Những lá thư từ nhà tù và các tiểu luận khác của Adam Michnik (*) – Lời giới thiệu

Nguyễn Quang A

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ hai mươi sáu* của tủ sách SOS2, cuốn Những lá thư từ nhà tù và các tiểu luận khác của Adam Michnik, một nhân vật quen biết trong cuốn thứ 24 và 25. Tuy vậy đây là một cuốn sách độc lập, có thể đọc mà không nhất thiết phải đọc hai cuốn kia (nhưng tôi khuyên bạn đọc nên đọc cả hai cuốn đó nữa sau khi đã đọc cuốn này).

Adam Michnik sinh ngày 17-10-1946 và là Tổng biên tập của nhật báo lớn nhất Ba Lan, tờ Gazeta Wyborcza, tờ báo hợp pháp tư nhân đầu tiên của phong trào Công đoàn Đoàn kết, cho đến mùa thu 2004. Ông là một nhân vật quan trọng, nhà tư tưởng chính của phong trào này. Hai bài, Lời nói đầu của nhà thơ Czeslaw Milosz và Dẫn nhập của Jonathan Schell giới thiệu kỹ về Michnik và nội dung cuốn sách nên ở đây tôi chỉ muốn lưu ý bạn đọc Việt Nam đến những bài học mà chúng ta có thể học được từ những bài viết của ông cho Việt Nam.

Ba Lan và Việt Nam có nhiều khác biệt nhưng cũng có không ít nét tương đồng. Và nếu bạn đọc muốn rút ra những bài học cho mình, cho tổ chức của mình hay cho Việt Nam nói chung, thì phải luôn để ý đến những sự khác biệt chính cũng như những sự tương đồng quan trọng đó.

Những sự khác biệt chắc không cần phải nhắc đến về văn hóa, địa lý, chủng tộc, lịch sử, thậm chí cả trong sự tương đồng.

Tuy vậy, ở đây chỉ muốn nêu ra vài điểm tương đồng chính. (1) Ba Lan đã bị kẹp giữa 2 cường quốc luôn có tham vọng bành trướng trong lịch sử là nước Nga từ phía Đông và nước Đức từ phía Tây. Quan hệ của Ba Lan với Nga cũng có những nét hao hao như giữa Việt Nam và Trung Quốc (nhưng có một sự khác biệt quan trọng là nhiều sư đoàn quân Liên Xô đã có mặt tại Ba Lan suốt từ 1945 đến hết các năm 1980). (2) Ba Lan và Việt Nam đã chịu nhiều đau khổ của ách ngoại xâm. (3) Và có lẽ quan trọng nhất, hai nước đã đều từng là thành viên của phe xã hội chủ nghĩa. Những sự tương đồng lớn ấy buộc người ta liên tưởng đến tình hình Việt Nam hiện nay hay trong những năm vừa qua khi đọc bất kỳ tiểu luận nào của cuốn sách và sự liên tưởng như vậy là tốt, nó giúp ta rút ra những bài học. Nhưng phải cẩn trọng với những liên tưởng như vậy nếu muốn có những bài học hữu ích vì ngay trong sự tương đồng cũng chứa những dị biệt không nhỏ.

Khi đọc những bài viết của Michnik nếu chúng ta lưu ý đến những sự khác biệt và tương đồng giữa Ba Lan và Việt Nam chúng ta có thể học được rất nhiều bài học hữu ích trong quá trình chuyển đổi chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ thực sự. Đó là những bài học về chiến lược bất bạo động; là sự nhìn nhận một cách khách quan, không thiên vị và khoan dung về lịch sử, về đóng góp (tích cực và tiêu cực nhìn từ quan điểm hiện nay) của các nhân vật khác nhau, các phe phái khác nhau thậm chí thù địch nhau trong lịch sử; là bài học về những kinh nghiệm đấu tranh dân chủ; về chủ nghĩa tiến hóa mới, về đối lập dân chủ; về phương pháp phân tích độc đáo; và vân vân. Đó là những bài học có tính phổ quát, nhưng muốn rút ra những bài học cụ thể hơn thì cần rất cẩn trọng.

Hy vọng cuốn sách được cả những người cộng sản, những người chống cộng, các nhà hoạt động dân sự theo những mục tiêu khác nhau, những người đương quyền và những người phấn đấu cho dân chủ, những người trong nước và ở nước ngoài đọc và suy ngẫm để hiểu nhau hơn và tìm ra cách đối thoại để phát triển đất nước.

Các chú thích đánh dấu sao (*) nếu không ghi rõ thêm của ai, thì là chú thích của người dịch và các chú thích khác là của bản tiếng Anh. Tuy đã cố gắng hết sức nhưng chắc chắn bản dịch còn nhiều thiếu sót mong được bạn đọc chỉ bảo và góp ý.

Bắc Ninh, 2-4-2014

N. Q. A.

Tác giả gửi BVN.

(*) Xem toàn văn cuốn sách ở đây.

* Các quyển trước gồm:

1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)

2. J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002

3. J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002

4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính

5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí ẩn của Vốn]

6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?

7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô

8. G. Soros: Xã hội Mở

9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử

10. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato

11. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx

12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học

13. Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006

14. Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn

15. Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008

16. Kornai János: Lịch sử và những bài học, NXB Tri thức, 2007

17. Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận

18. Murray Rothabrd: Luân lý của tự do

19. Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng, sắp xuất bản

20. Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống, sắp xuất bản

21. Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.

22. Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012

23. Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)

24. Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013

25. Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn