Xung quanh vụ Nguyễn Phương Uyên

‘Con tôi không móc nối Phương Uyên’

BBC

Cha của Nguyễn Thiện Thành, người bị công an cáo buộc móc nối Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vào tổ chức ‘Tuổi trẻ yêu nước’, đã phản bác cáo buộc này.

clip_image001

Nguyễn Thiện Thành đã 'trốn thoát khỏi công an' và hiện đang 'tị nạn ở Thái Lan'

Cách đây hơn một năm, vào tháng Chín năm 2011, Nguyễn Thiện Thành, 23 tuổi, sinh viên cùng trường Đại học công nghiệp thực phẩm thành phố thành phố Hồ Chí Minh với Nguyễn Phương Uyên, đã bị công an nơi Thành trọ học là phường Đông Hưng Thuận, quận 12, tràn vào bắt đi.

Theo cáo buộc của công an thì Nguyễn Thiện Thành phạm tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật hình sự do tham gia vào tổ chức ‘Tuổi trẻ yêu nước’.

Kể từ đó, sinh viên Thành đã hoàn toàn biệt tích và gia đình chưa bao giờ gặp lại anh, theo lời kể của gia đình.

Em trai Nguyễn Thiện Thành là Nguyễn Thiện Khanh, 20 tuổi, người cùng trọ học với Thành và hiện là sinh viên công nghệ thông tin Đại học Sài Gòn, cũng bị bắt đi cùng lúc với anh trai.

Theo lời gia đình thì Nguyễn Thiện Khanh cũng được nhắc tên trong bản cáo trạng của Viện kiểm sát trong phiên tòa mới đây xử hai nhạc sỹ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, vốn cũng được cho là thành viên của tổ chức ‘Tuổi trẻ yêu nước’.

‘Tị nạn ở Thái Lan’

Từ Long An, ông Nguyễn Văn Thương, cha của các sinh viên Thành và Khanh, nói với BBC rằng ông rất ngạc nhiên khi được tin công an tỉnh Long An cáo buộc con trai ông là người lôi kéo và kết nối Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.

"Con tôi tị nạn bên đấy điều kiện rất kham khổ cũng chưa có tiền bạc gì thì làm sao có tiền trợ giúp mua vũ khí".

Nguyễn Văn Thương, cha Nguyễn Thiện Thành

Trước đó, tại buổi họp báo hôm thứ Bảy ngày 3/11, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An cho biết Kha đã kết bạn với Thành qua facebook. Thành đã ‘hứa hẹn sẽ giúp Kha đi du lịch sang Thái Lan và định cư tại Hoa Kỳ’.

Còn Nguyễn Phương Uyên thì ‘quen biết Nguyễn Thiện Thành qua Internet vào tháng Tư năm 2012’.

Cũng theo cơ quan điều tra thì Thành đã cung cấp tài liệu cho Kha pha chế thuốc nổ và cung cấp nội dung các truyền đơn cho Kha và Uyên phát tán.

Các nhiệm vụ rải truyền đơn, pha chế thuốc nổ do Thành giao đều được Kha và Uyên ghi lại bằng hình ảnh và gửi qua email cho Thành, công an cáo buộc.

Buổi họp báo hôm 3/11 mô tả Thành là người ‘hoạt hoạt động chống phá chính quyền tại Việt Nam bị công an phát hiện, bắt giữ nhưng Thành đã trốn thoát sang Thái Lan’.

Ông Thương xác nhận là con trai ông hiện ‘đang tị nạn ở Thái Lan’.

“Con tôi tị nạn bên đấy điều kiện rất kham khổ cũng chưa có tiền bạc gì thì làm sao có tiền trợ giúp mua vũ khí”, ông nói.

clip_image002

Phương Uyên bị cáo buộc tội Tuyên truyền chống Nhà nước

Cũng theo ông Thương thì Nguyễn Thiện Thành ‘không có biết gì về bom đạn’ và hiện còn ‘dự định đi làm để kiếm sống’.

Ông cho biết Thành không liên lạc trực tiếp với gia đình mà thông qua một người quen của ông Đan Mạch.

“Năm tháng sau khi Thành bị bắt, tôi có nghe anh Phụng (người quen ở Đan Mạch) báo lại (Thành ở Thái Lan) chứ chính quyền không có thông báo gì hết”.

Cũng theo ông Thương thì Thành có nhắn lại với ông là ‘gia đình cứ yên tâm’ và Thành ‘đang chờ phỏng vấn để định cư ở nước thứ ba’.

Theo ông thì hồi Thành mới bị bắt đi mất tích mặc dù chính quyền Đông Hưng Thuận nói con ông đã bỏ trốn sau khi được thả về nhưng ông vẫn đinh ninh rằng anh đang bị giam giữ.

Ông nói trong 5 tháng kể từ khi Thành bị bắt đi biệt tích ông ‘rất lo lắng’ nhưng sau khi biết được tin con trai ở Thái Lan ‘ông rất mừng’.

‘Đột nhiên biến mất’

Hồi tháng Chín năm ngoái, cả hai anh em Thành và Khanh đều bị bắt đi cùng lúc.

Sau đó ông Thương có lên hỏi thì buổi tối hôm đó hai con ông đã được công an thả ra và ông có gặp và nói chuyện với các con được một chút trước khi ông về lại Long An.

Nhưng sáng hôm sau người em phát hiện anh trai đột nhiên biến mất mà không để lại tung tích gì.

clip_image003

Nhạc sỹ Việt Khang cũng bị cáo buộc là thành viên của nhóm Tuổi Trẻ yêu nước

“Lúc thả về thì thằng nhỏ rất mệt nên ngủ mê mệt, sáng hôm sau không thấy anh trai thì nghĩ là bị công an mời lên làm việc, nhưng đến trưa chiều vẫn không thấy về”, ông Thương nói với BBC hồi tháng 11 năm ngoái.

“Tôi đến hỏi công an Đông Hưng Thuận thì họ nói là đã thả [Thành] rồi và không chấp nhận là có bắt con tôi”, ông nói.

Ông lên hỏi công an tỉnh Long An và thì được trả lời anh Thành đã bỏ trốn và ép ông phải nhận là ông biết con ông hiện đang trốn.

Anh Nguyễn Thiện Khanh cũng từng cho BBC biết là buổi trưa ngày anh Thành biến mất, công an có đến trường mời anh lên làm việc và báo với anh rằng anh trai anh đã ‘mất tích’.

“Công an canh giữ hai đầu ngõ thì làm sao anh hai em có thể trốn đi được?”, anh Khanh nói.

‘Nhiệt huyết tuổi trẻ’

Ông Thương cho biết công an nói con ông ‘làm trang web nói xấu chính quyền, treo cờ ba que trên trang web và âm mưu đặt bom tại tượng đài Bác Hồ’.

Tuy nhiên, ông nói cả Thành và Khanh đều là những người con rất ngoan, ‘không mích lòng ai trong lối xóm’ và rất vô tư ‘chỉ lo học thôi’. Riêng Khanh do có thành tích học tập tốt nên còn được trường cấp học bổng.

Cũng theo ông thì có lẽ chính quyền thấy Nguyễn Thiện Khanh 'còn nhỏ (lúc bị bắt chỉ mới 19 tuổi) nên thả ra để tiếp tục việc học.

Hiện nay việc học của anh Khanh ‘đã trở lại bình thường’, ông Thương cho biết, mặc dù chính quyền đã từng đe dọa rằng ‘họ muốn bắt lúc nào là bắt’.

Trả lời BBC, Nguyễn Thiện Khanh từng nói hành động của hai anh em xuất phát từ ‘lòng yêu nước’, từ ‘nhiệt huyết của tuổi trẻ’.

"Em băn khoăn, thắc mắc rất nhiều điều, về tình cảnh đất nước, về chủ quyền đất nước, và về lịch sử có nhiều mâu thuẫn. Do đó em có tự tìm tòi, nghiên cứu và đọc thêm nhiều trên mạng vì trong trường chỉ dạy một khía cạnh”.

Nguyễn Thiện Khanh, em trai Nguyễn Thiện Thành

Khanh cho biết những bài học về triết học, về lịch sử, về đảng mà anh học trong trường thì anh cũng có tiếp thu.

“Tuy nhiên em băn khoăn, thắc mắc rất nhiều điều, về tình cảnh đất nước, về chủ quyền đất nước, và về lịch sử có nhiều mâu thuẫn”, anh nói.

“Do đó em có tự tìm tòi, nghiên cứu và đọc thêm nhiều trên mạng vì trong trường chỉ dạy một khía cạnh”, anh nói thêm.

Anh kể khi công an vào nhà bắt hai anh em, họ có hỏi là tại sao hai người không bỏ chạy thì anh trả lời rằng việc anh làm là ‘chuyện bình thường, có gì phải chạy?’.

Nguồn: bbc.co.uk

* * * * *

Cha mẹ Phương Uyên 'khâm phục' con

BBC

Gia đình của sinh viên Nguyễn Phương Uyên không tin vào cáo buộc của cơ quan điều tra quy kết rằng con gái của họ hoạt động chống phá, lật đổ nhà nước.

clip_image002[1]

Gia đình của Phương Uyên không tin vào cáo buộc của cơ quan điều tra

Trao đổi với BBC Việt ngữ ngày 04/11/2012, ông Nguyễn Duy Linh, bố đẻ của nữ sinh Phương Uyên nói ông tin rằng có thể đã có âm mưu chống lại con gái của ông, đồng thời cho rằng con gái của ông chỉ thể hiện lòng yêu nước trước nguy cơ Trung Quốc, điều mà ông "khâm phục".

Ông Linh nói:

"Họ cho rằng nằm vô điều luật 88 chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, theo tôi nghĩ trong điều đó có gì đâu mà chống nhà nước. Cái đó là biểu lộ tinh thần yêu nước chứ có gì đâu mà chống.

"Tại sao không đưa những câu thơ [Phương Uyên làm] đó lên để người ta hiểu, biết những câu thơ đó nói lên điều gì.

"Đưa các câu thơ đó lên để trong dư luận, xã hội mình phân tích ý kiến đó có phải là chống nhà nước hay không hay là biểu lộ lòng yêu dân tộc, yêu đất nước, thế thôi.

"Giờ nhà nước khép vào tội chống nhà nước thì gia đình vẫn chịu thôi”.

Cha đẻ của Phương Uyên, nữ sinh sinh năm 1992, sinh viên trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho hay gia đình không tin vào cáo buộc của nhà chức trách và cơ quan an ninh cho rằng con gái của họ có hành vi chống chính quyền.

Ông Linh nói tiếp:

"Nó là học sinh mà làm gì mà chống cả chính quyền, rồi trong cái đường dây nào đó [thì] không có”.

"Dĩ nhiên là không tin điều đó [cáo buộc]. Nó là tuổi trẻ mà làm gì nó làm đến cái đường dây đó”.

'Kịch bản dàn dựng?'

Khi được hỏi liệu có một 'kịch bản' nào đó đã được xây dựng nên để quy ghép cô Nguyễn Phương Uyên hay không, cha đẻ của nữ sinh này nói:

"Cái đó thì họ làm họ biết chứ gia đình không hiểu sâu về vấn đề đó. Có thể chính xác là như vậy mà có thể là dựng nên vấn đề đó thì cũng có”.

"Họ dựng nên nhằm mục tiêu đàn áp học sinh, sinh viên và không cho học sinh, sinh viên bày tỏ, hay những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, hàng Trung Quốc, là (để) ngăn chặn làn sóng đó"

Ông Linh rằng nếu có một 'kịch bản' nào đó, thì mục tiêu của việc này là để 'đàn áp học sinh, sinh viên' và 'ngăn chặn làn sóng' yêu nước, chống Trung Quốc của họ:

"Họ dựng nên nhằm mục tiêu đàn áp học sinh, sinh viên và không cho học sinh, sinh viên bày tỏ, hay những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, hàng Trung Quốc, là [để] ngăn chặn làn sóng đó”.

Gia đình của Phương Uyên cho biết họ chưa tìm kiếm được luật sư để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cô, nhưng đang trong quá trình tìm kiếm một luật sư để làm "người đứng giữa" có khả năng thăm gặp tiếp cận cô và cung cấp "thông tin" về việc đó cho gia đình.

Khi được hỏi, nếu được gặp lại con gái, ông sẽ nói gì với Phương Linh, ông Nguyễn Duy Linh nói với BBC:

"Sau này mà có gặp cháu, thì... ba mẹ rất cảm phục con có một lòng yêu nước, là ba mẹ rất hãnh diện, vì [con] có một lòng yêu nước vì dân tộc Việt Nam”.

Hôm 3/11, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP HCM và Công an tỉnh Long An đã công bố việc khởi tố, bắt tạm giam với thời hạn 4 tháng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên về tội 'rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam, vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.'

Cô bị chính quyền và an ninh cáo buộc tham gia vào một tổ chức có hành vi phát tán tài liệu chống chính quyền và đảng cộng sản, đường dây này còn có ít nhất hai thanh niên khác tham dự.

'Phản đối cách bắt'

clip_image004

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho hay ông ký tên trong thư gửi Chủ tịch nước để phản đối cách bắt nữ sinh Phương Uyên

Hôm 14/10, một nhóm nhân sỹ, trí thức và các cá nhân thuộc nhiều giới đã gửi một bức thư kiến nghị gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc xem xét lại vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên và đề nghị trao trả tự do cho nữ sinh này.

Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong những người ký tên vào thư kiến nghị hiện đã thu được ít nhất 144 chữ ký, trong đó có sự tham gia của nhiều tên tuổi trí thức như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Tương Lai, Kinh tế gia Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn...

Hôm 01/11, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với BBC ông tham gia ký tên vào bản kiến nghị này là để 'phản đối' cách chính quyền đối xử với người dân, 'với một nữ sinh viên còn ít tuổi như thế':

"Tôi không biết cô Phương Uyên bị bắt ra sao, nhưng tôi phản đối cách thức bắt người như vậy, một chính quyền đàng hoàng không thể có cách bắt người theo kiểu thiếu đàng hoàng, thiếu minh bạch như thế, dù là họ có biện ra bất cứ nguyên nhân, căn cớ nào”.

"Tôi phản đối cách thức bắt người như vậy, một chính quyền đàng hoàng không thể có cách bắt người theo kiểu thiếu đàng hoàng, thiếu minh bạch như thế, dù là họ có biện ra bất cứ nguyên nhân, căn cớ nào"

TS Nguyễn Quang A

Người đứng đầu Viện nghiên cứu phản biện chính sách IDS, đã tự giải thể, cũng nhận xét ông thấy rằng gần đây có quá nhiều các vụ bắt bớ với quá nhiều cáo buộc của chính quyền về việc những người bị bắt, mà trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sỹ... phạm những tội nghiêm trọng như 'hoạt động chống chính quyền' hay 'tuyên truyền chống nhà nước' mà ông tin là có số lượng và mật độ bất thường.

Hôm Chủ nhật, 04/11/2012, một luật sư ở trong nước, kiêm giảng viên về luật hình sự không muốn tiết lộ danh tính, nói với BBC:

"Cơ quan điều tra có dấu hiệu vi phạm luật tố tụng hình sự khi không kịp thời, bằng mọi phương tiện hiệu quả nhất, thông báo cho gia đình, cũng như không cho phép các luật sư tham gia ngay từ đầu vào quá trình bắt giữ, điều tra, truy tố”, điều mà luật sư này cho rằng vẫn thường xảy ra ở Việt Nam trong nhiều năm nay, nhất là với các vụ án có màu sắc 'vi phạm an ninh quốc gia'.

"Nhiều bị cáo 'phản cung' trước tòa cũng vì điều này bởi vì họ bị cơ quan điều tra gây sức ép và cách ly với các hỗ trợ tư pháp theo luật định mà lẽ ra phải được chính quyền tôn trọng.

"Cơ quan an ninh điều tra cũng chỉ là một bên tham gia trong quá trình tố tụng và họ cũng phải tuân thủ luật định để tránh lạm dụng quyền lực và vi hiến”, chuyên gia luật này nói.

Gần đây, nhiều định chế quốc tế và các quốc gia trong đó có Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền đã bày tỏ lo ngại về tình hình vi phạm nhân quyền gia tăng ở Việt Nam với con số các vụ bắt giữ, đàn áp, sách nhiễu đối với người dân, các bloggers và những người bày tỏ bất đồng chính kiến ôn hòa ngày một nhiều.

Trong một vụ gần nhất, hai người sáng tác ca khúc là nhạc sỹ Việt Khang và ông Trần Vũ Anh Bình bị kết án tổng cộng 10 năm tù giam vì tội danh "tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa" khi soạn các ca khúc của họ.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn