Địa vị siêu cường đã bị từ chối? Những lý do cho thấy “sự trỗi dậy” của Trung Quốc có thể đã lên tới điểm đỉnh – một sự kết hợp độc hại gồm những thách thức kinh tế, dân số, môi trường, và quốc tế có khả năng chấm dứt sự trỗi dậy của Trung Quốc

Minxin Pei, The Diplomat, 09/08/2012

Trần Ngọc Cư dịch

Bài viết của Minxin Pei đăng cách đây một năm vẫn còn nguyên tính thời sự đối với kinh tế - chính trị Trung Quốc và cả… Việt Nam.

Trong chừng mực nào vụ án chính trị Phương Uyên - Nguyên Kha có liên quan đến kinh tế? Chỉ cần thay từ Trung Quốc bằng từ Việt Nam trong mấy dòng sau đây của tác giả, là ta có câu trả lời: “Những cải tổ dân chủ sẽ cho chế độ một cái gốc cơ bản về tính hợp pháp chính trị đối với người dân trong nước và còn giúp giảm bớt thái độ xung khắc và hoài nghi của thế giới bên ngoài đối với Trung Quốc. Nhờ thế, Trung Quốc sẽ có một cơ may tuyệt vời để đặt những nền móng kinh tế và chính trị cho một siêu cường của Thế kỷ 21. Nếu điều này thực sự xảy ra, những ngày tốt đẹp nhất của Trung Quốc sẽ còn tiềm ẩn ở tương lai, chứ không hoàn toàn rơi vào quá khứ.”

Việc Nguyễn Phương Uyên chỉ bị ba năm tù treo và được trả tự do ngay tại toà, còn Đinh Nguyên Kha được giảm án từ tám xuống còn bốn năm tù giam, cho thấy chính trị Việt Nam đã phải thay đổi. Tất nhiên từ vụ án này đến sự thay đổi mạnh mẽ và thực chất về thể chế chính trị là một con đường dài và chắc sẽ còn lắm khúc quanh co.

Bauxite Việt Nam

 

clip_image002Nếu việc định thời điểm về sự thăng trầm của các đại cường đòi hỏi nhiều tinh tế, thì việc xác định điểm đỉnh của một cường quốc đang lên lại gần như vô vọng. Một vấn đề hiển nhiên là ta phải tìm cho ra cái thước đo quyền lực. Liệu ta nên nhìn vào tầm cỡ kinh tế của một nước hay nhìn vào mức giàu có của nó? Liệu ta có nên xét đến cái đà [the momentum] và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế nước đó? Liệu môi trường bên ngoài có là một biến số chính đáng cần được đưa vào để đo lường quyền lực của nước đó vì quyền lực của bất cứ quốc gia nào cũng đều có giá trị tương đối, cần phải so sánh với quyền lực của những đối thủ tiềm năng?

Đây là những câu hỏi ta phải có trong đầu khi đối diện với một vấn đề quan trọng trong thế giới thực: Sự vươn dậy của Trung Quốc đã đạt tới điểm đỉnh chưa? Nếu một người nào đó nêu câu hỏi này chỉ vài năm trước đây thôi, thì chắc hắn ta sẽ bị chế nhạo đến xấu hổ phải bỏ ra khỏi hội trường. Quan niệm thông thường lúc bấy giờ là, sự trỗi dậy của Trung Quốc nhất định sẽ kéo dài liên tục. Nhưng ngày nay, nghi vấn trên gần như lởn vởn trong đầu óc mọi người.

Vậy thì cái gì đã thay đổi?

Gần như mọi thứ.

Nếu người ta cần phải đưa ra một lập luận, thì có lẽ là một điều hợp lý khi cho rằng Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh là mốc giới tượng trưng cho điểm đỉnh quyền lực của Trung Quốc. Sau đó, mọi việc bắt đầu xuống dốc. Bị cuốn vào trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng trước đó. Chắc chắn là, gói kích thích kinh tế 2008-2009, được thúc đẩy bằng việc chi tiêu thâm thủng [deficit spending] và cấp tín dụng tràn lan, có thể đã giúp Trung Quốc tránh được một cuộc suy thoái và có thêm một năm tăng trưởng ở mức hai con số vào năm 2010. Qua một thời gian ngắn, việc Bắc Kinh duy trì tăng trưởng kinh tế cao được ca ngợi khắp thế giới như là một dấu hiệu Trung Quốc có lãnh đạo mạnh và có sức bật tốt. Lúc đó, ít ai biết rằng Trung Quốc đã trả một cái giá khủng khiếp cho một chương trình kích thích chệch hướng và phí phạm. Phần lớn gói kích thích của Trung Quốc, khoảng 1.500 tỉ đôla (với 2/3 dưới dạng những khoản vay từ các ngân hàng nhà nước), bị phung phí trong những đầu tư vào tài sản cố định, như là cơ sở hạ tầng, nhà máy, và bất động sản thương mại. Do đó, nhiều dự án thuộc loại này là bất khả thi về mặt kinh tế và đặt lên hệ thống ngân hàng một núi nợ không thanh toán được [non-performing loans/nợ xấu]. Bong bóng nhà đất vẫn tiếp tục sủi bọt. Sự mất quân bình kinh tế vĩ mô giữa việc đầu tư và tiêu thụ hộ gia đình gần như không được cải thiện. Ngày nay, những nhà làm chính sách kinh tế Trung Quốc gặp quá nhiều hạn chế trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế. Sự kết hợp cùng một lúc các hiện tượng như tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương, những đống nợ xấu tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng, nhu cầu tiêu thụ yếu kém ở nước ngoài, và lợi nhuận đầu tư ngày càng suy giảm, khiến Bắc Kinh không còn sử dụng được bài bản trước đây để kích hoạt nền kinh tế.

Những khó khăn ngắn hạn không phải là những lo âu không đáng kể của Bắc Kinh. Trong thập kỷ tới, nhiều yếu tố cơ cấu thuận lợi đã từng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hai con số của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, sẽ biến mất. Đứng đầu danh sách là vấn đề dân số. Tỉ lệ dân số Trung Quốc ở tuổi lao động đã lên điểm đỉnh năm 2011 và bắt đầu giảm vào năm 2012, theo một nghiên cứu của RAND. Đồng thời, số người già trong dân số Trung Quốc đang bắt đầu gia tăng nhanh chóng. Vào năm 2010, chỉ có 8,6% dân số Trung Quốc ở tuổi 65 hoặc già hơn. Vào năm 2025, lứa tuổi này có thể chiểm 14,3% dân số. Một dân số già nua sẽ đẩy giá lao động lên cao, làm giảm vốn tiết kiệm và đầu tư, gia tăng phí tổn y tế và hưu trí – và làm cho đà tăng trưởng chậm lại.

Một khó khăn trở ngại khác nằm ngay trước mắt là tình trạng xuống cấp môi trường. Bắc Kinh đã lơ là việc bảo vệ môi trường vì muốn dành ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế chớp nhoáng. Nhưng cái giá phải trả cho sự xuống cấp môi trường đã đến mức không còn chịu đựng được nữa, cả về kinh tế lẫn chính trị. Ô nhiễm nước uống và không khí hiện nay đã khiến 750 ngàn người chết yểu và gây một tổn thất khoảng 8% GDP. Người dân đau khổ triền miên của Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu đấu tranh quyết liệt để giành quyền được hưởng một môi trường lành mạnh [environmental rights]. Chỉ trong vòng năm nay thôi, những cuộc biểu tình trên qui mô lớn đã buộc Chính phủ phải hủy bỏ những kế hoạch xây dựng những nhà máy có thể đe dọa sức khỏe và sinh kế của cư dân tại hai thành phố Trung Quốc. Trong thập kỷ tới, một sự kết hợp gồm có sự xuống cấp môi trường và những hậu quả của tình trạng hâm nóng địa cầu sẽ làm trì trệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thêm nữa. Lực cản nghiêm trọng nhất về lâu về dài cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chính là hệ thống tư bản nhà nước của nó. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã đảo ngược phần lớn những cải tổ theo xu thế thị trường [pro-market reforms] và lao vào đường lối phát triển do Nhà nước quản lý. Hậu quả là, các công ty nhà nước đã nắm được quyền lực to lớn trong lãnh vực kinh tế và hưởng nhiều độc quyền. Hệ thống tài chính Trung Quốc ưu đãi các công ty nhà nước, bất chấp sự thiệt thòi của giới tư doanh. Thu nhập hộ gia đình, ở mức 43% GDP, vẫn còn quá thấp nên thông thể hỗ trợ một mức tiêu thụ cao hơn, vốn là một yếu tố quyết định trong việc tái quân bình nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra một nguồn tăng trưởng kinh tế tương lai. Theo một nghiên cứu nổi tiếng của Ngân hàng Thế giới, nếu Trung Quốc không chịu cải tổ hệ thống, tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ tới sẽ rơi xuống dưới 7% một năm. Nhưng cải tổ chế độ tư bản nhà nước gần như là một điều bất khả thi về mặt chính trị vì điều đó sẽ làm lung lay nền móng thống trị của Đảng Cộng sản. Trên mặt trận chính trị, thập kỷ tới có khả năng là một thập kỷ dân chúng vùng lên chống lại độc quyền chính trị của Đảng. Người dân Trung Quốc đã trở nên mạnh dạn thẳng thắn hơn trước rất nhiều và sẵn sàng thách thức uy quyền của Đảng. Mặc dù chế độ có những đầu tư khổng lồ vào hệ thống kiểm duyệt, nhưng hiện nay Bắc Kinh thậm chí phải nhìn nhận rằng Internet đã cho phép người dân Trung Quốc bình thường một tiếng nói tập thể mạnh mẽ trong việc tạo dư luận. Những chính sách Nhà nước trên một loạt vấn đề rộng lớn, như chính sách một con, các chính sách minh bạch ngân sách, giáo dục và y tế đang bị người dân thách thức về tính hợp lý và hợp pháp của chúng. Đằng sau những diễn biến này là một cuộc khủng hoảng cơ bản về tính chính đáng của chế độ đang cầm quyền.

Còn về giới thống trị chóp bu, sự đoàn kết nội bộ của họ không còn là một chuyện đương nhiên. Vụ Bo Xilai [Bạc Hi Lai] đã phơi bày sự rạn nứt ngay ở cấp cao nhất của chế độ. Tệ hại hơn nữa, một cảm thức bất ổn chính trị và mất phương hướng hiện nay đang tràn ngập trong Đảng. Hiện nay, nhiều đảng viên tinh anh nhất nhận ra rằng những ngày tốt đẹp nhất của chế độ đã lùi vào quá khứ và, nếu không có những cải tổ chính trị cơ bản, Đảng sẽ không thể bám víu quyền hành thêm bao lâu nữa. Về đối ngoại, môi trường quốc tế thuận lợi của Trung Quốc trước đây đang bắt đầu trở nên tồi tệ. Quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước láng giềng đã trở nên căng thẳng hơn trước nhiều vì những tranh chấp lãnh thổ. Những đối tác mậu dịch chính của Trung Quốc đã mất hết kiên nhẫn vì những chính sách thương mại đầy thủ đoạn [mercantilist policies] của nước này. Quan hệ Mỹ-Hoa hết sức cần thiết lại ngày càng mang tính cạnh tranh. Những nứt rạn cơ bản trong mối quan hệ này đã trở nên sâu sắc thêm vì xung đột ý thức hệ, vì tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, và vì nghi ngờ ý đồ chiến lược của nhau. Khi các nước khắp thế giới, vì những lý do riêng, đề cao cảnh giác chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và bắt đầu đẩy lùi nó, Bắc Kinh không thể tự do bành trướng địa vị kinh tế của mình và nắm giữ lợi thế tiếp cận thị trường và tài nguyên tại các nước khác thêm nữa.

Điều mà bài phân tích này muốn vạch ra là sự bành trướng quyền lực của Trung Quốc dưới chế độ độc đảng đã lên tới điểm đỉnh, không thể vươn cao hơn nữa. Mô hình phát triển tư bản nhà nước độc tài đầy ma lực đã mang lại phép lạ kinh tế trong thời hậu Thiên An Môn; nhưng trong mọi ý nghĩa thực tế, hiện nay mô hình này đã mất hết ma thuật, nếu chưa hoàn toàn phá sản. Tuy nhiên, tương lai của Trung Quốc không nhất thiết là một tương lai u ám. Mặt ngửa của bài phân tích này là, với những cải tổ đúng đắn, nhất là trở về với chiến lược tăng trưởng theo khuynh hướng thị trường và chuyển đổi sang thể chế dân chủ, Trung Quốc có thể dễ dàng đối đầu với những thách thức trong và ngoài nước này. Một hệ thống kinh tế thị trường thông thoáng hơn sẽ sử dụng nguồn lực có hiệu quả và công bình hơn chế độ tư bản nhà nước. Những cải tổ dân chủ sẽ cho chế độ một cái gốc cơ bản về tính hợp pháp chính trị đối với người dân trong nước và còn giúp giảm bớt thái độ xung khắc và hoài nghi của thế giới bên ngoài đối với Trung Quốc. Nhờ thế, Trung Quốc sẽ có một cơ may tuyệt vời để đặt những nền móng kinh tế và chính trị cho một siêu cường của Thế kỷ 21. Nếu điều này thực sự xảy ra, những ngày tốt đẹp nhất của Trung Quốc sẽ còn tiềm ẩn ở tương lai, chứ không hoàn toàn rơi vào quá khứ.

M. P.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn