Một bộ phận 'suy thoái nghiêm trọng'

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói cần "đẩy lùi suy thoái" về chính trị và đạo đức trong đảng viên, nhưng nhấn mạnh "phần lớn cán bộ, đảng viên rất tốt".

clip_image001

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận nhiều người dân giảm sút lòng tin với Đảng

Người đứng đầu Đảng có bài phát biểu dài, đề cập nhiều chủ đề được xem là "cấp bách" tại hội nghị lớn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hà Nội hôm 27/02.

Hứa hẹn cải thiện dân chủ trong Đảng, ông Trọng nói sẽ có quy chế cho Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến về từng thành viên Bộ Chính trị.

Đảng lãnh đạo

Mở đầu, ông Trọng nói phải tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

"Đây đó có người cho rằng phát triển kinh tế thị trường, nhiều thành phần, mở cửa, hội nhập quốc tế, liên doanh, liên kết với nước ngoài thì cần gì phải có sự lãnh đạo của Đảng," ông Trọng chỉ trích.

Ông nói với hội nghị rằng điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền là "có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".

"Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người "sám hối", "trở cờ"; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm".

Người đứng đầu Đảng cũng dành phần đáng kể trong diễn văn để lên án "diễn biến hòa bình", cụm từ mà người cộng sản thường dùng để chỉ "âm mưu xóa bỏ chế độ của các thế lực thù địch".

"Thời gian gần đây, các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị lại rộ lên, có lúc dồn dập".

"Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết đơn thư, tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Họ đang cố tìm ra và dựng lên những "ngọn cờ" để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết đơn thư, tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức...".

Vị Tổng Bí thư nhấn mạnh Đảng đặt ra ba vấn đề lớn phải giải quyết, trong đó số một là "ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".

Ông phân tích sự suy thoái này là "cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất".

Đa số 'rất tốt'

Ông Nguyễn Phú Trọng tiết lộ khi đề án xây dựng Đảng được đưa ra để xin ý kiến trong nội bộ, đã có nhiều bình phẩm khác nhau.

Có người cho rằng "còn né tránh, chưa thấy hết mức nghiêm trọng của những yếu kém, khuyết điểm, tình hình nghiêm trọng hơn nhiều"

Nhưng người khác lại nói "nêu phần khuyết điểm quá nặng nề, đen tối, tình hình Đảng không đến mức như vậy".

Ông Trọng ví von: "Nói thế nào cho khoa học, đúng mức, không nên tự bôi nhọ mình, để kẻ xấu lợi dụng".

"Nó đang muốn phá vỡ niềm tin, bôi xấu mình thì mình lại tự làm mất uy tín của mình, như thế thì có khác nào tiếp thêm đạn cho địch bắn".

Chung cuộc, ông cho biết những lãnh đạo cao nhất đồng ý rằng "đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng".

"Phải khẳng định phần lớn cán bộ, đảng viên ta rất tốt; nếu không tốt thì làm gì có thành tựu như bây giờ".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Phải khẳng định phần lớn cán bộ, đảng viên ta rất tốt; nếu không tốt thì làm gì có thành tựu như bây giờ".

Mặc dù khẳng định mạnh mẽ về uy tín của Đảng, vị Tổng Bí thư thừa nhận nhân dân bức xúc vì tiêu cực "ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức".

Phân tích vì sao Đảng chưa đẩy lùi được các yếu kém, ông Trọng đề cập các lý do như "thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Ông có vẻ phê phán việc một số cán bộ khi về hưu lại nói trái ý Đảng.

"Khi đương chức thì không nói hoặc nói kiểu này, khi nghỉ chức vụ hoặc về hưu lại nói kiểu khác. Khi còn phụ trách thì không được góp ý kiến nhưng khi nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác thì có rất nhiều đơn, thư tố cáo".

Ông kết luận các cuộc vận động chỉnh đốn chưa thành công là do "nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta".

'Góp ý kiến về Bộ Chính trị'

Khi đề ra giải pháp chỉnh đốn Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tự giác, tự phê bình.

"Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình".

Đây là giải pháp không mới, và ngay trong bài phát biểu, ông Trọng cũng thừa nhận thời gian qua "nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện rất kém, thiếu thẳng thắn, trung thực; xuê xoa, nể nang".

Dẫu vậy, ông cho biết có một số điểm mới trong các nhóm giải pháp sắp tới.

Gây chú ý là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể.

"Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ông nói: "Định kỳ hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng có hình thức thích hợp thông báo kết quả kiểm điểm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, đóng góp ý kiến".

Ngoài ra, ông kiến nghị Quốc hội "sớm có hướng dẫn để thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn".

"Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác", ông Trọng cho biết.

Ông hứa sẽ có dân chủ hơn khi "triển khai thực hiện việc chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp".

Đặc biệt, sẽ có quy chế "để hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư".

Cùng ngày, các nhân vật chủ chốt trong Đảng như ông Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh tiếp tục có các bài nói chuyện tại hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 29/2.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn