GS Nguyễn Văn Tuấn: Trọc phú mới tin "kim ngân phá lệ..."

clip_image002

Đây là bài trả lời phỏng vấn, hay nói đúng hơn là đàm đạo với phóng viên báo Phụ nữ Today (PNTD) chung quanh hiện tượng ăn xài xa hoa của một số đại gia ở Việt Nam. Thú thật, tôi rất ngại nói về những chuyện mang tính ethics như thế này (nhưng nói về đạo đức khoa học thì ok). Nhưng vì phóng viên là chỗ quen biết và câu hỏi cũng thú vị, nên tôi cũng muốn phát biểu vài ý để gọi là góp chuyện dông dài về một vấn đề mang tính thời sự ...

Trong cuộc đàm đạo này, tôi có nhắc đến chuyện li cà phê, chai rượu, điện thoại đắt tiền. Đó không phải là ngẫu nhiên mà là những kinh nghiệm cá nhân trong vài năm gần đây khi tôi đi công tác bên nhà. Tôi thật sự ngạc nhiên về sự đắt đỏ ở Việt Nam, và sự xa hoa của người mình.

Trước hết là chuyện những cái điện thoại đắt tiền. Hôm đó, tôi ở khách sạn M ở Hà Nội, thuộc hạng khách sạn có “đẳng cấp”. Tầng 1 của khách sạn có vài cửa hàng bán đồ lưu niệm, trong đó có một cửa hàng nhỏ, chuyên bán điện thoại hiệu Vertu, với giá tối thiểu 4000 USD một cái. Trong khi tôi đi window shopping, thì một cặp tình nhân (tôi đoán thế) đi vào shop, và cô nàng nói bằng một giọng Bắc kì dễ thương: “Em thích cái này. Đẹp nhỉ?” Thế là anh chàng kia rút ví ra mua ngay cho cô nàng. Một cách thản nhiên. Không hề ngần ngừ. Dĩ nhiên là không có chuyện trả giá ở đây. Tôi cứ tự hỏi làm sao người ta có thể chi đến hàng chục ngàn USD để mua một cái điện thoại. Một chục ngàn đô-la, tôi có thể xây lại trường học ở làng tôi, tôi có thể mua gạo và nước mắm giúp cho hàng ngàn gia đình trong mùa nước lũ.

Đến những chai rượu hàng chục ngàn đôla. Hôm bay đi Saudi Arabia, tôi có chuyện phải ghé qua Singapore làm việc với mấy người bên MeetingLab trước hội nghị AFES. Tôi có dịp đi dạo một vòng những cửa hàng bán hàng hoá miễn thuế. Tôi chú ý đến những chai rượu Cognac (loại Remy Martin Louis XIII), giá từ 2000 USD trở lên, có chai lên đến gần 20,000 USD! Tôi nói đùa với người bán hàng rằng chắc lâu lắm mới bán một chai. Cô ta nói không phải đâu, mỗi tuần chúng tôi bán cả chục chai. Khách hàng là ai mà mua mấy thứ này? Cô nói PRC. PRC là ai? Cô giải thích thêm là People’s Republic of China. Nhưng tuần sau khi đến VN, cũng ở Hà Nội, và tôi chứng kiến các đại gia dùng những loại rượu này tại khách sạn M. Tôi lại quen đùa nói với anh quản lí chắc mấy chai đó là rượu nhái hả anh. Anh ta trợn mắt nói: Ui, mỗi tuần chúng em bán vài chai đấy anh à; đối với các đại gia đó là loại rẻ tiền đấy. Đại gia Hà Thành quả là giàu thật!

Và, chuyện li cà phê. Có lần tôi kể chuyện cho các bạn về sự đắt đỏ ở Việt Nam mà cá nhân tôi thấy cứ … bâng khuâng. Hôm đó, ngồi ở đại sảnh Khách sạn L ở Sài Gòn, cô tiếp viên đến đưa menu để tôi chọn thức uống. Nhìn qua menu, loại thức uống rẻ mất là nước lọc với cái giá gần 80 ngàn đồng! Một li cà phê thì gần 100 ngàn đồng. Tôi hơi hoảng và tìm cách rút lui trong … danh dự. Tôi mỉm cười nói với cô tiếp viên rằng bạn tôi mới tới ngoài kia, và tôi phải đi ngay, rất tiếc không thể thưởng thức li cà phê ở đây. Cô ấy cũng lịch sự nói “Dạ, lần sau cũng được”. Thật ra thì không có lần sau, dù tôi thường hay ở khách sạn này khi về Sài Gòn. Không phải tôi hà tiện, mà chỉ vì tôi thấy không hợp cảnh. Ở Âu châu hay Úc thì tôi có thể chi ra 4-5 USD cho một li cà phê, nhưng ở đây thì dứt khoát không. Tôi không thể nào uống một li cà phê với cái giá như thế ở ngay thành phố này khi mà chỉ không đầy 1 phút đi bộ là đã thấy những người đồng hương lam lũ đang đạp xe bán từng trái cam, từng trái mít.

Một chuyện khác là những căn nhà sang trọng (cũng có thể nói là biệt thự) đang mọc lên ở Việt Nam. Không chỉ ở Hải Phòng, mà ngay ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất nhiều biệt thự nguy nga tráng lệ mọc lên bên cạnh những túp nhà lụp xụp. Có khi giữa cánh đồng xanh rì mọc lên một căn biệt thự trông rất kiên cố, và chung quanh hàng xóm là những căn nhà tranh vách lá. Tôi thấy sự có mặt của những biệt thự như thế thật là phản cảm. Càng phản cảm hơn khi được biết chủ nhân của những căn biệt thự đó là quan chức cao cấp địa phương. Với đồng lương khiêm tốn, chuyện người dân đặt câu hỏi hay xầm xì về những căn nhà nguy nga tráng lệ đó là điều không ngạc nhiên.

Trên đây là những giải nghĩa đằng sau vài chuyện tôi đề cập trong bài đàm đạo dưới đây. Bây giờ thì các bạn đã biết tôi nói gì, và đã sẵn sàng theo dõi bài phỏng vấn.

N. V. T.

Nguồn: nguyenvantuan.net

PNTD:Thời gian gần đây, dư luận trong nước xôn xao về cách xài tiền đặc dị của các đại gia: thuê máy bay, diễu dàn xe tiền tỷ đi đón dâu, nuôi chó triệu đô... Sống ở một đất nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp khoảng 40 lần Việt Nam (năm 2009 đã là 39.500 USD/người/năm), GS có "choáng" với cách đốt tiền như vậy không ? GS bình luân gì về những biểu hiện "chơi ngông" của những đại gia này?

NVT: Tôi từng nói là rất choáng với những cách tiêu tiền có thể nói là rất xa hoa của vài đại gia ở Việt Nam. Không chỉ tôi, mà bạn bè người Úc đang làm chung với tôi, sau khi đi du lịch ở Việt Nam về cũng tỏ ra rất ngạc nhiên với sự xa xỉ của người mình. Một người bạn là bác sĩ ở Viện Garvan cứ nói với tôi rằng chị không lí giải được một đất nước còn rất nghèo, đường xá chật hẹp và kém chất lượng, mà có những chiếc xe rất đắt tiền. Mới đây, báo chí phản ảnh những đám cưới “khủng” của vài đại gia, hoặc chi ra vài trăm triệu đồng để xây nhà cho … chó, v.v. càng gây sự chú ý của công chúng.

Theo thói quen, tôi thường đặt câu hỏi tại sao: tại sao vài đại gia Việt có những cách tiêu tiền quá xa xỉ. Dĩ nhiên, có người muốn xem việc mua những món hàng xa xỉ là một cách khẳng định đẳng cấp của họ. Cũng có thể đó là một cách tiếp thị hoặc làm PR cho doanh nghiệp của họ. Cũng có thể cách tiêu tiền theo kiểu “chơi nổi” là một cách khoe khoang, rất phù hợp với nhận xét của Nhà văn hoá Đào Duy Anh trước đây: "[…] Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. ... Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi cờ bạc". Cả ba lí do đều có chung một mẫu số: văn hoá thấp. Vì văn hoá thấp nên người ta dùng đồng tiền một cách hợm hĩnh.

Nhưng cũng có thể còn một lí do không nằm trong lĩnh vực văn hoá, mà là tâm lí. Chúng ta biết rằng một vài đại gia tiêu tiền xa xỉ trong khi mắc nợ chồng chất. Rất khó lí giải cho những trường hợp như thế, nhưng không loại trừ khả năng họ mắc hội chứng tâm thần mà giới y học gọi là rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Một số người với hội chứng rối loạn lưỡng cực cũng tiêu tiền một cách phi lí trí. Có người còn đem cả lí thuyết tiến hoá ra giải thích cho những hành vi tiêu tiền xa xỉ, nhưng có lẽ lí thuyết này chưa ứng dụng ở đây.

PNTD: Công luận hầu như không đồng tình về cách đốt tiền chơi ngông của các đại gia này, theo GS, có phải là do phản ứng tiêu cực của người nghèo với người giàu, hay do nghi vấn về tiền sạch, tiền bẩn hoặc nhân tâm bỗng nhiên thấy có sự cắc cớ khi nhìn ra xung quanh còn đói khổ?

NVT: Rất khó biết tại sao dư luận phản ứng tiêu cực đến những kiểu ăn xài xa hoa của vài đại gia. Chúng ta cần nghiên cứu xã hội để tìm hiểu, nhưng theo tôi biết chúng ta còn thiếu những nghiên cứu như thế. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện nay, tôi nghĩ phản ứng của công chúng cũng không khó hiểu. Thứ nhất là tình trạng tham nhũng, hối lộ tràn lan khắp xã hội, thì người ta có lí do nhìn những đại gia đó như là những người không ít thì nhiều có liên quan đến những vụ tham ô, hối lộ. Nhìn như thế thì họ là những người trộm cắp, và do đó đồng tiền của họ là đồng tiền bẩn. Thứ hai, công chúng nghĩ đến những bóc lột công sức của người lao động, họ nghĩ rằng các đại gia nhờ bóc lột hay lợi dụng người nghèo khó để làm giàu, và do đó, đồng tiền của họ là đồng tiền phi đạo đức. Dĩ nhiên, đó chỉ là những ấn tượng, chứ trong thực tế có thể các đại gia làm giàu một cách chính đáng. Nhưng người làm giàu chính đáng, làm giàu từ sự lao động cật lực của chính mình thì ít ai tiêu xài xa xỉ như một số đại gia Việt.

Cũng nên ghi nhận ở đây một thực tế là người mình có “văn hoá” chuộng cái nghèo (thanh bần) và không ưa người giàu. Điểm qua các tác phẩm văn học xưa và nay, chúng ta dễ dàng thấy người ta ca ngợi người nghèo khó và có ý chí phấn đấu, nhưng lại rất ác cảm với người giàu có. Đọc Thạch Lam sẽ thấy ông có xu hướng ca ngợi và thi vị hoá cái nghèo, nhưng chỉ trích những người giàu sang mà ích kỉ và xấu xa.

PNTD: Thử làm một phép so sánh, tại sao những siêu sao ở Mỹ mua nhà trị giá hàng chục triệu đô hoặc vợ chống Tom Cruise sắm cho cô con gái chưa tới 6 những món đồ hàng chục ngàn đô la, dư luận Mỹ và cả ở VN (biểu hiện trên báo chí ở Mỹ và cả VN) đều có phần ngưỡng mộ và đặc biệt rất ít đặt nghi vấn nào về nguồn gốc số tiền của họ.  Xin GS hãy lý giải vì sao lại có sự phản ứng khác nhau như vậy?

NVT: Không ai lại xây một biệt thự đắt tiền mà chung quanh toàn là những căn nhà lá; tương tự, tiêu tiền một cách xa xỉ trong khi đại đa số đồng hương còn nghèo khó là một việc làm dễ gây sốc. Đúng là ở Mĩ cũng có những người tiêu tiền một cách xa xỉ, và vợ chồng Tom Cruise là một ví dụ. Công chúng Mĩ ít ai đặt vấn đề về cách tiêu tiền của những tài tử điện ảnh này, vì ai cũng biết họ là những người rất giàu và họ làm giàu một cách chính đáng, làm giàu từ tài năng của họ. Vả lại, ở Mĩ, với thu nhập trung bình 40,000 đến 50,000 USD một năm, thì việc nhà giàu chi ra vài chục ngàn USD cho một món quà cũng chẳng làm sai sốc. Nhưng ở nước ta, với thu nhập trung bình chỉ 1000 USD (hoặc thấp hơn) mà có người bỏ ra 20,000 USD xây nhà cho chó, hay 10,000 USD cho một cái điện thoại di động, hay 5,000 USD cho một chai rượu thì dễ làm cho công chúng sốc. Do đó, cách tiêu tiền cũng phải tuỳ vào bối cảnh kinh tế.

Nhưng cách chi tiền như thế rất phản cảm. Thử tưởng tượng ta uống một li cà phê giá 80 ngàn đồng, hay ăn một tô phở giá 800 ngàn đồng, và bên cạnh ta là những người bán vé số lam lủ với thu nhập một ngày chưa đến 30 ngàn đồng. Tiêu tiền xa xỉ như thế chẳng khác gì chà xát vào nỗi đau khổ của người nghèo khó. Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Tôi nghĩ một người có văn hoá không bao giờ hành xử một cách “dã man” với đồng hương của mình dù chỉ là gián tiếp.

Tôi còn nhớ vài năm trước ở Mĩ có hai vợ chồng người Việt bị giết chết, chỉ vì họ tậu một chiếc xe hiệu Hummer rất đắt tiền. Kẻ giết hai vợ chồng (là người Mĩ) sau này thú nhận là chỉ đơn giản vì ghét kiểu “chơi nổi” của hai vợ chồng người Việt. Người ta lí giải rằng khu vực họ sống là khu đa số dân là người lao động, nên cách sống của hai vợ chồng Việt làm cho người chung quanh thấy khó ưa. Tiêu tiền không đúng hoàn cảnh có khi cũng nguy hiểm.

PNTD: Cùng lúc với những sự rước dâu bằng dàn xe tiền tỷ, máy bay hay nuôi chó triệu đô... là những hành xử rất vô cảm, coi rẻ giá trị con người như đại gia nước đá trả con dâu chỉ vì nghi con dâu mất trinh hay một gia đình đuổi người thân là người nước ngoài ra đường chỉ vì ông ta... nghèo. GS có thể bình luận gì về những hiện tượng trái khoáy nhưng diễn ra đồng thời như vậy?

NVT: Tôi không biết những hành động xa hoa trên là vô cảm hay không, vì chỉ có đương sự mới biết mà thôi. Xin nói thêm rằng theo tôi được biết, trường hợp cô dâu ở Cần Thơ là do nghi ngờ vô cớ về một thước phim sex. Nhưng đứng trên quan điểm khoa học, việc người giàu có hành xử “trái khoáy” có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên. Một nghiên cứu mới đây cho thấy người giàu có thường hay hành xử trái với đạo lí xã hội, hay phạm luật pháp. Có thể lí giải những hành động trái với đạo đức trong giới giàu có qua sự độc lập của họ. Những người có nhiều tiền và quyền cao chức trọng tương đối độc lập và ít bị ràng buộc với người chung quanh họ, nên có nhận thức thấp về rủi ro liên quan đến những hành vi thiếu đạo đức của họ. Ngoài ra, người giàu tự tin rằng “kim ngân phá luật lệ”, họ dư thừa phương tiện và tài lực để đối phó khi họ vi phạm luật. Người có quyền thế và giàu có cũng có khi suy nghĩ rằng họ “có quyền” thỉnh thoảng vi phạm luật pháp hay có những hành vi trái với đạo lí, vì họ nghĩ họ có công hay chính là những người xây dựng nên qui chuẩn đạo đức. Cũng có thể lí giải vì họ xa rời với những người chung quanh, họ sống trong giai tầng của họ, và tỏ ra xem thường những người nghèo hèn. Một lần nữa, những cách hành xử xem thường người nghèo cũng là một thể hiện của sự thiếu nền tảng văn hoá, và có khi thiếu kĩ năng sống.

Cũng cần nhắc đến một vài sự kiện gần đây khi có những đại gia mua đấu giá những món hàng đắt tiền dưới danh nghĩa làm từ thiện nhưng họ thật ra không mua. Đó không chỉ là một hành động gian trá mà còn là một giễu cợt vô cùng vô giáo dục trên nỗi khổ của người khác.

PNTD: Theo GS, có phải sự phát triển lệch pha giữa kinh tế và văn hóa trong thời gian qua ở Việt Nam đã tạo nên những biến thái đáng buồn như vậy? Liệu có phải do kinh tế phát triển quá nhanh mà văn hóa không theo kịp nên đã khiến cho con người ta vô cảm hơn với đồng loại, thậm chí cả những người ngay bên cạnh mình, thưa GS?

NVT: Lệch pha giữa văn hoá và kinh tế? Một suy nghĩ hay.  Mới đây, tôi có một buổi trò chuyện với một nhà giáo dục ở Sài Gòn, và anh chỉ ra rằng kinh tế thì có lúc trồi, lúc sụt theo thời gian, nhưng sự suy thoái về văn hoá thì theo đường thẳng đi xuống. Nói cách khác, trong khi thu nhập cá nhân có phần tăng lên (nhưng khoảng cách giàu nghèo càng xa) thì văn hoá và đạo đức xã hội chỉ xuống cấp. Hệ quả là khoảng cách giữa văn hoá và kinh tế càng ngày càng xa, và những trường hợp ăn xài quá đáng mà chúng ta đang chứng kiến là biểu hiện của sự lệch pha đó.

Tôi nghĩ đến vấn đề mà báo chí thường hay nêu là “xuống cấp đạo đức”. Nói cho cùng thì đó là vấn đề giáo dục. Tại vì hệ thống giáo dục của chúng ta một phần nào đó đã thất bại trong việc đào tạo ra những con người biết sống, những con người thiện (thiện nhân). Trước năm 1975, chúng tôi có học môn “công dân giáo dục”, và các tôn giáo đóng vai trò tích cực trong giáo dục qua những trường tư thục do các tổ chức tôn giáo quản lí. Sau 1975, một thời gian dài không có môn công dân giáo dục, và sau này có một môn học tương tự nhưng có vẻ lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục đạo đức xã hội. Sự trống vắng của các tổ chức tôn giáo trong giáo dục học đường, giáo dục xã hội, tôi nghĩ cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng đạo đức bị xuống cấp.

PNTD: Liệu GS có thể chia sẻ, sự tiêu tiền nào đã từng khiến GS khâm phục? Nếu nói về cách tiêu tiền của các đại gia trên thế giới, GS ấn tượng với cách tiêu tiền của ai nhất và tại sao?

NVT: Một trong những người tôi khâm phục về cách tiêu tiền là Bill Gates (chủ tịch tập đàn Microsoft) và Alfred Nobel (người để lại cho đời di sản giải thưởng Nobel nổi tiếng). Vào thập niên 1990, Bill Gates được mời sang Úc diễn thuyết, và ông đi máy bay hạng phổ thông, ăn ở nhà hàng thức ăn nhanh McDonald trong khu Darling Harbour! Chuyện còn kể rằng khi ông tự mướn lái xe đến hội trường để giảng, nhưng ông phát hiện rằng ông phải trả phí ở bãi đậu xe, thế là ông liền lái xe tìm chỗ khác đậu xe mà không phải trả phí, và ông đến hội trường trễ vài phút. Báo chí hỏi ông rằng có phải đó là “hà tiện”, ông thản nhiên nói: “không, đó là nguyên tắc”. Nguyên tắc tiêu tiền của ông là tiêu tiền cho đúng mục đích đem lại lợi ích cho nhiều người, chứ không phung phí để chứng tỏ mình có nhiều tiền.

Tôi rất khâm phục Alfred Nobel trước khi qua đời đã để lại gia sản để làm nên giải Nobel ngày nay. Tôi cũng ngưỡng phục những tỉ phú người Mĩ như Warren Buffett chi 31 tỉ USD cho Quĩ Berlinda và Bill Gates, hay những người bỏ hàng triệu đô la cho quĩ Atlantic. Đó là những cách tiêu tiền đem lại lợi ích cho nhiều người trên thế giới, kể cả Việt Nam. Nhưng tôi không bao giờ hâm mộ giới tỉ phú người Úc vì tôi nghĩ họ ích kỉ, thậm chí còn ích kỉ hơn các tỉ phú ở Hồng Kông.

PNTD: Đương nhiên, bản thân đồng tiền chỉ là vật quy ước, nó không có tội, nhưng ứng xử với nó như thế nào thì được coi là tử tế và ngược lại, bị coi là hợm hĩnh, mất nhân cách?

NVT: Dĩ nhiên đồng tiện không có “tội”; chỉ có người dùng nó phải chịu trách nhiệm về cách chi tiêu. Tôi xem tiền như là một phương tiện. Phương tiện có thể dùng cho việc thiện hay bất thiện, tuỳ vào người sử dụng. Tôi nghĩ đến dùng phương tiện theo tiêu chí của nhà Phật: diệt khổ. Tôi không nói đến khái niệm diệt khổ ở đây, nhưng chỉ muốn nói rằng chung quanh chúng ta có rất nhiều người nghèo khổ. Ở bất cứ nơi nào trong Việt Nam, chỉ cần đi ra vài bước là có thể cảm nhận được cái nghèo, cái khổ của rất nhiều đồng hương. Nếu đồng tiền được sử dụng diệt khổ cho những đồng hương đó thì đồng tiền sẽ có ý nghĩa hơn.

Tôi nghĩ diệt khổ của người khác cũng chính là một cách diệt khổ cho chính mình. Tôi nhớ cựu tổng thống J. F. Kennedy từng nói đại khái rằng nếu một xã hội không thể giúp gì cho đa số người nghèo thì xã hội đó cũng chẳng giúp gì cho thiểu số những người giàu có.

PNTD: Nếu có ai đó làm giàu bất minh nhưng lại bỏ một phần tiền đó vào những mục đích tốt như: ủng hộ cho một ca mổ tim từ thiện, xây một cây cầu cho dân đi lại hoặc tặng một cái gì đó cho trẻ em vùng núi đi học... Về đạo lý, cái áo thầy tu có thể rửa sạch tội cho cái áo thợ săn không, thưa GS?

NVT: Theo tôi nghĩ, câu trả lời là “không”. Dùng đồng tiền phi pháp cho những mục tiêu tưởng như hợp pháp là một cách rửa tiền, và rửa tiền là việc làm trái với đạo lí xã hội. Đồng tiền dơ bẩn dù nó có được sử dụng cho mục đích cao cả thì chỉ làm cho mục đích đó bị bẩn. Ở Mĩ cũng như ở Úc, khi các đảng chính trị tranh cử, họ có qui định không nhận tài trợ từ những doanh nghiệp có nghi vấn về sự minh bạch trong kinh doanh. Viện Garvan của chúng tôi cũng nhận tiền tư các nhà từ thiện, nhưng chúng tôi chắc chắn không nhận tiền từ [ví dụ như] người buôn lậu, hay những người kinh doanh có vấn đề về đạo đức. Ông bà ta có câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” rất đáng để học ở đây.

Nguồn: phunutoday.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn