Tàu Trung Quốc tới Trường Sa không phải đi ‘đánh cá’

HÀ NỘI (NV) - Ðoàn tàu đánh cá 30 chiếc của Trung Quốc được một tàu hải giám hộ tống đến vùng biển quần đảo Trường Sa chỉ chạy lòng vòng từ khu vực này sang khu vực khác chứ không có vẻ gì là đánh cá như họ loan báo.

clip_image001

Ðoàn tàu đánh cá Trung Quốc chạy ngang qua bãi đá ngầm Chử Bích (Zhubi Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong mục đích khiêu khích. (Hình: chinadaily)

Hình ảnh được một số báo mạng chính thức của Trung Quốc như ‘Trung Quốc Nhật Báo’, ‘Tân Hoa Xã’ đưa ra và tường thuật về chiến dịch biểu diễn đánh cá ở Trường Sa chứng tỏ như thế.

Chúng đi hàng đoàn theo đội hình tàu hải quân di chuyển trên biển hoặc dàn hàng ngang sát nhau để chụp hình chứ không phải đi đánh cá.

Mấy ngày trước, những hình ảnh công bố nói đoàn tàu này đi ngang đảo Vĩnh Thử (Yongshu Island, Việt Nam gọi là đảo Chữ Thập, mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam năm 1988). Ngày thứ Tư 18 tháng 7 năm 2012, ‘Trung Quốc Nhật Báo’ đưa ra một loạt hình nói đoàn tàu đánh cá này chạy ngang bãi đá ngầm Chử Bích (Zhubi reef) với sự hộ tống của tàu hải giám 310.

Khi được tin đoàn tàu này rời cảng Tam Á (đảo Hải Nam) ngày 12 tháng 7 năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ đưa ra lời phản đối suông như thường lệ. Trong khi đó, những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc bá quyền, bày tỏ lòng yêu nước thì bị nhà cầm quyền khủng bố bằng nhiều cách.

Bắc Kinh tiếp tục chửi bới Hà Nội

Hôm thứ Tư, 18 tháng 7, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phụ bản Anh ngữ của tờ Nhân Dân Nhật Báo) tiếp tục chiến dịch chửi bới Việt Nam và Philippines.

Bài báo nêu ra những luận điểm mơ hồ để nói mình làm theo đúng Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) xác định thế nào là chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, tự khoe ngư dân Trung Quốc đánh cá ở đây từ thời xa xưa. Trong đó cả việc “các thương thuyền Trung Quốc đi qua biển Nam Trung Hoa ngừng lại” tại các đảo này. Bài báo này lại còn khoe Trung Quốc đã hành xử quyền chủ quyền biển Nam Trung Hoa từ thời nhà Tống (960-1279)” để đối chọi với những tài liệu, sử liệu Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

clip_image002

Ba chiếc tàu đánh cá Trung Quốc chụp gần khi ngang cái hải đăng của bãi đá ngầm Chử Bích. (Hình: chinadaily)

Trong một bài trước, Hoàn Cầu Thời Báo, từng nói họ quản trị quần đảo Hoàng Sa liên tục suốt 50 năm qua. Họ đã gian dối để đánh lừa dư luận quần chúng Trung Quốc trái ngược với sự thật là Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đồn trú và bảo vệ quần đảo này cho tới tháng 1/1974.

Tới năm 1988 thì Bắc Kinh mới xua một đoàn tàu tới chiếm một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Nay thì dựa vào thế quân sự hùng mạnh, Bắc Kinh muốn nuốt cả nên dựng ra những câu chuyện để biện minh cho hành động hải tặc.

Trong bài bình luận ngày 18 tháng 7 năm 2012, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, còn ám chỉ đến công hàm mà Thủ tướng CSVN Phạm Văn Ðồng gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1958 công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc.

Bắc Kinh vin vào điều này để nói Việt Nam công nhận gần hết biển Ðông là của Trung Quốc. Nhà cầm quyền Hà Nội một số lần phủ nhận công hàm đó là công nhận luận điểm của Bắc Kinh về chủ quyền biển Ðông, mà hoàn toàn chỉ nhìn nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc mà thôi.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, từ đó vẫn cố nói là “Việt Nam trong quá khứ đã công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc”, đồng thời đổ cho Hà Nội “nuốt lời”.

Trong khi đoàn tàu đánh cá tới khiêu khích ở Trường Sa, tờ ‘Trung Quốc Nhật Báo’ hôm thứ Tư khoe rằng “Một số công ty Hoa Kỳ tỏ ý muốn đấu thầu các dự án dò tìm dầu khí mới được gọi thầu”.

Bản tin này thuật lời chủ tịch Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) nói như vậy bên lề diễn đàn hợp tác đầu tư Trung Quốc - Hoa Kỳ.

clip_image003

Bãi đá ngầm Chử Bích (Zhubi reef) được xây dựng thành một căn cứ/pháo đài kiên cố trên biển. (Hình: chinadaily)

Ít ngày sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển hồi tháng trước trong đó xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Bắc Kinh cho công ty quốc doanh CNOOC loan báo gọi thầu quốc tế 9 lô ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có lô chỉ cách bờ biển miền Trung Việt Nam gần 40 hải lý hoặc 60 hải lý.

Một số chuyên viên phân tích thời sự tin rằng không một công ty dầu khí quốc tế tầm cỡ nào lại muốn chen vào khai thác ở khu vực tranh chấp chủ quyền nghiêm trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

CNOOC còn khoe rằng họ sẽ đầu tư khoảng $32 tỉ để khai thác dầu khí biển Ðông trong vòng 20 năm tới. (T.N.)

Nguồn: nguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn