Một bước tiến, hai bước lùi hay lộ trình dân chủ?

Phạm Hải Hồ

image Trước việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Du 981 giữa vùng biển quê hương, người Việt trong cũng như ngoài nước, thuộc hệ thống chính trị hay bất đồng chính kiến đều hết sức bất bình và có những hành động phản kháng mạnh mẽ.Ở nhiều nước trên thế giới và một số tỉnh thành nước ta − hiển nhiên với sự đồng ý của chính quyền, điều có thể được xem là một bước tiến trong quá trình dân chủ hóa − đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình, mít tinh của đồng bào chống bọn bành trướng Trung Quốc. Đây là cơ hội ngàn vàng để khởi sự quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc mà từ năm 1975 đến nay chỉ là một niềm mơ ước.

Tuy những gì xảy ra ở Hà Tĩnh và Bình Dương thật đáng tiếc và đáng lên án nhưng nhìn chung, các cuộc biểu tình ở những nơi khác như Thái Bình, Vũng Tàu, Quảng Nam v.v…, dù được tổ chức hay tự phát, đều diễn ra rất ôn hòa và có trật tự. Sau đó, những kẻ kích động bạo lực, cướp phá doanh nghiệp nước ngoài đều đã bị bắt giam; tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm; chính quyền các địa phương đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.[1]

Còn về phía công dân, các tổ chức xã hội dân sự, nhân sĩ trí thức đều lên án những hành động bạo lực, cướp phá và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những hành động ấy để phòng tránh trong tương lai. Vì vậy, thật bất ngờ khi cả bộ máy chính quyền “vào cuộc”, tuyên truyền vận động nhân dân không “biểu tình trái pháp luật” nhưng trên thực tế đã ngăn trở, cấm đoán, thậm chí bắt bớ công dân tham gia biểu tình trong ngày chúa nhật vừa rồi. Dù vì lý do nào đi nữa,[2] chắc hẳn bước thụt lùi ấy sẽ gây hậu quả tai hại cho tiến trình dân chủ, cho tình đoàn kết dân tộc và như thế là làm suy giảm khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Ở thế kỷ 21 này, không có ai xả thân vì độc lập tự do để duy trì một chế độ độc đoán, không có ai hy sinh tất cả cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước khi bao nhiêu lợi quyền nằm trong tay một thiểu số nhỏ. Trong khi đó, công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền vô cùng khó khăn chỉ có thể thành công với sức mạnh đoàn kết của toàn dân; mọi liên minh kể cả với quốc gia mạnh nhất cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Bắc Kinh dám bằng mọi cách khẳng định chủ quyền ở Biển Đông bất chấp dư luận thế giới và ngay cả chính sách “xoay trục sang châu Á” của Hoa Kỳ vì chúng biết rất rõ những mối chia rẽ trong nội bộ Việt Nam.

Thay vì một bước tiến, hai bước lùi trong việc thực thi quyền biểu tình, chúng tôi muốn được thấy một lộ trình dân chủ thực sự, với những bước tạo niềm tin ban đầu là bảo đảm cho nhân dân được biểu tình ôn hòa, trật tự và trả tự do cho những người bị án tù, án treo vì đã hành động chống bành trướng Trung Quốc.[3]

P. H. H.

Tác giả gửi BVN

[1] Tuổi Trẻ 17/05/2014.

[2] Phải chăng chính quyền khiếp sợ trước sức ép và hành động trả thù của bọn bành trướng Trung Quốc? Hay không tin mình có khả năng bảo đảm an ninh, trật tự khi xảy ra biểu tình? Hay không muốn người dân thực thi quyền dân chủ vì sợ ảnh hưởng đến chế độ? Câu trả lời có thể là tổng hợp của nhiều lý do đó.

[3] Có thể học hỏi điều này ở nước bạn Myanmar (xem: Tú Anh, Miến Điện dân chủ hóa để thoát gọng kềm Trung Quốc, Bauxite VN 05/10/2012; Phạm Hải Hồ, Myanmar − Quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc, Bauxite VN 05/06/2013.)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn