Nợ công và những rủi ro

Vũ Hoàng, Phóng viên RFA

Mới đây, Bộ Tài chính công bố nợ quốc gia của Việt Nam năm 2010 là 32,5 tỷ đô la, chiếm hơn 42% GDP và là mức nợ cao nhất kể từ năm 2006.

clip_image001

Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay. Photo courtesy of MOF

Vậy những rủi ro đằng sau các khoản nợ ấy là gì và liệu khả năng trả nợ của Việt Nam sẽ ra sao, là câu hỏi được Vũ Hoàng tìm hiểu và trình bày trong phần sau.

Theo định nghĩa, nợ công, nợ quốc gia hay nợ chính phủ là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay. Mục đích của nợ công là để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. Nợ được phân cấp theo nợ ngắn hạn, trung và dài hạn cũng như nợ trong nước và nợ vay nước ngoài.

Khi nhắc đến nợ công, người ta thường đề cập đến tỉ lệ % so với GDP để biết được liệu mức nợ đó có an toàn hay không. Tỉ lệ an toàn được cho là dưới 50%. Trong phần tìm hiểu này, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các khoản nợ nước ngoài vì đây là khối lượng nợ lớn nhất, chiếm hơn 60%, và cũng thường gặp nhiều rủi ro nhất trong quá trình tính toán để trả nợ của Việt Nam.

Trong bản tin nợ nước ngoài năm 2010 của Việt Nam mới được Bộ Tài chính công bố chính thức, con số nợ của Việt Nam tăng rất nhanh. Chỉ sau 1 năm, Việt Nam đã gia tăng thêm 4,6 tỷ đô la tiền nợ; từ nay đến năm 2015, mỗi năm trả nợ cả gốc và lãi cho nước ngoài xấp xỉ 1,5 tỷ đô la, và mức trả nợ cao nhất sẽ rơi vào năm 2020, với con số là 2,4 tỷ đô. Hiện nay, dù cho tổng khối lượng nợ vẫn được cho là trong ngưỡng an toàn, nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là nhiều rủi ro cần phải tính toán.

Nguồn dự trữ ngoại tệ quá thấp

Rủi ro đầu tiên chính là nguồn dự trữ ngoại tệ, trong đó có phần được dành ra cho trả nợ nước ngoài, hiện rất mỏng. Thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy con số này ở mức báo động. Nếu năm 2007, tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với số nợ là 102 lần, thì đến cuối năm 2010, tỷ lệ dự trữ ngoại hối chỉ còn gấp chưa bằng 2 lần tổng số nợ. Số dự trữ này theo TS Vũ Văn Hóa, Trưởng khoa Kinh tế trường Quản lý Kinh doanh Hà Nội có độ rủi ro vì chỉ đủ nhập khẩu vài tuần, ông nói:

Nếu tình hình tài chính thế giới như hiện nay thì nhập khẩu chỉ được vài tuần thôi, nếu mà xảy ra khủng hoảng thì tôi cho rằng lấy ở nguồn nào để nó bù đắp.

TS Vũ Văn Hóa

“Lâu nay Việt Nam nhập nhiều hơn xuất, mà dự trữ ngoại hối ban đầu không có nhiều, trong khi xuất ít, nhập nhiều, thì tôi cho rằng dự trữ ngoại hối đó, trước hết không được ổn định, mà thứ hai là trong một nền kinh tế hơn 86 triệu dân, mà với dự trự ngoại hối được công bố thì tôi cho rằng là nó quá rủi ro.

Nếu tình hình tài chính thế giới như hiện nay thì nhập khẩu chỉ được vài tuần thôi, nếu mà xảy ra khủng hoảng thì tôi cho rằng lấy ở nguồn nào để nó bù đắp, khi các nước khác ở trong khu vực cũng như trên thế giới đang khủng hoảng về ngoại tệ cũng như tài chính nói chung. Cho nên, tôi đánh giá là rủi ro tương đối cao”.

Tiền đồng mất giá nghiêm trọng

Tiền đồng Việt Nam và tiền đô la Mỹ. AFP PHOTO

Do những khoản nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu được quy đổi theo đồng đô la, nên tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ biến động sẽ tạo ra chi phí trả nợ rất lớn. Khi tiền đồng càng mất giá, thì có nghĩa tiền trả nợ càng lớn hơn.

Xu hướng mất giá của đồng Việt Nam hiện đang được xem là nghiêm trọng. Theo số thống kê từ Bộ Tài chính, nếu năm 2007, tiền đồng VN mất giá hơn 2% so với tiền đô la Mỹ, thì đến hết năm 2010, tiền đồng mất giá hơn 10%, chưa kể hồi đầu năm nay, đồng Việt Nam còn bị phá giá thêm hơn 9% nữa.

Với sự mất giá của tiền đồng, cộng với lạm phát tăng mạnh, thì dù những khoản đi vay nợ nước ngoài được hưởng lãi suất ưu đãi thấp từ 1% đến 3%, nhưng các “chi phí ẩn” này sẽ biến các khoản vay bị đội giá lên nhiều lần. Theo lời TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia “chúng ta đã từng vay những khoản vay với tỷ giá lúc đó chỉ chừng 11.000 đồng ăn 1 đô la, thì nay, tỷ giá quy đổi đã lên đến trên 20.000 đồng ăn 1 đô la. Rủi ro lớn nhất của chúng ta chính là tỷ giá hối đoái”.

Ảnh hưởng của thay đổi vị thế

Bên cạnh đó, những khó khăn trong chuyện đi vay nợ nước ngoài cũng còn bắt nguồn từ chính vị thế của Việt Nam. Trong hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm ngoái, Việt Nam đã được rút khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp và hiện được xếp vào các nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Trường Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho thấy đây là một khó khăn tự động cho tất cả các nước đi vay:

Mình ở ngưỡng đầu tiên, dẫu sao chuyển ngưỡng, thì các tiêu chí về cho vay ưu đãi cũng thay đổi một cách tự động, các luồng hay các lượng cho vay hỗ trợ như ODA hoặc các loại tiền khác, thì các lượng sẽ giảm xuống, còn nếu giữ các khoản vay đó, thì lãi suất sẽ tăng lên.

TS Nguyễn Đức Thành

“Việt Nam mới vượt qua ngưỡng hơn $1.000 trên đầu người về mặt thống kê, chuyển từ chế độ các nước có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình nhưng ở mức thấp, tức là ở mức đầu tiên của khối thu nhập trung bình, kéo rất dài từ khoảng hơn $1.000 lên đến gần $10.000.

Mình ở ngưỡng đầu tiên, dẫu sao chuyển ngưỡng, thì các tiêu chí về cho vay ưu đãi cũng thay đổi một cách tự động, các luồng hay các lượng cho vay hỗ trợ như ODA hoặc các loại tiền khác, thì các lượng sẽ giảm xuống, còn nếu giữ các khoản vay đó, thì lãi suất sẽ tăng lên. Đấy là những khó khăn một cách tự động đối với tất cả các nước”.

Theo thống kê, hiện nay tổng giá trị vay ưu đãi ODA năm 2010 của Việt Nam chiếm khoảng 75% tổng số nợ nước ngoài, ngoài ra, có một số khoản vay ưu đãi khác dành cho các nước có thu nhập thấp, lãi suất bình quân dưới 3% một năm. Vì thế, khi đổi sang vị thế mới, Việt Nam sẽ gặp bất lợi cả về lãi suất cao hơn và khối lượng ít hơn đối với các khoản nợ ưu đãi này.

Những bất ổn nội tại

clip_image003

Bộ Tài Chính Việt Nam. RFA photo

Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất, theo TS Thành, chính là bởi rủi ro từ nội tại của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Những bất ổn như lạm phát cao, sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, tham nhũng… khiến lãi suất buộc phải cao hơn, để bù đắp cho những rủi ro này.

“Còn một rủi ro quan trọng hơn nhiều là rủi ro lãi suất mà nó ảnh hưởng từ việc xác định rủi ro vĩ mô của Việt Nam tăng lên. Bởi vì bất ổn vĩ mô trong Việt Nam trong nhiều năm gần đây, độ bất ổn định tăng lên. Khi bất ổn vĩ mô nói chung ở một nước nào đó tăng lên thì khoản vay của các nước đó trong thị trường vốn quốc tế lãi suất phải tăng lên để nó bù đắp những rủi ro tiềm tàng của đất nước ấy. Gần đây bất ổn vĩ mô của mình nó tăng do mình có nhiều vấn đề trong nội bộ nền kinh tế cũng như là việc hội nhập của Việt Nam”.

Tuy nhiên, TS Đức Thành cũng giải thích, các mức lãi suất cao hơn chỉ áp dụng cho những khoản vay mới, vì vậy Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong tương lai khi tiếp cận các khoản nợ mới.

Có thể thấy, những rủi ro tiềm tàng từ các khoản nợ nước ngoài rất cao, thế nhưng khi mang được đồng tiền về Việt Nam, việc sử dụng và đầu tư đồng vốn vay còn rủi ro và bất trắc hơn nhiều, ngoài ý thức của người sử dụng, còn do khả năng quản lý vốn kém cỏi. Trong phần tìm hiểu này, chúng tôi chỉ dừng lại ở những rủi ro khi tính toán tiền vay mượn và sẽ quay lại chủ đề rủi ro khi sử dụng đồng vốn vay trong một chương trình sau.

V.H.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn