Nói và làm: Trả giá vì “kiên trì” xuất khẩu thô

Lê Phong

clip_image001

 

Việc khai thác titan đang gây ô nhiễm phóng xạ tại ven biển Nam Trung Bộ.

 

(VEF.VN) - Cả nước đang trong một cơn say tăng trưởng cao nhưng lại dựa trên một mô hình phát triển kém hiệu quả gắn với thâm dụng tài nguyên và lao động giá rẻ mà chưa đầu tư nhiều cho khoa học, công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng.

Đầu tháng 6, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có có cuộc họp với các địa phương về các vấn đề bấp cập quanh việc khai tác titan. Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý chuyên ngành và các địa phương cùng bàn bạch về vấn đề này nhưng tại đây, lần đầu tiên cả hai đã cùng thống nhất quan điểm nhìn nhận về những hậu quả tiêu cực mà khai thác titan không đúng quy định gây ra.

Hàng ngàn hécta bãi biển bị đào xới, rừng phòng hộ bị tàn phá, môi trường ô nhiễm, hạ tầng bị hư hỏng, đời sống nhân dân vùng khai thác bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là những tác hại về tài nguyên, môi trường nhìn thấy rõ nét và không thể chối cãi. Vì thế, lần này các địa phương đã thống nhất với Bộ TNMT về việc siết chặt quản lý, thậm chí tạm dừng và cấm khai thác đề bảo về nguồn lợi về lâu dài.

Tác hại về môi trường đã rõ nhưng các chuyên gia còn cảnh báo, titan là kim loại có giá trị là nguyên liệu kim loại cho tương lai nên càng ngày càng có giá. Nếu chúng ta chỉ xuất khẩu thô mà không chế biến, nếu khai thác cạn kiệt để bán ra ngoài khi trong nước chưa dùng nhiều thì tương lai chúng ta sẽ mất đi nguồn lợi lớn và quan trọng hơn là mất đi lợi thế của người nắm giữ tài nguyên trong hoàn cảnh khan hiếm đang xảy ra trên toàn thế giới.

Câu chuyện của titan xảy ra vào lúc chuyến than nhập khẩu đầu tiên đã về nước, mở đầu cho việc phải nhập khẩu than cả chục triệu tấn mỗi năm. Điều này càng làm rõ thêm một nghịch lý là trong khi chúng ta vẫn xuất khẩu cả triệu tấn than mỗi năm thì lại đang đối diện với yêu cầu nhập khẩu than ngày càng lớn.

Nguyên liệu than Việt Nam tưởng như rất lớn nhưng rất bé nhỏ so với nhu cầu phát triển. Nguy cơ nhập khẩu đã được báo trước cả chục năm thì người ta vẫn đẩy mạnh xuất khẩu cả triệu tấn mỗi năm để đạt các mục tiêu trước mắt về doanh thu, lợi nhuận hay kim ngạch xuất khẩu còn chuyện thiếu than phải nhập khẩu thì có thế hệ tương lai lo.

Trả giá rõ nhất cho việc xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô trong nhiều năm qua là dầu khí. Dầu mỏ xuất khẩu vốn là nguồn thu quan trọng của quốc gia nên việc khai thác và xuất khẩu thô đã được đẩy mạnh và kéo dài trong hàng chục năm. Khi được giá chúng ta đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu để thu nhiều kim ngạch nhưng khi giá rẻ cũng đẩy mạnh khai thác xuất khẩu để đạt bằng được chỉ tiêu. Hậu quả là sau hàng chục năm khai thác và bán thô, đến khi chúng ta có nhà máy lọc dầu đầu tiên khi nguồn dầu từ mỏ Bạch Hổ đã cạn dần. Nhà máy mới đi vào hoạt động đã phải tính chuyện nhập khẩu dầu thô, mở rộng để chuyển đổi nguồn dầu dù trước đó nó được thiết kề để lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ.

Rồi mới đây nhất là câu chuyện xuất khẩu cao su thô và phải nhập về cao su tổng hợp với giá đắt đỏ đã một lần nữa nhắc lại bài học về bán thô giá rẻ, nhập tinh giá đắt. Chuyện như thế đã kéo dài hàng chục năm, ai cũng nhận biết và tất cả cùng tán đồng khi Chính phủ yêu cầu hạn chế xuất khẩu thô, đầu tư chế biến nâng cao giá trị, sử dụng hiệu quả để bảo về nguồn lục cho phát triển.

Tuy nhiên, với thực tế trên đây thì xem ra bản chất khai thác tận thu, dễ dãi với xuất khẩu thô và chậm trễ trong chế biến vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đặc biệt, việc hạn chế khai thác và xuất khẩu để bảo vệ tài nguyên, giữ lại nguồn lực cho tương lai xem ra còn khó thực hiện hơn vì địa phương nào cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu, địa phương nào cũng muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao bằng mọi giá nên cả những cảnh báo, rồi các chính sách hạn chế vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng.

Và cho đến tận bây giờ, từ nguyên liệu quý hiếm cho đến sản phẩm nông nghiệp phổ biến Việt Nam vẫn trong tình trạng "kiên trì" xuất thô, chậm trễ trong chế biến nâng cao giá trị và đành phải chấp nhận câu chuyện bán rẻ mua đắt và lo ngại về "bóc ngắn cắn dài" không còn là cảnh báo.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế và chúng ta còn đối mặt với nhiều trả giá khác khó tránh khỏi nếu tiếp tục phương cách quản lý và khai thác như hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 đã cho thấy một bức tranh không thể vui về thực tế môi trường và đưa ra lời cảnh báo sâu sắc về những sức ép đối với môi trường hiện nay.

Theo đó, sự suy giảm và ô nhiễm tài nguyên thể hiện trong mọi mặt của sản xuất và kinh doanh. Trong phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản, để tăng sản lượng cây trồng trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, tất yếu người dân sẽ tăng sử dụng các loại phân bón, các loại thuốc kích thích tăng trưởng. Hệ quả là, nguồn nước mặn, đất đai bị ô nhiễm, thậm chí nhiều loại cây trồng bị đột biến về gene. Đó là chưa kể hậu quả nặng nề do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra cho sức khoẻ người dân.

Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển, hoạt động khai thác một số loại tài nguyên sẽ ngày càng tăng và theo hướng tận thu và tàn phá tài nguyên. Điều này không chỉ làm cạn kiệt các tài nguyên khoáng sản đang bị khai thác mà còn gây ra hệ lụy cho môi trường và các hệ tài nguyên khác.

Tât cả đó dù đã gây ra nhiều hậu quả nhãn tiền nhưng đều được lý giải và khỏa lấp bởi mục tiêu tăng trường kinh tế. Và dường như, vì mục tiêu tăng trưởng ngày càng cao hơn thì việc khai thác càng được đẩy mạnh. Đây cùng là điều dễ hiểu khi cả nước đang trong một cơn say tăng trưởng cao, bằng mọi cách để đạt thành tích tăng trưởng cao nhưng lại dựa trên một mô hình phát triển kém hiệu quả gắn với thâm dụng tài nguyên và lao động giá rẻ mà chưa đầu tư nhiều cho khoa học, công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, do ô nhiễm môi trường, nên Việt Nam đang phải chịu tổn thất nặng nề ở mức 5,5% GDP hàng năm, trong khi tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 mới đạt 7%/năm. Rõ ràng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra là rất lớn. Đây chính là sự trả giá đắt không chỉ trong tương lai mà đã hiển hiện trước mắt.

L. P.

Nguồn: vef.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn