Ngoại trưởng Ấn Độ công du Việt Nam với Biển Đông trong chương trình nghị sự

Trọng Nghĩa

clip_image001  

Tàu Hải quân Ấn Độ Navy INS Airavat. Theo India Navy

 

Theo báo chí Ấn Độ vào hôm nay, 13/09/2011, Ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna sẽ công du Việt Nam trong 4 ngày kể từ ngày mai 14/9. Khi được hỏi về khả năng hai bên có sẽ thảo luận hay không về vụ tàu Airavat của Ấn bị hải quân Trung Quốc “sách nhiễu” tại Biển Đông, ngoài khơi Việt Nam, các nguồn tin chính thức tại New Delhi xác định rằng hai bên “không loại trừ bất kỳ chủ đề nào”.

Ngoại trưởng Ấn Độ đến Hà Nội từ ngày 14/9 đến ngày 17/9, để cùng với đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh chủ trì kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt - Ấn lần thứ 14. Ngoài ra, chuyến đi này cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng tới.

Theo phía Ấn Độ, chương trình nghị sự của cuộc họp khá rộng, và hai bên có thể mở rộng thảo luận ra bất kỳ lãnh vực nào. Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, chính quyền New Delhi đã phải xác định như trên, sau khi bị chất vấn là liệu có sẽ cùng thảo luận với phía Hà Nội về vụ tàu Airavat hay không.

Xin nhắc lại là “sự cố Airavat” xảy ra ngày 22/7, khi chiến hạm Ấn Độ bị hải quân Trung Quốc “quấy nhiễu” vào lúc đang trên đường từ Nha Trang ra Hải Phòng trong khuôn khổ một chuyến ghé thăm hữu nghị Việt Nam. Dù di chuyển cách bờ biển Việt Nam chỉ 45 hải lý mà thôi, nhưng chiếc tàu Ấn Độ đã bị hải quân Trung Quốc hạch hỏi là làm gì trong vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Hành động của hải quân Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia cho là nhắm thách thức cả Việt Nam lẫn Ấn Độ. Phản ứng của Việt Nam trước vụ này bị cho là quá yếu ớt. Ngày 25/8 khi được hỏi về sự cố liên quan đến tàu Airavat bị tàu Trung Quốc khiêu khích ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã từ chối bình luận, khi cho rằng Việt Nam “Không có thông tin như phóng viên hỏi”.

Phản ứng phía Ấn Độ được cho là cứng rắn hơn, khi Bộ Ngoại giao nước này khẳng định quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế, kể cả Biển Đông và yêu cầu mọi quốc gia tôn trọng quyền qua lại theo luật pháp quốc tế.

Theo nhật báo Times of India, không chỉ có Ấn Độ là bị Trung Quốc sách nhiễu như trên, mà tàu của các nước như Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei đều đã ghi nhận những sự cố tương tự, chứng tỏ rằng Bắc Kinh ngày càng có thái độ quyết đoán hơn trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, Times of India ghi nhận là Ấn Độ và Việt Nam là đã tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh, với việc New Delhi tham gia đào tạo nhân lực, đồng thời cung cấp cho Việt Nam các loại phụ tùng dùng cho tàu chiến, phi cơ do Nga chế tạo.

Kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp Việt - Ấn lần này được mở ra không đầy một tháng sau cuộc Đối thoại Chiến lược lần thứ 2 và Tham khảo Chính trị lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 8 tại Hà Nội ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong các cuộc họp kể trên, hai bên đã đề cập đến nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước, đồng thời cho rằng “cần giải quyết vấn đề Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982”.

T.N.

Nguồn: viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn