‘Mỹ nên từ bỏ mộng bá chủ châu Á’

Hay đấy. Nghe một con sói đang gào rú nhằm tìm cách xua con sư tử đến gần cản trở mình thò nanh vuốt với đàn hươu nai mà mình đã mất bao nhiêu công rình rập và sắp ngoạm được ít nhất cũng một vài miếng vào cái miệng tanh tưởi, sao mà ngọt nhạt thế nhỉ. Gào rú nhưng xem ra trong lòng thì lo thật sự, bởi vì nếu gã sư tử khổng lồ cứ dấn tới nữa thì nhất định là “xôi hỏng bỏng không”. Ừ thì Hoa Kỳ là chúa sơn lâm sắp hết thời, và chúa sơn lâm này cũng có ra oai vì chỉ lo bảo vệ số phận đám hươu nai trong cánh rừng Đông Nam châu Á kia đâu, trước hết hãy vì oai quyền của chúa sơn lâm cái đã. Nhưng ít nhất thì chúa sơn lâm với tư thế đĩnh đạc của nó, mỗi tiếng gầm làm sói ta hốt hoảng cũng đã giúp hươu nai bớt sợ.

Và cứ thử tưởng tượng chút coi, một khi chúa sơn lâm này bị lão sói quỷ quyệt kia thay thế thì thế giới muôn vật trong rừng rậm sẽ ra sao nào? Tàn bạo, đểu cáng, thâm hiểm và man rợ, đó là bản chất ngàn đời của mi – cái bọn khát máu trong Trung Nam Hải ạ. Miệng lưỡi dẻo quẹo của mi chẳng làm một ai ai mắc lừa đâu nhé. Dân chúng Việt Nam này quyết không chui vào địa ngục của chúng mày, dù cho có những ai đấy trong 85 triệu chúng tao chót ăn phải “cháo lú” mà cứ cung cúc “4 tốt và 16 chữ vàng” do chúng mày phun ra.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Bà Clinton quay trở lại châu Á lần thứ ba trong vòng 4 tháng

Truyền thông chính thức của Trung Quốc vừa lên tiếng răn đe Mỹ ngay trước thềm chuyến Á du của Ngoại trưởng nước này là Hillary Clinton, trong đó có hai ngày dừng chân ở Bắc Kinh, vào đầu tháng Chín.

Bà Clinton sẽ lên đường vào ngày thứ Năm 30/8 với trạm dừng đầu tiên là đảo Cook, một đảo nhỏ ở giữa Thái Bình Dương chỉ với 11.000 dân để tham dự vào diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương.

Đây là phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ từng đến tham dự diễn đàn đã có lịch sử hơn 40 năm này.

Trong lần Á du thứ ba kể từ tháng Năm, Clinton được dự đoán sẽ cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp biển đảo, hãng tin Pháp AFP nhận định.

Trước đó, hôm thứ Ba ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã phát biểu rằng Mỹ không muốn thấy các tranh chấp trên Biển Đông cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới được giải quyết bằng cách ức hiếp hay bằng sức mạnh.

“Chúng tôi muốn thấy giải quyết các bất đồng này tại bàn đàm phán”, bà Nuland nói với các phóng viên.

‘Mỹ đã suy yếu’

Trong một bài xã luận hôm thứ Tư ngày 29/8, hãng tin Tân Hoa Xã nhận định chuyến đi của bà Clinton là nhằm để ‘kiềm chế’ Trung Quốc và các buộc Washington ‘gây sự’ trong khu vực.

"Thực lòng mà nói, sức mạnh của Mỹ đang suy giảm và họ không có đủ sức mạnh kinh tế và phương tiện để làm bá chủ ở châu Á-Thái Bình Dương."

Tân Hoa Xã

Tân Hoa Xã cũng bày tỏ quan ngại trước việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Thực lòng mà nói, sức mạnh của Mỹ đang suy giảm và họ không có đủ sức mạnh kinh tế và phương tiện để làm bá chủ ở châu Á-Thái Bình Dương,” bài xã luận viết.

Tân Hoa Xã đưa ra dẫn chứng là Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Số liệu năm 2010 cho thấy thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 20% lượng hàng xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi thị trường Mỹ giảm xuống còn 15%.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hãng tin này cho biết.

Một lý do khác mà Tân Hoa Xã cho là Mỹ không nên làm bá chủ ở khu vực là ‘sẽ là thiếu khôn ngoan nếu Washington xem Trung Quốc là đối thủ để tìm cách khống chế’.

“Hoa Kỳ và Trung Quốc là các nền kinh tế số một và số hai của thế giới và hai nước này phải dựa vào nhau rất nhiều,” Tân Hoa Xã nhận xét.

clip_image002

Trung Quốc bất bình vì Mỹ 'tìm cách chia rẽ' họ với các nước trong khu vực

“Quan hệ giữa hai nước không hề là mối quan hệ được ăn cả, ngã về không. Hai nước không nên xem nhau là mối đe dọa bởi vì nếu đấu nhau thì cả hai bên đều bị tổn thương,” bài xã luận viết.

“Hoa Kỳ cần phải từ bỏ tham vọng phi thực tế là làm bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như thế giới”.

Hoa Kỳ trục lợi?

Tân Hoa Xã đã đưa ra một số lập luận chứng tỏ Washington đang tìm cách kiềm chế Bắc Kinh trong khu vực.

Một trong các lập luận đó là sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực ‘đã làm tình hình xấu đi’.

“Hoa Kỳ tận dụng tối đa các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo trong khu vực để trục lợi cho mình”, bài xã luận viết.

“Chẳng hạn như trong trường hợp Điếu Ngư Đảo, Mỹ từ chối làm rõ vấn đề. Thay vào đó, họ lại tuyên bố áp dụng hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật đối với quần đảo này”.

Tân Hoa Xã cũng bày tỏ sự bất bình trước việc Mỹ mời lực lượng phòng vệ Nhật cùng tham gia một cuộc tập trận kéo dài 37 ngày trên Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Tokyo về tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông.

"Hoa Kỳ tận dụng tối đa các tranh chấp lãnh thổ và biển đảo trong khu vực để trục lợi cho mình."

Tân Hoa Xã

Về tranh chấp trên Biển Đông, hãng tin nhà nước Trung Quốc lên án Mỹ cố tình làm cho các quốc gia trong vùng biển này xa lánh Trung Quốc.

Bằng chứng mà Tân Hoa Xã đưa ra là kể từ năm 2002 khi Trung Quốc và các quốc gia có tranh chấp ký bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) thì mọi việc đã vào guồng để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị song phương.

“Đột nhiên người Mỹ lại nói ‘có lợi ích’ trong vấn đề này. Họ đã nhiều lần phá rối để làm phức tạp thêm vấn đề,” bài xã luận chỉ trích.

“Rõ ràng, cách tiếp cận của Washington không giúp ích gì cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực”.

“Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng sự can thiệp từ bên ngoài để giải quyết các tranh chấp chủ quyền rốt cuộc sẽ chỉ dẫn đến thảm họa”, Tân Hoa Xã nhận định.

‘Tìm cách chia rẽ’

clip_image003

Bà Clinton được dự đoán sẽ cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng vũ lực trên Biển Đông

Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã thì Mỹ cũng ‘sử dụng lá bài kinh tế’ để kiềm chế Trung Quốc.

“Trong những năm gần đây, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy hợp tác kinh tế. Sự hợp tác hoàn toàn do thị trường chi phối trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế”.

“Tuy nhiên, nước Mỹ lại cảm thấy ghen tức và tìm đến các phương tiện ngoại giao và kinh tế để chia rẽ Trung Quốc với các nước này”, Tân Hoa Xã lên án và đưa dẫn chứng là việc Washington đang rất nỗ lực để thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lên án đây là nỗ lực ‘tìm kiếm vị thế là nước cầm trịch sự phát triển kinh tế của khu vực’.

“Tóm lại, Washington có ý đồ trục lợi bằng cách khuấy động cãi vã giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để giành lại vai trò bá chủ trong khu vực”.

"Lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng sự can thiệp từ bên ngoài để giải quyết các tranh chấp chủ quyền rốt cuộc sẽ chỉ dẫn đến thảm họa".

Tân Hoa Xã

“Washington đã viện đến các phương tiện ngoại giao, kinh tế và chiến lược mà Ngoại trưởng Clinton gọi là ‘quyền lực thông minh’ để gây xáo trộn trong khu vực”, Tân Hoa Xã phân tích.

“Đó là cốt lõi của cái gọi là ‘quyền lực thông minh’ (của Mỹ),” bài xã luận kết luận.

“Thật sự là mục tiêu của chuyến Á du của Clinton là kiềm chế ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc, và cốt lõi trong chiến lược của Mỹ là duy trì sự thống trị và thế bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Trong bối cảnh đó, Tân Hoa Xã nhìn nhận chuyến đi của bà Clinton đến đảo Cook là cũng nhằm để hạn chế ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh đối với các quốc đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương.

Nguồn: bbc.co.uk

Hillary Clinton tiếp tục công du châu Á để gây sức ép lên Trung Quốc

Trọng Nghĩa

clip_image004

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại cuộc đối thoại Hoa Kỳ - Nam Phi ở Pretoria, ngày 07/08/2012. Reuters

Nhân chuyến công du 10 ngày tại vùng châu Á – Thái Bình Dương khởi sự từ ngày 30/08/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ một lần nữa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ sử dụng võ lực giữa Trung Quốc và các láng giềng. Đây là điều được cho là có thể xẩy ra vào lúc tình hình đang ngày càng căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Theo chương trình dự kiến được cả Washington lẫn Bắc Kinh loan báo, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có mặt ở Bắc Kinh trong hai ngày 04-05/09. Chặng dừng này được cho là sẽ rất quan trọng trong bối cảnh trong một vài tuần lễ nay, hai bên đã tranh cãi gay gắt với nhau trên vấn đề Biển Đông. Hoa Kỳ đã chính thức bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, trong lúc Trung Quốc thì tố cáo Washington xen vào điều mà Bắc Kinh gọi là công việc nội bộ của mình, khẳng định là các vùng tranh chấp đều thuộc chủ quyền của họ.

Báo chí Trung Quốc cũng đả kích Mỹ là đã bênh vực Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đã làm cho quan hệ Bắc Kinh - Tokyo căng thẳng sau khi các thành phần cực đoan, dân tộc chủ nghĩa ở cả hai phía đổ bộ lên một hòn đảo trong vùng tranh chấp này.

Thông điệp của Mỹ : Trung Quốc không nên áp đặt chủ quyền bằng võ lực

Giới quan sát nhận định: các hồ sơ nói trên chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng đề cập với phía Trung Quốc trong các cuộc tiếp xúc, với thông điệp là Bắc Kinh không nên dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của minh. Ngay từ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã gợi lên điều đó.

Phát biểu với báo chí, bà Victoria Nuland xác định: “Chúng tôi không muốn thấy tranh chấp ở Biển Đông, hay ở bất kỳ nơi nào khác, bị giải quyết bằng sự hù dọa, bằng sức mạnh. Chúng tôi muốn thấy tranh chấp được giải quyết ở bàn đàm phán”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong lãnh vực quân sự và xác nhận là nhân vòng công du lần này, bà Clinton sẽ tìm kiếm những bước tiến trong việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử để quản lý các tranh chấp ở Biẻn Đông, một khu vực là nơi qua lại của một nửa tàu chở hàng trên thế giới.

Về bộ quy tắc ứng xử này, bà Nuland cho biết là Hoa Kỳ xem đấy là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp, và bà Clinton sẽ nêu bật vấn đề đó trong nhiều chặng ngừng nhân vòng công du sắp tới.

Thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông

Theo giới phân tích, vấn đề Biển Đông và bộ quy tắc ứng xử chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng Mỹ gợi lên với Trung Quốc, Indonesia, Brunei, và rất có thể là với Đông Timor, quốc gia còn non trẻ ở vùng Đông Nam Á.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng có thể tranh thủ các cuộc gặp song phương, bên lề hai Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn các Đảo quốc Thái Bình Dương PIF tại quần đảo Cook và Diễn đàn APEC tại Vladivostok (Nga), để tìm kiếm hậu thuẫn của các nước khác như Úc, New Zealand hay các thành viên ASEAN còn lại sẽ đến dự hội nghi APEC.

Ngoài hồ sơ Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Nuland còn cho biết là Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp trên các quần đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, và Nhật Bản với Hàn Quốc mà quan hệ trong các tuần lễ qua đã xấu hẳn đi.

Trong vòng công du châu Á lần thứ ba kể từ tháng 5 đến nay, bà Hillary Clinton sẽ là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương, một khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc càng ngày càng lớn mạnh. Bà cũng sẽ là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ ghé thăm Đông Timor, một nước đang xin làm thành viên khối Đông Nam Á ASEAN.

T.N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn