Vì sao tôi dùng từ điều trần ở tựa bài Bản điều trần cứu nước?

Tống Văn Công

Trước hết tôi xin cám ơn các anh Ban Biên tập Diễn Đàn đã giới thiệu bài viết của tôi, đặt biệt còn có sự góp ý: “Chữ điều trần không chính xác lắm, vì tác giả không chỉ viết và gửi lên các nhà lãnh đạo, mà công bố nó – gửi đến toàn dân. Những lập luận đi vào nhiều vấn đề cốt lõi của bế tắc chính trị hiện nay”.

Nghĩ rằng bàn thêm vấn đề từ ngữ này cũng lý thú và có ý nghĩa lắm, cho nên tôi xin nói lại ý mình như sau.

Ban đầu tôi viết “Kính gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đồng bào kính yêu”. Ban Biên tập Bauxite Việt Nam góp ý đổi lạị, đặt Đồng bào lên trước Bộ Chính trị. Tôi rất biết ơn Ban Biên tập về góp ý này. Hóa ra, tư duy “thần dân” vẫn còn sẵn trong tôi, một lúc lơ đểnh là nó lộ ra liền.

Nói đến chữ điều trần thì mọi người Việt Nam nhớ tới người có tư tưởng duy tân sớm nhất, vĩ đại nhất là sĩ phu Nguyễn Trường Tộ, tác giả bản điều trần Tám điều cấp cứu (Tế cấp bát điều) gửi lên vua Nguyễn. Đọc truyện Tàu thì chúng ta nhớ Gián thập điều Thái sư Văn Trọng tâu lên vua Trụ. Cho nên ai cũng nghĩ rằng, chỉ có vua, sau này là Tổng thống, mới là người có quyền tiếp nhận Bản điều trần; người làm điều trần chỉ là để gửi lên nhà cầm quyền. Có lẽ vì nhận thức đó, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội – Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2003) định nghĩa như sau: “Điều trần: 1 – (cũ). “Trình lên vua, lên người đứng đầu nhà nước, bản hiến kế hay bản ý kiến, viết thành từng điểm,về vấn đề thuộc quốc kế dân sinh. Dâng bản điều trần. 2- Trình bày chính thức trước cơ quan đại diện nhà nước để giải thích, biện bạch, v.v. về vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm. Tổng thống điều trần trước quốc hội.”.

Ngay từ tuyên cáo mà các trí thức Việt Nam dùng để soạn thảo văn bản về tình hình gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc thì cách dẫn ví dụ minh hoạ của cuốn Từ điển tiếng Việt nói trên dường như cũng cho người đọc hiểu đó là việc làm của nhà nước: “Tuyên cáo với quốc dân. Chính phủ lâm thời ra tuyên cáo sẽ tổ chức tổng tuyển cử.”

Tôi đã dùng từ điều trần làm tựa bài viết của mình là vì:

1- Thực ra, từ điều trần vốn có nghĩa “trung tính”. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh (Sài Gòn: Nhà xuất bản Trường Thi, in lần thứ 3, 1957) thì động từ điều trần có nghĩa là: “Theo từng điều mà bày tỏ các việc (exposer) ”. Nếu chiết tự thì điều có nghĩa là “đường lối”, trần có nghĩa là “bày ra”. Có thêm chữ bản, (bản điều trần) là danh ngữ, tiếng Pháp là exposition, có nghĩa là: sự trình bày, sự giải thích, sự bình luận…”. Bài viết của tôi là sự trình bày, sự thuyết trình về những giải pháp cần có, phải làm để cứu được nước trong tình hình hiện nay.

2- Trong bài viết này có những câu: “Theo quan điểm dân chủ, nhân quyền, thì khái niệm độc lập, chủ quyền phải được xác định sau câu hỏi: “Người dân ở quốc gia náo đó đã có được một thể chế dân chủ, để người dân thực sự nắm được chủ quyền hay chưa?”. Đó là cơ sở lý luận để các nước dân chủ yểm trợ các lực lượng nổi dậy gần đây. Hồ Chí Minh cũng có quan niệm như vậy khi ông nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không có được tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”.

Đó là quan điểm “Nhân dân làm chủ thế giới chính trị cũng giống như Thượng đế làm chủ vũ trụ” (A. D. Tocqueville).”Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Hiến pháp Việt Nam 1992), “Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực” (Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1. Hà Nội: Trung tâm Biên soạn Từ điển Bách khoa, 1995).

Như vậy, với nhận thức nhân dân, đồng bào cao hơn Nhà nước, thì việc viết bản điều trần trình ra trước nhân dân, đồng bào là hoàn toàn đúng “lễ”, đúng phép nước, không có gì sai trái (nếu việc làm này chỉ được phép trình với “các nhà lãnh đạo”, chứ không được “công bố nó – gửi đến toàn dân” thì phải chăng có thể cho rằng đã phạm vào “luật bất thành văn”?

Trước khi dùng từ điều trần, tôi không phân vân sợ nó sai phép, mà chỉ ngại rằng xưa nay ở nước mình việc làm đó chỉ dành cho bậc Trí, còn mình chỉ có cái Tâm, cho nên tôi mới có lời “rào đón” ở đoạn mở đầu.

Xin có mấy lời để cùng nhau rộng đường suy nghĩ thêm vậy!

Một lần nữa xin cám ơn Diễn Đàn.

Ngày 28- 6-2011

T. V. C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn