Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 18)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

Ý nghĩa, Ký ức, và các Phong trào:

năm 1989 và sự Sụp đổ của Chủ nghĩa Xã hội

Stephanie Platz

Nhìn lại, “ý nghĩa” của 1989 liên quan cả đến các sự kiện và đến các phương thức phân tích. Đối với nhiều người, 1989 là một hình tượng về sự suy yếu cuối của chủ nghĩa xã hội Soviet và về sự thống nhất ở châu Âu. Đối với những người khác, nó tương ứng với một chuỗi các sự kiện mà các học giả và các nhà chuyên môn khu vực đã không có khả năng đoán trước cũng chẳng thể giải thích đầy đủ về mặt nhân quả. Thay cho việc cô lập bản thân năm 1989 tôi thích xem các năm giữa 1988 và 1992 như một trục thời gian mà xung quanh nó nhiều sự kiện có tầm quan trọng toàn cầu đã rẽ hướng theo các độ khác nhau. Nghiên cứu về Bàn Tròn Ba Lan và về hội thảo, “Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later – sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản: Bàn Tròn Ba Lan, Mười Năm Nhìn lại,” cung cấp sự thấu hiểu chung về tầm quan trọng của thời kỳ này cho học vấn trong các khoa học xã hội.

Kỷ yếu hội thảo minh họa bằng thí dụ và định hướng cho các cuộc tranh luận quan trọng trong ngành và liên ngành về sự diễn giải và phân tích. Thứ nhất và trên hết, những tường thuật của người tham gia nêu bật những căng thẳng giữa các phương thức quy nạp và suy diễn của việc phân tích và giữa giá trị tương đối của những sự giải thích các sự kiện mà dựa vào cái cá biệt và những sự giải thích có thể khái quát hóa được và trừu tượng. Thí dụ, Thủ tướng Rakowski thấy gốc rễ của Bàn Tròn trong “những nét độc nhất” của lịch sử Ba Lan: “Tất cả điều này cùng nhau đã gây ra…thực tế là sau năm 1956, kể từ đầu năm 1957, Ba Lan đã có thể duy trì tính độc đáo riêng của nó so với tất cả các nước còn lại của khối Soviet, và chính sự độc đáo này tại một thời điểm nhất định, trong năm 76, đã dẫn đến sự xuất hiện của một sự đối lập được tổ chức, đó là Ủy ban Bảo vệ Công nhân.”[1] Tương tự, Đại sứ Ciosek giải thích các ý tưởng làm cơ sở cho Bàn Tròn như “được tạo ra tại một thời điểm cụ thể và điều kiện cụ thể ở Ba Lan.”[2] Ngược lại, những người khác biện luận về mặt các nhân tố cấu trúc, như Giáo sư Chrzanowski, người nói rằng “Bàn Tròn đã không gây ra sự thối rữa trong cấu trúc đế quốc của Liên Xô; đúng hơn nó đã là hệ quả của sự thối rữa đó.”[3] Zbigniew Janas, tương tự, quy nguyên nhân của sự phản đối trong các năm 1980 ở Ba Lan cho “sự thiếu cân bằng giữa các nhu cầu vật chất và sự mong đợi của xã hội và các điều kiện cuộc sống mà hệ thống có thể cung cấp.”[4] Loại giải thích sau coi sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Ba Lan như một chức năng của các lực lượng mang tính hệ thống nhận được từ quy tắc bên ngoài. Kỷ yếu hội thảo không giải quyết được sự căng thẳng giữa các khung khổ giải thích khác nhau, mà gồm cả hai logic, luân phiên nhau cung cấp sự nhìn thấu vào một sự giải thích về 1989 mà được truyền thụ một câu chuyện lịch sử Ba Lan dài hàng thế kỷ và một sự giải thích được truyền thụ các cấu trúc xã hội, kinh tế và chính trị đồng bộ. Những người chủ trương mỗi hệ thuyết (paradigm) có thể chất vấn các giả thiết và những cách bố trí lý thuyết riêng của họ với những tường thuật suy ngẫm của những người tham gia trong các sự kiện.

Đối với các học giả về ký ức tập thể và ký ức lịch sử trong nhân văn học và các khoa học xã hội, kỷ yếu hội thảo thách thức những giả thiết khác. Dù những cải cách được công nhận cho những người nhìn xa trông rộng hặc được dùng để làm mất uy tín của các chính trị gia yếu kém có các hệ lụy sâu rộng cho những câu chuyện tập thể về sự thay đổi và mối quan hệ của hiện tại đối với quá khứ. Theo lời của Giáo sư Kaczyński,

Nhưng liệu đối với thế hệ của các chính trị gia Ba Lan, những người đã đóng vai trò quan trọng trong Đoàn kết, nhưng ai đã nhớ chủ nghĩa cộng sản kỹ hơn nhiều so với thế hệ của tôi, hội chứng...? Ý tôi muốn nói già hơn tuổi bốn mươi lúc đó, thế hệ trước, những người cũng đã nhớ các năm 50 và vẫn còn nhớ những năm chiến tranh thế giới II, phải, họ đã có một hội chứng nào đó, nhưng đã không hẳn là lòng biết ơn đối với kẻ hành hạ mà là một hội chứng suy nghĩ với ký ức. Đã là một quan điểm nào đó, nơi chủ nghĩa cộng sản đã kiếm được một số đặc tính mà làm cho nó có vẻ vô cùng nguy hiểm, ngay cả khi nó không còn nguy hiểm nữa. Và hội chứng suy nghĩ với ký ức đó trong chừng mực nào đó đã ảnh hưởng đến hình dạng của nền chính trị Ba Lan trong giai đoạn đầu của thập niên 90.[5]

“Ký ức tập thể” thường thấm đẫm năng lực giải thích, như trong cách nhìn được bày tỏ bởi Adam Michnik, rằng “Chủ nghĩa yêu nước của chúng tôi là về sự chống lại bất kỳ chế độ độc tài nào. Nó cũng là về ký ức. Chúng tôi đang cố để nhớ rằng trong quá khứ đã không chỉ có thế lực nước ngoài gây ra thất bại của Ba Lan, mà cũng đã là tính hay gây gổ và sự ưu tiên cho lợi ích cá nhân của chúng ta, sự thiếu khả năng của chúng ta để thỏa hiệp nội bộ....”[6] Những ký ức mà được coi là tập thể có thể cũng lỏng, dễ thay đổi, bị tranh cãi, mang tính thế hệ và bị khai thác một cách tường tận. Trong khi sự bất công quá khứ dễ dàng được cho là để thúc đẩy các tập thể hành động, kỷ yếu hội thảo nhắc nhở người đọc rằng các chuyện kể về quá khứ là có tính chọn lọc và thường được áp dụng một cách ẩn dụ hay hoán dụ cho hoàn cảnh hiện tại. Bản thân những người tham gia Bàn Tròn suy ngẫm khác nhau về ảnh hưởng của quá khứ lên các hành động riêng của họ. Vì thế, trong khi “ký ức tập thể” có thể là một nhãn thích hợp cho một diễn ngôn hay ý thức hệ cá biệt, nó không được coi như một tảng đá nguyên khối cho các mục đích phân tích.

Kỷ yếu hội thảo cũng gợi ý sự phản ánh về định nghĩa của một sự kiện đơn độc. Nhiều lần lặp đi lặp lại, các tác nhân, khi bị thách thức với những hệ quả của sự thay đổi chính trị và kinh tế, đã dựng lại sự tự giác của riêng họ trong việc tham gia như đã thuộc về quá trình. Dù cho các điều kiện, mà đã tạo ra Bàn Tròn, đã bắt đầu hàng thế kỷ hay hàng tuần trước phiên khai mạc của nó, những người tham gia ghi lại sự nhận biết phân biệt về bản thân họ như “làm nên lịch sử,” đến mức rằng một số người thậm chí bây giờ vẫn miễn cưỡng coi nó như có hạn, bị chặn, hay đã kết thúc. Những ghi chép của hội thảo làm sống động lại các cuộc tranh luận về cấu trúc, quá trình, và năng lực hoạt động. Trong khi các hồi ký đầy dẫy giữa các nguồn lịch sử, các đối thoại nhìn lại giữa những người đàm thoại về bản chất và ý nghĩa của các hoạt động quá khứ tập thể là hiếm, để nói giảm nhẹ đi.

Đoàn kết có thể được so sánh với các phong trào xã hội và các phong trào dân tộc ở bất cứ đâu từ lập trường của các lý thuyết về tổ chức và sự thay đổi xã hội. Tuy vậy, đặc biệt, làm sáng tỏ để so sánh Bàn Tròn với động học của sự ràng buộc giữa các dân tộc Soviet và nhà nước vào cuối các năm 1980. Trong số này, tôi có thể nói tốt nhất để so sánh với Phong trào Karabagh, trong ba lĩnh vực. Thứ nhất là xã hội học về bản thân phong trào dưới chủ nghĩa xã hội; thứ hai là quá trình thích nghi hay không-thích nghi giữa phe đối lập và nhà nước; và thứ ba là hậu quả – các hệ lụy của các thỏa thuận đạt được cho hoạt động chính trị quốc gia sau 1991 và sự những ảnh hưởng dội lại của những lựa chọn và quyết định được đưa ra bởi các tác nhân chính trị vào thời gian của bản thân phong trào.

Phong trào Karabagh đã nổi lên vào tháng Hai năm 1988 để đáp lại một cuộc bỏ phiếu của Soviet Tối cao Nagorno Karabagh ủng hộ việc chuyển địa vị từ oblast (khu) tự trị bên trong Azerbaijan sang cùng khu ở bên trong Armenia. Cuộc bỏ phiếu này đã phản ánh nhận thức rộng rãi của đa số (tám mươi phần trăm) dân cư Armenian của Nagorno Karabagh rằng oblast của họ đã kém phát triển hay đã phát triển sai bởi chính quyền Azerbaijan. Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu của Soviet Tối cao Karabagh đã không được phê chuẩn bởi Azerbaijan (và bây giờ cuộc xung đột sắc tộc-lãnh thổ được nhiều người biết đến đã leo thang thành chiến tranh giữa người Armenian và người Azeri). Một cuộc biểu tình ngày 20 tháng Hai bởi 3.000 nhà môi trường bên ngoài Yerevan đã đưa quan hệ pháp lý của vùng Núi Karabagh vào chương trình nghị sự của nó, và theo tin đồn, đã thu hút đám đông lên đến 150.000 người trong vòng hai ngày. Tinh thần đoàn kết và bình đẳng đã tăng lên giữa những người biểu tình, khi đám đông đã tăng lên 300.000 người. Coi địa vị pháp lý của Karabagh như một trường hợp thử cho perestroika, những người Armenian đã kêu gọi lên Ban chấp hành Trung ương ở Moscow để thống nhất Armenia và Karabagh theo đúng quy trình.

Tại Armenia, quan điểm chống-Azerbaijan lên đỉnh điểm sau các sự cố bạo lực chống lại người Armenian, như các sự cố ở Sumgait (tháng Hai) và Khojalu (tháng Chín). Khi bạo lực phản động chống lại những người Armenian ở Azerbaijan trôi qua không được báo chí Soviet thừa nhận và không bị chính quyền Soviet trừng trị, thì tình cảm tập thể chuyển sang chống lại chính phủ trung ương. Ý kiến chống-Soviet đạt cực điểm sau khi các đội quân va chạm với những người biểu tình trong tháng Bảy, giết chết một sinh viên thú y gần sân bay. Trong tháng Năm, dư luận nhân dân quay sang chống lại chính phủ Soviet Armenia, và, đặc biệt, chống lại Bí thứ Thứ nhất Karen Demirchyan, vì nối giáo cho Moscow theo lợi ích của sự nghiệp và của cải của riêng ông ta hơn là dân tộc của ông ta. Được xem như một trở ngại cho quá trình chính trị minh bạch, sự phê phán Demirchyan đã trở thành đá thử vàng cho các nhà hoạt động đưa dân chủ hóa vào thảo luận phong trào. Không lâu sau đó, lời kêu gọi cho nền độc lập của Armenia đã được đưa vào các cuộc biểu tình.

Phong trào Karabagh đã là một phong trào có cơ sở ở bản thân Armenia, để ủng hộ những người Armenian ở Nagorno Karabagh. Trong năm 1988 và 1989, các trí thức Armenia từ Karabagh và từ Yerevan đã đi đến Moscow như một đoàn đại biểu để thuyết phục Moscow hủy quyết định của Soviet Tối cao Azerbaijan. Thế nhưng các nhà hoạt động phong trào, chủ yếu là các thành viên của giới trí thức Yerevan, đã không luôn luôn là một mặt trận thống nhất. Khi một thành viên của Ủy ban Tổ chức Karabagh lộ ra trong việc ủng hộ sự hợp tác với Demirchyan trong tháng Năm, làm giảm giá trị quan niệm rằng phong trào đã có thể phục vụ như một phương tiện cho dân chủ hóa và rằng chương trình nghị sự của phong trào phải mở rộng xa hơn địa vị của vùng Núi Karabagh, một Ủy ban Karabagh mới đã được lập ra. Tuy các thành viên của nó cuối cùng đã trở thành các quan chức cao cấp của chính phủ độc lập ở Armenia (kể cả Tổng thống Levon Ter Petrossian), chủ nghĩa tích cực phong trào của họ đã không là một phương tiện để đạt tới quyền lực, họ cũng đã không ủng hộ một sự chuyển tiếp ngay sang độc lập. Họ đã có chia sẻ một cam kết đối với việc ra quyết định tập thể và sự minh bạch chính trị. Lúc đó, quan điểm của họ đã khác với lập trường phổ biến, và tư duy của họ đã khác nhau về các vấn đề trải từ chính sách đối ngoại của một Armenia độc lập đến cách thức tổ chức cơ sở, các cuộc họp, và các cuộc đình công.

Ngoài các cuộc mít ting ở quảng trường thành phố, một mạng lưới các ủy ban được lập ra chủ yếu thông qua các nơi làm việc. Các mạng lưới này đã phổ biến thông tin về tình hình và qua đó, các cuộc đình công thuộc những loại khác nhau đã được tổ chức. Bất chấp một số sự giống nhau về cấu trúc bề ngoài rõ nét trong tổ chức của Đoàn kết và Phong trào Karabagh, những người Armenian đã hầu như chưa bao giờ coi Đoàn kết một cách dứt khoát như một mô hình. Đa số, tôi nghĩ, sẽ nói rằng điều này là kết quả của sự thiếu thông tin về Đoàn kết. Tuy vậy, thông quan văn học xuất bản ngầm (samizdat) và các mạng lưới ngầm, những người Armenian đã biết nhiều về và đã nhắc tường minh đến các phong trào ở các nước Baltic. Những dẫn chiếu đến Ba Lan mà tôi quan sát được trong nghiên cứu của tôi về đàm luận chính trị trong thời kỳ đó đã giới hạn ở sự giống nhau giữa các nạn nhân của những tội ác trước đây của các nhà nước (một poster chính trị Armenia liệt kê Buchenwald, Auschwitz và Katyń cùng với những nơi xảy ra bạo lực chống lại những người Armenian). Chắc chắn sự tương phản giữa một phong trào đòi tự quyết dân tộc của một sắc tộc Soviet thiểu số và một phong trào nghiệp đoàn ở Ba Lan hẳn có những sự khác biệt cấu trúc sâu sắc và lớn. Tuy nhiên, tôi thấy những sự giống nhau trong tổ chức ngầm của một phong trào quần chúng bên trong một chế độ toàn trị, đặc biệt khi những người tham gia đã cố gắng tự tổ chức một cách dân chủ bên trong một hệ thống có thứ bậc của các nơi làm việc. Dòng thông tin và sự nổi lên của một đạo lý tham gia ở bên trong các phong trào này đáng nghiên cứu so sánh.

Gần hơn với chủ đề của bản thân Bàn Tròn, là quan trọng để lưu ý rằng sự độc lập cho Armenia đã không được thương lượng, và rằng một di sản của cách mà theo đó Liên Xô đã giải thể là sự đình trệ của những cố gắng để giải quyết xung đột Karabagh. Những người Armenian nói chung đã không thành công trong các cuộc đàm phán của họ với Moscow giữa 1988 và 1990 – đã không truy tố các thủ phạm của bạo lực chống lại người Armenian cũng đã chẳng dàn xếp các đòi hỏi của người Armenian. Các cuộc phản đối ôn hòa đã bị quân đội Soviet cương quyết giải tán, và những tường thuật Armenian về các sự kiện – đặc biệt là xung đột ở Azerbaijan – đã bị kiểm duyệt và/hoặc giải thích sai bởi báo chí Soviet. Phong trào Karabagh đã được thể chế hóa như Phong trào Dân tộc Armenian trong tháng Chín năm 1988, và thành viên của Ủy ban Karabagh Levon Ter Petrossian đã được bầu một cách đại chúng làm Chủ tịch Soviet Tối cao Armenia trong năm 1990. Armenia đã trưng cầu dân ý về độc lập, nhưng đã không trở nên độc lập cho đến tháng Mười Hai năm 1991. Tình hình này gợi lại một chủ đề của kỷ yếu hội thảo, dưới dạng của sự xác nhận rằng sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã chẳng bao giờ có thể được thương lượng nếu cả hai bên (chính phủ và phe đối lập) đã không cùng yếu ngang nhau. Các mối quan hệ giữa Armenia và Moscow rõ ràng đã chẳng bao giờ đối xứng. Trong khi sự yếu tương đương giải thích về sự hiệu quả của Bàn Tròn Ba Lan có vẻ (đối với người quan sát bên ngoài này) là sự giải thích phổ biến trong đàm luận chính trị Ba Lan đương đại, nó đáng nghiên cứu bởi các nhà lý thuyết quan hệ quốc tế (các nhà lý luận chuyển đổi quyền lực và những người khác) và các nhà phân tích cấu trúc khác về sự thay đổi chính trị, hệ thống. Những người Ba Lan và Armenian đã có một kẻ thù chung loại nào đó ở Moscow. Vai trò của một cường quốc bên ngoài chi phối trong hoạt động chính trị quốc gia là màu mỡ ngang thế cho sự phân tích cấu trúc và một nghiên cứu về liên minh và bè phái của các đảng chính trị bên trong Ba Lan và Armenia tương đối với Moscow có thể so sánh chính trị và bản sắc dân tộc một cách rộng hơn. Nghiên cứu như vậy cũng đóng góp cho nghiên cứu về phi thuộc địa hóa ở nơi khác trên thế giới.

Một chủ đề thứ ba, đang xảy ra cho sự so sánh là các quỹ đạo sự nghiệp của các lãnh tụ đối lập và cộng sản sau độc lập khỏi Moscow. Như tôi sẽ thảo luận các câu chuyện phổ biến, theo thuyết mục đích, dưới đây trong đó các lãnh tụ đối lập đã dựng mình lên thành những ông trùm tội phạm tiếp theo và những thủ phạm tham nhũng trong thời kỳ mới nhan nhản trong cả hai khung cảnh. Trước độc lập, sự tín nhiệm và uy quyền của các nhà hoạt động đối lập có thể đã được tăng cao bởi sự bắt giữ hay sự đày ải, và họ có thể đã được xem là hiện thân của các đặc điểm hiến dâng cho dân tộc. Sau độc lập, một sự phản ứng dữ dội bảo thủ xem việc chịu rủi ro như vậy là cá nhân chủ nghĩa và tư lợi. Sự hớt “kem” hay “váng” mà các nhà hoạt động Đoàn kết bây giờ bị cáo buộc đã theo đuổi là giống sự phê phán phổ biến đối với các quan chức trong chính phủ Armenia đầu tiên, những người được bầu trên cơ sở cương lĩnh của họ trong Phong trào Dân tộc Armenia. Tôi sẽ không lạc đề ở đây vào một tiểu luận về chính trị đương đại ở Armenia, nhưng sự xét lại, sự tố giác, và sự phục hồi của các lãnh tụ cộng sản trước đây là các chủ đề chung. Cả Đoàn kết (như kỷ yếu hội thảo làm rõ) lẫn Phong trào Karabagh đã đều không như một thể thống nhất trong chương trình nghị sự của nó như chúng đã đôi khi có vẻ. Trong trường hợp của Ủy ban Karabagh, các ủy viên đã bất đồng một cách tế nhị và không tế nhị đến vậy giữa họ với nhau và với công chúng về các vấn đề như bản chất của các mối quan hệ với các nước láng giềng của Armenia (Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, và Georgia). Một nghiên cứu so sánh mà tách chính trị đảng phái và chính trị cá nhân trong hậu quả của sự cai trị Soviet sẽ là hữu ích trong việc lý thuyết hóa tính chính đáng chính trị tổng quát hơn.

Cuối cùng, Bàn Tròn đưa ra một trường hợp cho nghiên cứu so sánh về những sự can thiệp công khai và che đạy bởi các nhà nước bên ngoài trong sự thay đổi chính trị trong nước. Đại sứ Davis nhắc đến vai trò quan trọng mà cộng đồng di dân Ba Lan-Mỹ đã đóng trong tác động lên chính sách Hoa Kỳ đối với Ba Lan lúc đó,[7] và Helen Davis nói về vai trò của “salon” của bà trong việc giới thiệu các thành viên đối lập Ba Lan với nhau.[8] Cộng đồng di dân Armenian-Mỹ đã đóng một vai trò tương tự trong tác động lên chính sách Hoa Kỳ với Armenia và các láng giềng của nó, như María Torres nhắc chúng ta về cộng đồng di dân Cuba đã ảnh hưởng đến chính sách Hoa Kỳ với Cuba. Những trường hợp này, giữa nhiều trường hợp khác, cho sự thấu hiểu vào chính trị Chiến tranh Lạnh và các cuộc chiến được tiến hành giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong các nước thứ ba. Trong các thí dụ này, quá trình chính trị không thể được xem bên ngoài khung cảnh của cán cân sức mạnh giữa các định thủ Chiến tranh Lạnh.

Bàn Tròn Ba Lan và kỷ yếu hội thảo “sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản” cả hai là hữu ích cho việc thảo luận trong lớp học đại học. Tôi dạy một seminar lịch sử cho sinh viên năm áp chót/chót có tiêu đề, “Lịch sử, Ký ức, và Bản sắc,” cũng như một seminar cho năm thứ nhất với tiêu đề “Dân tộc và Liên Xô,” mà khai thác thành phần dân tộc của Liên Xô, sự phát triển và ý nghĩa của chính sách dân tộc Soviet, và sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc trong cuối các năm 1980. Bàn Tròn, và kỷ yếu hội thảo, sẽ khớp khéo vào mỗi trong các cua học này.

Trong cua đầu tiên của hai cua này, trong học kỳ vừa qua tôi đã so sánh phong trào liên-dân tộc Armenian (Phong trào Karabagh) với Đoàn kết trong mối quan hệ với việc sử dụng sự hiểu biết lịch sử (như được mô tả ở trên). Trong trường hợp của cả hai phong trào, các chuyện kể thay thế về quá khứ đã được truyền bá và phổ cập, thách thức những tường thuật chính thức được thừa nhận bởi nhà nước toàn trị. Ngoài ra, trong cả hai trường hợp, việc kể lại chuyện lịch sử dân tộc giải phóng bản sắc “dân tộc” và đã cấp nhiên liệu cho sự huy động sự ủng hộ cơ sở và sự tổ chức của nó. Đặc biệt, tôi đã sử dụng We All Fought for Freedom: Women in Poland’s Solidarity Movement của Kristi Long (cũng như bài báo trước của bà mà đã xuất hiện trong American Ethnologist) để so sánh sự mô tả bằng hình tượng các dấu hiệu đặc trưng Đoàn kết ngầm với hệ thống dẫn chiếu lịch sử được dùng trong các poster chính trị Armenian được trưng bày trong thời gian Phong trào Karabagh giữa 1988 và 1990 (phân tích của tôi về chúng xuất hiện trong luận văn tiến sỹ năm 1996 của tôi về nhân (loại) học tại Đại học Chicago). Bằng những cách này, mà tôi đã mô tả rồi, cả Đoàn kết và Phong trào Karabagh minh họa một cách tế nhị những sự kết hợp giữa lịch sử dân tộc, phổ biến và kinh nghiệm về bản sắc dân tộc.

Xa hơn sự so sánh về các phong trào dân tộc trong khung cảnh xã hội chủ nghĩa, tôi có thể tưởng tượng việc sử dụng Bàn Tròn theo nhiều cách khác – và đặc biệt hơn, tôi có thể hình dung việc dùng kỷ yếu hội thảo “sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản.” Sự nhắc đến bản sắc Ba Lan xuất hiện suốt kỷ yếu hội thảo theo những cách mà bào chữa cho các mệnh lệnh để hành động. Các tư tưởng về những người Ba Lan tốt và xấu làm cơ sở cho sự phân biệt chúng tôi-và-họ giữa phe đối lập và chính phủ, và các tác nhân chính trị được đánh giá một cách hồi tố bởi xã hội Ba Lan về mặt hiến dâng cho dân tộc trên cơ sở các hậu quả của các hành động của họ. Những lời của Thủ tướng Rakowski minh họa khéo điểm này. Ông nói về các khuôn mẫu liên quan đến Bàn Tròn, “một mặt, tóm lại, chúng tôi đã có các thiên thần hoàn toàn trắng và mặt khác chúng tôi đã có các thiên thần đen đã bán linh hồn mình cho quỷ. Và quỷ đã ở Moscow. Cho nên đưa tất cả về các phạm trù chính trị, tôi được cho là một loại người Ba Lan tồi tệ hơn, và tôi dứt khoát không thể đồng ý với điều đó. Tôi không tồi hơn tý nào so với người đã la hét hôm kia rằng tôi không được phép nói.”[9] Tương tự Giám mục Dembowski nói, “một người Ba Lan tốt là một người yêu Ba Lan và là một người tốt, tức là một người, trong sự lựa chọn của mình, có tính đến các giá trị đạo đức, người mong muốn phục vụ lợi ích chung của quê hương mình.”[10] Về cùng chủ đề, Konstanty Gebert nhấn mạnh vai trò của bản sắc dân tộc làm cơ sở cho sự trao quyền công dân

Nếu chúng ta tất cả cùng nhau ở trong nó bởi vì chúng ta đều là người Ba Lan, thì những người trong chúng ta mà không phải là người Ba Lan cùng nhau trong nó ít hơn. Rất khó để phát hiện ra điều này, Ba Lan là một nước gần như hoàn toàn đơn-sắc tộc, và các dân tộc thiểu số về thực chất đồng nhất không chỉ với quốc gia Ba Lan, mà với xã hội Ba Lan, nhưng thực ra, chúng ta ở một chừng mực đã tự lừa dối mình bằng tin rằng chúng ta đã thiết lập một xã hội dân sự. Cái chúng ta đã thiết lập là một xã hội dân tộc giả dạng như một xã hội dân sự. Thành công, bởi vì hầu như tất cả các thành viên của xã hội dân sự tiềm năng thực ra là các thành viên của xã hội dân tộc hiện có. Tôi sẽ không dễ dàng từ bỏ xã hội dân tộc này vì lợi ích của sự tinh khiết về ý thức hệ, nhưng tôi nhớ những gì bác của một người bạn thường lặp lại, đừng làm tôi kinh hãi với các dân tộc, tôi muốn sống trong xã hội.[11]

Những người tham gia hội thảo liên tục cưỡng lại khuôn mẫu nhị phân về chúng tôi/họ, tốt/xấu, người Ba Lan/người không Ba Lan với sự tôn trọng cách mô tả đặc trưng phổ biến về các ý định và các hệ quả của các hành động của họ. Khi làm như vậy, họ nhấn mạnh sự đan xen quan niệm về một đàm luận đạo đức liên quan đến dân tộc và xác định tư cách dân tộc và những diễn giải post-hoc (sau) về sự tham gia. Trong nghiên cứu về lịch sử đương đại, chúng ta có thể khai phá những cách mà theo đó đàm luận đạo đức và sự diễn giải quá khứ gần đóng góp cho các tư tưởng về bản sắc dân tộc.

Trong cùng khóa học, tôi cũng lưu ý sinh viên đến sự khác biệt giữa lịch sử và (cái chúng ta có thể gọi là) “Lịch sử” như chúng xuất hiện trong những tường thuật của những người tham gia. Trong sự phân biệt này, “lịch sử” nhắc đến một sự tường thuật đơn sơ về quá khứ, còn “Lịch sử” ám chỉ đến một meta-narrative (siêu-chuyện kể) bao quát mà ngấm ngầm diễn giải các sự kiện cho các độc giả của nó. Những người tham gia Bàn Tròn bày tỏ sự bực dọc với việc sau liên quan đến hội thảo, ngoài mối lo ngại rằng các sự kiện của năm 1989 không bị thần thoại hóa. Thí dụ, Stanisław Ciosek nói,

lịch sử không thể được chia thành nhiều mảnh. Điều đó ngược lại các khuynh hướng tự nhiên của các sử gia, những người muốn tất cả mọi thứ theo thứ tự, muốn số lượng tối đa các sự kiện được thu thập. Tình hình ở Ba Lan, mặt khác, và chủ đề này mà chúng ta đang thảo luận, không thể được đưa vào khung của giai đoạn hai hoặc ba năm, mà chúng ta đang tập trung vào ở đây. Các thứ xuất phát từ cái này sang cái khác, và hậu quả của chúng là vô cùng quan trọng, như thế tôi sẽ làm rối chủ đề của chúng ta một chút với bài phát biểu của mình.[12]

Mối lo ngại này với sự hình thành một di sản cũng bắt nguồn từ những sự lo lắng về những đánh giá đạo đức trong hiện tại. Ciosek nói muộn hơn, “trình bày lịch sử dưới dạng đen và trắng như vậy là không công bằng và có vẻ như đối với tôi rằng cuộc hội thảo của chúng ta phải dẫn chúng ta đến một số đánh giá công bằng và trung thực.”[13] Tương tự, Adam Michnik nói, “chúng ta không nên tạo ra các truyền thuyết. Cái chúng ta phải nói cho người đương thời của chúng ta và đặc biệt cho trẻ em của chúng ta là một bức ảnh thực về thực tế. Và ở đây Bàn Tròn có thể được cảm nhận từ nhiều góc độ.”[14] Trái lại, Tổng thống Kwaśniewski nói rằng sự thực về hội thảo được tổ chức tại Đại học Michigan là “bằng chứng chính, chung cuộc rằng Bàn Tròn là một phần của lịch sử.”[15] Chung đối với các bình luận này là ý kiến rằng quá khứ trở thành “Lịch sử” chỉ với khoảng cách, dù là khoảng cách thời gian hay địa lý. Tính nước đôi về liệu một chuỗi các sự kiện có thể được hiểu đầy đủ hay không sau mười năm biểu hiện các tranh luận lý thuyết và liên ngành về các đơn vị thích hợp của nghiên cứu và phân tích. Đối với các sinh viên, khía cạnh này của kỷ yếu hội thảo có thể được dùng để thăm dò bản chất và các giới hạn của các viễn cảnh: làm sao chúng ta có thể “làm” lịch sử đương đại? Chúng ta phải xa bao nhiêu từ một chủ đề để đưa nó ra phân tích học thuật? Và, những người kể chuyện lịch sử có bao giờ thoát được các lợi ích hay tiền cược trong các câu chuyện họ kể?

Tôi cũng có thể hình dung việc sử dụng kỷ yếu hội thảo “sự Sụp đổ được Dàn xếp của Chế độ Cộng sản” trong cua thứ hai của hai cua liên quan của tôi (“Dân tộc và Liên Xô”). Trong cua này, tôi tập trung ít hơn vào bản sắc tự nó, và nhiều hơn vào những sự phân biệt giữa quá khứ, lịch sử, và việc chép sử. Tôi lấy việc chép sử dân tộc Armenian như một thí dụ, và minh họa những cách mà theo đó các nguồn lịch sử ủng hộ học vấn bút chiến cũng như chính sách. Thí dụ, tôi sử dụng một bộ sưu tập các nguồn sơ cấp liên quan đến địa vị của Nagorno Karabagh (bắt đầu trong thế kỷ thứ mười chín và lần theo dấu vết địa vị của nó như một oblast tự trị ở Azerbaijan cho đến cuối các năm 1980 từ địa vị của nó trong Đế chế Nga). Đọc qua tài liệu sưu tập, tôi gợi ra những bình luận của sinh viên về những gì được đọc lướt từ sự trình bày của các văn bản riêng biệt, cái gì bị mất đi trong việc dịch, những ấn tượng nào nổi lên từ việc đặt cạnh nhau các văn bản mà có thể đã không bắt nguồn từ ngữ cảnh gốc, và các loại nào của các nguồn sơ cấp chúng ta có thể hình dung được lựa chọn từ sưu tập. Sau đó, chúng tôi đọc hai bài báo về xung đột Karabagh – một từ học giả ủng hộ người Armenian và bài khác từ học giả ủng hộ người Azeri – và chúng tôi đi qua chuỗi các sự kiện họ mô tả, từng bước một, để thấy rằng họ đưa ra những sự sắp xếp niên đại khác nhau đáng kể dựa trên cùng một sưu tập duy nhất của các nguồn sơ cấp mà chúng tôi vừa đọc. (Ở đây tôi nhớ lại những lời của Giám mục Bronisław Dembowski liên quan đến trích dẫn Kinh thánh: “tôi lưu ý các bạn đến sự thực rằng trong khi cám dỗ Chúa Giêsu, quỷ Satan đã trích dẫn Kinh Thánh.”!)

Kỷ yếu hội thảo sẽ là hữu ích trong các bài tập giống những bài này. Đầu tiên, chúng cho thấy ký ức về một loạt các sự kiện có thể khác nhau đến thế nào với cách bản chất của các sự kiện đó được nhớ lại bởi các tác nhân những người đã tham gia trong chúng. Thứ hai, chúng cho thấy cùng một chuỗi các sự kiện có thể được diễn giải theo rất nhiều cách ra sao, phụ thuộc và các lợi ích chính trị và cá nhân được gây ra. Thí dụ, những người tham gia Bàn Tròn đã bị tố cáo theo đuổi “việc hớt váng” trong các cuộc đàm phán – làm lệch để thay đổi chính trường cho lợi ích cá nhân hay chuyên nghiệp. Những sự tố cáo như vậy nổi lên trong các tường thuật của những người tham gia, cũng như trong các bình luận từ khán giả. Thế nhưng bản thân những người tham gia chủ yếu đã nhớ lại mức độ rủi ra và bất trắc họ đã phải chịu trong việc đảm đương các cuộc đàm phán và phủ nhận đã bị thúc đẩy bởi tư lợi. Thực vậy, họ đã biện luận mạnh mẽ rằng trong dòng chảy của các sự kiện, những kết quả đã không chắc chắn đến mức khiến cho việc đưa ra các chiến lược cực đại hóa lợi nhuận là không thể để nhận diện. Một vấn đề liên quan là sự khác nhau về quan điểm giữa các thành viên của phe đối lập, giữa những người cộng sản, và giữa hai nhóm này. Không hai cá nhân nào đưa ra một tường thuật giống hệt nhau về Bàn Tròn. Grażyna Staniszewska, một nhà hoạt động Đoàn kết, không đồng ý với nhà phân tích Jane Curry rằng những người tham gia Bàn Tròn đã nghĩ hệ thống được tháo dỡ; cô nói, “tôi nghĩ rằng nếu bất cứ ai đã nghĩ rằng hệ thống được tháo dỡ, thì Bàn Tròn đã chẳng hề xảy ra.”[16] Cô tuyên bố thêm rằng những kinh nghiệm của cô đã khác với những kinh nghiệm của nhà lãnh đạo Đoàn kết Zbigniew Bujak bởi vì cô đã tổ chức Đoàn kết ở vùng núi. Như thế, không chỉ những kinh nghiệm cá nhân khác nhau, mà kinh nghiệm của Đoàn kết ở trung tâm và ở ngoại vi cũng khác nhau về mặt cấu trúc. Cả Ba Lan lẫn phe đối lập đã không thống nhất như đá nguyên khối trong quá trình. Thí dụ này có thể là cơ sở cho một bài tập lớp học trong nhận diện nhiều viễn cảnh bên trong và giữa các nguồn cũng như nhiều cách mà theo đó các nguồn thành văn có thể được dùng. Cuối cùng, kỷ yếu hội thảo đưa ra sự thấu hiểu vào định nghĩa của, hay sự nhận diện về, một “sự kiện.” Lặp đi lặp lại, các diễn giả nhấn mạnh sự thực rằng họ đã cảm thấy mình tham gia vào một “quá trình,” còn các nhà bình luận nhìn lại thì quy các động cơ cho các tác nhân trên cơ sở những kết quả đã biết. Sự cám dỗ để đọc các nguồn theo mục đích luận là mạnh giữa các sinh viên cũng như giữa các nhà bình luận; kỷ yếu hội thảo cho một cơ hội đối với các sinh viên để thẩm vấn bản chất bị chặn của các sự kiện mà thường là ngầm định trong phân tích.

Trong cả hai cua này mà tôi dạy, Bàn Tròn Ba Lan là một nghiên cứu tình huống rất thích hợp cho việc so sánh với chủ nghĩa dân tộc ở Liên Xô vào cuối các năm 1980. Phương tiện của tổ chức cơ sở bất hợp pháp dưới sự cai trị toàn trị, việc khái niệm hóa các quyền dân tộc và các quyền con người bị nhà nước xâm phạm, vai trò của sự bất công lịch sử trong một ý thức hệ để giải phóng, và động học cuối cùng của việc cam kết với nhà nước là các đặc tính chung của các phong trào như vậy. Hơn nữa, bản thân kỷ yếu hội thảo được dùng như một sưu tập các tư liệu sơ cấp mà có thể được khai thác một cách có kết quả để minh họa các vấn đề phương pháp luận và nhận thức luận của phân tích lịch sử.

Để kết luận, tôi muốn nói thêm rằng đọc bản ghi chép kỷ yếu hội thảo đã là một trải nghiệm vừa đắng vừa ngọt ngào, luyến tiếc quá khứ, và cảm động đối với tôi. Nó đã làm sống lại hương vị của các phong trào quần chúng và lời hứa thay đổi mà đã đặc trưng cho những năm đó đối với tôi trong cả nghiên cứu của tôi và đời sống riêng của tôi vì tôi đã trải qua chúng ở Liên Xô. Sự lưỡng lự mà với nó bản thân những người tham gia mô tả đặc trưng những ngày đó bây giờ, sự xem xét kỹ lưỡng và sự đánh giá lại mà họ lệ thuộc vào trong chính trị bình dân, báo chí và trong tâm trí riêng của họ, những sự nghi ngờ và những sự bất trắc mà chế ngự những so sánh về hiện tại độc lập với quá khứ xã hội chủ nghĩa, và sự quy giản hợp lý các sự kiện đó cho sự giải thích tường tận, tất cả làm tôi buồn khi tôi nhớ lại sự hưng phấn và sự sục sôi của việc trao quyền mà đã được trải nghiệm trên quy mô lớn như vậy. Tôi cảm thấy điều này ngoài ý kiến riêng của tôi ra về các hệ thống quản trị tốt hơn và tồi hơn. Đúng hơn, nó là một phản ứng đối với việc thấy sự tin cậy và sự lạc quan nhạt phai đi thành sự mập mờ với sự trôi đi của thời gian. Có lẽ tất cả chúng ta đều luôn luôn tương đối về các hành động của mình, nhưng sự mất đi của sự đoàn kết, phải, vẫn là một sự mất mát.

Tài liệu đọc thêm

Bremmer, I. and R. Taras. Nations and Politics in the Soviet Successor States. Cambridge: Cambridge University Press, 1993.

Connerton, Paul. How Societies Remember. Cambridge: Cambridge University Press, 1989.

Dawson, Jane. Econationalism. Durham: Duke University Press, 1996.

Halbwachs, Maurice. On Collective Memory. Chicago: The University of Chicago Press, 1992.

Hunter, Shireen. The Transcaucasus in Transition. Washington, DC: The Center for Strategic and International Studies, 1994.

Libaridian, Gerard. The Karabagh File. Cambridge, MA: The Zoryan Institute, 1988.

Libaridian, Gerard. Armenia at the Crossroads. Watertown, MA: Blue Crane Books, 1991.

Libaridian, Gerard. The Challenge of Statehood. Watertown, MA: Blue Crane Books, 1999.

Malkasian, Mark. Gha-ra-bagh! The Emergence of the National Democratic Movement in Armenia. Detroit: Wayne State University Press, 1996.

Rappaport, Joanne. The Politics of Memory. Durham: Duke University Press, 1998.

Rost, Yuri. Armenian Tragedy. New York: St. Martin’s Press, 1990.

Suny, Ronald. The Revenge of the Past: Nationalism, Revolution, and the Collapse of the Soviet Union. Stanford: Stanford University Press, 1993.

Swedenburg, Ted. Memories of Revolt. Minneapolis: University of Minnesota Press, 1995.

Trouillot, Michel-Rolph. Silencing the Past: Power and the Production of History. Boston: Beacon Press, 1995.

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

[1]Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings, được dịch bởi Kasia Kietlinska, được biên tập bởi Donna Parmelee (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies, 1999), 21-22. Số trang trong chú thích dẫn chiếu đến số trang của bản in gốc của bản gỡ băng, mà đã đã được cung cấp cho các tác giả của tập hướng dẫn này để tham khảo. Các số trang này có thể không tương ứng với bản gỡ băng có sẵn trên web hay các phiên bản in sau đó.

[2] Ibid., 60

[3] Ibid., 28

[4] Ibid., 77

[5] Ibid., 186

[6] Ibid., 235

[7] Ibid., 45-46.

[8] Ibid., 50.

[9] Ibid., 164.

[10] Ibid., 11.

[11] Ibid., 214.

[12] Ibid., 40.

[13] Ibid., 64.

[14] Ibid., 126.

[15] Ibid., 245.

[16] Communism’s Negotiated Collapse, 144.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn