Dân đã mất hết niềm tin

Nam Nguyên, phóng viên RFA

clip_image002

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. AFP

Đạo đức suy đồi, xã hội bất an, người dân mất niềm tin vào Nhà nước là những vấn đề được đại biểu Quốc hội báo động trong các phiên thảo luận trong tuần.

Nghĩ đến công quyền là nghĩ đến tham nhũng

Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Ngọc Bảo đại biểu Vĩnh Phúc phản ảnh: “Tham nhũng khiến người dân ngày càng không tin vào công quyền, mà người ta cứ nghĩ đến công quyền là nghĩ đến tham nhũng.”

Bà Lê Hiền Đức một giáo viên về hưu ở Hà Nội và từng được giải thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế phát biểu với Đài Á châu Tự do:

“Với tôi thì bao nhiêu chuyện tham nhũng phải nghiêm túc giải quyết thì mới lấy lại được niềm tin cho dân. Một điều rất đơn giản là tất cả những gì dân kiến nghị tố cáo phải lắng nghe ý kiến dân, phải nghiêm túc xử lý những người tham nhũng thì mới lấy lại được niềm tin. Chứ còn bây giờ cứ bao che cho nhau bênh vực nhau không giải quyết cho dân thì không bao giờ dân có thể tin tưởng được cả.”

Thời báo Kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 30/10, trích lời ông Bùi Đặng Dũng, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội báo động là chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này. Ông nhấn mạnh: “Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm, kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở đến những nơi trang nghiệm như trường học, bệnh viện…đều có tội phạm cả.”

Bây giờ cứ bao che cho nhau bênh vực nhau không giải quyết cho dân thì không bao giờ dân có thể tin tưởng được cả.

-Bà Lê Hiền Đức

Mục sư Nguyễn Trung Tôn hiện sống và phụng vụ đức tin ở Thanh Hóa, bản thân sinh ra sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, một thời kỳ đầy khó khăn. Mục sư phát biểu với Đài ACTD:

“Cha mẹ tôi, các cụ ngày xưa thì sống cuộc sống khổ sở, đói khát và nghèo nàn hơn so với bây giờ, nhưng các cụ vẫn nói với tôi rằng, nhìn vào con người ngày hôm nay mới thấy đạo đức con người càng ngày càng xuống cấp: Con có thể chửi cha mẹ, chữ hiếu không còn, đạo đức chẳng còn đâu cả. Con người đi ra đường, không nhìn người ta thì người ta bảo mình khinh, nhưng nếu không may vô tình nhìn họ thì họ bảo là mình nhìn đểu! Đây là người dân đối với người dân thôi. Bây giờ ra đường có thể chỉ vì một cái nhìn, chỉ vì một câu nói có thể dẫn tới án mạng; con có thể giết cha, vợ có thể giết chồng, anh em có thể chém giết lẫn nhau.”

Báo điện tử Người Lao Động tường thuật phiên họp ngày 31/10 trích lời đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đơn vị Bình Dương mô tả tâm trạng bất an và sự suy giảm niềm tin của người dân với Nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân tự xử. Nhìn nhận đời sống văn hóa xã hội của đất nước càng ngày càng thêm bức xúc, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng tự xử là quan niệm và hành vi xấu đáng lên án vì vi phạm pháp luật. Theo lời ông, thật xấu hổ và lo lắng với những sự kiện tiêu cực đó nhưng về mặt chính trị và pháp lý cho thấy đang xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhấn mạnh tới nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này bắt nguồn từ vai trò quản lý của Nhà nước còn mờ nhạt yếu kém.

Dân tự xử

clip_image004

Hình ảnh các công an bị người dân trói lan truyền trên trang mạng xã hội facebook hôm 08/10/2013.

Trong khi đó VnExpress ngày 30/10 có bài Dân tự xử vì mất niềm tin. Tờ báo mạng dẫn nhập: “Trước tình trạng dân trói công an và đưa clip lên mạng xã hội, đánh chết người trộm chó, đưa quan tài diễu phố…nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương ngày càng suy giảm.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Hiền Đức, một nhà hoạt động dân sự bảo vệ dân oan, đã gắn kết tình trạng xã hội nhiễu nhương với điều bà gọi là ru ngủ giới trẻ và sự hướng dẫn dư luận lệch lạc. Từ Hà Nội bà Lê Hiền Đức phát biểu :

“Cướp-Hiếp-Giết, cướp của, hiếp dâm và giết người, những chuyện ấy hở ra một tí có một chuyện gì dù rất nhỏ, nhưng báo chí xô nhau vào để làm rùm beng lên. Tôi muốn nói là những chuyện lớn phải cần cho thanh niên, giáo dục thanh niên cho thấy được cái nguy cơ của đất nước hiện nay là Trung Quốc lăm le xâm chiếm, đảo biển mất gần hết rồi thì không bao giờ nhắc đến cả. Rồi nữa đất nước của mình kinh tế lụn bại như thế này, thì cũng không nói đến chỉ đưa ra những việc theo tôi là nó làm ru ngủ thanh niên, đấy là điều rất đáng lo ngại.”

Tuổi Trẻ Online bản tin trên mạng ngày 30/10 trích lời Đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh) khi báo động tình trạng tội phạm nghiêm trọng tràn làn trong xã hội đã khuyến nghị: Cần xem xét lại hệ thống giáo dục, từ gia đình đến nhà trường. Phải chăng theo chỉ đạo chú trọng dạy kiến thức mà lại buông lỏng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục về lòng nhân ái, tình thương yêu giữa con người với con người. Đại biểu Thạch Dư cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đang buông lỏng trong việc giáo dục nhân cách con người.

Đất nước của mình kinh tế lụn bại như thế này, thì cũng không nói đến chỉ đưa ra những việc theo tôi là nó làm ru ngủ thanh niên, đấy là điều rất đáng lo ngại.

-Bà Lê Hiền Đức

Cũng liên quan tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 đang diễn ra ở Hà Nội, theo VietNamNet GSTS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi Quốc hội cần minh bạch hơn trong quá trình sửa đổi Hiến pháp liên quan tới qui định đất đai. GS Đặng Hùng Võ góp ý rằng, nguyên tắc “Quyền sử dụng là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” cần được đưa trở lại Hiến pháp sửa đổi. Việc Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tự ý đưa nguyên tắc này ra khỏi Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bản mới nhất trình ra Quốc hội cần được giải thích rõ ràng, minh bạch trước nhân dân.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từng nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến quyền lợi của nông dân về đất đai. Bà nói:

“Nếu như trong trường hợp không thể sửa được Hiến pháp và Luật Đất đai lần này theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với đất đai nông nghiệp, thì ít nhất cũng phải đảm bảo quyền sử dụng của họ dài hạn thay vì 20 năm như trước lên 50 năm. Thứ hai phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi. Vì vậy cho nên trong Hiến pháp điều qui định vể đất đai cũng như Luật Đất đai phải rất chú trọng điều về thu hồi đất.”

Theo bài viết của Giáo sư Đặng Hùng Võ trên VietNamNet, ở dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có qui định tại khoản 2 Điều 58: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Đến nay, trên bản Dự thảo mới nhất trình Quốc hội ngày 17/10 lại có qui định: “Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.” Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng việc bỏ đi ba từ ‘quyền tài sản’gây lo ngại lớn cho người dân.

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 được cho là đầy những phiên thảo luận gai góc, câu chuyện quốc nạn tham nhũng, xã hội xuống cấp, đạo đức suy đồi, người dân bất an, được các đại biểu báo động một cách nghiêm trọng. Tuy vậy để khôi phục niềm tin của nhân dân thì cả hệ thống chính trị phải được đổi mới, một điều mà các chuyên gia cho rằng khó thể xảy ra.

N. N.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn