Tàu ngầm Việt Nam sẽ dùng như thế nào?

Đoàn Hưng Quốc

Tàu ngầm dễ bị phát hiện nhất lúc ra vào bãi đậu. Với hạm đội tàu tuần dương cùng các tàu đánh cá và thăm dò trá hình của Trung Quốc lảng vảng ngày càng nhiều sát ngay những cửa khẩu thì quân đội Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch gì để đối phó?

Giá tiền của mỗi chiếc tàu ngầm Kilo do Nga bán khoảng 200-250 triệu USD không phải là rẻ. Việt Nam đặt mua 6 chiếc Kilo, cộng thêm chi phí huấn luyện, xây căn cứ, xử dụng v.v... dễ dàng lên đến 2-3 tỷ USD. Với một ngân sách lớn như vậy dân chúng và Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm đặt câu hỏi liệu việc mua tầu ngầm có giá trị thực tiễn để bảo vệ lãnh hải chớ không phải chỉ nhằm phô trương theo bệnh thành tích; hoặc tệ hại hơn nữa qua bài học nhà nước quản lý yếu kém Vinashin và những tập đoàn quốc doanh khác, liệu có tạo ra cơ hội tham nhũng hối lộ trong quan chức chính quyền?

Giả sử hai tháng trước khi leo thang tranh chấp ở biển Đông, Bắc Kinh tăng cường số tàu tuần dương và tàu thăm dò tại các vùng biển ngay trước bến đậu của tàu Kilo? Giả sử Trung Quốc thả dàn phao nổi phát hiện tầu ngầm (sonobuoy) dọc theo bờ biển để theo dõi lâu dài sự vận chuyển của các tàu Kilo? Giả sử khi căng thẳng gia tăng, Hoa Lục thả mìn để phong tỏa các cửa khẩu của Việt Nam (như Mỹ đã làm vào năm 1972)? Trước các diễn biến này Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch như thế nào để hạm đội tàu ngầm không bị vô hiệu hóa?

Tàu ngầm Kilo chạy bằng máy điện và diesel nên rất khó bị phát hiện một khi thoát ra ngoài biển khơi, nhưng bù lại thời gian hoạt động chỉ giới hạn khoảng 45 ngày. Cho nên hai tháng trước khi căng thẳng leo thang đối phương theo dõi hoạt động của các tàu Kilo ra về căn cứ là việc xét ra hợp lý và hoàn toàn nằm trong khả năng của quân đội và tình báo Trung Quốc.

Một vấn đề khác là Nga sẽ huấn luyện cho Việt Nam phương cách xử dụng và bảo trì tàu Kilo. Nhưng để dùng tàu Kilo trong chiến tranh bắt buộc phải thêm vào các cuộc thực tập thường xuyên hàng năm: phối hợp tin tức tình báo để định vị hạm đội đối phương; len lỏi theo dõi mà không bị máy bay tàu chiến sonar phát hiện; trốn lánh sau khi tấn công. Kỹ thuật và mức độ phát triển của hải quân Trung Quốc tăng trưởng nhảy vọt nên không thể chỉ học một lần mà đủ.

Hiện có ít quốc gia ở Thái Bình Dương, trong đó có gồm Mỹ-Nhật-Úc, là đủ khả năng thực hiện các cuộc tập trận quy mô này, để rồi các nước nhỏ hơn như Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, v.v.. tham dự. Việt Nam lại theo lập trường không hợp tác quân sự với các nước khác thì hóa ra chỉ sau vài năm các tàu ngầm Kilo có trở thành vô dụng hay sao?

***

Chuyển sang một vấn đề khác nhưng có liên hệ là tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Tàu chiến này dù không thể là đối thủ của các hạm đội Mỹ-Nhật nhưng chỉ trong vài năm nữa sẽ có giá trị biểu dương sức mạnh và khả năng hù dọa ở vùng biển Đông Nam Á.

Giả sử căng thẳng leo thang, và Bắc Kinh cho tàu sân bay Liêu Ninh lảng vảng trong vùng biển quốc tế gần hai thủ đô kinh tế là Hà Nội và Sài Gòn. Lúc bình thường tình trạng giao thông đã kẹt cứng ở các thành phố này, thử hỏi lúc đồn đoán hỗn loạn rằng sẽ bị dội bom thì tưởng tượng đường xá sẽ tắc nghẽn đến mức độ nào? Cộng thêm nếu một vài chốt điện chính bị phá hoại khiến một trong ba miền Nam-Trung-Bắc bị cúp điện như đã từng xảy ra trước đây không lâu? Thêm vào đó hệ thống điện thoại lưu động do các công ty Hoa Lục cung cấp bất ngờ ngừng hoạt động?

Sách lược hù dọa bằng tàu chiến đã từng được áp dụng nên được gọi là nền ngoại giao chiến hạm (battleship diplomacy). Đây là vấn đề nghiêm trọng vì các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đều thuộc lòng kế sách “không đánh mà thắng”, vì không có súng nổ thì thế giới khó lòng can thiệp. Trước những thách thức đó liệu nhà cầm quyền Việt Nam đã chuẩn bị các chương trình phòng vệ dân sự (civil defense) phối hợp với dân chúng hay chưa? Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm hữu hiệu khi bị Mỹ dội bom trong chiến tranh, nhưng đó là hơn 40 năm trước, trong khi tình hình kinh tế xã hội đến nay đã thay đổi rất nhiều.

Các chương trình phòng vệ dân sự hoàn toàn không nhằm thách thức ai cả, nhưng nếu không chuẩn bị trước đến khi diễn biến xảy ra không kịp trở tay – bất chiến tự nhiên bại.

Đ.H.Q.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn