Trung Quốc giúp Hoa Kỳ chi trả chương trình y tế, tàu sân bay Mỹ như thế nào

Rick Newman, The Exchange, 1-16-2014

Trần Ngọc Cư dịch

Cái đáng chú ý nhất trong nội dung bài báo là quan hệ cộng sinh (symbiosis) giữa Trung Quốc và Mỹ, một quan hệ được tập đoàn Nixon-Kissinger khai sinh và được nuôi dưỡng qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Vì vậy, nó có tính nhất quán, và đôi khi chúng ta không nên lạc quan tếu, trông cậy hoàn toàn một chỗ dựa ở Chú Sam. Cũng vì cái quan hệ cộng sinh Mỹ-Trung đó, chúng ta đã mất Hoàng Sa và có khả năng mất thêm nhiều phần biển đảo khác – nhất là nếu Mỹ khoán trắng vùng biển phía Tây Trường Sa cho Trung Quốc và mật ước với Trung Quốc để giữ các hải lộ giữa Trường Sa và Philippines như một hải phận quốc tế.

Bauxite Việt Nam

Tài sản của Trung Quốc dưới dạng nợ liên bang Hoa Kỳ đã lên tới một đỉnh cao mới vào cuối năm 2013. Chúng ta nên biết ơn Trung Quốc.

Vào cuối tháng Mười Một (theo dữ liệu mới nhất có thể kiếm được), Trung Quốc đã nắm giữ 1.317.000.000.000 USD bằng trái phiếu Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Nếu những con số zero này làm cho đầu óc choáng váng, thì xin đọc là khoảng 1.320 tỉ USD, một con số vượt quá kỷ lục trước đây, từ năm 2011. Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ năm 2008, khi Trung Quốc qua mặt Nhật Bản, một nước bây giờ trở thành chủ nợ số 2.

Tài sản của Trung Quốc nằm trong nợ của Hoa Kỳ được nhiều người coi như một sơ hở trong an ninh quốc gia, nhưng điều này gần như là một chuyện huyền hoặc được nuôi dưỡng bởi những phần tử bài ngoại chuyên rao bán sự sợ hãi cho dân chúng. Một lý do là, số trái phiếu nằm trong tay Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7,6% tổng số nợ 17.200 tỉ USD của Hoa Kỳ. Khoảng 2/3 nợ quốc gia được nắm giữ trong nội địa Mỹ, với khoảng 45% số đó được nắm giữ bởi các quĩ ủy thác của chính phủ (government trust funds) và các cơ quan liên bang khác, trong khi phần lớn tiền thuế của người dân được dành riêng để chi tiêu vào An sinh Xã hội và các phúc lợi xã hội khác. Nói chung, danh mục các chủ nợ của Chú Sam là khá đa dạng.

Việc vay nợ từ tất cả các nguồn tiền, kể cả từ Trung Quốc, cũng giúp Washington chi trả thêm nhiều chương trình ngoài việc người dân Mỹ tài trợ bằng tiền thuế của mình. Cái mỉa mai chua chát của việc Trung Quốc cho Hoa Kỳ vay mượn là các món tiền nợ này giúp Mỹ sắm tàu sân bay, máy bay chiến đấu, tên lửa và các khí tài quân sự khác có tiềm năng đe dọa Trung Quốc nếu một cuộc đối đầu quân sự giữa hai quốc gia xảy ra.

“Một hũ tiền lớn”

Các ngân quĩ vay từ Trung Quốc cũng giúp Hoa Kỳ chi trả Bảo hiểm y tế của người nghỉ hưu (Medicare), xa lộ, các trợ cấp giáo dục, nhà tù, tem phiếu thực phẩm và hầu hết mọi thứ khác mà chính phủ liên bang có thể đổ tiền vào. Một số chương trình – đặc biệt là, An sinh Xã hội – có một nguồn tài trợ được dành riêng. Bảo hiểm y tế của người nghỉ hưu một phần được tài trợ theo lối này, nhưng tiền chi tiêu cho vài bộ phận của chương trình y tế dành cho người cao niên đang thịnh hành này cũng đến từ ngân quĩ tổng quát của Bộ Tài chính Mỹ. Phần lớn, tiền thuế và tiền vay mượn đều đổ vào trong cùng một vựa tiền tại Bộ Tài chính, bất luận số đôla từ các nguồn khác nhau đó sẽ được chi tiêu như thế nào. “Dù những chi trả của chính phủ phát xuất từ tiền vay mượn hay tiền thuế, tất cả đều nằm trong một hũ tiền lớn,” Deborah Lucas, một giáo sư môn tài chính tại Trường Quản lý Sloan thuộc Đại học MIT, nói như thế.

Tài sản của Trung Quốc nằm trong nợ quốc gia của Mỹ thật ra có thể là một mối lo lớn cho Trung Quốc hơn là cho Hoa Kỳ. “Khi người ta hỏi ‘Mỹ sẽ lâm nguy như thế nào nếu Trung Quốc rút hết tiền của mình về’, thì câu trả lời là, ‘Trung Quốc sẽ lâm nguy như thế nào khi Mỹ bị phá sản?’”, Richard Kogan tại Trung tâm Nghiên cứu các Ưu tiên Ngân sách và Chính sách nói như thế. “Trung Quốc đánh cuộc rất lớn vào khả năng thanh toán nợ nần của Hoa Kỳ. Họ muốn chúng ta trả cả vốn lẫn lời và tiếp tục mua hàng hóa họ làm ra.”

Trên thực tế, ít có bằng chứng hoặc không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc dùng việc nắm giữ nợ nước ngoài vì mục đích chính trị. Trung Quốc chủ yếu đầu tư các lượng tiền dự trữ của mình theo phương cách mà bất cứ quốc gia nào muốn tìm kiếm ổn định tài chính đều phải làm.

Phạm vi vay nợ rộng lớn bởi chính phủ Hoa Kỳ là một câu chuyện hoàn toàn khác và là một lo ngại chính đáng. Gần đây, Washington đã có tiến bộ ngập ngừng trong việc cải thiện vấn đề nợ nần của mình, với thâm thủng ngân sách hàng năm giảm từ 1.100 tỉ USD năm 2012 xuống 680 tỉ năm 2013. Con số thâm thủng cho năm nay sẽ giảm xuống khoảng 560 tỉ USD, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội [một cơ quan phi đảng phái], và có lẽ sẽ xuống thấp hơn nếu kinh tế tăng trưởng vượt mức dự kiến và thu nhập thuế tăng lên.

Tuy vậy, Hoa Kỳ vẫn chưa có kế hoạch đối phó với những thâm thủng ngân sách liên bang dự kiến sẽ bộc phát từ khoảng năm 2020 về sau, khi chi tiêu tăng vọt lên vì những thế hệ sinh sôi sau Thế chiến II đến tuổi nghỉ hưu. Với may mắn, Trung Quốc sẽ còn có nhiều tiền để đầu tư vào thời điểm đó – và còn ở trong một tâm thái sẵn sàng cho Hoa Kỳ vay nợ.

R. N.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Nguồn: finance.yahoo.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn