Tàu Trung Quốc đến Việt Nam để đón công nhân về nước

By Chris Brummitt, AP

Trần Ngọc Cư dịch

Theo lời khai của đa số công nhân và một số chứng nhân ở hiện trường, gần như không có sự can thiệp của các lực lượng công an để bắt giữ hay chặn đứng hành vi đốt phá và hôi của do các nhóm côn đồ có vẻ có tổ chức gây ra. (Mời đọc “Đi giữa dòng bạo động”) Trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc vận dụng hậu quả của vụ bạo loạn gây đổ máu nói trên để o ép và bôi bẩn Việt Nam, nhiều con dân có tâm huyết với tiền đồ Tổ quốc không thể không đặt câu hỏi, phải chăng những cuộc biểu tình bạo động nói trên đã được bọn Hán ngụy âm mưu tổ chức để cống hiến cho Tập Cận Bình một cái cớ để đi theo dấu chân xâm lược của Đặng Tiểu Bình trước đây. Chỉ sẽ có một điều khác biệt: trong Chiến tranh Biên giới Việt - Trung 1979, đằng sau Việt Nam còn có Liên Xô; nếu lịch sử vô phúc lặp lại, ai là đồng minh của chúng ta? Quân Nguyên chăng?

Bauxite Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (AP) – Hai tàu chở khách Trung Quốc đã đến một hải cảng Việt Nam vào hôm thứ Hai để di tản công nhân Trung Quốc ra khỏi Việt Nam tiếp theo sau vụ bạo loạn gây đổ máu tuần qua, các quan chức cho biết, một cuộc điều động mang kịch tính từ Bắc Kinh đã gia tăng sức ép lên Hà Nội trong khi hai nước đang hích nhau trên một lãnh hải tranh chấp trong biển Nam Trung Hoa [biển Đông Việt Nam].

Các tàu này với trọng tải có thể chở 1.000 người đã đến cảng Vũng Áng vào sáng sớm thứ Hai nhưng không vội cập bến, ông Thai Tran Linh, một viên chức chính phủ tại Hà Tĩnh cho biết. Ông nói các viên chức Việt Nam còn xem xét giấy tờ của các tàu này, vốn đã rời Đảo Hải Nam vào hôm Chủ nhật.

Cảng Vũng Áng thuộc về một khu phức hợp nhà máy thép đồ sộ của Đài Loan đang được xây cất cách Hà Nội 350 cây số về phía Nam, đã bị một đám đông bạo loạn chống Trung Quốc tràn ngập tuần trước. Hai công nhân Trung Quốc bị giết chết và 140 người khác bị thương trong cuộc tấn công, một phần của cơ sở còn bị đốt cháy. Ông Linh cho biết khoảng 3.000 công nhân Trung Quốc được mướn để xây dựng khu phức hợp này.

Bạo động và biểu tình đã chấm dứt kể từ thứ Năm tuần trước, và người Trung Quốc đã có thể rời Việt Nam bằng phương tiện riêng mà không gặp một trở ngại nào sau đó.

Bất ổn trên diện rộng cả nước, một tình thế tồi tệ nhất đã ập đến cho Việt Nam sau nhiều năm, đã diễn ra sau khi Bắc Kinh cho triển khai một giàn khoan lớn trong một vùng nước thuộc biển Nam Trung Hoa cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hai quốc gia đã gửi tàu đến lãnh hải này và đang lâm vào một cuộc giằng co căng thẳng, gây lo lắng về một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra.

Mặc dù ghi nhận rằng các nước có bổn phận phải giúp đỡ kiều dân của mình, Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành phố [City University] ở Hồng Kông, đã nói rằng việc Bắc Kinh gửi tàu đến di tản công nhân “đã loan truyền cho thế giới một cảm thức là Trung Quốc là một nạn nhân, tạo một hình ảnh về một Việt Nam bất ổn (và) gửi những tín hiệu chẳng lành và những lời đe dọa khéo che đậy về một hành động trừng phạt.”

“Người ta có thể nhận ra động thái này như một dấu hiệu cho thấy (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) muốn đào sâu chứ không muốn làm giảm bớt cái cảm thức về một cuộc khủng hoảng hiện đang tràn ngập. Cảm thức này, nếu có thực, sẽ không phải là điềm lành cho những ai đang hi vọng về một sự xuống thang và về các giải pháp sáng tạo mới mẻ để giải quyết xung đột,” Jonathan London viết trong một email.

Khoảng 400 nhà máy khác khắp nước đã bị hư hại hay hủy diệt trong cuộc bạo loạn do đám đông, phần lớn nằm trong những khu chế xuất gần phía Nam của Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều phân xưởng không do người Trung Quốc quản lý, mà do người Đài Loan hay kiều dân của các quốc gia châu Á khác điều hành, rõ ràng là bị đánh lầm hay do các băng đảng có ý đồ hôi của.

Chính phủ Việt Nam, lấy làm giận dữ về việc Trung Quốc đặt giàn khoan, thoạt đầu đã cho phép các cuộc biểu tình trên đường phố, một điều hiếm thấy trong một nước độc tài. Nhưng kể từ khi các cuộc bạo loạn diễn ra, chính phủ này đã ra tay đàn áp biểu tình, vì thấy rõ rằng tình trạng bạo động nói trên đã đe dọa uy tín của đất nước như là một nơi đầu tư an toàn có công nhân rẻ để các doanh nghiệp nước ngoài đến lập cơ sở sản xuất.

Dịch giả gửi BVN

Nguồn: AP

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn