Fukushima: Báo cáo chính thức chỉ trích sự mù quáng của chính quyền Nhật

Đức Tâm

Một ủy ban điều tra chính thức của Nhật Bản đã phê phán mạnh mẽ chính phủ và tập đoàn TEPCO trong vụ tai nạn hạt nhân Fukushima. Các tác giả bản báo cáo nhấn mạnh đến sự mù quáng của các cơ quan chức năng trước các rủi ro và sai lầm trong việc xử lý thảm họa.

clip_image001

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và bản báo cáo chính thức về nguyên nhân thảm họa Fukushima, ngày 23/07/2012. Reuters

Báo cáo viết: «Vấn đề chính là do các công ty điện, trong đó có TEPCO, và chính phủ đã không nhận thấy thực tế mối nguy hiểm, bởi vì họ đã tin tưởng vào sự thần bí về an toàn hạt nhân, theo đó, không một tai nạn nghiêm trọng nào có thể xẩy ra ở đất nước chúng ta».

Ủy ban điều tra do chính phủ Nhật Bản thành lập, bao gồm các kỹ sư, giới nghiên cứu, các luật gia và nhà báo. Bản báo cáo mới chính thức dày 450 trang, được công bố vào hôm nay, 23/07/2012, trong lúc tại Nhật Bản đang xảy ra các cuộc tranh luận quyết liệt về tương lai lĩnh vực điện hạt nhân và phong trào chống nguyên tử ngày càng lan rộng. Các kết luận của báo cáo được đưa ra sau các cuộc phỏng vấn 772 người liên quan trước và trong khi xử lý tai nạn Fukushima, trong số này có cả ông Naoto Kan, nguyên là Thủ tướng lúc Nhật Bản bị động đất, ngày 11/03/2011, gây sóng thần, dẫn đến thảm họa hạt nhân này.

Báo cáo của chính phủ Nhật Bản nhận định, TEPCO, tập đoàn khai thác nhà máy điện Fukushima và chính phủ đã không đưa ra các biện pháp đầy đủ để phòng ngừa tai nạn hạt nhân, sau trận động đất mạnh cấp 9 trên bậc thang Richter và trận sóng thần khủng khiếp đổ ập vào nhà máy. Mặt khác, việc xử lý thảm họa có nhiều vấn đề phải cải thiện.

Tài liệu này nêu rõ những sai sót của TEPCO: «Quản lý khủng hoảng yếu, cơ cấu tổ chức kém thích ứng với tình hình khẩn cấp và đào tạo không đầy đủ cho nhân viên trong trường hợp có tai nạn nghiêm trọng». Các chuyên gia hy vọng là TEPCO «sẽ cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nhằm cải thiện khả năng của nhân viên đối phó với tai nạn».

Mười sáu tháng kể từ khi xảy ra thảm họa, hiện nay, mức độ phóng xạ trong khu vực nhà máy Fukushima thấp hơn rất nhiều so với thời điểm giữa tháng Ba năm ngoái, các hệ thống làm nguội lò phản ứng đã được khôi phục, nhưng vẫn không thể loại trừ mọi nguy hiểm. Cấu trúc các khu nhà và lớp bọc lò rất mong manh, do tác động của các vụ nổ xảy ra trong giai đoạn đầu của tai nạn. Trong khi đó, các trận động đất vẫn tiếp diễn, làm rung chuyển vùng Fukushima.

Báo cáo còn phê phán TEPCO chậm chạp trong việc «xác định các nguyên nhân tai nạn», không cho phép ngành công nghiệp nguyên tử Nhật Bản sớm rút ra các bài học cần thiết. Cho đến nay, TEPCO vẫn viện dẫn rằng thảm họa xảy ra là do động đất quá mạnh, quy mô sóng thần ở phía đông bắc Nhật Bản rất lớn, tất cả những yếu tố này đều vượt quá mức dự báo và do vậy, không thể trù tính được trong việc đề ra các biện pháp phòng ngừa, đối phó.

Ủy ban điều tra cũng phê phán mạnh mẽ cựu Thủ tướng Naoto Kan trong việc quản lý vụ tai nạn, theo đó, «can thiệp trực tiếp của Thủ tướng đã gây ra nhiều tệ hại hơn là giúp xử lý tốt bởi vì nó gây ra sự rối loạn, ngăn cản việc đưa các quyết định quan trọng và dẫn đến những đánh giá sai lầm».

Một bản báo cáo chính thức khác, do Quốc hội Nhật Bản yêu cầu, được công bố ngày 05/07 vừa qua, cũng đã chỉ trích thái độ của chính quyền, nhận định rằng tai nạn Fukushima là một thảm họa do con người gây ra, chứ không phải chỉ do động đất và sóng thần.

Tai nạn Fukushima là thảm họa nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực điện hạt nhân kể từ sau vụ Tchernobyl – Ukraina, năm 1986. Không khí, nước và mặt đất của khu vực nhà máy và các vùng lân cận đã bị nhiễm phóng xạ cao. Khoảng một trăm ngàn người đã phải đi nơi khác sinh sống.

Hiện nay, 52 trong số 54 lò điện hạt nhân của Nhật Bản ngừng hoạt động do ảnh hưởng của trận động đất hồi tháng Ba năm ngoái, hoặc cần phải bảo trì, gia tăng các biện pháp an toàn. Trong tháng Bảy này, Thủ tướng Yoshihiko Noda vừa mới cho phép hai lò được khởi động trở lại ở nhà máy Oi, miền trung Nhật Bản, bất chấp sự phản đối của dân chúng.

Sự kiện hiếm thấy tại xứ hoa anh đào là trong những tuần qua, nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng chục ngàn người đã diễn ra tại thủ đô Tokyo để phản đối năng lượng hạt nhân.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn