Thái Lan có thể bỏ ngôi số 1 xuất khẩu gạo

Supunnabul SuwannakijDaniel Ten Kate

Trông người lại nghĩ đến ta!

Đỗ Trọng Tiến

Phó thủ tướng Kittiratt Na-Ranong tuyên bố chính phủ Thái Lan muốn từ bỏ ngôi số 1 trên thế giới về xuất khẩu gạo bằng cách mua gạo trực tiếp để nâng giá và tăng lợi tức cho nông thôn.

Ông Kittiratt tuyên bố khi được phỏng vấn hôm qua: “Chúng tôi sẽ không thụt lùi (trong quyết định này) vì nếu không giúp được người nông dân thì có chính phủ để làm gì?”. Tôi không có gì tự hào là nước xuất khẩu gạo hàng đầu. Tôi tự hào là người nông dân Thái có thể trồng trọt và bán sản phẩm với giá phải chăng và có thể cười vui”.

Bà Thủ Tướng Yingluck Shinawatra đang che chở 66 triệu người dân Thái khỏi ảnh hưởng của nạn kinh tế trì trệ toàn cầu bằng cách giúp người nghèo có thêm lợi tức. Chính những người nghèo này đã giúp đảng của bà thắng lợi trong kỳ bầu cử tháng 7 vừa qua. Ông Sarunyu Jeamsinkul, Phó giám đốc công ty xuất khẩu lớn nhất là Asia Golden Rice, cho là chương trình cam kết giá mua gạo (cho nông dân) có thể làm giá gạo xuất khẩu tăng 20% và khiến Thái Lan mất đi một phần thị trường.

“Điều này sẽ gây khó cho các nhà xuất khẩu. Rất khó có được giao kèo ở mức giá cao đó”, ông Saruynu nói qua điện thoại từ Bangkok. Ông cho rằng giá gạo xuất khẩu có thể tăng lên tới 750 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu là 629 USD/tấn vào ngày 7 tháng 9 vừa qua theo tài liệu của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan.

Giá tương lai của gạo vào thời điểm 11:54 sáng (12/9/2011) trên thị trường chứng khoán Chicago tăng 0,2%, thành 18,4 USD mỗi tạ 100 cân Anh [khoảng 45 kg]. Nó có triển vọng là cao nhất từ ngày 30/9/2008, khi thị trường bãi phiên vào ngày này.

Xuất khẩu sẽ giảm

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan với 30% số lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, năm nay sẽ giảm xuất khẩu từ 10 triệu tấn xuống 8 triệu tấn. Việt Nam, nước xuất khẩu nhiều thứ hai, có thể giảm xuất khẩu 8,6% xuống còn 6,4 triệu tấn vào năm tới.

“Tôi tin rằng nếu ta phải xuất khẩu ít đi, thì giá trị của xuất khẩu cũng vẫn lớn hơn”, ông Kittiratt nói như vậy tại Bangkok. Theo như tài liệu của Liên hiệp các nhà Xuất khẩu Thái, xuất khẩu tăng 55% từ đầu năm tới ngày 5 tháng 9, tổng cộng là 8,3 triệu tấn.

Chính phủ Thái dự định trả 15.000 baht (498 USD) mỗi tấn thóc gạo trắng chưa xay, và 20.000 baht (664 USD) mỗi tấn thóc gạo thơm Hom Mali, nghĩa là khoảng 47% cao hơn giá hiện hành, theo sự tính toán của Bloomberg dựa theo các dữ kiện của Hiệp hội các nhà xay lúa Thái. Chính phủ Thái bắt đầu mua ngày 7 tháng 10/2011.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất từ năm 1981, và việc chính phủ Thái dự tính tăng thu nhập cho nông dân có thể làm tăng giá gạo toàn vùng (Đông Nam Á), vùng sản xuất 87% gạo tiêu thụ trên thế giới.

Giá cả vẫn “phải chăng”

Ông Kittiratt nói: “Đâu có phải chúng tôi tăng giá gấp ba, bốn năm lần để buộc người ăn cơm phải đổi qua ăn bánh mì hoặc ngũ cốc khác. Tôi tin chắc rằng giá mua chính phủ đề ra là phải chăng. Tôi sẽ không vui chút nào nếu giá gạo tăng cao hơn chúng tôi đề nghị”.

Ông Abah Ofon, một chuyên gia của hãng Standard Chartered nói trên TV Bloomberg hôm nay: “Có khả năng là giá cao đó sẽ tồn tại 12 tháng. Câu hỏi là chính phủ Thái có thể duy trì giá mua đó bao lâu”.

Giá gạo Thái hạng B, loại gạo tiêu biểu của Á Châu, đã tăng 21% từ ngày bầu cử 3 tháng 7 (2011) vì người ta tin rằng bà Thủ tướng Yingluck sẽ nêu lại chính sách mà anh của bà là (cựu Thủ tướng) Thaksin Shinawatra đưa ra.

Theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp, khoảng 35% người dân Thái làm nghề nông. Trong cuộc bầu cử tháng 7, đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã thắng 153 trong số 195 ghế dành cho miền Bắc và Đông Bắc, nơi mà thu nhập bình quân chỉ bằng 1/3 thu nhập tại Bangkok.

Chính sách của Thaksin

Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp, lần cuối các đồng minh của ông Thaksin còn nắm quyền năm 2008, chính phủ mua 10,5 triệu tấn gạo từ gần một triệu nông dân. Theo tài liệu của ngân hàng, chính phủ bán lại gạo đó với giá thị trường thấp hơn, và bị lỗ khoảng 43 tỉ baht (1,4 tỉ USD).

Giá gạo tại địa phương tăng cao tới 17.000 baht một tấn (564 USD/t) vào tháng 4 năm 2008, và giá xuất khẩu tăng kỷ lục tới 1.038 USD/t vào tháng 5, khi Trung Quốc và Việt Nam cũng hạn chế xuất khẩu gạo. Việc này gây xáo động tại Haiti và Ai Cập.

Ông Kittiratt nói tiếp: “Quí vị hãy nhìn vào giá gạo và giá lúa mì 5 năm trước đây và nhìn vào số phần trăm tăng giá. Chương trình chúng tôi làm không phải là muốn vượt xa các chọn lựa tương tự. Chúng tôi mong người mua và người bán thông cảm cho”.

Báo tiếng Thái, Krungthep Turakij, đăng ý kiến của Tổng giám đốc Luck Wajananawatch là Ngân hàng Nông nghiệp dự tính dùng 400 tỉ baht cho chương trình này.

“Không có nạn thiếu cung”

Theo báo cáo ngày 12 tháng 9, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính là thế giới sẽ gặt được 458,4 triệu tấn lúa trong mùa 2011-2012, nhờ thu hoạch cao hơn dự đoán tại Brazil, Trung Quốc và Phi Luật Tân. Đây là năm thứ hai được mùa để cung vượt trội hơn cầu và làm giá của các công ty liên hệ trên thị trường chứng khoán tăng lên cao nhất từ 9 năm nay.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thương vụ lúa gạo sẽ giảm 4,2% vào năm tới, nghĩa là chỉ tới mức 31,8 triệu tấn.

Ông Ofon nói: “Trong tương lai, các nguyên tắc về cung cầu sẽ kích hoạt. Thị trường không thiếu gạo. Thực ra việc tiêu thụ gạo trong vùng giảm đi. Khi người dân có nhiều tiền hơn,họ dùng ít gạo đi và thay vào đó các thức ăn có nhiều protein hơn”.

S.S.D.T.K.

Nguồn: Bloomberg News, 9-13-2011

Đỗ Trọng Tiến phỏng dịch

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn