Cơn khủng hoảng triền miên ở Vinalines và nhân vật Dương Chí Dũng (bài 4)

Lê Trung Thành

Đây là bài cuối cùng trong loạt bài của Lê Trung Thành về Dương Chí Dũng và Vinalines. Điều đáng nói là bài đầu tiên được Bauxite Việt Nam đăng vào ngày 10/6/2012 thì ngay sau đó bị đưa lên trang mạng http://quanlambao.blogspot.com nhưng được ghi ngày là 9/6/2012, nghĩa là trước Bauxite Việt Nam một ngày. Việc ghi lùi ngày như thế cộng với việc không ghi nguồn, khiến người đọc có thể nghĩ rằng chính Bauxite Việt Nam mới là người lấy bài của quanlambao.blogspot.com, chứ không phải ngược lại. Việc làm không sòng phẳng của quanlambao.blogspot.com là có ý đồ gì vậy?

Bauxite Việt Nam

Sinh ngày 5 tháng 5 năm 1957 tại Hải Dương trong một gia đình nền nếp rồi lớn lên trên đất Hải Phòng, ông anh cả Dương Chí Dũng (DCD) không theo nghiệp cha mà đòi sang Cộng hoà dân chủ Đức học nghề. Chẳng biết ở phía trời Tây xa ngái ông học hành đến đâu nhưng cũng ôm được bằng “Tiến sĩ” mang về nước…

Cái mác học ở Đức cộng với nhiều khoản chi chác giúp ông mau mắn thăng đến chức Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tổng công ty xây dựng đường thủy để rồi 3 năm sau trở thành người đứng đầu ngành kinh tế biển VN.

Việc ông từ đâu bay đến làm Tổng chỉ huy hàng triệu tấn tàu, nắm đầu các con sói biển quen ăn sóng nói gió, lang bạt khắp bốn biển năm châu đã gây bất ngờ đến sửng sốt. Đối với nhiều người gạo cội trong ngành đường biển, một nhân vật chưa từng biết ngành hàng hải là gì như ông đột ngột trở thành “thuyền trưởng” là sự nhục mạ niềm kiêu hãnh của nghề biển đầy gian nan thử thách. Mấy chục năm qua, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình tên tuổi những bậc tiền bối như Lê Văn Kỳ, Trần Xuân Nhơn, Đinh Ngọc Viện rồi tới thế hệ nối tiếp như Chu Quang Thứ, Vũ Ngọc Sơn… đều là những người khả kính, xây đắp và gìn giữ uy danh nghề biển, mang lá cờ đỏ sao vàng đi tới mọi bến bờ xa lạ.

Ông DCD là người ngoại đạo; ông không hiểu hết lòng người trong cuộc, không đánh giá hết mọi thuận lợi khó khăn nên ông không thu phục được nhân tâm, không tập hợp được sức mạnh, mà trái lại làm cho sự ly tán lan rộng, chia rẽ bè phái trở nên nghiêm trọng. Đã vậy, khi ông chọn ông Mai Văn Phúc từ Quảng Ninh về làm TGĐ thì những mâu thuẫn nội bộ ngày càng tăng lên. Người ta dễ dàng nhận ra rằng, hai ông hợp sức với nhau, tỏ ra ăn ý với nhau không phải để chăm chút cho sự phát triển bền vững của ngành, càng không phải để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước, vươn ra Biển Đông bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những việc làm khuất tất, mờ ám, tìm cách vơ vét cho đầy túi tham của các ông không qua nổi con mắt của nhiều người trong cuộc.

Đợt thanh tra Vinalines của Thanh tra Chính phủ tiến hành từ tháng 9 tới tháng 12 – 2011 là cuộc thanh tra theo kế hoạch nhưng lại chọn thời điểm cực kì chính xác. Khi ấy mâu thuẫn nội bộ đã đi đến đỉnh điểm, chẳng còn gì phải giấu giếm nên vào ngày 19 - 10 – 2011, khi đến làm việc tại Vinalines lần đầu tiên kể từ ngày nhận chức Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng được nghe rõ mọi chuyện. Sau buổi làm việc này ông Đinh La Thăng quyết định cần phải mau chóng đưa ông DCD rời khỏi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines (ông DCD được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm lại ngày 18-7-2011).

Tuy nhiên ông cũng hiểu rằng đây là “trường hợp đặc biệt” nên ông phải thận trọng vì ông DCD (và kể cả ông) là những nhà “hảo tâm” hiếm hoi giúp Chính phủ giải quyết vụ Vinashin. Ông đã công thành danh toại và còn có thể đi xa nữa. Dù chỉ mới làm việc với nhau nhưng hai ông đã biết nhau từ lâu do vậy ông DCD phải được đền bù xứng đáng với những việc ông đã làm từ giữa và cuối năm 2010.

Trong khi đó ông DCD cũng thừa khôn ngoan để tận dụng cơ hội này đưa ra điều kiện có lợi cho mình nhất trước khi đồng ý rời khỏi chức Chủ tịch Vinalines. Phương án hoán đổi vị trí giữa ông và đương kim Cuc trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Ngọc Huệ là phương án phù hợp nhất, được các bên tham vấn và phản biện mau chóng thống nhất ý kiến.

Được bật đèn xanh ông Đinh La Thăng triệu tập hội nghị Ban cán sự Đảng bộ GTVT và ra nghị quyết số 51 gửi tới Thủ tướng và các cơ quan liên quan đề nghị cho hoán đổi chức vụ. giữa ông DCD và ông Nguyễn Ngọc Huệ.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương có văn bản số 492 đồng ý với phương án chuyển đổi của Bộ GTVT. Đến thời điểm này, Ban cán sự Đảng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữ chức Bí Thư ra nghị quyết chấp nhận đề nghị của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương và của Ban cán sự Đảng, Bộ GTVT cho ông DCD thôi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines đồng thời Bộ trưởng GTVT sẽ bổ nhiệm ông DCD làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN.

Sau khi nhận được các văn bản của các cấp ủy Đảng, ngày 9-1-2012, Bộ Nội vụ có văn bản số 07 trình Thủ tướng ra các quyết định liên quan tới ông DCD và ông Nguyễn Ngọc Huệ.

Việc cho ông DCD thôi chức và bổ nhiệm giữ chức vụ mới đã được các cơ quan từ Chính phủ tới Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ GTVT thực hiện các bước rất bài bản, có sự thống nhất ý kiến của tất cả các bên liên quan.

Cho tới lúc này cán bộ, viên chức ở Cục Hàng hải VN và Vinalines đều biết tường tận về việc hoán đổi vị trí và quyết định của Thủ tướng chỉ còn là vấn đề thời gian bởi Tết âm lịch đã cận kề. Hình như theo phong tục và tâm lý của các nhà tổ chức người ta muốn cho mọi người ăn Tết vui vẻ… Vì vậy ở ngôi nhà số 2 ngõ 26 đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa Hà Nội, gia đình ông DCD vẫn đông đúc người ra vào chúc Tết.

Ngày 1-2-2012, Thủ tướng kí quyết định bãi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực VN của ông Đào Văn Hưng, ông ta phải kiểm điểm mới được Bộ Công thương giao việc khác. Tới ngày 6-2, đến lượt ông DCD nhận quyết định số 142 do Thủ tướng kí nhưng câu chữ mướt mát hơn nhiều lần ông Hưng. Đó là cho thôi chức Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines để Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải VN. Trên cơ sở quyết định này, ông Đinh La Thăng kí ngay quyết định số 221 vào chiều 6-2 bổ nhiệm ông DCD theo lệnh của Thủ tướng.

Như vậy việc bổ nhiệm ông DCD không chỉ là ý chí chủ quan của ông Đinh La Thăng hoặc nói cho đúng hơn, các cơ quan liên quan đã thống nhất ý chí trong việc hoán đổi.

Vậy thì tại sao người ta lại không dám thừa nhận sự thật mà cứ quanh co đổ lỗi cho nhau???

Trong vụ chuyển đổi này người hưởng lợi nhiều nhất là ông DCD. Cái chức Cục trưởng không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng ông vẫn giữ được vị thế của mình và trong tương lai không xa, khi Cục Hàng hải VN được nâng thành Tổng cục Hàng hải thì chắc chắn ông sẽ là Tổng cục trưởng đầu tiên. Con đường hoạn lộ tuy có bị ngáng trở chút ít nhưng về lâu dài, ông vẫn có thể thăng tiến!

Ngày 8-2-2012, tại trụ sở Vinalines một buổi lễ đón và tiễn nguời mới người cũ được tổ chức khá long trọng. Ông Đinh La Thăng tươi cười trao tặng mỗi người một bó hoa… Để rồi tới ngày 16-2 cũng tại Hội trường này Thanh tra Chính phủ công bố dự thảo kết luận đợt thanh tra Vinalines. Những số liệu dẫn từ kết luận này cho thấy trong mấy năm qua Vinalines có chiều hướng suy thoái, nhiều dự án liên doanh và đầu tư không có hiệu quả, có nhiều dấu hiệu thất thoát, có nhiều hiện tựợng tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật… Không cần nói nhiều người ta cũng hiểu ông DCD phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm, thất thoát, thua lỗ. Tuy nhiên cách xử lý như thế nào mới là vấn đề quan trọng.

Ông DCD nhiều năm đứng đầu Vinalines, đã phê duyệt hàng chục dự án lớn nhỏ, nên ông hiểu hết mọi bề, ông vẫn hy vọng sẽ có những người nâng đỡ và giơ bàn tay cứu ông lúc hoạn nạn.

Tuy nhiên một điều bất ngờ đã xảy đến, TGĐ công ty TNHH sửa chữa tàu biển phía Nam do ông gây dựng nên đã bị công an khởi tố và bắt tạm giam với tội danh tham ô tài sản XHCN. Những lời khai của họ trong trại tạm giam và những chứng cứ cụ thể thu thập được đã làm hại ông DCD và một số người khác. Ông đã phải đối mặt với cơ quan điều tra Bộ Công an để trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới những việc ông và ông Mai Văn Phúc đã làm trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Những bằng chứng buộc tội ông đã khá rõ rang. Ông vẫn đầy hy vọng sẽ lật ngược thế cờ bởi xung quanh ông có nhiều người thân tín, đã chịu ơn ông, đã gắn bó với ông qua nhiều phi vụ… Sau nhiều lần đàm đạo, cầu cạnh, nài nỉ, ông cảm thấy bất yên vì nguoi ta không thể hy sinh quyền lợi và uy tín cuu một ngừời như ông lần nữa.

Ba mươi sáu chước chuồn là hơn… Cái kế tẩu vi thượng sách đã được lựa chọn.

Và trong một đêm tối trời của tháng 5 nóng bỏng, ông lặng lẽ ra đi, để lại sau lưng mọi điều ngổn ngang.

Ông có thể đánh đổi tất cả gia đình, vợ con, tiền bạc, danh vọng để thân xác ông không bị giam cầm trong chốn lao tù!

L. T. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

GHI CHÚ: Ông Nguyễn Nhọc Huệ nguyên Cục trưởng Cục hàng hải VN, đã tốt nghiệp tại trường Đại học Hàng hải Odesa – Ukraina khoá 1973 – 1978 và trở lại trường làm nghiên cứu sinh tứ năm 1989 – 1991. Ông đã giữ chức GĐ công ty tư vấn thiết kế đuờng thủy thuộc Tồng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEĐI) sau đó giữ chức Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục hàng hải VN.

Theo quyết định số 143 ngày 6-2-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều động và bổ nhiệm ông làm Chủ tịch hội đồng thành viên Vinalines.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn