Muộn còn hơn không

Tô Văn Trường

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, tổng công suất thủy điện từ 9.200 MW năm 2009 sẽ được tăng lên 17.000 MW vào năm 2010, chiếm 23,1% trên tổng số 71.000 MW các nguồn điện năng quốc gia.

Phát triển thủy điện đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, song song đó là tình trạng loạn thủy điện và thủy điện “mì ăn liền”. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương qua rà soát đã loại bỏ 424 dự án, đồng thời không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục xem xét đánh giá 158 dự án thủy điện. Biết lắng nghe dư luận và nhận rõ thực trạng như vậy là đáng ghi nhận, muộn còn hơn không!

Ai cũng thấy việc loại bỏ các dự án thủy điện trong quy hoạch là bài học cay đắng, trả giá bằng tổn thất về tiền bạc, thời gian, công sức nhưng ai chịu trách nhiệm thì không rõ. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận ở hội trường ngày 13-11, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII về Quy hoạch tổng thể thủy điện. Ngoài trách nhiệm của Bộ Công Thương và các địa phương (các dự án thủy điện nhỏ hơn 30 MW) thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải tiếp thu ý kiến của các ngành, các cấp và chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, dự thảo nghị định hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường đặc biệt trong quy hoạch phát triển thủy điện.

Nguồn năng lượng điện ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn nhiên liệu chính là than đá, khí (nhiệt điện) và nước mặt ở các dòng sông (thủy điện). Tiềm năng lý thuyết thủy điện Việt Nam khoảng 75.000 MW, tiềm năng kỹ thuật khoảng 31.000 MW và tiềm năng kinh tế - kỹ thuật khoảng 20.000 MW. Trong giai đoạn 2001-2010, một thập niên bùng nổ thủy điện, gần như tiềm năng kinh tế - kỹ thuật nguồn thủy điện đã được khai thác tương đối. Trong những năm tiếp sau 2010, chỉ còn một vài dự án lớn như Sơn La 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW và một số thủy điện vừa và nhỏ (tổng cộng khoảng 2.100 MW) dự kiến được khai thác đến năm 2015 - gần như hết tiềm năng thủy điện của nước ta. Chỉ còn lại một vài dự án thủy điện tích năng sẽ được tiếp tục khai thác sau năm 2020.

Đối với Quy hoạch Tổng sơ đồ điện từ trước đến nay, đã qua 7 kỳ quy hoạch và nhiều lần hiệu chỉnh quy hoạch, việc quy hoạch chủ yếu dựa trên tiêu chí tối ưu chi phí đầu tư, vận hành hệ thống điện và theo nhu cầu năng lượng của quốc gia, tiêu chí ảnh hưởng môi trường chưa được chú trọng và đề cập một cách chi tiết.

Việc khai thác thủy điện để cung cấp năng lượng là tốt vì đây là nguồn năng lượng tái sinh. Vấn đề là cần phải có tiêu chí đánh giá lựa chọn dự án khai thác tổng thể theo sự tiến bộ về nhận thức của xã hội, đồng thời bổ sung công tác đánh giá môi trường hậu dự án một cách nghiêm túc và có chi phí để thực hiện.

Ngoài nguồn năng lượng thủy điện, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc tìm nguồn năng lượng sạch thay thế phù hợp với điều kiện của Việt Nam vẫn là thách thức lớn đối với những người quản lý, điều hành đất nước. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện xã hội thể hiện qua việc rà soát, loại bỏ hàng loạt dự án thủy điện không hiệu quả, tác động lớn đến môi trường là việc làm tốt, tích cực, vì cái chung nên dù muộn cũng phải làm.

T.V. T.

Nguồn: nld.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn