Về miền... hạt nhân

Mỹ Lệ

clip_image002

Bảng thông tin về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tuy được treo đã lâu nhưng lại ghi “Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt ngày 5.11.2011

 
SGTT.VN - Tôi không theo đoàn đại biểu dự hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc tham quan địa điểm dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), mà quá giang xe của đồng nghiệp thường trú ở đây vì tin vào “thổ địa”. Thế nhưng thổ địa cũng đi lạc, và tôi có đi một ngày lạc đường, mới biết một sàng... “thông tin”.

Tới một ngã ba, nơi có một nhánh là con đường mới, lớn hơn đường cũ nhiều, người dẫn đường quẹo vào đường mới, đi đúng luật trên làn bên phải. Được vài cây số thì đụng một chiếc xe xúc trước mặt. Thì ra đường đang làm, chỉ đi được trên làn bên trái, vốn cao hơn làn bên phải cả mét. Vậy là phải quay lại để chuyển làn. Được vài cây số thì đụng công trình tại một con suối khô, người quản lý giải thích công nhân đang làm cầu, đường dẫn vào khu vực nhà máy điện hạt nhân tương lai. Thì ra, cả một vùng rộng lớn toàn đồi cát, đất và nắng này đã là xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. May mà qua được vì đường mới thông với đường cũ chạy dọc bờ biển dẫn vào khu dân cư thôn Vĩnh Trường, nơi sẽ phải di dời để dành đất cho nhà máy.

Trên xe, vừa đọc tham luận “Một số vấn đề địa chất cần quan tâm ở khu vực… ” do TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, làm Chủ nhiệm, chúng tôi vừa dò tìm địa danh “Suối Mía” thuộc Phước Dinh từ bản đồ định vị vệ tinh GPS trên điện thoại di động, nơi ông cho rằng có đứt gãy và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của các công trình xung quanh. Cũng theo ông, thực tế này đã bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây. Bản đồ không thể hiện địa danh này.

Nhận dạng theo mô tả của các nhà khoa học rằng suối này nằm gần chỗ biển lõm sâu vào đất liền, tàu thuyền thường ghé vào đậu, chúng tôi dừng lại ở một con suối cạn (duy nhất dọc đường theo quan sát). Dân địa phương nói suối không có tên, vì mọc nhiều cây môn nên đặt tên là suối Môn. Chuyện đứt gãy thì họ tuyệt nhiên không hiểu và không biết, vì như vị tiến sĩ này tả, nó “tuy không thể hiện rõ trên đất liền nhưng ở dưới biển thì rõ dưới dạng một lạch nước ngầm”. Cuộc cưỡi... xe xem… “đứt gãy” của chúng tôi dừng tại suối Môn với đồng thuận nó thuộc phạm trù… ngoài vùng phủ sóng với người thường. Không biết rồi tác động thứ hai của đứt gãy (dịch chuyển, làm biến dạng, phá huỷ nền móng công trình) mà tác giả lưu ý sẽ được những người có trách nhiệm quan tâm tới đâu, trên tinh thần “khoa học” đến mức nào?...

Ngay cạnh nhà văn hoá cộng đồng thôn Vĩnh Trường là hai tấm bảng lớn, một thông tin về “Mặt bằng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1”, một về “Quy hoạch chi tiết xây dựng khu tái định cư của dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1”. Lạ một điều, hiện mới là ngày 20.8.2011 nhưng bảng thông tin về quy hoạch tái định cư lại ghi “Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 5.11.2011”. Người dân ở đây không phát hiện ra sự vô lý này cho tới khi chúng tôi… thắc mắc.

Không biết có phải vì được tuyên truyền ba chữ “điện hạt nhân” liên quan đến an ninh quốc gia (như giải thích) hay vì lý do gì khác mà người dân ở đây thể hiện tinh thần cảnh giác cao độ. Thấy chúng tôi dừng xe, loay hoay chụp hình, họ chạy bộ báo cáo Trưởng thôn liền. Nhờ tinh thần cảnh giác này mà chưa tìm, chúng tôi đã gặp được Trưởng thôn Nguyễn Thành Du. Nhận ra một đồng nghiệp của tôi là người quen, chúng tôi không bị ông hỏi giấy tờ “theo nguyên tắc” nữa.

Theo lời ông Trưởng thôn này thì thôn có khoảng 170 hộ với khoảng 680 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề đi biển và nuôi tôm. Ngoài hai tấm bảng trên thì chưa có ai làm việc trực tiếp với dân về chuyện xây dựng nhà máy, giải toả, di dời. Cá nhân ông “chưa rõ sẽ được đền bù ra sao, nhưng tinh thần là sẽ chấp hành nghiêm túc quyết định của Nhà nước” vì “Trưởng thôn cần làm gương”. Yếu tố “Trưởng thôn” và “làm gương” được ông Du nhấn mạnh, không biết có phải vì rút kinh nghiệm chuyện cách nay chừng một năm, hàng trăm căn nhà trái phép đã mọc lên ở đây để đón đầu đền bù. Lúc đó, ông cho rằng “tuy đất đã quy hoạch nhưng nếu bà con xây nhà thì khi giải toả cũng phải đền bù” và “ bà con chỉ cơi nới, sửa chữa”. Còn ông Phạm Văn Nên, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh thì phân bua: “UBND xã đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương đầu tư dự án, đồng thời vận động dân không xây dựng nhà ở trên vùng đất đã quy hoạch”.

Các nhà khoa học đầu ngành đáng kính đang rất nỗ lực đi những bước đi căn bản, thận trọng, nhiều người ý kiến nên lùi thời gian xây nhà máy để có thời gian đào tạo nhân lực.

Theo bảng quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy này thì tổng diện tích chiếm đất của dự án là 502 ha (trong đó khu vực nhà máy chính 90 ha, sân phân phối 33 ha, còn lại là vùng cách ly 1 km tính từ hàng rào nhà máy), diện tích trên biển là 310 ha (trong đó khu vực cảng 38 ha, còn lại là vùng cách ly). Về công nghệ, nhà máy sẽ sử dụng loại lò nước áp lực PWR. Quy hoạch thể hiện hai “đường vào nhà máy”. Có lẽ con đường mà chúng tôi đi lạc đúng là đường vào nhà máy như những người thi công nói. Theo nghị quyết của Quốc hội, dự án sẽ khởi công vào năm 2014 nhưng với điều kiện phải đảm bảo mọi tiêu chuẩn an toàn. Mới trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, con đường quy mô – hạ tầng cơ bản này đã được làm, phải chăng dựa trên “niềm tin” là yêu cầu về an toàn sẽ khả thi?

Buổi tối, ra ga Tháp Chàm để về lại Sài Gòn, thật ngạc nhiên khi gặp Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng hạt nhân Đà Lạt. Danh sách đại biểu chính thức không có ông, nhưng trong khi chúng tôi đi Phước Dinh thì ông có mặt để làm việc “bên lề” là thảo luận với một số nhà khoa học dự hội nghị về việc lựa chọn, biên tập một số nghiên cứu có chất lượng được trình bày tại hội nghị để gửi đăng tạp chí khoa học quốc tế.

clip_image004

Thi công cầu đường vào nhà máy điện hạt nhân tương lai?

Chợt nhớ đến tâm trạng của Giáo sư Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện Năng lượng. Ông là một trong những người đầu tiên khởi xướng giấc mơ điện hạt nhân, nhưng tới giờ vẫn chưa yên tâm với công tác chuẩn bị nhằm đảm bảo yêu cầu tối thượng về an toàn nên thấy mình… có trách nhiệm thúc đẩy hơn nữa với việc này. Các nhà khoa học đầu ngành đáng kính đang rất nỗ lực đi những bước đi căn bản, thận trọng, nhiều người ý kiến nên lùi thời gian xây nhà máy để có thời gian đào tạo nhân lực.

Rồi nghĩ đến tâm trạng của người dân Vĩnh Trường, ở khía cạnh khác, một khi đã nghe đến quy hoạch, di dời thì muốn mọi chuyện đền bù được giải quyết nhanh để ổn định cuộc sống vì trong thời gian này, nhiều hoạt động sẽ bị ngưng trệ. Họ không biết điện hạt nhân là gì, cũng như chuyện đứt gãy, nên không có trong mình câu hỏi về sự an toàn, dù khu tái định cư không xa nhà máy.

Mọi sự tuỳ thuộc vào những người có quyền quyết định đối với dự án, vào tinh thần trách nhiệm đối với đề bài an toàn mà Quốc hội đặt ra.

Chưa biết việc này sẽ thế nào nhưng vẫn xin lấy tựa ghi chép này là về miền… (điện) hạt nhân, vì dù sao câu chuyện này cũng từng xôn xao một vùng đất.

TP HCM ngày 21.8.2011

M.L.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn