Chuyện kể về những tấm ảnh trong ngày 05/6/2011: Những công dân nhỏ, cháy ngọn lửa dân tộc lớn

Phóng viên Bauxite Việt Nam

Do ưu tiên tính thời sự, bài tường thuật “Chúng ta đã làm được điều nhỏ nhất có thể” phải cố gắng cô đọng. Sau đây là những “chuyện bây giờ mới kể” liên quan đến vài tấm ảnh đã đăng và những hình ảnh chưa hề công bố trong ngày 05/6 vừa qua, tại TP.HCM, của phóng viên Bauxite Việt Nam. Nó không nhằm ngoài mục đích là liều thuốc “chống lãng quên, chống nguội lạnh”. Tất cả xoay quanh những công dân đầy nghĩa khí đã góp sức bé nhỏ của mình trong công cuộc chống ngoại xâm.

clip_image002

Đầu tiên là cô gái duy nhất trong bức ảnh này, được các trang web gọi vui “hoa lạc giữa rừng gươm”, lại quả đúng với cái phần “gươm giáo”. Sau khi cô tham gia cùng đoàn bô lão tiến ra đường phố, nhiều tin nhắn, lời lẽ “vô tình” hay có “dụng ý” của cả “người quen” lẫn “người lạ” đã khiến cô rất hoang mang. Chiều hôm đó, nhiều người trong nhóm đã phải ngồi lại cùng cô…

clip_image004

Đây là tấm ảnh chưa từng công bố, chụp tại góc ngã tư Alexandre de Rhodes - Phạm Ngọc Thạch, khi nhóm các trí thức lão thành lui ra, vào lúc cuộc biểu tình đã được khởi phát. Chỉ vài phút sau khi tôi bấm cú máy này, thì các ông Cao Lập (bìa trái), André Menras Hồ Cương Quyết khuất sau ông Lê Hiếu Đằng (mặc áo nâu) và ông Huỳnh Tấn Mẫm (nghe điện thoại) “được” đích thân lãnh đạo thành phố mời trao đổi. Một số chi tiết thú vị liên quan đến những gì diễn ra bên trong văn phòng thành đoàn đã được nhà thơ Đỗ Trung Quân (bìa phải) công bố trong bài “Cuộc đối thoại trước Lãnh sự quán Trung Quốc và trong trụ sở thành đoàn TNCS TP Số 1 Phạm Ngọc Thạch”.

Một chi tiết nhỏ, khi nhóm các lão tướng vừa tiếp cận cổng tòa lãnh sự Trung Quốc phía đường Phạm Ngọc Thạch, có viên công an chỉ huy, mặc thường phục áo trắng, quần đen, tay lăm lăm bộ đàm, mặt bặm trợn, hò hét, thậm chí xô đẩy các tiền bối… Tay này tỏ ra “thiếu kiềm chế” đến nỗi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu phải ra hiệu cho những người đứng gần “nhắc ông ta phải ăn nói cho nhã nhặn, đàng hoàng”. Ông Lê Hiếu Đằng thì chỉ vào những chiếc dùi cui mà nhóm sáu bảy người của tay này xồng xộc xông đến nhóm các trí thức lão thành: “Cái này dùng để đánh Trung Quốc đi, đừng cầm nó trước mặt người dân”. Theo ông Cao Lập, sau đó tay này có lần tất tả chạy vào văn phòng thành đoàn, nơi cuộc đối thoại giữa các ông và ông Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Chơn Trung đang diễn ra, ông Lập đã chỉ vào mặt tay này nói: “Các anh đừng tưởng nó hung hăng như thế là nó trung thành với các anh đâu. Nếu có chuyện gì xảy ra, nó sẽ là thằng phản bội các anh trước hết đấy”.

clip_image006

Người cha trong tấm ảnh này đã khiến nhiều người xúc động. Anh dẫn con trai chừng 3 tuổi theo mình đi biểu tình. Hai cha con anh bị chặn tại góc đường Nguyễn Văn Chiêm khi cuộc biểu tình đã bị “đánh trôi” sang trước cổng Nhà văn hóa Thanh Niên. Cha cầm cờ căng ra trước ngực và đứa bé với tay đứng bên. Một người lính yêu cầu anh cất lá cờ đi (?) và nói: “Thôi, giờ này dẫn cháu nó đi công viên, đi chơi, chứ ai lại dẫn con nít ra đây…”.Trước sự hung hổ của cánh an ninh, anh từ tốn gấp lá cờ, rồi xếp cẩn thận vào ba lô học sinh của con mình mà như mếu. Cậu bé con anh không phản ứng gì ngoài đôi mắt tròn xoe hướng về phía đám đông đang hò reo. Và cha con anh đã không phải chờ đợi lâu, lòng yêu nước của họ đã được đền đáp, để cùng bùng nổ với các bạn trẻ khi cuộc biểu tình bắt đầu tiến lên diễu hành. Đoàn người vừa ra đến cửa thành đoàn, là anh vỡ òa nhập cuộc. Anh ôm cẫng con trai, đặt nó lên vai, không quên rút vội lá cờ ra. Cha con anh đi hàng đầu cuộc biểu tình. Tôi thấy hai tay anh nắm chặt, vung cao đầy tự hào. Đứa bé ghì chặt cổ cha mình mà vẫn cố víu lấy một mảnh cờ bằng nắm tay con con.

clip_image008

Người đàn ông được dân mạng yêu thích “comment” Nghèo nhưng không hèn lọt vào khung hình trong tích tắc bởi khí thế của các bạn trẻ đang hừng hực khi cuộc diễu hành mới bắt đầu. Các bạn đi đầu gần như chạy xông lên phía trước. Tôi thấy “nhân vật” của mình từ lúc anh còn ở bên góc vòng xoay sau lưng nhà thờ Đức Bà, ngay khi các bạn trẻ ra đến đường Lê Duẩn. Tôi đoán anh có thể là một tiểu thương mới đi chợ về ngang qua đó. Chẳng khó khăn gì để nhận ra người dân đang biểu tình chống Trung Quốc, thế là anh cho xe chạy lên phía trước. Vừa rà xe đi theo, anh vừa hô vang “Đả đảo Trung Quốc, Việt Nam muôn năm”. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi của anh với đoàn người kết thúc bởi rào chắn của công an khi các bạn trẻ rẽ vào đường Pasteur. Tôi thấy anh chạy xe đi, đầu vẫn ngoái theo đoàn biểu tình, tay vẫn vung lên cao và hô vang lời yêu nước.

clip_image010 clip_image012 clip_image014

Những người đẹp cùng những thông điệp rất “yêu kiều, hòa bình” của họ khiến các anh công an khó khăn lắm mới giấu được nụ cười. Chỉ tiếc chưa có cô nào đủ “can đảm” chạy đến ôm hôn một anh công an nào đó để cánh phóng viên có được “tấm ảnh chủ đề’ cho ngày 05/6 vừa qua.

clip_image016

Nhắc đến phóng viên, thì tấm ảnh chưa công bố này là tấm ảnh hiếm hoi cho thấy lực lượng truyền thông rất hùng hậu và “thiện chiến” trong ngày xuống đường lịch sử.

clip_image018

Tấm ảnh cuối cùng, cũng là tấm ảnh bây giờ mới công bố, chỉ vì nó không được chọn đăng ban đầu do lỗi kỹ thuật, chụp tại góc Nguyễn Thị Minh Khai - Pasteur. Nhưng câu chuyện về hai thanh niên mặc áo quốc kỳ trong ảnh làm tôi nhớ hoài. Trước đó, tôi thấy hai bạn trẻ này bị một ông công an cao lớn “bá cổ” dẫn đi tại góc sân 4A (nhà văn hóa Thanh Niên). Bạn trẻ bên bìa trái tấm ảnh nói bằng giọng “khu tư”: “Em có làm gì đâu mà bắt em?” Anh chàng công an chỉ hét gọn lỏn: “Đi”.

- Buông em ra, em có làm gì đâu. Chàng trai cố vùng vẫy thoát ra.

- Đưa nó vô trong. Cả thằng này nữa, cũng mặc áo đỏ kìa! Viên công an quát và chỉ đồng sự bắt luôn anh chàng còn lại (đang chụp ảnh trong hình).

- Mày cầm xấp giấy gì đây? Đi vô trong này.

Những người bạn của chúng rảo bước theo cánh an ninh đi vào nhà văn hóa Thanh Niên.

Những tưởng các bạn đã bị “trục xuất” về nhà. Không ngờ, hai anh chàng lại được thả ra và hòa vào giữa các bạn trẻ khác trong đoàn diễu hành. Khi chụp tấm ảnh trên, tôi cũng chỉ chủ đích chụp tấm biểu ngữ “tẩy chay hàng Trung Quốc”. Khi về xem lại trên máy tính mới nhận ra hai anh chàng bị bắt trước đó. Thì ra gã công an quan tâm nhất là xấp giấy anh cầm trên tay. Họ sợ những “thông điệp ngoài lề” khác.

PV BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn