Góp ý xây dụng hiến pháp

Hoàng Đức Doanh

Kính gửi : Ban soạn thảo sửa đổi hiến pháp Quốc hội Việt nam

Tôi là Hoàng Đức Doanh, sinh năm 1946, giới tính : Nam.

Trú tại :  Tổ 7  phường  Hai Bà Trưng  thành phố Phủ lý  tỉnh Hà Nam

Lai lịch bản thân:  Từ nhỏ đến 19 tuổi đi học, lao động tự do. Năm 20 tuổi (1/1966) đi bộ đội, chiến đấu ở Khe sanh (Quảng trị) 1968 – 1969. Năm 1970 – 1972 chiến đấu ở Xiêng khoảng, Sầm Nưa (Lào). Năm 1973 chuyển ngành là cán bộ huyện Thanh Liêm - Hà Nam đến khi nghỉ hưu.  Chưa có tiền án , tiền sự. Là người ngoài đảng và chưa bao giờ  có biểu hiện chống đối đảng.

Thái độ góp ý: Thật tâm, chân thành với mục đích xây dựng. Không nói những điều biết là chưa đúng, không sử dụng giả dối để biện luận, dẫn chứng.

Bổn phận công dân Là công dân lương thiện, cao tuổi nên không để ai lợi dụng. Không sợ "chụp mũ" khi  nói sự thật, luận bàn về tương lai phải dựa vào tính logic của sự việc, được phép sử dụng kinh nghiệm của nhân loại để viện dẫn. Xây dựng Hiến pháp là trách nhiệm, là thể hiện yêu nước.

Nội dung góp ý:

  Hiến pháp Việt nam ra đời năm 1946, đã trải qua 4 lần sửa: 1958, 1980, 1992, 2001, nay là lần thứ 5. Tự điều này nói lên (do hoàn cảnh) chúng ta xây dựng hiến pháp thiếu tầm nhìn, biểu hiện sự chắp vá. Lần sửa 1992 sinh thêm nội dung được ghi gọn vào điều 4 và đến nay vẫn duy trì. Điều này gây nên tranh luận sôi nổi nhất. Nếu giữ điều 4 thì xem như các điều khác ít phải bàn, nếu  bỏ điều 4 thì hầu như phải viết lại. Hiện tượng đó nói lên tầm quan trọng của điều 4, nó quan trọng tới mức trước đây bị cấm kỵ , chỉ từ khi ông Phan Trung Lý tuyên bố không có vùng cấm thì nhiều người mới lên tiếng. Nội dung điều 4 mặc định đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân Việt nam mãi mãi (điều 4 không xác định thời gian, được hiểu là vĩnh viễn) nên cần phải bàn thảo kỹ lưỡng.

   Nếu ai đồng ý điều 4 là mang quan niệm duy tâm, theo thuyết duy vật thì không có cái gì bất biến, ngay đến một dân tộc cũng vận động, hoặc theo chiều hướng văn minh, hoặc lạc hậu và ai cũng thừa nhận dân tộc là trường tồn. Các đảng phái chính trị luôn thay đổi, cho nên giới hạn, chưa có đảng chính trị nào tồn tại vài trăm năm và nếu là cầm quyền thì chưa thể đến trăm năm. Cứ cho là đảng Cộng sản Việt nam muôn năm thì vẫn là giới hạn không thể sánh với dân tộc trường tồn. Luận điểm này phi  lôgic, đảng chỉ là một bộ phận của dân tộc. Tiểu tiết không thể bao phủ đại thể. 

  Vừa qua các ý kiến bảo vệ điều 4 lý luận rằng: vì công lao của đảng, vì sự tài tình của đảng nên đảng xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo. Khi các vị nói đến công lao, các vị có nghĩ đến tội của đảng không? Giai đoạn 1930 – 1945 chưa thấy ai quy kết đảng mắc tội (hoặc có mà chưa công khai). Giai đoạn 1945 tới nay thì chính đảng – những người lãnh đạo đảng, văn kiện của đảng  – đã thừa nhận những khuyết điểm của đảng. Có việc đúng nghĩa với cụm từ khuyết điểm, có những việc phải nói là tội lỗi. Khá nhiều người chết oan trong cải cách ruộng đất do đảng gây nên phải gọi là tội ác. Các lần chỉnh đảng, thanh trừng nội bộ, thanh trừng những người bất đồng chính kiến phải gọi là tội, v.v. 

   Những tội nêu trên vẫn còn là nhỏ, tôi thiết nghĩ tội lớn nhất của đảng là tội đã hơn nửa thế kỷ nay đưa dân tộc Việt nam vào vị thế bất lợi. Đã có lúc chúng ta tự hào Việt nam là tiền đồn của phe XHCN, là người lính tiên phong của 3 dòng thác cách mạng. Nay xem còn mấy người tự hào về điều này và các phương tiện truyền thông cũng không thấy nói đến bởi vì sự thật phũ phàng của Việt nam đã được bạch hóa. Việt Nam bị làm con tin của hai phe Cộng sản đối kháng với Tư bản từ hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 , từ đó cho đến nay Việt nam đã nhiều lần bị các nước lớn mang ra "đấu giá" cho nên chúng ta bị quay cuồng chống đỡ, nhân dân gánh chịu nhiều đau thương, mất mát và nay đang tụt hậu cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này. Chúng ta cứ nhầm tưởng chúng ta làm được những điều vĩ đại, rốt cuộc chúng ta đều nằm trong kịch bản của 2 phe đối kháng tạo dựng. Ngày nay khi chúng ta đã hòa nhập với thế giới, nhiều điều trước kia là bí mật quốc gia thì nay đã được công khai, một số vị nguyên là cán bộ cao cấp viết hồi ký giúp cho công luận nhìn rõ quá trình đường đi nước bước của dân tộc sau gần thế kỷ. 

  Tôi đồng ý với các vị, đảng có nhiều công lao, lớp đảng viên tiền bối có nhiều người xứng đáng là anh hùng của dân tộc, họ đã kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của ông cha, họ đã không nề hà gian khổ, không tiếc máu xương, nếu so sánh khí phách anh hùng họ không thua kém bất kể thời đại nào trước đó, nhân dân ta đời đời biết ơn họ. Nhưng tiếc rằng những lớp đảng viên kế tiếp chưa đủ thông minh dẫn dắt dân Việt nam được hưởng thành quả của lớp người đi trước, chưa xứng đáng với sự hy sinh cao cả thuộc thế hệ tiên phong.

  Điều hành đất nước hiện nay, tôi không nhìn thấy công lao, rất bình thường, có mặt còn chưa đạt mức bình thường nếu đem so sánh với những nhà nước quanh khu vực. Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo có nhiều công lao nhưng không thể con, cháu dòng họ Trần cứ lợi dụng mà kể công với dân tộc. Cho nên lập luận đảng có công lao nên đảng xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo mãi mãi là không thuyết phục. Chúng ta đã phá bỏ tập tục cha truyền con nối, lẽ nào chúng ta chấp nhận sự thừa hưởng, vin vào công lao để thừa hưởng! Mỗi chúng ta còn chấp nhận điều này thì không bao giờ chúng ta tìm thấy người tài!

  Tiếp đến còn  những ý kiến mang triết lý sổ hưu để bảo vệ điều 4 có lập luận rằng: Bỏ điều 4 thì sổ hưu không còn, những người đang làm việc rồi đây, đến khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu. Lẽ ra tôi không nên làm  mất thời gian của nhiều người về điểm này vì ai cũng dễ dàng nhìn thấy sự vô lý, tôi xin quý vị nhìn sang Liên xô và các nước đông Âu, từ ngày họ không dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản họ có bị mất lương hưu đâu.

Đến đây tôi phải nhấn mạnh điều đang bàn luận hoàn toàn riêng biệt với việc đảng lãnh đạo hiện nay. Hôm nay hoặc mai sau tôi không phản đối đảng lãnh đạo miễn là nhân dân Việt nam đồng ý đảng lãnh đạo theo hình thức đầu phiếu. Nếu đảng vẫn giữ được uy tín trong nhân dân thì tất nhiên là đảng lãnh đạo, nhược bằng không còn uy tín, tức là trong đảng hết người tài thì phải nhường cho những người có tài đảm đương trọng trách. Ở điểm này tôi muốn đảng trả lại nhân dân quyền tự quyết, kiên quyết loại trừ những người ỷ nại vào quyền thừa hưởng. Thiếu người làm việc, thừa người tham nhũng bắt nguồn từ nguyên nhân "con ông, cháu cha – một người làm quan cả họ được nhờ", không khác chế độ phong kiến bao nhiêu. Giữ điều 4 là chúng ta nuôi dưỡng những nhược điểm đó!

Tôi quan niệm trong hiến pháp chứa đựng nhiều vấn đề cơ bản và quan trọng vì nó là luật mẹ, nó phải đảm bảo cho người lãnh đạo quản lý được mọi mặt của xã hội, mặt khác nó lại đảm bảo đời sống an toàn cho mỗi người dân, không bị áp bức, không bị phân biệt, có những quy ước hợp lý giữa người lãnh đạo và người bị lãnh đạo. Muốn đảm trách được chức năng đó nhất thiết hiến pháp phải chứa đựng đầy đủ tinh thần  Công ước Quyền con người của L.H.Q mà nhà nước VN đã ký cam kết, tiếp đến hiến pháp phải đảm bảo đầy đủ Quyền công dân, một trong những quyền cơ bản của công dân là quyền bầu chọn và quyền bãi miễn người lãnh đạo. Khi người dân sử dụng tốt những quyền này thì tình trạng cửa quyền, tham nhũng không còn đất sống, nội dung điều 4 xem như là thừa.

  Khi mà đã thể hiện đầy đủ và rõ ràng Quyền con người và Quyền công dân trong hiến pháp là chúng ta đang xây dựng xã hội dân sự. Một mô hình xã hội tiến bộ nhất mà nhiều nước văn minh đang chiếm đa số  áp dụng. Xã hội dân sự giải quyết mâu thuẫn bằng lý lẽ do có hiến pháp bảo đảm quyền bình đẳng, tôn trọng ý tưởng do được tự do ngôn luận sẽ giảm thiểu giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

   Kể từ khi quốc hội kêu goị nhân dân góp ý tôi luôn trăn trở, suy tư. Nếu sửa từng điều tôi cảm thấy chắp vá, nhiều chữ mà ý vẫn thiếu. Đến khi 72 nhân sỹ soạn thảo một bản hiến pháp mới tôi thấy hợp với suy nghĩ của tôi và tôi đã ký tên ủng hộ, tôi đứng ở số thứ tự 307 trong danh sách.

   Cuối cùng tôi đề nghị quốc hội kéo dài thời gian lấy ý kiến đóng góp ít nhất là 9 tháng. Tôi hy vọng hiến pháp sau lần sửa này sẽ thay đổi được hiện tình đất nước. Số người dân khiếu kiện sẽ giảm, án oan  sai giảm, án tồn không còn. Điều kiện để thay đổi không thể còn cách nào khác là phải tam quyền phân lập. Hành pháp, tư pháp, lập pháp là 3 cơ quan độc lập. Quốc hội phải là cơ quan quyền lực cao nhất đúng nghĩa, người dân được bầu đại biểu của mình theo đúng ý nguyện, không bị ai can thiệp, các đảng phái chính trị chỉ là một bộ phận trong nhân dân. Người dân được hưởng đầy đủ Quyền con người và Quyền công dân , được hiến pháp thừa nhận và Quốc hội giám sát chặt chẽ.

25/03/2013

H.Đ.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn