiện tượng gian lận thương mại, làm trầm trọng thêm sự bất ổn định kinh tế và xã hội.

Nhập siêu tăng mạnh đang gây nên những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế. Trước mắt là các ngân hàng đang lâm vào cảnh thiếu vốn ngoại tệ khả dụng. Các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hàng hóa đòi hỏi lượng ngoại tệ rất lớn, trong khi đó, các loại hàng hóa của nước ta chủ yếu là hàng sơ chế hoặc gia công có giá trị thấp nên nguồn USD thu được thông qua hoạt động xuất khẩu không cao.

Nhập siêu cũng đang góp phần làm tình trạng lạm phát trong nước trở nên trầm trọng. Điều này dễ thấy do các hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu phần nhiều là những mặt hàng có tốc độ tăng giá cao nhất trên thị trường thế giới như xăng dầu, sắt thép, phân bón... Đây cũng là những nguyên liệu đầu vào không thể thiếu của nhiều ngành sản xuất chủ lực của nước ta. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu của nước ta tuy thuộc nhóm có mức độ tăng giá trung bình nhưng cũng không đủ khả năng bù đắp cho nhập khẩu.  

Các bộ, ngành và chính quyền địa phương đều tỏ rõ quyết tâm kiềm chế nhập siêu tuy nhiên tốc độ nhập siêu vẫn chưa giảm về mức an toàn như mong muốn.

Chỉ tiêu nhập siêu năm 2011 được Chính phủ xác định với tỉ trọng 16% nhưng đến hết tháng 5, chỉ số này đã tăng lên đến gần 19% - mức tăng kỷ lục hiếm khi xảy ra.

Ngoài việc nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta phải nhập khẩu từ 80%-90% nguyên liệu đầu vào thì vẫn có nghịch lý là kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng mạnh đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu. Ðặc biệt, nhóm hàng ô tô và xe máy tăng tới 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các loại hàng hóa xa xỉ như điện thoại di động đắt tiền, mỹ phẩm, rượu ngoại… cũng chiếm tỉ lệ rất lớn. Bia nhập khẩu cũng tăng 50% cho dù giá các loại bia này cao gấp 2-3 lần so với bia sản xuất trong nước.  

Nghịch lý nữa, Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các nước châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất. Từ đầu năm 2011 đến nay, tính riêng buôn bán chính ngạch, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến xấp xỉ 1 tỉ USD/tháng. Nếu tính cả tiểu ngạch, tỉ trọng này còn lớn hơn nhiều.

Nhập siêu tăng cao có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nhiều người cho rằng chủ quan vẫn là gốc của vấn đề.

Thực tế, Bộ Công Thương đã không ít lần ban hành danh mục những mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu. Bộ Tài chính cũng đưa ra một loạt giải pháp về thuế, phí với các mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, việc điều hành tại một số ngành, địa phương dường như còn bị xem nhẹ, thậm chí còn tiếp tay “chạy” giấy phép, “chạy” chính sách cho doanh nghiệp…

M. L.

Nguồn: Tamnhin.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn