Lại đường sắt cao tốc

Nguyễn Trọng Vĩnh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sao cứ cố đấm ăn xôi làm những thứ "cho tương lai" với khoản tiền khủng, trong khi kinh tế đang lao dốc không phanh thế nhỉ? Đáng ra, nếu có con mắt thực tế, và nhất là thực sự lấy mục tiêu giao thông là để phục vụ 85 triệu con người chứ không phải chỉ nhắm tới một nhúm người giàu, thì ngành giao thông trước mắt phải tập trung mạnh vào hoàn thiện việc mở rộng, nâng cấp đường 1A càng nhanh càng tốt. Hàng ngày hàng trăm hàng ngàn ôtô và các loại phương tiện chạy lò dò, hoặc có lúc lại chạy thục mạng chen lấn nhau cực kỳ nguy hiểm trên cung đường này mà ngài Bộ trưởng nổi tiếng vì những tiếng “la” động trời sao không thấy có chút bức bối nào cả? Đường sắt Bắc Nam thì thật cực chẳng đã mới phải đi, mùa cao điểm không đủ tàu phục vụ dân, đông đúc chật chội, bẩn thỉu, sân ga nào cũng đầy phân và nước giải, khai nồng khai nặc mà chả lo cải tạo sao cho tất cả các đoàn tàu đều có thùng chứa, nhất là mở rộng ra khổ 1m45 vừa giúp bà con lam lũ - và cả khách lai vãng hạng trung - có một phương tiện đi lại văn minh, lịch sự mà tốn kém chỉ bằng một phần tiền đổ vào cao tốc thôi? Việc tưởng đơn giản thế còn chưa thể thực hiện được lại cứ mơ giấc mơ cao tốc để hứng thêm hàng chục hàng trăm tỷ Đô nợ nần vào trong cái tổng số nợ thống kê chỉ nhìn biểu đồ đã thấy chóng mặt. Chiều ngang đất nước thì nhỏ, biết bao cánh rừng đặc chủng, rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, chùa chiền, đình miếu, di tích quốc gia... sẽ vì thế mà bị cắt, bị xẻ, thậm chí bị triệt tiêu đến sạch? Hay đất nước này chỉ cần đường sắt cao tốc để nối dài con đường vận hành xuống Đông Nam Á cho ai đấy khi động dụng phải tiến xuống thật nhanh, còn thì không cần gì nữa? Mọi thứ của tổ tiên chúng em đã dọn trọi trơn đúng như “các anh” muốn rồi còn gì.

Bauxite Viêt Nam

Báo Tuổi trẻ đưa tin “Ngày 17 tháng 9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã họp tại TP Hồ Chí Minh về dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nhật tiếp tục đề xuất với Việt Nam xây dựng trước đoạn Hà Nội – Vinh dài 300 km và TP Hồ Chí Minh – Nha Trang dài 370 km với tổng kinh phí 21, 4 tỷ USD. Đoàn nghiên cứu dự kiến năm 2013 sẽ hoàn thành nghiên cứu khả thi và trình Quốc hội phê duyệt”. Đọc được đoạn tin này tôi rất sửng sốt. Nhớ lại năm 2010, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, đã có hàng trăm ý kiến của các nhà khoa học, của các chuyên gia, của các lão thành cách mạng và của người dân kiến nghị không nên làm, với những lý do xác đáng như sau:

- Cho đến năm 2020, nước ta cũng chưa có nhu cầu ĐSCT, tàu cao tốc chỉ để chở hành khách không phải là phương tiện vận tải hàng hóa. Người dân bình thường vẫn đi tàu hỏa thường hiện nay và đi xe ôtô khách; người cần đi nhanh thì đi máy bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội và ngược lại, chưa đến 2 tiếng đồng hồ, cần gì tàu cao tốc, người giàu có ôtô “xịn” thì người ta đi ôtô nhà (300 km Hà Nội - Vinh đáng kể gì). Hành khách đi tàu cao tốc sẽ rất ít, có thể sẽ lỗ vốn. Thông tin cho biết ở Nhật đã có mấy tuyến ĐSCT nhưng chỉ có tuyến Tokyo - Ôsaka là có lãi, các tuyến khác đều lỗ vốn.

- Đảm bảo an toàn ĐSCT cực kỳ khó: chỉ một “bù loong” bị đánh cắp hoặc xiết lỏng, 1 cục đá để trộm trên đường ray là xảy ra thảm họa, một cục đá ném vào tàu cao tốc đương chạy cũng sinh tai nạn. Báo chí cho biết, hiện nay tàu hỏa của ta chạy qua đoạn đường Thanh - Nghệ và Phú Thọ, Yên Bái thường xuyên bị ném đất đá.Tàu hỏa hiện nay chạy qua những chỗ đường ngang có ba-ri-e và đường ngang dân tự mở cũng luôn xảy tai nạn. Liệu tàu cao tốc chắn hoặc tránh có kịp không? Ý thức tham gia giao thông và tính kỷ luật của đa số dân ta đã cao bằng các nước Nhật, Pháp, Đức chưa? Nếu xây dựng một dải rào sắt dài để để bảo đảm an toàn chạy tàu thì sẽ phải xây bao nhiêu cầu vượt qua các đường ngang và còn vô số đường qua đường sắt mà dân tự mở thì sao?

- Ta còn là nước nghèo mà dự chi một khoản đôla 21,4 tỷ, xấp xỉ bằng tổng dự trữ ngoại tệ hiện có của quốc gia cho một công trình chưa có nhu cầu và có thể bị lỗ thì có phải là cực kỳ vô lý không? Trong khi còn biết bao nhiêu việc bức xúc thiết yếu hơn lại không có kinh phí. Tại sao không cải tạo đường sắt hiện nay để nâng tốc độ chạy tàu, vừa ít tốn kinh phí hơn và trong nước ta có thể tự làm được?

- Trong kỳ họp Quốc hội khóa trước nhiều vị đại biểu đã phát biểu ý kiến phân tích đầy đủ lý lẽ không nên làm ĐSCT. Mặc dầu ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lúc bấy giờ giơ tay chém gió trước Quốc hội và tuyên bố dõng dạc “không thể không làm đường sắt cao tốc” Quốc hội vẫn biểu quyết bác bỏ dự án ĐSCT do Thủ tướng đưa ra.

Nay với động cơ nào mà tổ chức Jaica Nhật và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại bàn nghiên cứu dự án ĐSCT để trình duyệt?

- Về phía Công ty Nhật cho biết rất rõ một số tuyến ĐSCT trong nước họ lỗ vốn nhưng họ cứ thuyết phục ta làm đường sắt cao tốc vì họ sẽ bán được vật tư, thiết bị kỹ thuật, đầu máy, toa tàu cho ta, có việc làm cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thiết kế thi công và công nhân chuyên nghiệp của họ. Các nhà máy liên quan đến làm ĐSCT sẽ có điều kiện tăng được sản phẩm, công nhân có việc làm. Có thể sau này khi vận hành ĐSCT Việt Nam, họ không quan tâm “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” mà! Nếu đôla họ cho vay thì Việt Nam vẫn phải trả.

- Về phía Việt Nam, hễ dự án được thực hiện thì các quan chức liên quan sẽ có “lại quả” càng nhiều.

Sau này, vận hành có lỗ vốn thì thế hệ sau hứng chịu, số đôla vay có lớn đến mấy thì đó là việc của con cháu chắt è cổ ra mà trả, có hề hấn gì đối với quan chức đương thời.

Mong rằng các nhà khoa học, các chuyên gia và đồng bào nên có ý kiến.

Mong rằng Quốc hội sẽ lại sáng suốt phủ quyết để khỏi tổn hại cho dân cho nước.

N.T.V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn