Tin trên các báo nước ngoài về cuộc biểu tình sáng Chủ nhật 21/8/2011 tại Hà Nội

–––––––––––––––––––––––––––––––

Công an Việt Nam trấn áp cuộc biểu tình lần thứ 11 tại Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn

Trọng ThànhRFI

Hôm nay, Chủ nhật 21/8/2011, cuộc biểu tình lần thứ 11 tại Hà Nội chống Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông, vẫn diễn ra bất chấp thông báo cấm biểu tình của chính quyền Hà Nội (ngày 18/8/2011). Tuy nhiên, cuộc biểu tình đã bị trấn áp ngay lập tức. Hàng chục người bị bắt đi. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch đã lên tiếng phản đối, yêu cầu công an Việt Nam chấm dứt các hành động đàn áp.

clip_image001

Người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội bị bắt lên xe bus ngày 21/8/2011. REUTERS/Tu Quang

Sự kiện đáng chú ý sáng nay là xung quanh khu vực hồ, nhiều sân khấu ngoài trời do tổ chức đoàn Thanh niên Cộng sản Hà Nội phụ trách đã được dựng lên tại các địa điểm mang tính lịch sử của Hà Nội, như: khu vực tượng Lý Thái Tổ, tượng đài Cảm tử, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Nhà hát Lớn. Theo những quan sát tại chỗ, nhiều thanh niên tham gia biểu diễn đã có mặt từ rất sớm, ngay dưới trời mưa, để chuẩn bị các tiết mục trình diễn phục vụ hai dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám (19/9/1945) và Quốc khánh (2/9/1945). Một số trang mạng bình luận: các cuộc biểu diễn ngoài trời được tổ chức ngay từ sớm để thu hút sự chú ý của dân chúng, nhằm thực hiện kế hoạch “phản biểu tình”.

Trước khi cuộc biểu tình bắt đầu, theo thông tin chưa được kiểm chứng từ một số trang web, sáng sớm nay, tại Thành ủy Hà Nội, đã có một cuộc họp đặc biệt, với sự tham gia của các đại diện của Sở Công an Hà Nội, Quân khu Thủ đô (trong đó có các đại diện lực lượng tăng thiết giáp và đặc nhiệm dù)... để đối phó với cuộc biểu tình.

Vào khoảng 9 giờ sáng, tại Hồ Gươm vài chục người bắt đầu tập hợp lại giương cao cờ và biểu ngữ, và hô khẩu hiệu. Một trong các biểu ngữ ở hàng đầu là: “Tổ Quốc lâm nguy đừng vô cảm!”. Theo AFP, ngoài các biểu ngữ thường dùng, có thêm một biểu ngữ so sánh Trung Quốc với phát xít Đức. Ngay lập tức, loa của chính quyền cũng vang lên yêu cầu chấm dứt cuộc tuần hành và lực lượng an ninh bảo vệ dồn người biểu tình lên hai xe buýt chở khách chờ sẵn.

Theo AFP, khoảng 15 người bị câu lưu, còn theo một số nguồn tin tại chỗ, có đến 30 người bị bắt giữ. Giống như hai cuộc trấn áp đã từng diễn ra trong tháng 7, những người biểu tình cũng bị đưa về đồn Công an Mỹ Đình (huyện Từ Liêm – Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng 10 km.

Nhiều người tham gia biểu tình nhưng không bị bắt đã có mặt, cùng với thân nhân, bạn bè của những người bị bắt tập hợp trước trụ sở Công an phường Mỹ Đình để yêu cầu trả lại tự do cho họ. Theo một số nguồn tin tại chỗ, từ khoảng 14 giờ, công an bắt đầu thả một số người.

Đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, ông Phil Robertson, ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích hành động trấn áp kể trên. Ông tuyên bố “Thật đáng buồn là, chính quyền đã phản ứng quá mức, với sự hiện diện của lực lượng an ninh, đông hơn rất nhiều so với nhóm biểu tình, và có những hành động nhằm ngăn cản không cho họ tập hợp nữa. Thực tế là, những người biểu tình không làm gì sai trái cả. Công an cần trả tự do cho những người bị bắt”.

Cuộc biểu tình lần thứ 11 tại Hà Nội bị đàn áp không nằm ngoài các dự đoán, sau khi chính quyền Hà Nội ra thông báo cấm biểu tình trước đó ít hôm. Bản thông báo kể trên của Ủy ban Nhân dân Hà Nội ngay lập tức đã bị nhiều trí thức, cũng như các công dân khác phản đối, vì vi phạm chính pháp luật của Việt Nam. Một bản Kiến nghị phản đối bản Thông báo phi pháp của Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã được 25 người ký tên, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, và đã được công bố trên Internet. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có câu trả lời nào từ phía chính quyền về kiến nghị phản đối này.

Kể từ khi Thông báo “không dấu và không chữ ký” của chính quyền Hà Nội được công bố, tại nơi cư trú, nhiều người tham gia biểu tình đã phải tiếp các “đoàn công tác đặc biệt” của địa phương bao gồm Công an, đại diện Tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc,… đến vận động không tham gia biểu tình, đó là trường hợp các ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Xuân Diện, Joseph Nguyễn Hữu Vinh,… Theo các nguồn tin trên mạng, dưới áp lực của chính quyền, nhiều người đã bị chính người thân trong gia đình ngăn cản không cho tham gia biểu tình, như trường hợp Giáo sư Ngô Đức Thọ hay bà Đặng Bích Phượng.

Xin nhắc lại là, các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn diễn ra tại Hà Nội vào Chủ nhật hàng tuần kể từ hơn hai tháng nay đã thu hút mỗi lần hàng trăm người tham gia. Theo giới phân tích, chính quyền Việt Nam có thái độ không rõ ràng đối với các cuộc tuần hành này, khi thì để mặc cho diễn ra, khi thì tổ chức ngăn chặn, thậm chí trấn áp.

Ngày 2/8/2011, trong một cuộc họp báo, Giám đốc Công an – Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã tuyên bố: «Không đàn áp những người biểu tình yêu nước». Tuy nhiên, hơn hai tuần sau tuyên bố này, chính quyền đã thay đổi thái độ. Cuộc biểu tình một lần nữa lại bị trấn áp.

T.T.

Nguồn: viet.rfi.fr

–––––––––––––––––––––––––––––––––––

Biểu tình Hà Nội "hàng chục" người bị bắt

BBC

Công an Hà Nội nhanh chóng dập tắt cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 11 tại Hà Nội và bắt đi hàng chục người hôm Chủ nhật 21/8.

clip_image002

Một người biểu tình chống Trung Quốc hôm 21/8/2011 mang biểu ngữ so sánh TQ với chủ nghĩa phát-xít Đức

Hãng thông tấn AP tường thuật từ Hà Nội cho hay những người biểu tình bất chấp lệnh cấm và cảnh báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội từ hôm 18/8, đã bị bắt lên hai chiếc xe bus.

Một nhân chứng nói với hãng này rằng số người bị bắt ít nhất là 40 người. Trong khi một clip trên YouTube cho thấy có thể không dưới 50 người đã bị đưa lên một chiếc xe bus ngay khu vực Hồ Gươm.

Một nguồn tin chưa được kiểm chứng nói rằng blogger Mẹ Nấm [Theo tin của TTXVA, đó là blogger Bùi Hằng – BVN] đã bị "tách riêng đưa về đồn công an quận Hoàn Kiếm".

Trong khi đó, một nguồn khác nói với BBC rằng Tiến sỹ Nguyễn Đức Mậu ở Viện Văn học, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nằm trong số những người bị bắt.

Trang blog của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện cho hay một trang blog khác vốn vẫn đưa tin về các diễn biến biểu tình, là trang blog Ba Sàm đã "ngưng cập nhật từ sau 9h00" giờ địa phương, đồng thời xuất hiện trong nhiều giờ liền một bài báo của tờ Hà Nội mới với tựa đề "Hãy yêu nước bằng những hành động cụ thể".

Bài báo tán đồng quan điểm đưa ra trong thông báo cấm biểu tình của chính quyền TP Hà Nội và dẫn lời một số "quần chúng" để minh họa. Bài báo có đoạn:

"Trong những ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã diễn ra một số cuộc tuần hành, biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, khiến tình hình ANTT trên địa bàn bị ảnh hưởng".

"Nhằm duy trì trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô, UBND thành phố đã có thông báo, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát. Đây là động thái kịp thời, đúng đắn của thành phố Hà Nội được nhiều bạn đọc đồng tình ủng hộ"

Báo Hà Nội Mới Online

"Nhằm duy trì trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô, UBND thành phố đã có thông báo, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát. Đây là động thái kịp thời, đúng đắn của thành phố Hà Nội được nhiều bạn đọc đồng tình ủng hộ," bài viết ký tên Nhóm phóng viên Ban Bạn đọc viết.

Blog của Tiến sỹ Diện cũng xác nhận có mười chín người biểu tình được đưa ra ngoại thành trên một xe bus.

Một đoạn clip trên YouTube tường thuật cảnh người biểu tình hô vang một số khẩu hiệu như "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", "Bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam", "Bảo vệ máu thịt VN," "Bảo vệ Nhân dân VN," "Phản đối TQ đe dọa nhân dân VN", "Phản đối TQ tập trận đe dọa nhân dân VN".

Đặc biệt, đoạn clip còn chiếu cảnh người biểu tình hô một số khẩu hiệu khác như "Đả đảo tay sai bán nước", "Phản đối bắt người yêu nước", "Bảo vệ những người yêu nước".

Đoạn clip này của nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu còn cho thấy cảnh xô đẩy, gom người lên xe của lực lượng an ninh, đa số mặc thường phục, cưỡng chế có thể không dưới 50 người lên một xe buýt ngay tại khu vực Hồ Gươm.

Các hình ảnh từ video clip cũng cho thấy một số phụ nữ đã bị nhân viên an ninh mặc thường phục lôi kéo và áp chế lên xe.

Trên Facebook của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập, tức blogger Quê Choa viết: "Sáng nay biểu tình chỉ diễn ra 5 - 7 phút, liền bị hốt lên xe bus, những người biểu tình vẫn đưa được biểu ngữ ra thành xe và hô vang khẩu hiệu, thật cảm động".

Cách đây ba hôm, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo yêu cầu người dân ngừng biểu tình với lý do sự bày tỏ lòng yêu nước đã bị 'các thế lực chống đối trong và ngoài nước lợi dụng'.

Thế nhưng giới blogger ở Hà Nội cho hay, nhiều người vẫn tập trung tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội vào sáng sớm Chủ nhật cho dù trời mưa.

Đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 11 tại Hà Nội.

Được biết an ninh được siết chặt tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, nơi cũng có kêu gọi xuống đường chống Trung Quốc nhưng nỗ lực này dường như đã không thành hiện thực.

Từ khi bắt đầu có làn sóng tuần hành phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông vào đầu tháng Sáu ở trong nước, chỉ có hai cuộc biểu tình diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

clip_image004

Những người biểu tình chống Trung Quốc hôm 21/8/2011 bị hốt lên xe bus đưa ra khỏi địa điểm phản đối

Xe buýt trực sẵn

Khoảng gần 9 giờ sáng thì cuộc biểu tình ở Hà Nội được nói đã bắt đầu. Vài chục người tham gia hô vang các khẩu hiệu và mang theo mình nhiều biểu ngữ phản đối chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Hãng thông tấn Pháp AFP tường thuật trong số đó có biểu ngữ so sánh Trung Quốc với Đức Quốc xã, gọi nước này là 'Chinazi'.

AFP nói chỉ vài phút sau, công an mặc thường phục được huy động cưỡng chế những người biểu tình lên hai chiếc xe buýt đã chờ sẵn tại khu vực.

Hai xe này đi về hướng Mỹ Đình, với những người trên xe trương biểu ngữ lên cửa kính.

Một người phụ nữ, theo AFP, bật khóc khi nhìn cảnh người tuần hành bị bắt lên xe.

Được biết hôm thứ Bảy 20/8, chính quyền đã cử đại diện tới nhà nhiều người từng tham gia tuần hành chống Trung Quốc những tuần qua, mục đích là cả thuyết phục và răn đe họ trước sự kiện ngày Chủ nhật.

Lần đầu tiên, giới chức lập các bục diễn văn nghệ của thanh niên tại khu vực trung tâm Hà Nội, mà nhiều người bình luận là để "phản tuyên truyền" trước hoạt động biểu tình hay là "phản biểu tình".

Thông báo hôm 18/8 của UBND TP Hà Nội lên án các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải vừa qua là gây ảnh hưởng an ninh trật tự, làm tổn hại hình ảnh thành phố vì hòa bình của Hà Nội và ẩn chứa các nguy cơ về chính trị đối với chính quyền.

Văn bản cũng nói thêm là các cuộc biểu tình đã tác động không tốt đến đường lối, quan hệ của Đảng và Nhà nước đối với Trung Quốc.

clip_image005

Các biểu ngữ được trương lên cửa kính xe buýt

Trong số các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Hà Nội, đây là lần thứ ba công an ra tay bắt người tham gia, các cuộc còn lại diễn ra một cách ổn thỏa.

Bắc Kinh đã một vài lần yêu cầu Hà Nội tăng cường 'định hướng dư luận' trước sự phản đối ngày càng gia tăng trong dân chúng Việt Nam trước các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mới đây, Giám đốc Công an Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nói với báo chí rằng chính quyền "không có chủ trương trấn áp người biểu tình".

Nguồn: bbc.co.uk

––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Nhiều người biểu tình bị bắt

RFA

Sáng nay Chủ nhật 21-8-2011, bất chấp lệnh cấm biểu tình của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều người Việt Nam yêu nước vẫn tập trung biểu tình phản đối Trung Quốc.

clip_image006

Người biểu tình tiếp tục giăng biểu ngữ, hô khẩu hiệu, sau khi đã bị bắt đưa lên xe chở đi. NXD's blog

Cuộc biểu tình bắt đầu vào lúc 8:50 phút nhưng chỉ diễn ra được chừng 5 – 7 phút thì lực lượng an ninh đã ra tay bắt giữ nhiều người, đưa lên be buýt chờ sẵn, chở ra hướng ngoại thành Hà Nội.

Theo tường thuật của giới blogger thì mặc dù đã bị bắt đưa đi, nhưng khi xe chạy từ Bờ Hồ, theo đường Đinh Lễ, vào trước tòa nhà Ngân hàng nhà nước, những người biểu tình vẫn tiếp tục hô to hai tiếng Việt Nam. Các khẩu hiệu, biểu ngữ phản đối Trung Quốc được người biểu tình đưa ra phía cửa kính xe…

Hãng thông tấn AFP trong bản tin gửi đi từ Hà Nội lúc 10 giờ sáng, cho biết đã có ít nhất 15 người biểu tình bị lực lượng an ninh Việt Nam cả sắc phục và thường phục, bắt đưa lên xe buýt chở đi.

Nhắc lại, liên tục từ đầu tháng Sáu tới nay, phẫn uất trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc như vi phạm lãnh hải, phá hoại các quyền lợi kinh tế cũng như bắt giữ đánh đập ngư dân Việt Nam; nhiều nhân sĩ trí thức và người dân Việt Nam đã tập trung biểu tình vào mỗi sáng Chủ nhật, trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội cũng như Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM để phản đối.

Thế nhưng, đến ngày 18-8 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra thông báo ngăn cấm tất cả các cuộc tụ tập, biểu tình trên địa bàn thành phố.

Dù vậy, nhiều người cho rằng văn bản cấm biểu tình của chính quyền thành phố Hà Nội là không phù hợp với hiến pháp Việt Nam, theo đó người dân có quyền được tự do bày tỏ lòng yêu nước.

Nguồn: rfa.org

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Hà Nội giải tán cuộc tuần hành chống Trung Quốc ngày 21/8

VOA

Công an Việt Nam bắt giữ hàng chục người tham gia cuộc tuần hành chống Trung Quốc hôm nay tại thủ đô Hà Nội.

clip_image007

Công an mặc thường phục bắt người biểu tình lên xe buýt sau khi giải tán một cuộc tuần hành chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày Chủ nhật 21/8/2011. Hình: ASSOCIATED PRESS

Chỉ vài phút sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, công an mặc thường phục xông vào đoàn người tuần hành và ép ít nhất 40 người biểu tình phải lên những chiếc xe buýt chờ sẵn rồi đưa họ đi nơi khác.

Anh Dũng, một trong những người bị bắt về đồn công an vừa được thả chiều nay cho ban Việt ngữ VOA biết: "Sáng nay, mọi người tập trung ở Bờ Hồ để bắt đầu biểu tình. Khi vừa đưa băng rôn, khẩu hiệu lên và đi được khoảng 5, 7 mét thì bị công an đàn áp và bắt lên xe buýt. Lúc em bị bắt lên xe đầu tiên có khoảng 30 người bị bắt. Em nghe nói có hai chuyến xe buýt".

VOA: Bạn bị giữ trong bao lâu và nội dung làm việc với chính quyền ra sao?

Dũng: Em bị bắt từ 9 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều em mới được thả ra, sau khi họ bắt lăn dấu tay về tội biểu tình không xin phép. Họ nói phạt hành chính cảnh cáo.

VOA: Có bao nhiêu người được thả cùng lúc với bạn và bao nhiêu người còn bị giữ lại?

Dũng: Lúc đó chỉ khoảng 5, 6 người được thả. Tất cả đều bị lăn dấu vân tay và bị chụp ảnh. Lúc em được thả, khoảng 25 người còn bị giữ.

VOA: Bạn bị đưa về đồn công an nào?

Dũng: Đồn công an số 1 huyện Từ Liêm. Nhiều người bị bắt và bị đưa về nhiều đồn khác nhau. Cô Bùi Hằng, một trong những người biểu tình rất năng nổ, bị đưa đi nơi khác. Họ bắt em viết biên bản rằng "Tôi đã sai khi đi biểu tình" và nói không được tái phạm nữa.

Hôm thứ Năm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra lệnh chấm dứt các cuộc tuần hành chống Trung Quốc, và cảnh cáo là chính quyền sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết đối với những người bất tuân.

Thông báo của chính quyền Hà Nội mô tả các cuộc tuần hành chống Trung Quốc là tự phát, khởi nguồn từ lòng yêu nước, nhưng cho rằng các cuộc biểu tình đã làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và hình ảnh thủ đô cũng như tác động tiêu cực đến các hoạt động ngoại giao của đảng và nhà nước Việt Nam.

Trước đó, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc công an Hà Nội, tuyên bố các cuộc tuần hành chống Trung Quốc là hành động yêu nước và chính quyền không chủ trương đàn áp hay bắt bớ người biểu tình.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, một nhân sĩ trí thức thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội phản hồi trước tuyên bố của người người đứng đầu ngành an ninh ở Hà Nội, thông báo của Ủy ban Nhân dân, và thực tế những gì diễn ra trong cuộc tuần hành ở thủ đô ngày 21/8:

"Họ đang tìm cách đối xử với những cuộc biểu tình của dân chúng bày tỏ lòng yêu nước. Phát ngôn của Tướng Nhanh, ở một mức độ nào đó, được sự đồng tình khi thừa nhận các cuộc biểu tình này là yêu nước. Còn vế thứ hai trong phát ngôn của ông nói rằng không có chủ trương đàn áp thì có mâu thuẫn với thông báo vừa rồi [của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội]. Điều này cho thấy về phía chính quyền, nhà nước đang tìm thái độ ứng xử với các cuộc biểu tình, một hiện tượng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Như vậy, có thể coi đây là một sự tập sự dân chủ cả về phía chính quyền lẫn phía người dân".

Đây là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 11 tại Hà Nội trong vòng 12 tuần qua, tính từ đầu tháng 6 tới nay.

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn