Danh Võ, nghệ thuật và chính trị

Hoàng Hưng

Gần đây, trong những chuyến đi nước ngoài, tôi phát hiện có những người Việt khá nổi tiếng trên thế giới nhưng trong nước không hề biết. Đó là những người hoạt động trong các ngành văn học nghệ thuật. Một trong những lý do là tác giả có “lý lịch” hoặc tác phẩm của họ có hơi hướng chính trị không hợp với “chính thống nhà ta”.

Mấy ngày qua, tình cờ tôi được dự một triển lãm mỹ thuật vào loại “oách” ở Chicago, tác giả là Danh Võ. Tác giả có đến hai triển lãm cùng lúc diễn ra ở hai nơi: ở Renaissance Society thuộc Đại học Chicago là Uterus (Tử cung), một ở ARTIC (Học viện Mỹ thuật Chicago) là We the people (Chúng tôi, Nhân dân).

We the people là tác phẩm sắp đặt mà Danh Võ thực hiện trong hai năm. Đó là hàng trăm mảnh bằng đồng sao chép nguyên cỡ các bộ phận của tượng Nữ Thần Tự Do. Cái lạ là sau khi hoàn thành, chúng được gửi đi nhiều nơi khác nhau trên thế giới , mỗi nơi chỉ bày vài bộ phận. Tác giả cho biết ý tưởng độc đáo này xuất phát từ suy nghĩ: Bất kỳ thực tại nào cũng không bao giờ được nhận thức đầy đủ, toàn vẹn ngay một lúc. (Nói cách khác, mỗi người hay nhóm người chỉ nhận thức được một phần của thực tại. Không biết tác giả có ảnh hưởng gì từ câu chuyện dân gian Việt Nam Thầy bói xem voi?).

clip_image002

Hoàng Hưng trước cái tai của Nữ Thần Tự Do (triển lãm của Danh Võ tại ARTIC)

Báo chí phỏng vấn vì sao anh có ý tưởng làm bản sao tượng Nữ thần Tự Do, Danh Võ thật thà: Chỉ vì có lần ở bảo tàng Fridericianum Đức, bảo tàng công cộng đầu tiên ở lục địa châu Âu, bảo tàng này có không gian trưng bày rất lớn, ông curator (giới mỹ thuật VN hay dịch từ này là “giám tuyển” nhưng cách dịch này chưa sát nghĩa từ gốc, lại nặng mùi “xin-cho”, không hợp tinh thần dân chủ Âu Mỹ. Trong tiếng Anh, “curator” chỉ có nghĩa là người chịu trách nhiệm về các vật trưng bày trong bảo tàng) bảo với tác giả là ông sẵn sàng dành một không gian rộng (thường dành cho 2-3 họa sĩ) cho mình anh. Thế là anh nghĩ đến việc làm một tác phẩm có thể choán cả bảo tàng này! Lại được hỏi: Thế tại sao anh bị ám ảnh bởi tượng Thần Tự Do? Đáp: Vì khi nghiên cứu tượng này, tôi bất ngờ phát hiện vỏ nó chỉ dày bằng hai đồng xu! Vậy mình có thể tái tạo cái vỏ của nó, ý này tôi thấy thật thú vị. Nhà báo chưa chịu, lại hỏi: Việc này có liên quan gì đến nhân thân của anh? Đáp: “Tất nhiên, liên quan là điều tự nhiên. Đó là cấu trúc của thế giới nghệ thuật – bản thân chủ đề của tác phẩm rất liên quan đến người nghệ sĩ. Mỗi người đều làm tác phẩm từ trải nghiệm cá nhân của mình”. Anh cũng nói: “Cái cách anh sống cuộc sống của anh, đó là cái nôi của các tác phẩm mà anh sáng tạo và cả suy nghĩ của anh nữa”.

Vậy trải nghiệm của Danh Võ là gì khiến anh bị lôi cuốn bởi Nữ thần Tự Do?

Sinh năm 1975, Danh Võ rời Việt Nam cùng gia đình trong cuộc vượt biển năm 1979 đi tìm tự do và được một tàu Đan Mạch vớt.

Nữ Thần Tự Do! Ai từng đặt chân lên bán đảo Manhattan mà không xao động vì Nàng?

Nhìn về Manhattan lấp loé ngàn đèn

Cửa ngõ Thiên Đường của người vượt biển

Em thở dài thương những ai không cập bến

để rồi có thể thất vọng:

Tự do! Tự do! Một đời khao khát phút này Nàng vẫn cách xa!

(thơ HH)

Còn đây là bình luận của một người Mỹ, bà Suzanne Ghez, giám đốc Renaissance Society: “Nó (tác phẩm của Danh Võ) dấy lên câu hỏi về dân chủ hoá ở Mỹ và lịch sử chủ nghĩa đế quốc của chúng ta. Trong những mảnh giẻ rách hôm nay là những thành tố lan truyền đi sự dân chủ hóa này hay là lời bình luận bi quan hơn?”

Tại triển lãm Uterus ở chỗ của bà, người xem phải đi qua một hành lang giống như cái “tử cung”, hai bên tường bày những lá thư (nguyên bản) của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger. Vui một cái, đây toàn là thư ông Kít viết để cảm ơn nhà báo Leonard Lyons vì những lần nhà báo này cho ông vé xem hát. Có một lá thư viết rằng ông xin lỗi vì không đi xem được một buổi ballet, nhưng ông xin Leonard hiểu cho rằng nếu được phép thì ông khoái đi xem ballet hơn là phải đi ngắm Cambodia. Danh Võ bình luận về lá thư này: “Một lá thư thật là rồ dại/ bừa bãi (wild). Ông ta là người điều khiển cuộc chiến tranh bí mật ấy và ném bom Cambodia”.

Một “tác phẩm” khác của Danh Võ là một cây đèn chùm bị tháo tung thành từng mảnh. Đó là cây đèn bằng thủy tinh trong phòng khiêu vũ mà tác giả mua lại của Hotel Majestic ở Paris, nơi diễn ra hòa đàm Paris giữa Mỹ, Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam và Việt Cộng năm 1973 đem lại hòa bình cho Việt Nam. “Tất nhiên lịch sử hóa ra lại khác” (tác giả nói với báo New York Times). Cảm hứng có lẽ đến từ câu nói của người cha khi anh đưa ông tới phòng khiêu vũ nói trên: “Chúng ta đang đi tới căn phòng của chết chóc và phản bội”.

“Tác phẩm” này mới độc đáo nữa: đó là một lá thư vĩnh biệt cha mình của một nhà truyền giáo người Pháp ở Việt Nam hôm trước ngày ông bị xử tử (giữa thế kỷ 19). Danh Võ đề nghị cha mình, một người viết chữ đẹp, tín đồ Công giáo nhưng không biết tý chữ Latin nào, chép nguyên si bức thư ấy với đúng nét bút của vị tử đạo, nhưng để trống chỗ đề tên người nhận. Sau đó anh thông báo rộng rãi, ai muốn có bức thư đề tên mình thì đăng ký… mua với giá 100 Euro. Anh đã bán được trên 200 bức thư sao chép như thế, và lưu tất cả những cuộc trao đổi thành bộ lưu trữ của mình!

Danh Võ hay lang thang khắp nơi, tìm mua những “đồ cổ” kiểu ấy và biến không ít cái thành ý tưởng nghệ thuật. Anh nổi tiếng như một “họa sĩ khái niệm” (conceptual artist) là thế!

Thì ra, trên thế giới bây giờ, người ta đề cao nhất là “ý tưởng sáng tạo” trong nghệ thuật chứ không phải “tài” dùng chữ, dùng màu, kỹ thuật nặn tượng… Đó cũng là một yếu tố quan trọng của “nghệ thuật hậu-hiện đại” mà ít lâu nay ở Việt Nam cứ tranh cãi lung tung! Mà “ý tưởng” thì rất dễ/ không thoát khỏi liên quan chính trị, chứ đâu toàn “chim hoa cá gái” (chữ của họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân). Phải chăng đó cũng là một lý do “chính thống nhà ta” không ưa gì cái gọi là “hậu hiện đại” trong văn nghệ Việt Nam?

H.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn