Một giáo cụ trực quan sống động

Các em sinh viên khắp mọi trường đại học trong cả nước! Các em hãy hướng lên màn hình VTV1 trưa ngày 14-11-2012 để được cung cấp một “giáo cụ trực quan” về lòng tự trọng mà vừa mới đây các em đã được huấn thị một cách... “cởi mở và thân thiện” tại Trường đại học Quốc gia Sài Gòn.

Bauxite Việt Nam

Thủ tướng Dũng: 'Còn nhiệm vụ, còn làm'

Toàn bộ phiên chất vấn được phát sóng trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Dũng bắt đầu đọc Báo cáo trước Quốc hội vào lúc 9 giờ 15 phút sáng thứ Tư 14/11 (giờ Hà Nội).

Trong báo cáo ông Thủ tướng nói "khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động nặng nề, tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam".

Tuy nhiên ông khẳng định "Chính phủ luôn trăn trở tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển".

Ông cũng trình bày về các nhóm giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện.

Vào lúc 10 giờ 10 phút, Quốc hội bắt đầu chất vấn trực tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng, mở đầu bằng đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, hỏi về "giải pháp nào là cơ bản nhất, đột phá nhất, động lực nào là cơ bản nhất, bao trùm nhất để thực hiện thành công nhiệm vụ đặt ra".

Văn hóa từ chức?

Ngay sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ.

Ông Quốc nói: "Trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước".

"Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng... văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?"

Đại biểu Dương Trung Quốc

clip_image001

Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn Thủ tướng. Ảnh: vnexpress.net

"Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi".

Ông Dương Trung Quốc hỏi: "Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng... văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?"

Ông đại biểu tỉnh Đồng Nai chốt lại bằng hai câu hỏi: "Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đang nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân?"

"Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?"

Các câu hỏi mạnh mẽ chưa từng thấy của ông Dương Trung Quốc ngay lập tức được lưu truyền trên các mạng xã hội ở Việt Nam.

Không thoái thác nhiệm vụ

clip_image002

Ông Nguyễn Tấn Dũng nói Đảng cử thì ông làm và ông không xin Đảng việc làm

Về phần mình, tuy không nhắc tới cụm từ 'văn hóa từ chức', Thủ tướng Chính phủ khẳng định nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm, "không thoái thác nhiệm vụ".

Khi phát biểu, gương mặt ông Thủ tướng tỏ ra bình thản, thậm chí tươi cười.

Ông nói: "Tôi đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu về tất cả hạn chế, yếu kém trong tất cả các lĩnh vực, trong đó, có yếu kém trong giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước".

"Trên cơ sở đó, chúng tôi trình bày sẽ khắc phục yếu kém của mình để làm tốt chức năng được nhân dân giao phó".

Ông Nguyễn Tấn Dũng giãi bày: "Hôm nay còn ba ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác".

"Mặt khác, tôi không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó".

"Chịu sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

"Đảng, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, về phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, nguyện vọng".

Ông Thủ tướng tuyên bố: "Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất".

"Cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.

Nguồn: bbc.co.uk

Việt Nam : Một đại biểu Quốc hội "khuyên" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức

Thụy My

clip_image003

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội, 22/10/2012

REUTERS

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mà vị thế đã yếu đi trong những tháng gần đây, đã là mục tiêu bị công kích chưa từng thấy hôm nay 14/11/2012 trước Quốc hội. Thậm chí đại biểu Dương Trung Quốc còn đề nghị ông nên từ chức. Vài tuần sau hội nghị Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó người đứng đầu Chính phủ thoát được việc bị kỷ luật trong gang tấc, các đại biểu Quốc hội đã tấn công ông về tình hình kinh tế.

AFP cho biết, trong buổi chất vấn của Quốc hội được phát trên truyền hình, đại biểu Dương Trung Quốc tuyên bố: «Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm chứ không phải chỉ là lời xin lỗi». Ông kêu gọi Thủ tướng «Hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại, đó là văn hóa từ chức».

Xin nhắc lại, trước đây trong phiên họp Quốc hội ngày 22/10, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tự kiểm điểm về kết quả tệ hại của nền kinh tế, việc quản lý các tập đoàn quốc doanh và một loạt các xì-căng-đan gần đây.

Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 51 năm hoạt động cách mạng, ông không "xin Đảng cho làm chức vụ gì, và cũng không từ chối bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng giao". Đảng hiểu rõ các ưu khuyết điểm của ông, đã phân công ông tiếp tục làm Thủ tướng, và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu cho ông, thì ông chấp hành. Tóm lại, gần suốt cuộc đời đi theo Đảng, ông không xin xỏ cũng không thoái thác, và sẽ nghiêm túc thực hiện như đã làm suốt 51 năm qua.

Theo AFP, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có rất ít cơ hội thành công, trong một Quốc hội được xem là nơi chỉ làm nhiệm vụ thông qua các quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên sự kiện đề nghị từ chức được công khai đưa ra trước nghị trường cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng lúc này đã bị yếu thế như thế nào.

Năm nay 62 tuổi, ông Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2011 được Đảng giao tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng năm năm. Ông bị xem là người chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng hoành hành, và cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng đang ngập đầy nợ xấu, mà việc cải tổ đang bị ngưng trệ.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã bị giảm mất 30% trong vòng một năm qua, tăng trưởng chậm lại và nạn lạm phát cho dù không tệ hại như năm 2011 nhưng đã lại tăng lên.

Việc bắt giữ một số nhân vật trong ngành ngân hàng bị lên án là tham ô mới đây, trong đó có một trong những người giàu nhất Việt Nam vốn thân cận với Thủ tướng, lại càng khiến các đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng tăng cường công kích mạnh mẽ.

T.M.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn