Mua tạm trữ gạo để cứu thị trường

Nam Nguyên, Phóng viên RFA

Dự báo kém lạc quan về hợp đồng xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực VFA và mức tồn kho cao đã kéo thị trường đi xuống.

VIETNAM-ECONOMY-FARM-RICE-TRADE

Lúa được phơi cho khô trước khi đóng bao bì. AFP

Sau khi tăng giá kỷ lục vào cuối tháng 10, giảm bớt nhưng vẫn cao trong tháng 11, đến giữa tháng 12 hiện nay giá lúa loại thường ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm trung bình hơn 1.000đ/kg, từ mức 7.600đ/kg lúa khô 50404 chỉ còn khoảng 6.300đ/kg, lúa tươi thương lái mua tại ruộng khoảng 5.600 đ/kg. Giống 50404 là lúa hạt tròn năng suất cao được xem là phẩm cấp thấp, nông dân rất chuộng giống này vì dễ làm.

Lúa xuống giá vì thiếu hợp đồng xuất khẩu

Nông dân Tám Cước ở Cần Thơ bầy tỏ sự lo lắng cho vụ đông xuân mà ông sẽ thu hoạch sau Tết khoảng tháng 3 dương lịch sang năm:

“Giá lúa đang xuống tình hình không sáng sủa, còn có hơn sáu ngàn một kg, hy vọng khi có lúa có thay đổi gì không… kiểu này năm nay nông dân nào muớn đất làm là chết luôn, có một số nông dân muớn đất 1 công tầm lớn 1.296 mét vuông giá 5 triệu đồng một năm, không khéo bị lỗ lấy gì sống”.

Thời báo Kinh tế Saigon đưa tin giá lúa gạo liên tục lao dốc và được dự báo sẽ còn duy trì ở trạng thái ảm đạm cho đến quí 1 năm tới. Đó là hậu quả của việc thiếu vắng các hợp đồng xuất khẩu, ngoài một vài hợp đồng tập trung cấp chính phủ.

“Giá lúa đang xuống tình hình không sáng sủa, còn có hơn sáu ngàn một kg, hy vọng khi có lúa có thay đổi gì không… kiểu này năm nay nông dân nào muớn đất làm là chết luôn, có một số nông dân muớn đất 1 công tầm lớn 1.296 mét vuông giá 5 triệu đồng một năm, không khéo bị lỗ lấy gì sống”. 

Nông dân Tám Cước

PHILIPPINES-VIETNAM-FOOD-RICE-ECONOMY-INFLATION

Gạo xuất khẩu được chuyển lên tàu. AFP

Theo chỗ chúng tôi tìm hiểu hồi tháng 10 và nửa đầu tháng 11 giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng cao, vì người dân theo giá lúa bên Thái Lan được chính phủ nước này trợ cấp, theo đó tương đương 10.000đ/kg lúa thường. Lúc đó VFA cũng đã vận dụng báo chí đưa tin rất sớm về tình hình gạo Ấn Độ và Pakistan tham gia thị trường với mức giá thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 100 USD/ tấn, việc này được cho là nằm trong mục đích kéo giá lúa xuống nhưng đã chỉ có ít tác dụng. Nguyên do là nông dân sau khi thắng lợi vụ hè thu 2011, có đủ sức để trữ lúa lại và chỉ bán ra với giá cao, trong lúc đó nhiều doanh nghiệp cần giao hàng theo hợp đồng đã ký nên buộc phải mua giá thỏa thuận. Tuy nhiên đến thời điểm giữa tháng 12 khi vụ thu đông chỉ còn khoảng trên dưới 100.000 héc-ta chưa thu họach thì nông dân những ai có lúa đành phải bán ra. Dù sao mới mức lúa tươi 50404 giá 5.400-5.600 bán tại ruộng thì nông dân vẫn có phần lời dù không còn là mức lời ngoài sức tưởng tượng, khi giá lúa lên tới 7.600đ/kg hồi cuối tháng 10 nữa.

Để chuẩn bị thu hoạch Nhà nước sẽ yêu cầu các ngân hàng cung cấp tín dụng để doanh nghiệp mua tạm trữ theo giá thị trường, nông nghiệp tính theo mùa vụ, bây giờ theo giá thỏa thuận ngoài thị trường thôi mình đâu có mua thấp hơn được

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT

Trang mạng điện tử của Bộ Công thương ngày 14/12 đưa tin chính phủ sẽ chỉ đạo mua tạm trữ để bảo vệ giá lúa cho nông dân trong đợt thu hoạch sau Tết. Vụ đông xuân 2011-2012 đồng bằng sông Cửu Long canh tác trên diện tích gần 1.600.000 héc-ta và có thể đưa ra thị trường khoảng  gần 10 triệu tấn lúa tương đương 6 triệu tấn gạo.

Trả lời chúng tôi vào tối ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông Thôn Diệp Kỉnh Tần xác nhận chủ trương mua tạm trữ vụ đông xuân sắp tới. Ông nói:

“Để chuẩn bị thu hoạch Nhà nước sẽ yêu cầu các ngân hàng cung cấp tín dụng để doanh nghiệp mua tạm trữ theo giá thị trường, nông nghiệp tính theo mùa vụ, bây giờ theo giá thỏa thuận ngoài thị trường thôi mình đâu có mua thấp hơn được, mua thấp hơn thì nông dân người ta đâu có bán”.

clip_image003

Một loại gạo thơm được ưu chuộng. Source Yume.vn

Theo báo Công Thương Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần lo ngại về lượng hợp đồng xuất khẩu quá ít, thông thường vào thời điểm cuối năm, tổng lượng hợp đồng xuất khẩu cho quí 1 năm sau ít nhất phải đạt từ 1,5 triệu tới 2 triệu tấn gạo. Thế nhưng đến thời điểm chỉ còn hai tuần là hết năm 2011, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu mới ký được 700 ngàn tấn cho năm 2012 và gạo tồn kho vẫn còn hơn 1 triệu tấn.

vào thời điểm cuối năm, tổng lượng hợp đồng xuất khẩu cho quí 1 năm sau ít nhất phải đạt từ 1,5 triệu tới 2 triệu tấn gạo. Thế nhưng đến thời điểm chỉ còn hai tuần là hết năm 2011, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu mới ký được 700 ngàn tấn cho năm 2012 và gạo tồn kho vẫn còn hơn 1 triệu tấn.

báo Công Thương

Ông Tần cho biết, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn ưu đãi để thu mua lúa gạo tạm trữ. Tuy nhiên Bộ cần được báo cáo cụ thể về lượng gạo tồn kho của 2 Tổng Công ty lương thực miền Nam và Miền Bắc trước khi chỉ đạo hai đơn vị này thực hiện mua tạm trữ. 

Theo trang mạng của Công ty Lương thực Sóc Trăng, giá gạo xuất khẩu các loại của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Thái Lan khoảng 70 USD/tấn nhưng lại cao hơn gạo cùng loại của Pakistan, Ấn Độ từ 70-100 USD/tấn. Cụ thể gạo phẩm cấp thấp 25% Việt Nam chào giá 490 USD/tấn  so với 395 USD/tấn của Pakistan, gạo phẩm cấp trung bình 15% tấm thì Việt Nam chào 510 USD/tấn trong khi của Pakistan là 420 USD/tấn. Riêng gạo chất lượng cao 5% tấm giá gạo Việt Nam 520 USD/tấn trong khi của Pakistan là 450 USD/tấn. Hiện nay gạo Việt Nam chỉ thuận lợi về giá so với Thái Lan và hoàn toàn mất tính cạnh tranh nếu Ấn Độ và Pakistan tiếp tục tham gia thị trường xuất khẩu. Hai quốc gia này những năm trước rất hạn chế trong vấn đề xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực.

Những loại gạo ưu thế của Việt Nam còn hạn chế

Trong trường hợp Việt Nam tìm hướng xuất khẩu gạo thơm, gạo cao cấp thì cơ cấu sản xuất hiện nay có đáp ứng được hay không. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phân tích:

“Chủ trương của ngành nông nghiệp là làm gạo trung bình thấp từ 15%-20%, cấp cao khoảng 60%-70%, còn gạo thơm đặc sản thì khoảng 10%-15% , cơ cấu là như thế. Nhưng hiện nay bà con nông dân chỉ thích trồng giống IR 50404 hoặc OM 576 là loại gạo cấp thấp, nhưng hiện nay lúa cấp thấp làm trong vụ hè thu thì sẽ tệ

clip_image004

Cơ cấu gạo xuất khẩu năm 2011. RFA

hơn còn trong vụ đông xuân này thì có thể làm ra gạo 15% tấm được.”

Chủ trương của ngành nông nghiệp là làm gạo trung bình thấp từ 15%-20%, cấp cao khoảng 60%-70%, còn gạo thơm đặc sản thì khoảng 10%-15% , cơ cấu là như thế. Nhưng hiện nay bà con nông dân chỉ thích trồng giống IR 50404 hoặc OM 576 là loại gạo cấp thấp

TS Lê Văn Bảnh

Gạo thơm và gạo cao cấp của Việt Nam tuy phẩm chất chưa sánh được với gạo cùng loại của Thái lan như lại rất cạnh tranh về giá. Cụ thể gạo thơm Việt Nam được thị trường Hongkong chấp nhận vì giá chỉ 700USD-800USD/tấn  so với gạo Jasmine của Thái Lan giá hơn 1.000 USD/tấn và gạo 5% tấm của Việt Nam cũng rẻ hơn gạo cùng loại của Thái Lan khoảng 70 USD/tấn.

TS Phạm Văn Tấn, một chuyên gia về công nghệ sau thu hoạch ở khu vực phía Nam nói với chúng tôi là Việt Nam không còn ưu thế ở thị trường gạo cấp thấp và cần mau chóng cải thiện chất lượng hạt gạo:

“Gạo cấp cao xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm thị phần từ 15%-17% phần còn lại là từ Thái Lan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan. Bây giờ mình dần dần sẽ mất thị trường gạo cấp thấp thì mình không có cách nào khác phải cải thiện chất lượng gạo để đi vào thị trường gạo cấp cao và khi đó mới có thể nâng cao đời sống của người nông dân cũng như nâng cao thu nhập của các đối tác khác nhau trong chuỗi cung ứng lúa gạo”.

Trong khi đó Việt Nam đang mở ra một hướng đi mới đó là gia tăng xuất khẩu gạo đồ, trong Nam gọi là gạo sấy. Báo điện tử VnEconomy ngày 14/12 đưa tin gạo đồ sẽ là vũ khí xuất khẩu mới của Việt Nam. Tờ báo trích lời ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2012 dự kiến xuất khẩu 400.000 tấn gạo đồ, mặt hàng mà Việt Nam có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

Gạo cấp cao xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm thị phần từ 15%-17% phần còn lại là từ Thái Lan, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan. Bây giờ mình dần dần sẽ mất thị trường gạo cấp thấp thì mình không có cách nào khác phải cải thiện chất lượng gạo để đi vào thị trường gạo cấp cao

TS Phạm Văn Tấn

Gạo đồ hay gạo sấy được sản xuất từ công nghệ chế biến đặc biệt, phải sử dụng lúa tươi ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước nóng rồi phơi khô, sau đó mới đến công đoạn xay xát, đánh bóng. Giá gạo đồ xuất khẩu cao hơn giá gạo cao cấp 5% tấm của Việt Nam khoảng 60 USD/tấn, nhưng Việt Nam mới tham gia thị trường gạo đồ thế giới từ năm 2010 với một lượng khiêm tốn. Do tiềm năng lớn, các doanh nghiệp đã khởi sự đầu tư vào nhà máy sản xuất gạo đồ và hy vọng qua năm 2012 có thể xuất khẩu 400 ngàn tấn, riêng Tổng Công ty Lương thực Miền Nam sẽ cung cấp 300.000 tấn.

Rõ ràng đang có chuyển hướng trong sản xuất và tiêu thụ gạo xuất khẩu ở vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp khởi sự đầu tư các cụm dịch vụ lúa gạo như nhà kho theo chuẩn, nhà máy sấy, nhà máy xay xát để hợp tác với nông dân thực hiện sản xuất tập trung giống lúa chất lượng cao. Chương trình này dự kiến đạt khoảng 17.000 ha trong vụ đông xuân 2011-2012 tuy còn quá khiêm tốn trong tổng diện tích 1.600.000 ha của vụ lúa. Thế nhưng không khởi hành thì không bao giờ đi tới đích.

N. N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn