Những người thầy

Dương Đình Giao

Thưa các anh các chị,

Gần đây, người ta lại không tiếc tiền thuế của dân, bàn đến một cuộc cải cách giáo dục nữa vào năm 2015. Và một lần nữa, con cháu chúng ta lại trở thành vật thử của một cuộc thí nghiệm bất thành. Tranh cãi, lý sự quá nhiều. Xin gửi tới các anh một vài hồi ức của tôi về Những người thầy của mình hơn nửa thế kỷ trước. Hy vọng những mẩu hồi ức này góp phần lý giải vì sao nền giáo dục cũ thành công mặc dù khi ấy, mọi thứ vật chất đều lạc hậu, thua kém so với hiện nay.

Chúc các anh chị vui mạnh.

Thân mến,

Dương Đình Giao

Tôi biết chữ khá sớm, hình như lúc mới 5 tuổi. Ban đầu chắc Bố Mẹ tôi chỉ dạy chơi trong cảnh sống tản cư không có việc gì làm, nhưng sau đó, ở đâu cũng có phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ, thấy chữ viết khắp nơi, trên tường, trên các phên nứa, tấm cót ngoài chợ… Hơn nửa thế kỷ dã qua, tôi vẫn có ấn tượng không phai mờ về những tấm khẩu hiệu treo khắp nơi ở Thanh Cù (Phú Thọ) những năm kháng chiến. Khẩu hiệu kêu gọi kháng chiến, kêu gọi tăng gia sản xuất… được viết bằng than đen trên các nong, nia, mẹt… quét vôi trắng, treo khắp nơi. Chữ viết có khi là chữ in, có khi là chữ thường, nhưng chữ nào cũng ngay ngắn, đúng chính tả, và đẹp nữa. Người viết chắc chỉ có trình độ tiểu học, nhưng chỉ qua một việc nhỏ cũng thấy được chất lượng của nền giáo dục cũ. Thế là cứ thấy là đọc, được khen lại càng thích đọc, thế là biết đọc. Còn viết thì hình như chậm hơn.

Trong những năm ấy, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Bố Mẹ tôi luôn luôn chú ý đến việc học cho con cái. Đến đâu, một trong những việc đầu tiên là lo tìm chỗ học.

Người thầy đầu tiên của tôi là thầy Mưu, dạy lớp 1 rồi lớp 2 khi gia đình tôi tản cư ở thôn Phụ Khánh, xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm ấy, thấy tóc thầy đã bạc nhiều, tôi lên 7, Bố Mẹ xin cho tôi vào học lớp 1. Lớp có khoảng 2, 3 chục học sinh, chỉ có tôi là dân tản cư, còn toàn người ở địa phương. Học sinh trong lớp đều rất lớn, phần lớn đều đã 14, 15 tuổi, thậm chí có cả người đã 18, 20. Học sinh trong một lớp có sự chênh lệch về tuổi tác là điều rất bình thường trước những năm 70 của thế kỷ trước. Hàng năm có không ít học sinh phải lưu ban (học lại) vì học kém, đó là một quy luật không thể cưỡng lại bằng ý muốn chủ quan, lại có không ít người vì hoàn cảnh khó khắn về kinh tế, về sức khỏe, phải nghỉ học một vài, có khi tới ba bốn năm rồi đi học tiếp. Chỉ có từ khi nền giáo dục của ta muốn chứng tỏ với thế giới rằng bom đạn của “đế quốc Mỹ” không thể làm ảnh hưởng đến giáo dục thì mới có chuyện học trò trong một lớp đều bằng tuổi nhau như bây giờ. Trong lớp có hai anh em là Tu và Túc (không nhớ ai là anh, ai là em) thì một người đã có vợ. Chỉ buồn cười hàng ngày điểm danh, thường thấy các bạn đều trả lời “đi làm giúp” khi gọi đến tên Tu và Túc. Học hành như thế thì 18, 20 còn học lớp 1 là phải. Đang trong năm học, một hôm, tôi thấy mấy anh lớn kháo nhau Nga, một học sinh nữ trong lớp thôi học vì đi lấy chồng. Thầy Mưu chia lớp ra làm 4 tổ, nhưng không đặt tên theo số thứ tự như bây giờ. Tổ gồm những học sinh lớn nhất thầy đặt tên “Hổ”, tổ gồm những học sinh nhỏ hơn thầy đặt tên “Ngựa”. Học sinh hai tổ này thường phải làm những công việc nặng nhọc như chặt, vác tre, dựng lớp học, sửa lại bàn ghế khi có hư hỏng… Bọn chúng tôi mấy đứa bé nhất thầy cho vào tổ “Ong”, còn số con gái, phần nhiều đều đã lớn, thầy cho vào một tổ đặt tên “Gà”. Hàng ngày trước mỗi buổi học, thầy cho chào cờ (mặc dù hình như không có cờ), hát Tiến quân ca rồi khi lớp trưởng gọi đến tên tổ nào thì học sinh tổ ấy phải đồng thanh đáp lại bằng một từ chỉ một phẩm chất tương ứng do thầy quy định. “Hổ” thì “bạo dạn”, “Ngựa” thì “nhanh nhẹn”, “Ong” thì chăm chỉ” còn “Gà” thì “đúng mực”. Hình như thầy học theo lối của Hướng đạo sinh ở Hà Nội hồi trước.

Cả đời đi học tôi chưa gặp thầy giáo nào đánh học trò như thế. Có thể nói hầu như ngày nào cũng có đứa bị đánh. Thầy có một cái thước gỗ dài, nhưng chức năng của cái thước này là để đánh nhiều hơn là để chỉ trên bảng đen. Lớp học trong rừng sặt (loại cây họ tre, nhỏ như cây trúc nhưng có lẽ mỏng hơn trúc) , hôm nào quên thước, thầy bắt “kẻ tội đồ” ra ngoài chặt một cây sặt, mang về làm roi, đánh nhiều khi gãy cả roi. Trừ bọn con gái, tôi đã thấy nhiều đứa con trai, kể cả lớn, bị thầy bắt nằm sấp dưới nền lớp học để “trừng trị”. Tội phổ biến của học trò là không thuộc bài. Cũng chẳng có gì là lạ. Học trò lớn, lao động chính trong gia đình, một buổi đi học, còn một buổi phải đi làm ruộng, kiếm củi, chăn trâu… Tối về làm gì có đèn. Khi ăn cơm, thường phải đốt lửa ở bếp để lấy ánh sáng, nhà nào “văn minh” lắm như gia đình tôi, dân Hà Nội tản cư cũng chỉ có một đĩa đèn thắp bằng dầu dọc, thời gian đâu mà học. Tôi theo nếp của Bố Mẹ dạy, hàng ngày đều học thuộc bài, nhưng cũng đã có một lần “ăn” thước của thầy. Hôm ấy viết chính tả. Thầy vừa đọc, vừa đi các dãy bàn xem xét học trò viết. Đúng lúc thầy đến chỗ tôi thì một chữ của tôi bị nhòe. Thế là “ăn” thước. Cũng không đau lắm vì thầy gõ nhẹ. Nhưng xem ra, thầy dữ đòn nhưng học trò không oán, không phản ứng. Kể cả mấy đứa lớn, có sức khỏe, khi bị thầy đánh cũng không dám bỏ chạy hay chống cự. Ngoài nguyên nhân do thái độ cam chịu cố hữu của người nông dân, tôi nghĩ có lẽ cũng do học trò thấy thầy đánh vì muốn cho học trò thành người, chứ không vì tư thù cá nhân, theo phương châm “cổ truyền” “yêu cho roi cho vọt”. Sau này hiện tượng “chống người thi hành công vụ” trở thành phổ biến kiểu như con buôn đánh phòng thuế, lâm tặc đánh kiểm lầm, lái xe đánh công an, trò đánh thầy… một nguyên nhân quan trọng vì cái người thi hành công vụ kia đã hành động không phải vì công vụ mà chỉ vì tư lợi. Bắt bớ là để đòi tiền mãi lộ, thầy mắng mỏ, thậm chí xúc phạm trò chỉ vì tư thù cá nhân. “Con giun xéo lắm cũng quằn” huống chi là con người!

Ban đầu thầy cũng không chú ý gì đến tôi, vì tôi bé nhất lớp, ngồi lọt thỏm giữa toàn những học sinh lớn. Một hôm, dạy bài vệ sinh, thầy đặt câu hỏi: Mùa rét thì tắm rửa thế nào cho hợp vệ sinh? Cả lớp không ai trả lời được. Tôi vốn nhút nhát, nhưng thấy cả lớp im lặng bèn giơ tay xin trả lời: Mùa rét một tuần phải tắm hai lần. Đấy là tôi nói theo lời Bố Mẹ dạy ở nhà, chứ sự thực thì trong hoàn cảnh đi tản cư cũng không làm được như thế. Thầy khen nói đúng. Đến giờ ra chơi, thầy gọi tôi ra hỏi chuyện. Biết tôi ở Hà Nội tản cư, thầy bảo hôm nào đến nhà thầy chơi.

Thầy dạy học lúc ấy tôi cũng không rõ lương bổng thế nào. Nhưng thầy ăn ở tại một gia đình học sinh. Cái cậu học sinh này lớn hơn tôi độ ba bốn tuổi, không chỉ bị đòn ở lớp mà còn bị đòn ở nhà. Thầy nhắc nhở việc học hành, làm lụng, cách cư xử, ăn nói sao cho lễ phép… lười biếng là ăn đòn, nói năng lấc cấc cũng ăn đòn. Chết cái là bố mẹ cậu ta hình như lại thấy rất là sung sướng khi con mình được thầy rèn cặp như thế. Hàng ngày đi học, cậu ta phải đi cùng thầy, mang theo chồng vở mấy chục quyển của học sinh mà thầy mang về để chấm bài. Buổi chiều hôm tôi đến thăm, thầy đang quét sân. Đến bây giờ tôi vẫn chưa quên cách cầm chổi của thầy. Chổi bằng một tàu lá cọ, thường phải cầm cả hai tay. Nhưng thầy chỉ vừa cầm một tay vừa kẹp cán chổi vào nách, còn tay kia thì vắt sau lưng. Thầy bảo tôi vào nhà, trên bàn thầy đang vẽ một bức tranh bằng màu nước. Thầy giải thích cho tôi đây là cầu Long Biên ở Hà Nội. Trên cầu có người, có xe đạp, có ô tô đi lại. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cầu Long Biên. Rồi vừa tiếp tục vẽ, thầy vừa giảng cho tôi cầu Long Biên to, dài như thế nào, người xe qua lại hai chiều ra sao… Năm 1955, khi về Hà Nội, được tận mắt nhìn cầu Long Biên, tôi thấy thầy vẽ không những rất giống mà còn đẹp hơn, vì tranh của thầy có màu sắc, còn cầu Long Biên trước mắt tôi thì một màu xám xịt. Thì ra thầy cũng là người Hà Nội tản cư về đây.

Lên lớp 3, học trò lớn tuổi trong lớp đã hầu như không còn. Hình như người ta thấy chỉ cần học qua lớp 2, đọc thông viết thạo, biết làm mấy phép tính là đủ cho đời sống nên trong lớp chỉ còn loại 14, 15 tuổi. Muốn vào được lớp 3 phải qua một kỳ thi. Cho nên dù có muốn đi học nhưng không qua được kỳ thi này thì cũng phải nghỉ. Năm ấy tôi học thầy Tảo. Thầy dong dỏng cao, ít tuổi hơn thầy Mưu. Bây giờ chẳng còn nhớ gì, chỉ nhớ thầy hướng dẫn chúng tôi cắm hoa trong lớp học. Lớp học chỉ là một cái lán bằng tre nứa trong rừng. Mặt bàn chỉ là một mảnh phên nứa, ghế ngồi chỉ là hai cây tre hoặc gỗ ghép lại. Bàn ghế của thầy giáo cũng thế. Nhưng thầy yêu cầu hàng ngày tổ trực nhật phải cắm hoa trong lớp. Mà không phải chỉ có một mà tới năm “lọ” hoa. “Lọ” hoa là một ống tre, buộc vào liếp nứa, mỗi phía hai “lọ”. Riêng “lọ” hoa trên bàn thầy giáo thì phải treo từ trên mái nhà, thả xuống lơ lửng trước bàn thầy. Mỗi tổ phụ trách một “lọ”. Riêng tổ trực nhật phải cắm hoa cả “lọ” ở bàn thầy giáo. Việc kiếm hoa không khó lắm, trong rừng nhiều hoa đủ loại, đủ màu sắc. Chỉ có hôm thứ 2 là hơi mất thời gian vì phải tìm đủ hoa cắm cho cả “lọ”. Còn những hôm sau chỉ cần tìm một vài cành thay thế những cành bị héo úa. Những “lọ” hoa với các màu đỏ, vàng, trắng cùng màu xanh của lá khiến cho lớp học vui mắt hẳn lên. Tổ nào cũng cố làm cho “lọ” hoa của tổ mình đẹp nhất. Trên đường đi học, đứa nào thấy một cành hoa bên đường, nhiều khi để hái được cũng mất khá công phu cũng cố hái bằng được đem đến cắm trong lớp. Cùng với những bài hát trong giờ nghỉ, trong gian khổ thiếu thốn, thầy vẫn dạy chúng tôi yêu đời, vui sống.

Năm lớp 4 được coi là một năm rất quan trọng. Đây là năm cuối cấp 1 (tiểu học). Cuối năm phải thi hết cấp. Sau đó muốn học tiếp lại phải thi vào trường cấp 2 không phải huyện nào cũng có. Thầy dậy tôi năm lớp 4 là thầy Tiết. Thầy cũng đã đứng tuổi nhưng tóc chưa thấy bạc, thầy thường mặc bộ quần áo màu gụ. Năm ấy toán phải học quy tắc tam suất, thấy bảo là khó lắm. Còn văn thì không chỉ tả cảnh, viết thư, trần thuật như lớp 3 mà còn phải học nghị luận. Nhưng được thầy dạy chúng tôi chẳng thấy có gì là khó khăn cả. Lớp học do thầy Tiết dạy có một cái bảng xoay, nghĩa là bảng có thể dùng cả hai mặt. Bảng không treo trên vách mà đặt trong một khung gỗ. Mỗi khi giải toán, thầy thường hướng dẫn giải từng bước ở mặt bảng này. Cứ viết rồi xóa, xóa rồi viết. Sau khi giảng xong, không còn ai thắc mắc gì, thầy quay mặt sau của bảng ra phía trước cho học sinh xem. Trên đó là một bài giải hoàn chỉnh, được trình bày rõ ràng, mạch lạc. Một bên là phần toán, một bên là phần lời giải. Thầy đã chuẩn bị từ trước buổi học. Chữ thầy viết lại rất đẹp nên mỗi lần thầy chuẩn bị xoay bảng tôi đều hồi hộp chờ đợi, như sắp được chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật. Những nét chữ ngay ngắn, nắn nót đều tăm tắp, những con số thẳng hàng, những dấu “cộng”, dấu trừ không có một nét nhòe, ….Sau này khi đi dạy học, tôi luôn tâm niệm noi gương thầy trình bày bảng sao cho đẹp mắt, rõ ràng giúp học sinh dễ tiếp thu bài giảng. Đó hình như cũng là một hạnh phúc của thế hệ chúng tôi. Có thể không có “thần tượng” để ngưỡng mộ, nhưng luôn có những tấm gương từ những việc nhỏ nhất để noi theo.

Sau này khi về Hà Nội, học cấp 2 và cấp 3, các thầy dạy tôi thường thuộc hai lớp. Một lớp các thầy chỉ mới ngoài đôi mươi, được đào tạo ở Khu học xá Trung Quốc về, dạy cấp 2 và một lớp các thầy có tuổi đã trực tiếp hấp thụ nền giáo dục của Pháp trước đây dạy cấp 3. May mắn cho thế hệ chúng tôi là được học các thầy hầu hết đều rất tâm huyết và mẫu mực về mọi mặt. Có lẽ bằng cấp của các thầy không cao. Giáo viên cấp 2 bấy giờ chỉ là học sinh tốt nghiệp cấp 2 (tương đương trung học cơ sở bây giờ), đi học trường Trung cấp sư phạm 2 năm (các thầy học ở Khu học xá thì cũng chỉ hai năm, chỉ có điều kiện học tập đầy đủ hơn); giáo viên cấp 3 chỉ học Đại học Sư phạm 2 năm sau khi tốt nghiệp lớp 10 (tương đương Trung học Phổ thông bây giờ). Các thầy dạy tôi khi học cấp 3 hình như ít thầy đã qua đại học, nhưng thầy nào cũng sử dụng thành thạo tiếng Pháp, có thầy biết thêm tiếng Anh, nhờ lòng ham học, ham hiểu biết, ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp nên các thầy đều có kiến thức khá uyên bác, đúng là “biết mười dạy một”, không chỉ để dạy cho học sinh những tri thức cụ thể mà còn đủ khả năng làm tấm gương, gieo vào lòng học sinh thái độ ham học hỏi để họ học suốt cuộc đời sau khi rời ghế nhà trường. Học trò có thể coi trọng môn này môn khác nhưng các thầy, dù dạy môn nào cũng hết lòng vì các thầy có sự say mê môn học ấy. Tôi nhớ thầy Vượng dạy Sử. Thầy đã già, vóc người nhỏ nhắn. Nhưng khi thầy dạy chúng tôi về cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ, về cuộc chiến đầu giữa Napoleon và Cutudop, về “con hùm xám của núi rừng Yên Thế” thì giọng thầy hào sảng, mắt thầy sáng rực, chúng tôi như bị cuốn theo những sự kiện lịch sử, hòa vào với cuộc sống trong quá khứ của dân tộc qua các lời thầy giảng. Thầy Xuân dạy Địa lý thì đưa chúng tôi đi qua khắp các nước trên các châu lục. Dạy đến nước nào, thầy cũng cho chúng tôi xem quốc kỳ của nước ấy (thầy vẽ lại theo cuốn từ điển Larousse), nhiều bức ảnh về phong cảnh, di tích lịch sử hoặc một nhân vật của nước ấy, có bức ảnh chỉ bằng độ bao diêm, đôi khi chỉ là một con tem, nhưng chúng tôi truyền nhau xem vô cùng hứng thú. Lúc ấy, tư liệu rất hiếm. Nhưng nhờ biết ngoại ngữ và lòng ham học các thầy có vốn tri thức phong phú và đặc biệt ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp đã khiến các thầy truyền tới học sinh lòng ham hiểu biết. Tôi chắc chắn khi ấy, những người thầy của tôi chưa hề biết tới cái câu “Tất cả vì học sinh thân yêu” mà nói mãi bây giờ đã mòn vẹt. Như thế, học trò sao có thể chán môn Lịch sử hay Địa lý? Tôi nghĩ đây là thành công lớn nhất của nền giáo dục cũ. Trước đây, khi ông Hoài Thanh soạn cuốn “Thi nhân Việt Nam”, ông Đào Duy Anh soạn “Từ điển Hán – Việt”… cũng chỉ là giáo viên tiểu học chứ đâu có bằng cấp cao xa gì! Chuẩn bị về hưu, nhiều người hỏi tôi sẽ làm gì. Tôi bảo: cố gắng để có thể hoàn chỉnh phần nào cái bằng đại học sau 40 năm. Chỉ dám “hoàn chỉnh phần nào” thôi! Mà đúng thế thật, hơn 8 năm nghỉ hưu mới chỉ đạt được trình độ đọc hiểu tiếng Trung Quốc. (mà cũng chỉ có thể đọc hiểu một loại sách nào đấy thôi). Còn dịch ngược, viết, nói thì mãi mãi vẫn sẽ chỉ là “bó tay chấm com”. Nhớ tới các thầy dạy mình, thật là xấu hổ.

Giáo dục sau Cách mạng nặng về hình thức, kéo dài thời gian học tập hy vọng thêm thời gian học để có thêm kiến thức. Nhưng tri thức của loài người “mênh mông bể sở”, học thêm 2, 3 năm nữa nào có thấm tháp vào đâu. Vả lại, học rồi chỉ ít năm sau, có những kiến thức đã lạc hậu, không dùng được. Thực tế là ở các trường những năm 60, 70 của thế kỷ trước, số giáo viên dù chỉ được đào tạo 2, 3 năm luôn là những giáo viên vững vàng nhất về chuyên môn, kinh nghiệm và ý thức trách nhiệm. Vì phần lớn họ đều là những người ham học hỏi. Phải học cả đời. Tôi đã đến thăm gia đình một giáo viên dạy môn Lịch sử. Năm ấy kinh tế còn khó khắn, nhà ở là ba gian nhà tre tuềnh toàng, ngồi chơi khoảng nửa giờ, nhìn đi nhìn lại, trên dưới, trong ngoài, cấm không thấy một cuốn sách nào. Chẳng trách sao học sinh chán môn Sử!

D.Đ.G.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn