Cha chung về tài nguyên không ai khóc

Vũ Quý Hạo Nhiên

TS Tô Văn Trường biên tập

Một người bạn, GS về kinh tế ở nước ngoài, vừa mới báo cho tôi biết GS chính trị học Elinor Ostrom (1933-2012) vừa mới mất, thọ 78 tuổi. Bà đi nhanh quá, nên lịch làm việc tháng 8 này ở Stockholm vẫn còn. Bà được giải Nobel Kinh tế năm 2009, sau cả một đời nghiên cứu cách bảo vệ tài nguyên của chung sao cho không bị lạm dụng, không bị dùng quá trớn.

Tuy chiếm giải Nobel kinh tế, nhưng bà Ostrom không phải là một nhà kinh tế học. Bà đậu cử nhân, cao học, và tiến sĩ đại học UCLA không phải trong ngành kinh tế, mà trong ngành chính trị học. Hầu hết công trình nghiên cứu của bà đều được thực hiện trong thời gian bà dạy tại đại học Indiana University, cũng không phải trong khoa kinh tế, mà trong khoa chính trị.

Điều này thật ra không có gì lạ. Không lạ, vì ngành kinh tế không còn là một ngành riêng lẻ dành riêng cho những người muốn làm kinh tế hay thương mại nữa, mà ngành kinh tế đã lấn vào hầu hết các ngành khoa học xã hội. Phương pháp luận của kinh tế là một phương pháp luận căn bản hầu như bất kỳ một nhà khoa học xã hội nào cũng phải biết. Và khi một nhà chính trị học, như Tiến sĩ Ostrom, dùng phương pháp của kinh tế để giải quyết vấn đề tài nguyên dùng chung, thì công trình đó trở thành một công trình kinh tế.

Vấn đề Tiến sĩ Ostrom nghiên cứu khá quen thuộc với người Việt Nam. Ví dụ như tại sao phòng vệ sinh ký túc xá lại rất dơ? Tại sao đường sá Việt Nam xả đầy rác? Tại sao di tích lịch sử cứ bị phá hỏng không ai chăm sóc? Tại sao ngành du lịch làm ăn chụp giựt không màng tới tiếng xấu cho đất nước? Tại sao môi trường sống của Việt Nam ngày càng bị ô nhiễm, nhất là các dòng “sông đen”. Người Việt Nam mình gọi những vụ này bằng thành ngữ “cha chung không ai khóc” hoặc là "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa." Trong kinh tế, tình trạng này mang tên gọi “tragedy of the commons," tạm dịch là "thảm kịch của tài nguyên dùng chung" theo tựa bài nghiên cứu của nhà môi trường học Garrett Hardin từ năm 1968. Đây là công trình về môi trường, do một tiến sĩ vi sinh học viết ra, lại trở thành một bài kinh điển cho giới kinh tế, một lần nữa cho thấy môn kinh tế không phải là một ốc đảo.

Thế thì "tragedy of the commons" là gì? Có lần trả lời phỏng vấn, Tiến sĩ Ostrom tóm tắt công trình nghiên cứu cả đời của bà, là biến "tragedy of the commons" thảm kịch của tài nguyên dùng chung thành "problem of the commons" – một bài toán, một vấn đề, có giải pháp, chứ không phải là thảm kịch để ngồi khóc lóc than thở với nhau. Thí dụ tiêu biểu của "tragedy of the commons" (mỗi vấn đề trong kinh tế thường có một thí dụ tiêu biểu) là một đồng cỏ chăn bò. Hardin miêu tả một cánh đồng cỏ không thuộc chủ nào hết, bên ngoài một ngôi làng. Một nhà nông đem 2-3 con bò ra ăn cỏ, thì không sao, vì cỏ sẽ mọc lại. Cả làng mỗi nhà mang 2-3

con, cũng chưa sao. Trong đó có một nhà mang 10 con, cũng vẫn chưa sao, cỏ vẫn còn mọc lại được. Nhưng nếu ai ai cũng mang 10, 20, 30 con thả ra đồng cho nó tự ăn, tự lớn rồi mình bán lấy tiền làm giàu, nếu ai ai cũng lùa thật nhiều bò vào ăn trong cánh đồng đấy, rồi ra cỏ

sẽ chết hết, chết cả gốc rễ luôn. Và thế là hết cỏ. Mà hết cỏ thì cũng hết cả chăn bò. Cái tối ưu của mỗi người, khi cộng lại, sẽ không còn là mức tối ưu của chung. (Người quen thuộc với toán sẽ nhận ra là điểm cân bằng Nash của trò chơi này là điểm không tối ưu). Đó là thảm kịch. Thảm kịch này đã xảy ra thật trong đời sống. Cụ thể nhất là trong ngành đánh cá. Có những nguồn cá bị đánh cạn kiệt, chỉ vì mỗi người đều cố gắng đánh cho được càng nhiều cá càng tốt, không cần biết có quá mức sinh đẻ của cá hay không. Nếu lỡ vùng biển nào bị cạn nguồn cá thì không sao, ta đi qua vùng biển khác, tiếp tục vắt cho hết!

Vậy phải làm sao? Các nhà kinh tế đưa ra hai giải pháp. Một giải pháp, có thể xem như là giải pháp của "cánh tả," là một chính quyền nào đó đứng ra đánh thuế, hoặc quản lý đồng cỏ này, định giới hạn số bò được vào. Có giới hạn, đồng cỏ sẽ không bị gặm tới chết. Giải pháp thứ nhì, có thể xem như giải pháp "cánh hữu," là đem chia lô bán đấu giá đồng cỏ đó. Tư nhân mỗi người được một miếng, rồi tự lo mà giới hạn để năm sau mình còn cỏ mà cho bò ăn. (Ron Coase, Nobel Kinh tế 1991, là người cổ động cho giải pháp này.)

Cả hai giải pháp trên đều có vấn đề. Giải pháp "tả khuynh" kiểu Pigou là tin tưởng vào một nhà nước anh minh sẽ đưa ra đáp số tối ưu – trong khi nhà nước tự nó cũng có sự ích kỷ của nó. Có cả một ngành kinh tế, gọi là “public choice theory”, để phân tích sự ích kỷ của nhà nước

dẫn đến những giải pháp dưới tối ưu như thế nào. (Tiến sĩ Ostrom cũng đóng góp đáng kể trong public choice theory). Người Việt Nam mình rất tả khuynh. Mỗi khi có vấn đề gì, là báo “lề phải” sẽ có những bài viết hay thư độc giả "mong sao nhà nước sẽ có giải pháp X, Y, Z," và các blog “lề trái” thế nào cũng có người chỉ trích nhà nước là không chịu áp đặt giải pháp X, Y, Z). Giải pháp hữu khuynh cũng yếu. Chính Coase cũng nhận ra rằng chia một mảng tài nguyên lớn thành nhiều mảng nhỏ tăng chi phí giao dịch giữa những lô đất đó với nhau hoặc giữa người có đất và người ngoài. Ngoài ra, có khi mảng tài nguyên đó không phân lô được, hoặc phân lô không được công bằng.

Tiến sĩ Ostrom đưa ra thí dụ một đồng cỏ không phân chia được. Có cái làng kia ở miền núi châu Âu, người ta canh tác ở chân núi còn phần đồng cỏ trên cao, không phải của riêng ai, thì người ta thả bò ở đó. Cỏ ở đó, mọc không đều. Cỏ mọc nhiều ít trong mùa xuân, là tùy tuyết mùa đông thế nào. Trên núi đó, tuyết rơi không đều, nên vào mùa xuân cỏ mọc cũng không đều. Có năm thì phía bên này cỏ xanh rậm rạp phía bên kia thưa thớt. Có năm thì ngược lại. Vì vậy, giải pháp của cánh hữu chia lô mỏm núi không thực hiện được. Chia lô ra sẽ dẫn đến tình trạng có bên bò no và dư cỏ, có bên bò thiếu cỏ bị đói. Cái làng đó chính là nguồn cho giải pháp của Tiến sĩ Ostrom. Cái làng đó có thật, có tên: Làng Törbel, ở Thụy Sĩ. Ở đây, họ có luật của làng, là không cho phép thả bỏ ăn cỏ nhiều hơn số bò có thể nuôi được (trong chuồng) vào mùa đông. Bỏ qua lý do tại sao luật này tối ưu (và nó đã tối ưu từ năm 1517 tới nay!) sáng kiến của bà Ostrom là nhận ra chân lý này: “Vấn đề của tài nguyên dùng chung có thể giải quyết được qua sự thỏa thuận giữa những người dùng tài nguyên đó với nhau!” .

Ngoài ngôi làng Törbel ở Thụy Sĩ ra, bà Ostrom còn tìm ra hàng trăm thí dụ khác khắp thế giới, khi người sử dụng tài nguyên, tại địa phương, tự tìm ra giải pháp. Tức là, trong khi giới kinh tế từng tưởng rằng chỉ có hai giải pháp ở cực tả và hữu – hoặc là nhà nước phải nhúng tay vào điều khiển từ xa, hoặc là tài nguyên đó phải xé ra cho tư nhân – thì có một giải pháp thứ ba: Giải quyết tại địa phương. Cái làng Törbel ấy, họ tự giải quyết với nhau, không cần chi tới nhà nước ở Zurich xía vào.Tự giải quyết với nhau à? Dễ nhỉ. Dễ thế mà cũng Nobel sao? À. Nếu nghĩ thêm một bước nữa, mới thấy phát hiện này không phải là tầm thường đâu. Vì bình thường, nếu bảo, ai xài người đó tự giải quyết với nhau, thì rất nhiều người trong chúng ta sẽ giãy nảy lên vì cho đó là vô lý, là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Chính điều đó là phát hiện của Ostrom. Những kẻ đá bóng này không thể thổi còi bậy được, vì họ còn phải tiếp tục đá với nhau nữa, hết trận này qua trận khác. Khác với hai đội chuyên nghiệp cần có trọng tài, trẻ em trong xóm khi đá với nhau toàn tự thổi còi đấy thôi! Phát hiện của Ostrom cũng chứng minh thành ngữ của Việt Nam là sai. "Cha chung không ai khóc" ư? Có ai đã từng đi đám ma của ông nào đông con mà không con nào khóc đâu? Thực tế là càng đông con càng nhiều đứa khóc và càng dễ làm đám ma to. "Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa"? Cũng sai nốt. Nhiều sãi thì cứ phân công đóng cửa chùa thôi! Trong công trình “Governing the Commons” năm 1990, Tiến sĩ Ostrom trình bày kết quả khảo sát thực địa ở khắp năm châu, và rút ra danh sách 8 điểm cần có để giải pháp địa phương thực hiện được (xem thêm tóm tắt "http://www.press.umich.edu/titleDetailDesc.do?id=10728"). Nhìn vào danh sách này, người quen thuộc với phương pháp kinh tế sẽ nhận ra nhiều khó khăn được giải quyết, như property rights, externalities, free-rider, one-shot game, transaction cost. Tài nguyên dùng chung phải được phân vùng rõ rệt, để loại bỏ người ngoài nhào vô mà không tuân thủ luật của nhóm. Luật của nhóm phải cân bằng giữa tài nguyên rút ra và cống hiến bỏ vào, như bỏ tiền, bỏ công. Người bị ép tuân thủ luật của nhóm, phải có tiếng nói trong việc lập ra và thay đổi luật này. Phải có người theo dõi sự tuân thủ để tránh gian lận. Phải có luật phạt vi phạm, và mức phạt phải tăng dần. Và ở đây, Tiến sĩ Ostrom chỉ ra điều cơ bản của vấn đề, là không cần một nhà nước ở xa mà chính những người sử dụng tài nguyên tự bảo đảm sự tuân thủ bằng những mức phạt này. Tranh chấp phải giải quyết được ở mức địa phương, với phí tổn thấp về tiền bạc, nhân sự, thời gian. Điều này giảm thiểu transaction cost. Chính quyền bên ngoài phải tôn trọng quyền tự quyết của địa phương. Cái này tiếng Việt gọi là “phép vua thua lệ làng”. Không chỉ để tránh những giải pháp dưới tối ưu do "xuân từ trong Huế đưa ra" mà điều này còn tránh cho những kẻ muốn lách luật của nhóm không thể chạy ra trung ương kiếm ông nào “ô kê hay bảo kê” cho mình làm bậy. "Nested enterprises" – phải có nhiều tầng quy tắc cho từng tầng tài nguyên. Ostrom lấy thí dụ ở Philippines: Kênh đào có nhiều cấp, có kênh chính, kênh nhỏ tách ra từ kênh chính (Việt Nam chia thành kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2…) và trên đó thì có hệ thống chung của tất cả các công trình thủy lợi. Thì luật ở kênh nhỏ, là kênh cuối cùng đổ vào ruộng, phải khác luật ở kênh chính đổ vào các kênh nhỏ. Và cả hai cùng phải khác luật của cả hệ thống dẫn thủy nhập điền.

Thay cho lời kết

Không cần phải là nhà khoa học, không cần phải quen thuộc với phương pháp kinh tế cũng nhận ra công trình nghiên cứu của GS chính trị học Elinor Ostrom (1933-2012) phản ánh một đất nước muốn phát triển bền vững phải thượng tôn pháp luật, phải công nhận bảo vệ quyền tư hữu (sửa luật đất đai), tư pháp phải độc lập, địa phương có quyền tự trị nhưng phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, đặc biệt là tôn trọng ý kiến của cử tri. Suy cho công việc quản trị của quốc gia rất cần hai chữ mà xã hội ta chưa có đó là “DÂN CHỦ”.

V. Q. H. N.

Người biên tập trực tiếp gửi cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn