Trao đổi với ông Lê Doãn Hợp

Hà Văn Thịnh

image Đọc bài Biết làm và biết điều của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp (2.12.2011 – thực ra là 4 biết: biết viết, biết nói, biết làm và biết điều), tôi thấy tò mò và thinh thích vì có vẻ như là tư tưởng bé gặp nhau, do chỗ, trên Kiến thức Gia đình số ra ngày 1.12.2011, tôi có bài phê phán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là Tập đoàn 4 L: Lương thì “thấp”, Lòng thì đau, Làm thì không hiệu quả, Lỗ thì nhiều!

Tuy nhiên, trong bài này tôi không bàn về hai tư tưởng bé mà là muốn trao đổi với ông đôi điều về cái chủ nghĩa giáo điều động đâu làm đau dân đấy, về cái sáo rỗng nói mà chẳng biết nói cái gì. Trước hết, xin mở ngoặc rằng có thể tôi sai, nhưng tôi nghĩ, đã là trao đổi, đúng sai là chuyện thường tình. Bởi nếu đúng thì sinh ra trao đổi để làm gì?

1. Ông nói rằng một cán bộ tốt là một cán bộ biết viết! Chao ôi là chán mớ đời: Nếu 90% cán bộ đương quyền của bộ máy này mà biết viết thì tôi xin làm theo bất cứ yêu cầu nào của ông, kể cả hình phạt nặng nhất. Ngay cả ông, tôi thấy hình như viết cũng đang hơi bị không chuẩn ở cái câu này, tôi đọc mà chẳng hiểu là ông viết cái gì và muốn ám chỉ điều chi: Sẽ là bi kịch lớn nhất của con người là xã hội khi nói, viết và làm không thống nhất với nhau.

Theo tôi nghĩ, ông đương nhiên coi xã hội ta là tốt đẹp, vậy thì, ông muốn ám chỉ cái bi kịch ở nước Myanmar chăng? Cấu trúc câu trên liệu có ổn không, có nên mời một nhà ngôn ngữ học tham gia để làm trọng tài cho cuộc trao đổi này không? Cán bộ thời nay có 80% xuất thân từ đào tạo tại chức mà ông đòi họ phải viết theo kiểu “khái quát, chưng cất, kết tinh, chắt lọc” thì….

2. Ông dạy rằng biết nói tức là “Biết nói để tạo niềm tin” thì tôi phải lạy ông cả nón vì cái định nghĩa quái gở này. Nói, tức là diễn đạt tốt nhất cho người nghe biết ý định của mình làm gì, hoặc không làm gì, vấn đề này đúng hay sai... Còn nói với mục đích TẠO niềm tin thì chẳng khác chi đang tìm cách để LỪA người nghe. Còn cái vế sau, cái triết lý này thì tôi tin rằng chẳng có ai chấp nhận: Lời nói bao giờ cũng có giá trị thực tiễn cao nhất. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi mới biết lời nói là giá trị THỰC TIỄN, hơn nữa, lại cao nhất vì lâu nay tôi được dạy rằng, Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói để lừa lẫn nhau.

3. Ông có vẻ được sinh ra để coi thường quần chúng vì trong cái mục 2, ông nói là “đọc thì quần chúng không biết của ai”. Nói thế mà nói được thì Bụt trên chùa cũng phải u ư. Cái đoạn “triết lý” về biết làm của ông nó sổ thẳng vào biết nói: “làm là thước đo cuối cùng của nói và viết”. Nếu trước đó vài giây, ông nói nói là giá trị thực tiễn cao nhất; vậy đã là cao nhất lại còn có cái thước đo lần cuối cùng là can cớ ra sao?

4. Cái Biết điều là cái tai họa lớn nhất của bài viết của ông. “Biết điều là làm điều gì cũng đúng”? Nếu làm đúng thì nỏ cần biết điều, xin thưa với ông Lê Doãn Hợp. Tất cả mọi tai họa của xã hội Việt Nam hiện nay là tầng tầng lớp lớp quan trên ăn trên ngồi trốc thi nhau BIẾT ĐIỀU! Nếu không biết điều thì giỏi và trong sạch đến mấy cũng rụng (kể cả ông). Tôi hơi xin lỗi vì tôi làm nghề sử nên nói năng ít khi biết điều. Tôi chỉ mới biết điều hơi hơi mà đã bị dân mạng chửi te tua, tưng bừng, hết ngày dài lại đêm thâu. Ông học ở đâu, trường nào, lớp nào mà dám viết: “Một người xuất hiện ở đâu cũng làm cho người khác dễ chịu, đó là người có văn hóa”? Nếu tôi nói ông đã, đang, sẽ làm cho tôi và nhiều người khác khó chịu thì chắc là tôi và nhiều người khác đó thiếu văn hóa? Tại sao ông không nghĩ một chút rằng nếu tôi là hoa hậu, xuất hiện mà không bị Thị Nở khó chịu thì đó đúng là... trời sập! Trong cuộc đời cũng thế thôi. Làm gì có chuyện ta làm cho hết thảy dễ chịu? Sống mà không có kẻ thù, ai cũng thương thì chẳng nên sống để làm gì. Cái mục này tôi đau đến mức chỉ xin hỏi ông một câu. Ông nói: “Khi xung quanh mình nhiều người tốt nghĩa là mình đang tốt”. Vậy, nếu xã hội thời nay bức bối nhiều thế, khổ và vật vã, uất ức nhiều thế, có nghĩa là những người lãnh đạo đang chưa tốt hoặc là xấu quá nhiều, phải không, ông Lê Doãn Hợp?

Bây giờ thì tôi đã biết được vì sao văn hóa nước nhà lâu nay nó đau và xót xa nhiều đến thế. Tôi cũng đã biết vì sao dân tộc này cứ luôn cà rịch cà tang, cứ loay hoay tháo gỡ rồi TÁI hết thịt bò đến tập đoàn nhà nước mà lỗ cứ lỗ, kêu để dân cứ đau và lãnh đạo vẫn cứ tiếp tục thích chi làm nấy. Tầm cỡ như ông mà viết đâu sai đó, thì làm sao người dân tin được cách ông đã truyền thông?

Huế, 3.12.2011

H. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn