Tranh luận giữa GS Phạm Quang Tuấn và một học giả Na Uy về đường lưỡi bò

Sau hội nghị quốc tế lần thứ 3 về Hợp tác vì Sự phát triển và An ninh trên biển Đông, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3-5 tháng 11 năm 2011, GS. Phạm Quang Tuấn (Úc) đã phát hiện chi tiết hết sức kỳ quặc trong bài báo cáo của ông Stein Tønnesson (Na Uy) liên quan đến đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ngay sau đó, GS. Phạm Quang Tuấn (PQT) đã trao đổi qua email với ông Stein Tønnesson (ST) về vấn đề này. Và một cuộc tranh luận giữa một giáo sư công nghệ hóa (PQT) và một giáo sư về lịch sử (ST) đã xảy ra.

GS. Phạm Quang Tuấn tốt nghiệp tiến sĩ ngành công nghệ hóa tại Đại học Canterbury University, New Zealand, năm 1976. Hiện ông đang làm việc tại Khoa Công nghiệp Hóa học thuộc Đại học New South Wales (Úc). Ông đã có hàng trăm công trình trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. Ông là thành viên ban biên tập của hai tạp chí quốc tế International Journal of Refrigeration và Journal of Food Process Engineering.

clip_image002

Trong thời gian qua, ông rất tích cực trong việc phản đối đường lưỡi bò trong bản đồ của Trung Quốc xuất hiện trên các tạp chí quốc tế. Ông đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của tri thức Việt đối với hai tạp chí lừng danh Nature và Science.

GS. Stein Tønnesson tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Oslo, Na Uy, năm 1991 với đề tài về Cuộc cách mạng tháng 8 của Việt Nam. Hiện ông là giáo sư nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hoà bình ở Oslo, và đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu về hoà bình khu vực Đông Á thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển). Ông hiện là thành viên Ban biên tập của hai tạp chí quốc tế Global Asia và Globalisations. Ông có khá nhiều bài viết về lịch sử Việt Nam.

clip_image004

Ngoài công việc nghiên cứu, ông còn là một nhà báo.

Điều đáng lưu ý một vị học giả của Trung Quốc có liên quan đến nội dung của cuộc tranh luận này đã được mời giải thích một số vấn đề liên quan, nhưng ông đã không xuất hiện. Đó là ông Su Hao, giáo sư và là Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý Xung đột, Đại học Ngoại giao Trung Quốc.

Xin giới thiệu bản dịch của bạn Phạm Thanh Vân (nghiên cứu sinh ngành Sinh học cấu trúc tại Viện Nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Helmholtz, Đức). Cuộc tranh luận là một tài liệu bổ ích cho quá trình “đánh trả” các giọng điệu tuyên truyền sai trái về đường lưỡi bò của Trung Quốc, cũng như kịp thời điều chỉnh những sai lầm trong nhận thức về vấn đề này.

Cuộc tranh luận cho thấy sự lúng túng của một giáo sư Lịch sử trước một giáo sư Hóa học về một vấn đề lịch sử nóng mà ông này đang nghiên cứu.

TS. Lê Văn Út (ĐH Oulu, Phần Lan)

———————-

Những yêu sách về biển của Trung Quốc và những ý đồ khó lường

Người dịch: Phạm Thanh Vân, nghiên cứu sinh ngành Sinh học cấu trúc tại Viện Nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Helmholtz (Đức)

(Người dịch xin cảm ơn GS. Phạm Quang Tuấn đã đọc bản dịch và đã có nhiều góp ý quan trọng)

Lời giới thiệu của GS Stein Tønnesson về một cuộc trao đổi bằng email giữa  ông và GS Phạm Quang Tuấn:

Thế giới nên hiểu thế nào về đường chữ U xuất hiện trên hầu hết các bản đồ biển Đông của Trung Quốc? Như một tuyên bố chủ quyền toàn bộ biển? Hay chỉ là những hòn đảo trên biển và khu vực biển xung quanh nó? Câu hỏi này đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị quốc tế lần thứ 3 Hợp tác vì Sự phát triển và An ninh trên biển Đông, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3-5 tháng 11 năm 2011, do hiệp hội luật sư và Học viện Ngoại giao của Viêt Nam tổ chức.

Trong bài trình bày tại hội nghị, Stein Tønnesson bày tỏ ý kiến ​​rằng thế giới nên quyết định một cách mặc nhiên rằng đường chữ U chỉ dùng để tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo trên biển Đông và vùng biển xung quanh chúng, vì không thể có cách giải thích nào khác. Các chuyên gia pháp lý của Trung Quốc cũng thừa nhận rằng bất kỳ cách giải thích nào khác đều không có cơ sở dựa theo luật pháp quốc tế.

Sau hội nghị, Giáo sư Phạm Quang Tuấn của Trường Công nghiệp Hóa học tại Đại học New South Wales, trong một email gửi tới Stein Tønnesson, đã chỉ ra rằng tuyên bố của Stein là hoàn toàn mâu thuẫn với một tuyên bố khác cũng tại hội nghị đó của Giáo sư Su Hao đến từ trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh. Su Hao đã nói rất rõ rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không chỉ đối với các hòn đảo mà là đối với biển Đông như một “vùng biển”.

Điều này đã dẫn đến một cuộc trao đổi qua email, sẽ được trình bày dưới đây với sự cho phép của Stein Tønnesson và Phạm Quang Tuấn.

Email của GS. Phạm Quang Tuấn tới GS. Stein Tønnesson và những người khác:

1. Theo lời Su Hao, giáo sư / Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý Xung đột, Đại học Ngoại giao Trung Quốc: “Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] đã được phát hiện và khai thác bởi người dân Trung Quốc cổ đại, và sau đó được quản lý một cách hiệu quả bởi chính phủ Trung Quốc. So với các nước láng giềng, Trung Quốc có rất nhiều hồ sơ lịch sử để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mình trên biển Đông và hầu hết các đảo trong khu vực đó”.

2. Stein Tønnesson, Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) và Sở Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Đại học Uppsala: “Cách hiểu phổ biến rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng biển trong đường chữ U nên được dẹp bỏ như là một cách hiểu sai. Sự cố ý mập mờ về giới hạn của những yêu sách về biển của Trung Quốc không thể được xem như dấu hiệu rằng Trung Quốc đưa ra đòi hỏi phi lý như vậy. Ta có thể chắc chắn rằng đường chữ U chỉ là để nhằm đòi hỏi những hòn đảo bên trong nó và vùng biển tính từ đường cơ bản xung quanh những đảo đó”.

Cả hai báo cáo này đều ở cùng một hội nghị!

Email của TS. Lê Văn Út (Đại học Oulu, Phần Lan) gửi tới GS. Phạm Quang Tuấn và GS. Stein Tønnesson:

Hôm nay tôi nhận được thư từ giáo sư Phạm Tuấn ở Úc. Tôi thấy rằng nó cũng đồng thời được gửi đến cho ông.

Bởi vì ý tưởng của ông về ý nghĩa của đường chữ U rất lạ kỳ, và có thể nói là không đúng, tôi mong muốn ông đọc hai bài báo sau của Nature:

Tôi hy vọng sớm được nghe thêm ý kiến của ông về vấn đề này.

GS. Stein Tønnesson trả lời TS. Lê Văn Út và GS. Phạm Quang Tuấn:

Mâu thuẫn giữa báo cáo của tôi và Su Hao tại hội nghị về biển Đông vừa rồi ở Hà Nội là do những tuyên bố của Su Hao thiếu sự chính xác về cơ sở pháp lý. Như các tác giả đã nói trong hai bài báo của tạp chí Nature mà TS. Lê Văn Út đã đề cập, Su Hao đã không nhận thức rõ sự khác biệt cơ bản giữa đất và biển theo luật pháp quốc tế. Trong khi có thể đòi hỏi chủ quyền đối với đất (ví dụ quần đảo Trường Sa) dựa trên sự phát hiện ra nó và sự chiếm cứ lâu dài tại đó,  việc đòi hỏi chủ quyền đối với cái gọi là “vùng nước lịch sử” chỉ có thể xảy ra dưới những hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt (không hề có ở biển Đông). Chủ quyền tài nguyên ở khu vực biển phải dựa trên khoảng cách tính từ đường bờ biển gần nhất (12 hải lý lãnh hải, 12 hải lý biển tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa). Cách lý giải hợp pháp duy nhất về đường chữ U của Trung Quốc bởi vậy chỉ có thể là đòi hỏi các vùng đất (quần đảo) bên trong đường đó, ví dụ như các quần đảo Hoàng Sa, rặng san hô  Scarborough và Trường Sa, và vùng biển xung quanh những quần đảo này. Và đây chắc chắn là ý nghĩa của đường chữ U khi nó lần đầu tiên được công bố chính thức bởi Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1948 (tại thời điểm đó vùng biển lãnh thổ của hầu hết các quốc gia chỉ là 3 hải lý).

Trong khi một số học giả ở Trung Quốc và Đài Loan đã cố gắng lập luận rằng Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền đối với những “vùng nước lịch sử” trên biển Đông, phần lớn các học giả Trung Quốc được đào tạo về pháp lý đều nhận ra rằng điều này là không thể và rằng đường chữ U chỉ có thể hiểu theo cách đã được đề cập ở trên. Có thể thấy rõ điều này trong một bài báo năm 1994 được viết bởi Cao Chi Quốc (Gao Zhiguo), chuyên gia hàng đầu về luật biển của Trung Quốc, người mà sau đó được bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Quốc tế về luật Biển tại Hamburg. Luật gia Zou Keyuan vốn được đào tạo ở Anh cũng đã lưu ý trong cuốn sách gần đây của ông: Mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN và luật pháp quốc tế (Chandos 2009, p.178) rằng: “Mặc dù vẫn còn tranh cãi, đa số các học giả Trung Quốc có xu hướng công nhận đường chữ U là để xác định xác định các đảo và các vùng lãnh thổ khác bên trong nó” (Khái niệm “vùng lãnh thổ khác” mà Zou Keyuan đề cập không được rõ ràng lắm đối với tôi, nhưng có lẽ ông ấy sẽ làm rõ).

Ngày 7 tháng 5 năm 2009, bản đồ có đường chữ U lần đầu tiên xuất hiện trong một văn bản chính thức của Trung Quốc gửi tới Liên Hợp quốc, khi chính phủ Trung Quốc  gửi tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc văn bản phản đối báo cáo chung của Malaysia và Việt  Nam về việc mở rộng thềm lục địa ở phía Nam biển Đông. Trong lá thư mở đầu, Trung Quốc đã giải thích đường chữ U như sau: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo trong biển Đông và những vùng nước lân cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước lân cận cũng như đáy biển và lòng đất tương ứng (xem bản đồ đính kèm).” Mặc dù cách sử dụng từ ngữ ở đây (rõ ràng là cố ý) không rõ ràng và có nhiều thuật ngữ mơ hồ như “lân cận” và liên quan” thay vì phải sử dụng những thuật ngữ pháp lý chính xác, cách lý giải duy nhất hợp lý của câu nói của Trung Quốc là họ muốn tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và các vùng biển được phép tạo ra từ đó.

Những nước Đông Nam Á đang tranh chấp (Việt Nam, Malaysia, Philippines – và có thể là cả Brunei) dường như cùng tiến về quan điểm là các đảo Trường Sa quá nhỏ để có thể đòi hỏi những vùng biển nhiều hơn lãnh hải 12 hải lý. Điều này được dựa trên điều khoản 121.3 trong Công ước về luật Biển (LOSC), trong đó nói những đá mà không thể duy trì sự cư ngụ hay đời sống kinh tế của con người thì không thể có hơn một lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên gần đây Trung Quốc đã đưa ra quan điểm ngược lại. Điều này có thể là tranh cãi pháp lý chính hiện tại trên biển Đông, và cần phải được giải quyết trước khi có những bước tiến tiếp theo. Có thể sẽ rất hữu ích nếu có hai nước tranh chấp yêu cầu Tòa Quốc tế về Luật biển đưa ra ý kiến pháp lý về vấn đề này. Nếu có thể xác định được quan điểm rằng các đảo Trường Sa quá nhỏ để tạo ra vùng lãnh hải lớn hơn 12 hải lý thì cuộc tranh cãi xung quanh quần đảo Trường Sa sẽ bớt căng thẳng. Những nước xung quanh có thể bắt đầu thương lượng đường biên giới biển trong khu vực mà không cần lưu ý tới tranh chấp về chủ quyền của quần đảo Trường Sa, ngoại trừ việc dành cho mỗi đảo một vùng lãnh hải 12 hải lý. Việc tranh chấp những vùng đó có thể được tạm gác.

Tôi nghĩ điều TỐI CẦN THIẾT là các nhà bình luận quốc tế và các phương tiện truyền thông cần chấm dứt việc gây cảm tưởng rằng Trung Quốc có thể hoặc đang yêu sách tất cả các vùng nước bên trong đường chữ U. Và chúng ta phải ngăn chặn sự xuất bản những bản đồ sai lạc như đã được đăng trong tạp chí Nature, được chú thích là “khu vực đang tranh chấp”, bởi trong loại bản đồ này đường chữ U (với quá nhiều vạch ngắn) đã đè lên đường EEZ của các nước lân cận và vượt quá xa đường EEZ của bản thân Trung Quốc, và được hiểu rằng đây là yêu sách “lãnh hải” của Trung Quốc. Điều này là hết sức vô lý và đảo lộn luật pháp, bởi vùng lãnh hải chỉ có thể tối đa là 12 hải lý trong khi EEZ có thể đi tới 200 hải lý.

Chúng ta cần phải giúp cho Su Hao và những người khác hiểu và sau đó giải thích cho công chúng Trung Quốc rằng cách duy nhất để thúc đẩy những lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông là Trung Quốc phải xác định chính xác đường EEZ và thềm lục địa của mình, đưa ra những lý lẽ có tính pháp lý để hỗ trợ cho những tuyên bố của Trung Quốc đối với các đảo, và sau đó có lẽ cố gắng chứng minh rằng một số những hòn đảo này thỏa mãn các điều kiện để có vùng EEZ và thềm lục địa. Trong khi điều này rất khó khăn đối với các hòn đảo thuộc Trường Sa (hòn đảo lớn nhất Itu Aba do Đài Loan chiếm giữ, chỉ dài 1400 m và rộng 400 m), cá nhân tôi cho rằng có cơ sở để đảo Phú Lâm (nguyên văn: đảo Woody) thuộc Hoàng Sa đủ lớn để có EEZ của riêng nó, và vì vậy có lẽ sẽ bao quanh bãi ngầm Macclesfield. Bãi ngầm này ngập ở dưới nước nên theo quan điểm pháp luật có thể được coi là một phần của đáy biển. Vì vậy Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác không thể coi bãi ngầm Macclesfield như vùng đất, nhưng có thể đòi hỏi các quyền chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên của bãi ngầm này dựa trên cơ sở là khoảng cách từ đường bờ biển gần nhất, mà có lẽ chính là đảo Phú Lâm, đã được ít nhiều chiếm đóng liên tục bởi Trung Quốc từ tháng 11 năm 1946, đầu tiên bởi Đài Loan từ 1946 tới 1950 và sau đó bởi Trung Hoa đại lục từ những năm 1955-1956.

Sự phát tán những bản đồ sai lạc kiểu như bản đồ trong Nature sẽ tạo ra những ảo tưởng rất nguy hiểm trong công chúng Trung Quốc và gây ra nỗi lo sợ thái quá đối với những nước khác. Chúng ta cần phải thảo luận vấn đề dựa trên cơ sở của luật quốc tế chứ không phải dựa trên sự tưởng tượng của những người theo chủ nghĩa dân tộc.

GS. Phạm Quang Tuấn hồi âm GS. Stein Tønnesson:  

Cảm ơn ông đã trả lời thư của tôi. Sự hùng biện của ông khiến tôi lúng túng. Đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc thì tôi nên tin ai, một học giả cấp cao của Trung Quốc từ trường Đại học Ngoại giao của Trung Quốc, hay là một nhà nghiên cứu người Scandinavia?

Tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm đối với Scandinavia. Ngược lại, vùng đất này chính là một vùng đất đáng ngưỡng mộ của thế giới, nơi mà dân chủ được thực thi một cách thực sự hơn bất kỳ nơi nào khác, nơi mà tất cả mọi người có thể có và bảo vệ quan điểm riêng của mình mà hông phải lo sợ về hậu quả. Thậm chí là những ý tưởng phi lý. Tuy nhiên, Trung Quốc thì hoàn toàn khác. Ngay cả những nhà khoa học vật lý và kỹ sư khiêm nhường nhất cũng phải tuân theo chính phủ của họ và tìm cách chèn vào các công trình khoa học của họ tấm bản đồ ngớ ngẩn và không được quốc tế công nhận (như bài báo trong tạp chí Nature đã nêu). Vậy thì cơ hội nào cho những người như giáo sư Su Hao để có thể có riêng cho mình những ý tưởng ngoại giao “lố bịch”?

Người như giáo sư Tô, giám đốc của một trung tâm nghiên cứu trong một trường đại học Trung Quốc – không phải là một trường đại học bình thường mà là ĐẠI HỌC NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC - sẽ không thể có được vị trí ngày hôm nay nếu ông ta dám mạnh mẽ bảo vệ những ý tưởng ”phi lý” và không chính thống về chính sách ngoại giao. Những quan điểm của ông chắc chắn đã được cấp trên xem xét kỹ lưỡng từng tí một từ thời sinh viên để đảm bảo rằng chúng nằm trong dòng chính thống.

Ông đặt cách giải thích của một bài báo đã có từ năm 1994 của một học giả Trung Quốc cao hơn cách giải thích của một bài khác vào năm 2011 bởi một học giả Trung Quốc khác. Đây lại là một vấn đề nữa, bởi vì bây giờ là năm 2011, chứ không phải 1994, nhưng hình như ông lại giả định rằng chính sách biển Đông của Trung Quốc là một điều không thể thay đổi theo thời gian và vẫn được giữ nguyên trong suốt 17 năm qua. 17 năm là 1/3 quãng thời gian kể từ khi đường chữ U chính thức xuất hiện trên những tấm bản đồ của Trung Quốc, gấp ba lần thời gian mà bản đồ được bắt buộc công nhận ở Trung Quốc, và bằng một nửa khoảng thời gian kể từ khi nước này chuyển đổi từ nền kinh tế cộng sản sang nền kinh tế tư bản, và đó cũng chính là thời gian mà Trung Quốc vươn lên từ một quốc gia đang trỗi dậy thành một quyền lực chính trên thế giới, và chừng đó thời gian đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc mua tàu sân bay đầu tiên. Vậy mà ông muốn chúng tôi tin rằng chính sách ngoại giao và tham vọng của Trung Quốc không hề thay đổi trong suốt thời gian đó?

Ông công nhận rằng Trung Quốc cố ý giữ cách giải thích về đường chữ U một cách mơ hồ, nhưng ông lại nhấn mạnh rằng tấm bản đồ này phải được giải thích theo cách vô hại nhất. Nhưng Trung Quốc không phải là một cô gái phù phiếm, ẩn giấu ư định của mình chỉ để trêu chọc người khác, hoặc là một đứa trẻ câm không có khả năng nói ra ý tưởng của mình. Đó là một cường quốc lớn trên thế giới và là bậc thầy về kỹ thuật chính trị trong suốt ba thiên niên kỷ qua. Đó là đất nước đã sản sinh ra Tôn Tử, người có bộ  binh pháp vẫn đang được nghiên cứu trong các học viện quân sự trên toàn thế giới, một nhân vật không hề thua kém Machiavelli. Nếu một cường quốc như vậy lại cố ý giữ kín những ý định của mình, chúng ta có thể rút ra điều gì? Chắc phải có điều gì đó đang được che đậy.

Bây giờ tôi xin đưa quan điểm của tôi. Chúng ta có thể tin chắc rằng Trung Quốc giữ thái độ mơ hồ đối với đường chữ U để phát huy tối đa cái lợi và giảm thiểu cái hại cho họ. Đây dĩ nhiên là điều mà chính phủ nào cũng làm. Bằng cách không nói cụ thể bất cứ điều gì, Trung Quốc tránh tự ràng buộc mình vào một vị trí nhất định, trong khi lại để ngỏ tất cả các khả năng. Tất nhiên, những lựa chọn của họ sẽ ngày càng được mở rộng hơn khi sức mạnh của họ gia tăng. Tuy nhiên, Trung Quốc cho phép các học giả của mình phát ngôn một cách không chính thức. Điều này thuận tiện cho họ, vì như vậy các chính sách của họ vẫn được truyền bá mà họ không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Và như vậy họ sẽ tránh được những chỉ trích trực tiếp về những tham vọng của mình, bởi vì nếu có ai chỉ trích những tuyên bố bất hợp pháp của họ, họ chỉ cần giữ im lặng và không trả lời câu hỏi, cho đến khi điều này không còn quan trọng nữa, tức là khi họ có sức mạnh quân sự áp đảo. Hơn thế nữa, sẽ có những người đứng ra biện hộ cho họ với lập luận rằng họ chưa bao giờ, thậm chí sẽ không bao giờ yêu sách điều gì quá đáng.

GS. Stein Tønnesson trả lời GS. Phạm Quang Tuấn và GS. Su Hao:

Tôi thấy khá thú vị là ông, Phạm Quang Tuấn, đã đưa ra dư luận rộng hơn sự mâu thuẫn giữa báo cáo của tôi và Su Hao tại hội nghị gần đây ở Hà Nội về những tuyên bố của Trung Quốc ở biển Đông. Trong khi tôi đồng ý với ông rằng tuyên bố của một giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc về yêu sách của Trung Quốc đáng tin hơn những lời của một nhà nghiên cứu Scandinavian, tôi vẫn nghĩ rằng tôi đã đúng trong những điều tôi nói về cách giải thích duy nhất có thể có đối với đường chữ U. Tôi cũng nghĩ rằng tôi đúng khi đề nghị rằng bây giờ tất cả chúng ta cần phải hành xử trên giả thiết rằng đường chữ U của Trung Quốc chỉ có nghĩa là những tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo bên trong nó và các vùng biển có thể tạo ra từ đó. Trong khi phát biểu đáng tiếc của Su Hao phản ánh sự mập mờ một cách cố ý của chính phủ Trung Quốc thì ý kiến của tôi phản ánh cách giải thích duy nhất có tính pháp lý đối với những tuyên bố của Trung Quốc trên biển Đông. Nếu Trung Quốc quyết định tuyên bố chính xác những yêu sách của mình, họ chắc chắn sẽ phải từ bỏ ảo tưởng rằng họ có thể đòi toàn bộ vùng biển bên trong đường chữ U.

Tôi cũng thấy thú vị, ông Su Hao ạ, khi nhìn thấy việc sử dụng đường chữ U không rõ ràng của Trung Quốc đã gây ra phản ứng mạnh mẽ thế nào trong cộng đồng người Việt cả ở Việt Nam và hải ngoại mà ông và tôi đã chứng kiến trong cả hai hội nghị mà chúng ta cùng tham dự, trước hết ở Washington DC vào tháng sáu và sau đó là ở Hà Nội vào đầu tháng mười một, và giờ đây là trong những lá thư của ông Phạm Quang Tuấn gửi cho tôi. Sự mập mờ của Trung Quốc đã đi ngược lại những lợi ích của Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc bởi nó gây ra những phản ứng chống Trung Quốc mạnh mẽ trong những quốc gia mà Trung Quốc đang muốn có mối quan hệ tốt đẹp, và nó cũng đã gây ra sự chống đối từ trong Việt Nam với chính những nhà lãnh đạo của họ, những người muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị và hòa bình với Trung Quốc. Và như tôi đã chỉ rõ tại hội nghị, Trung Quốc không thể nào dùng quyền lực cứng để thực thi yêu sách đối với toàn bộ vùng biển trong đường chữ U. Cho dù hải quân Trung Quốc có mạnh đến đâu, các nước láng giềng sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ quyền lợi hợp pháp của họ. Họ cũng am hiểu luật biển như các chuyên gia luật của Trung Quốc, bởi vậy họ biết chỗ nào rõ ràng là của họ, chỗ nào Trung Quốc có thể yêu cầu, và chỗ nào là vùng mà các yêu cầu hợp pháp chồng lấn nhau. Vì vậy, nếu Trung Quốc chọn cách sử dụng vũ lực để chiếm đoạt những nguồn tài nguyên ở khu vực được công nhận là vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của các nước khác, Việt Nam và Philippines sẽ làm hết sức mình để tìm sự giúp đỡ bên ngoài chống lại Trung Quốc, và cũng có thể sử dụng mọi biện pháp riêng của họ để ngăn chặn Trung Quốc khai thác dầu của họ. Họ cũng sẽ bác bỏ bất kỳ lệnh cấm đánh cá nào của Trung Quốc. Cách duy nhất để Trung Quốc thực hiện lợi ích của mình trên biển Đông là đàm phán song phương và đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bởi vậy việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý vào ngày 11 tháng 10 năm 2011 là sẽ quay lại bàn đàm phán là tín hiệu rất tốt lành. Sự phân chia vịnh Bắc Bộ đã đạt được thông qua đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2000 trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nó đã không tuân theo hai đường đứt đoạn trên đường chữ U mà Trung Quốc đã từng đưa vào bản đồ, nhưng đường ranh giới đã được xác định theo cách được thực hiện ở những nơi khác trên thế giới. Đàm phán song phương bởi những chuyên gia luật pháp giỏi rất có thể sẽ mang lại những tác động rất có lợi đối với mối quan hệ của Trung Quốc và Việt  Nam.

Trong lá thư trước đó của tôi tới Phạm Quang Tuấn, tôi đã đề cập rằng thẩm phán người Trung Quốc tại Tòa án Luật biển ở Hamburg, Cao Chi Quốc, đã viết vào năm 1994 rằng dòng chữ U nên được hiểu như là một khẳng định chủ quyền với những hòn đảo và các khu vực biển chúng tạo ra. Tôi cũng đã trích dẫn lời Zou Keyuan nói vào năm 2009 rằng đây là quan điểm của đa số các học giả luật của Trung Quốc. Nhưng bây giờ Phạm Quang Tuấn lại cho rằng tuyên bố của Trung Quốc có thể đã thay đổi so với năm 1994 và trở nên cực đoan hơn và càng xa rời luật pháp quốc tế hơn. Đây là một giả định sai lầm. Cao Chi Quốc không hề thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc vào năm 1994, và quan điểm chính thức của Trung Quốc khi đó cũng mơ hồ và không rõ ràng chẳng khác gì bây giờ. Nếu có thay đổi, thì sự thay đổi đó chỉ có thể là sau khi Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Luật biển vào năm 1996, đã có thêm nhiều chuyên gia pháp lý Trung Quốc nhận ra rằng cách giải thích đường chữ U duy nhất hợp lý là cách giải thích của Gao Zhiguo năm 1994.

Phạm Quang Tuấn cho rằng sự cố ý mơ hồ của Trung Quốc là dấu hiệu  rằng Trung Quốc có “một điều gì đó đang che giấu”. Tôi rất muốn biết ý kiến ​​của ông, Su Hao, rằng tại sao Trung Quốc lại không thể trình bày một cách chính xác ranh giới vùng biển mà họ đòi hỏi trên biển Đông. Một số lý do có thể là: a) Về phương diện tâm lý, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể gặp khó khăn khi phải trình bày những đòi hỏi một cách chính xác, trong khi công chúng Trung Quốc cho rằng hầu như toàn bộ biển Đông là thuộc về Trung Quốc. Những đòi hỏi chính xác sẽ khiêm tốn hơn, điều này có thể dẫn đến những phản ứng dư luận bất lợi từ những người theo chủ nghĩa dân tộc; b) Có sự không thống nhất trong quan điểm giữa những cơ quan Trung Quốc cũng như giữa những người làm chính sách, và hiện tại họ vẫn chưa thống nhất về những điểm khác biệt này để đi đến một quan điểm chính thức hợp lý; c) Các nhà lãnh đạo cấp cao không có đủ hiểu biết về luật biển, và không chịu lắng nghe những tư vấn về pháp lý; d) Họ nhận ra rằng một quyết định đối với các tranh chấp trên biển Đông sẽ gắn liền với vấn đề Đài Loan, và chừng nào Đài Loan còn chưa thống nhất với Trung Quốc đại lục thì tốt hơn hết là giữ những đòi hỏi về biển Đông ở trạng thái mập mờ; e) Có thể đã có những suy nghĩ rằng bằng cách gây lo sợ cho các nước trong khu vực rằng Trung Quốc định đòi quyền chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông, các nước này sẽ dễ dàng chấp nhận đàm phán hơn một khi Trung Quốc quyết định đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế; f) Có thể có một niềm tin sai lầm rằng thời gian sẽ giúp cho Trung Quốc, và một khi Trung Quốc đủ sức mạnh, các nước láng giềng sẽ phải chấp nhận một giải pháp trên lập trường của Trung Quốc hơn là dựa trên luật pháp quốc tế. Nhiều người hay chỉ trích Trung Quốc cũng có niềm tin sai lầm này, như ông Phạm Quang Tuấn, khi ông nói rằng “Những chọn lựa của Trung Quốc sẽ mở rộng hơn khi nước này trở thành mạnh hơn”. Nếu Trung Quốc phát triển kinh tế và quân sự mạnh mẽ hơn nhưng lại không nuôi dưỡng tình bạn và ký các thỏa thuận với các nước láng giềng của mình, những cơ hội của Trung Quốc sẽ bị thu hẹp lại thay vì mở rộng. Và tình bạn thì không thể kết hợp với sự coi thường luật pháp quốc tế trong các vấn đề thiết yếu như phân định vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông.

Một số trong những lý do này, và có thể những lý do khác, chắc là nguyên nhân khiến Trung Quốc theo đuổi một chính sách trên biển Đông đi ngược lại những lợi ích của chính Trung Quốc. Nó làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực, và cũng có thể cản trở quan hệ kinh tế với các nước láng giềng. Nó thúc đẩy các nước khác khuyến khích Hoa Kỳ đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong khu vực. Và nó làm chậm tiến trình thăm dò dầu và khí đốt, nguồn tài nguyên mà Trung Quốc rất muốn phát triển trong vùng lân cận gần của nó để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước xa xôi. Và nó ngăn cản sự thiết lập một chế độ quản lý việc đánh bắt thủy sản có trách nhiệm.

Tôi hầu như chắc chắn rằng Tôn Tử (nếu còn sống) cũng sẽ thấy chính sách Trung Quốc là phản tác dụng. Ông cũng sẽ hiểu rằng không thể lấy dầu, khí đốt và cá bằng vũ lực. Đất đai có thể được chiếm giữ bởi quân đội. Nhưng biển thì không.  Bạn có thể đi tầu bè qua đó, nhưng bạn không thể kiểm soát biển như là kiểm soát đất. Nếu bạn muốn khai thác các nguồn tài nguyên biển và dưới đáy biển, bạn cần phải có những thỏa hiệp quốc tế.

Và, Phạm Quang Tuấn, tôi không phải là một người biện hộ cho Trung Quốc như ông dường như ngụ ý ở đoạn cuối lá thư của ông. Tôi không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc nếu họ sai trái, và chắc chắn Trung Quốc đã sai trong vấn đề biển Đông. Nhưng tôi đánh giá cao sự hòa bình tương đối mà Trung Quốc đã duy trì với các nước láng giềng kể từ sau cuộc chiến Trung-Việt năm 1988. Trung Quốc, một cách khôn ngoan, cùng đã đàm phán để đạt được những hiệp định biên giới đất liền với tất cả các nước láng giềng, ngoại trừ Ấn Độ và Nepal, và thường có những nhượng bộ đáng kể. Tôn Tử hẳn cũng sẽ ủng hộ cách tiếp cận chủ động này đối với vấn đề biển Đông.

Thư trả lời của GS. Phạm Quang Tuấn tới GS. Stein Tønnesson:

Tôi tin rằng chỉ có các học giả Trung Quốc có thể trả lời những câu hỏi mà ông nêu ra, và giải quyết sự khác biệt giữa chúng ta, liên quan đến những ý định sâu xa hơn của Trung Quốc. Vì vậy, tôi mong đợi sự hồi âm từ Giáo sư Su Hao.

GS. Stein Tønnesson đáp lại GS. Phạm Quang Tuấn:

Câu hỏi liên quan đến “ý định sâu sắc hơn của Trung Quốc” có có lẽ chỉ có các học giả Trung Quốc mới trả lời được, nhưng tôi không quan tâm quá nhiều về “ý định thực sự” của Trung Quốc. Điều tôi quan tâm là xác định những gì Trung Quốc có thể đòi hỏi theo luật pháp.  Khi tôi nói rằng Trung Quốc không đòi hỏi và không thể đòi hỏi toàn bộ diện tích biển trong đường chữ U, mục đích của tôi là không phải là làm nhẹ đi ý định của Trung Quốc như ông có vẻ đã nghĩ, mà là làm rõ những phần nào của biển Nam Trung Hoa (biển Đông) là vùng tranh chấp pháp lý, những phần nào thì không. Nếu ông và những người khác cho rằng “vùng biển” nằm trong đường chữ U có nghĩa là Trung Quốc “đang đòi hỏi toàn bộ vùng biển”, thì thực ra chính ông đã phần nào thừa nhận một sự đòi hỏi bất hợp pháp của Trung Quốc. Dĩ nhiên là ông không ủng hộ nó, nhưng ông đưa nó lên địa vị của một yêu sách. Điều này sẽ dễ dàng khiến một số người kết luận rằng không ai có thể thăm dò dầu và khí đốt trong “vùng còn đang tranh chấp” (vì các bên đều có tuyên bố chính thức – người dịch), và những vùng này nên được coi là vùng khai thác chung.

Quan điểm của tôi là Trung Quốc chỉ có thể đòi hỏi quyền chủ quyền ở khu vực nằm trong vòng 200 hải lý tính từ bờ biển của nó (hoặc, nếu thềm lục địa tự nhiên của nó rộng hơn thì cũng chỉ được kéo tối đa đến 350 hải lý). Còn tại các khu vực nằm trong 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam và nằm ngoài vùng 200 hải lý từ bờ biển của các quốc gia khác thì chỉ Việt Nam có quyền thực thi quyền chủ quyền. Ông có thể chưa nhận ra sự quan trọng của điểm này. Tôi xin giải thích rõ: Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thăm dò dầu khí và đánh bắt hải sản của Việt Nam trong vùng mà chỉ Việt Nam có quyền chủ quyền, như vụ việc vào tháng 6 vừa rồi thì đây không phải là hành động để bảo vệ những tuyên bố của Trung Quốc, mà chính là một hành vi xâm lược. Điều này đã thực sự vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, và trở thành một vấn đề có thể đưa lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

GS. Phạm Quang Tuấn trả lời GS. Stein Tønnesson:

Tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với sự giải thích của ông về giới hạn pháp lý trong tuyên bố của Trung Quốc, như ông đã nêu ra trong đoạn thứ hai.

Tuy nhiên, tôi không thể đồng ý với lập luận của ông trong đoạn văn đầu tiên trong lá thư của ông. Gióng lên một tiếng chuông cảnh báo không có nghĩa là “thừa nhận nó ở một mức độ nhất định”.  Ngược lại, trong quan hệ quốc tế, giữ im lặng về các hành động chứa nguy cơ bất hợp pháp thì tức là hỗ trợ ngầm và khuyến khích những đòi hỏi càng ngày càng không hợp lý, cho đến khi tình hình trở nên bất ổn đến mức chiến tranh có thể nổ ra. Giới học giả và truyền thông Trung Quốc vẫn thường xuyên nói rằng việc không ai phản đối đường chữ U của Trung Quốc trong những năm vừa qua là bằng chứng cho thấy quốc tế đã chấp nhận nó.

Lờ đi một mối đe dọa sẽ không làm cho nó biến mất. Ông cho rằng tôi là một người hay chỉ trích Trung Quốc chỉ bởi vì tôi đã rung lên một hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa mà nó có thể gây ra cho các nước láng giềng. Tuy nhiên, nếu người dân và các quốc gia ý thức được ngay từ đầu những mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình, họ sẽ lên tiếng và sức mạnh của dư luận có thể sẽ buộc những kẻ có ý định xâm lược phải suy nghĩ lại.

Bởi vậy, nếu ông muốn phục vụ lý tưởng hòa bình có hiệu quả, theo đúng với những mục tiêu của bộ môn của ông, và chắc chắn rằng cũng là những mục tiêu của riêng ông, tôi mong ông hãy thẳng thắn và thực tế hơn về mối đe dọa hòa bình nảy sinh từ những đòi hỏi tham lam của Trung Quốc trên biển. Trên hết, ông cần PHẢI quan tâm tới những ý đồ thâm sâu của Trung Quốc, bởi chúng chính là chìa khóa thực sự cho vấn đề hòa bình và chiến tranh trong vùng biển Nam Trung Hoa (biển Đông).

GS. Stein Tønnesson trả lời GS. Phạm Quang Tuấn:

1. Việc nói rằng “Trung Quốc muốn đòi hỏi toàn bộ vùng biển phía trong đường chữ U” không phải là một lời cảnh báo mà là một sự củng cố niềm tin sai lầm rằng có thể làm một lời tuyên bố như vậy. Những người nắm vững pháp lý nên cảnh báo Trung Quốc rằng khi họ gây cảm tưởng rằng họ yêu sách những gì không thể yêu sách, họ phá hoại hòa bình khu vực và gây thiệt hại cho lợi ích cao nhất của Trung Quốc.

2. Bạn có chắc chắn rằng Trung Quốc thực sự có “ý đồ thâm sâu” hay là một quốc gia có thể có “ý đồ thâm sâu”? Liệu Việt Nam, Nhật Bản hay Hoa Kỳ cũng có “ý đồ thâm”? Một quốc gia không phải là một con người đầy mưu mô, mà là một tập hợp của rất nhiều người và nhiều tổ chức với những lợi ích và quan điểm khác nhau. Hiện tại thì tôi thấy những nhà lãnh đạo Trung Quốc đang không thực sự chắc chắn họ cần làm gì với sức mạnh đang nổi lên của họ, ngoại trừ một điều là họ muốn duy trì sự ổn định chế độ và tiếp tục phát triển kinh tế. Đã có một số ý tưởng nguy hiểm lan truyền trong Trung Quốc rằng quốc gia này cần rửa mối nhục trong lịch sử và bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình, và cũng có một số người nghĩ rằng thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi Trung Quốc ở giữa – hoặc nằm trên cùng – một hệ thống nước chư hầu trong khu vực. Tuy nhiên, cũng có nhiều người Trung Quốc nhận ra Trung Quốc đã được hưởng lợi nhiều như thế nào trong suốt 30 năm vừa qua bằng việc hòa mình vào thế giới một cách hòa bình và họ cũng biết Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi như thế nào nếu có thể duy trì hòa bình với các nước xung quanh. Khi chúng ta đưa ra những cảnh báo chống lại sự nguy hiểm của lối suy nghĩ thứ nhất, những người theo cách nghĩ thứ hai tự nhiên sẽ trở thành đồng minh của chúng ta.

GS. Phạm Quang Tuấn đáp lại GS. Stein Tønnesson:

1. Trong khi các quốc gia nhỏ phải dựa vào luật pháp và các tổ chức quốc tế để bảo vệ quyền lợi của họ, các cường quốc thường có nhiều lựa chọn hơn. Họ có thể chọn cách gây áp lực để thay đổi luật, họ có thể lạm dụng luật pháp hay đơn giản là phớt lờ chúng hoàn toàn. Nếu họ tính sai, chiến tranh sẽ xảy ra. Bởi vậy có vẻ hơi lạc quan khi nói rằng họ “không thể” hoặc “không” đòi hỏi cái này hay cái kia chỉ vì nó trái với luật pháp.

2. Tôi không biết ý định thâm sâu của Việt Nam là gì, nhưng tôi biết rằng, là một nước nhỏ, cuối cùng Việt  Nam vẫn phải dựa trên ngoại giao và luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trung Quốc thì không bị những hạn chế này. Việc họ đã cố tình và kiên quyết che giấu những ý định (liên quan tới đường chữ U) của họ có nghĩa là họ phải có những động cơ thâm sâu. Dĩ nhiêu chúng ta cần phải đoán đó là gì, nhưng ta có thể đoán khá đúng dựa trên những hành động của họ. Ví dụ như, bắt buộc đưa đường chữ U vào tất cả các bản đồ (bao gồm cả bản đồ Google), hoặc ép buộc các nhà khoa học phải đưa nó vào các bài báo khoa học: mục đích rõ ràng là để khiến người Trung Quốc nói chung tin rằng biển Đông là của họ. Khi họ đã đạt được điều này, việc sở hữu biển Đông sẽ không chỉ còn là một mưu đồ thâm sâu mà sẽ trở thành mục đích của cả nước.

Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng tới việc duy trì sự ổn định của chế độ của họ. Điều đó không ngăn cản tham vọng lãnh thổ, bởi vì việc mở rộng lãnh thổ hay đánh trống thổi kèn những yêu sách về lãnh thổ đã luôn là điểm tựa cho các chế độ độc tài muốn duy trì sự ổn định của họ.

Tôi nghĩ rằng Trung Quốc biết rõ rằng những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông vượt quá những gì Công ước về Luật biển cho phép là bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao họ đã không bao giờ giải thích ý nghĩa thực sự của đường chữ U. Nói rõ ra thì sẽ bị sự lên án của quốc tế. Việc họ không giải thích ý nghĩa của bản đồ là một dấu hiệu khá chắc chắn rằng họ đang có những ý định bất hợp pháp. Nếu ông nghĩ rằng cần phải dạy cho họ biết cái gì là hợp pháp và cái gì không, tùy ông, nhưng tôi nghĩ điều đó hầu như không cần thiết – họ biết rõ luật pháp quốc tế như bất kỳ ai khác. Vì lợi ích của hòa bình trong khu vực, những gì họ cần phải biết là dư luận thế giới sẽ cùng đồng lòng chống lại bất kỳ hành động nào vi phạm pháp luật, và đó là điều mà tôi nghĩ rằng ông đã chưa nhấn mạnh đúng mức.

TS. Lê Văn Út trả lời GS. Stein Tønnesson:

Tôi đã theo dõi cuộc trao đổi giữa các giáo sư Stein Tønnesson và Phạm Quang Tuấn. Tôi đồng ý với quan điểm của giáo sư Phạm về đường chữ U.

Nguồn: levanut.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn