Các nhà dân chủ đứng giữa đêm pháo hoa và chiếc bình đầy chuột

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-10-20

clip_image001

Các bạn trẻ biểu tình ủng hộ dân chủ tập trung cho một lớp học ngoài trời ở quận Causeway Bay ở Hong Kong vào ngày 01 Tháng Mười, năm 2014. AFP

Tuần trước chúng tôi đã đặt tựa đề cho bài điểm blog là Dư âm Hồng Kong, những tưởng câu chuyện Hong kong đã kết thúc. Không! Nó chưa kết thúc, chưa kết thúc trên đường phố Hồng Kong và cũng chưa kết thúc trong lòng các blogger Việt nam.

Ba tuần lễ sống cùng không khí Hồng Kong, cảm xúc mạnh mẽ ban đầu đang nhường bước cho những suy nghiệm trầm lắng hơn, những suy nghiệm về dân chủ, về tuổi trẻ và về Việt nam.

Trông người mà nghĩ đến ta

Không biết có phải để ứng theo câu nói xưa rằng Thiên bất dung gian hay không mà ngay lúc tuổi trẻ Hồng Kong tưng bừng lo toan việc nước thì Hà nội bắn pháo hoa, và tuổi trẻ Hà nội tưng bừng nô nức vui chơi trong đêm pháo hoa mà nhiều người nói rằng hàng tỉ đồng đã ra đi trong thuốc pháo.

Trong bài Mối quan tâm của thế hệ, blogger Viết từ Sài gòn viết rằng:

Không thể nói gì hơn là xấu hổ, quá sức xấu hổ khi phần đông tuổi trẻ Việt Nam chẳng biết gì về sự tiến bộ của thế giới cũng như họ chưa bao giờ hiểu được thế nào là giá trị của sự tiến bộ và giá trị của một thế hệ tôn trọng dân chủ, một thế hệ có dân chủ. Những thứ họ quan tâm là miếng ăn, bữa nhậu, thú vui nó mắt và khám phá giới tính, tìm những ảo giác…

Không thể nói gì hơn là xấu hổ, quá sức xấu hổ khi phần đông tuổi trẻ Việt Nam chẳng biết gì về sự tiến bộ của thế giới cũng như họ chưa bao giờ hiểu được thế nào là giá trị của sự tiến bộ và giá trị của một thế hệ tôn trọng dân chủ, một thế hệ có dân chủ

blogger Viết từ Sài gòn

Trong không khí ồn ào náo nhiệt đó, blogger Nguyễn Lân Thắng, một tay săn ảnh đã không thể “chung vui” cùng hàng trăm ngàn bạn trẻ Hà nội, anh trích lời Karl Marx, ông tổ tinh thần của những người cầm quyền tại Hà Nội và Bắc Kinh

Chỉ có loài cầm thú mới quay lưng lại với nỗi khốn cùng của đồng loại để chỉ biết lo chăm sóc cho bộ lông của chúng.

Và rồi sau màn pháo hoa nhộn nhịp, anh ra khỏi nhà để tìm được những bức ảnh đường phố Hà Nội đầy rác, và những bóng đèn điện thể hiện hình ảnh các con chim bồ câu hòa bình lao vào cây liềm và chiếc búa của đảng cộng sản. Anh viết tiếp:

Bạn có quyền gào lên sung sướng vì pháo hoa, nhưng cho phép tôi giữ lại trong lòng nỗi buồn mênh mang về một đất nước vô cảm.

Nhưng blogger Song Chi lại có cái nhìn vị tha hơn về sự hồn nhiên đến vô trách nhiệm của những người trẻ tuổi khi bà viết rằng:

…Nên đừng trách tuổi trẻ Việt Nam không được như tuổi trẻ Hong Kong, người lớn Việt Nam thì sao? Trong khi người lớn ở Hong Kong ủng hộ, hỗ trợ hoặc cùng xuống đường, cùng ăn cùng ngủ cùng hứng lựu đạn cay với con em họ thì nhiều người lớn ở Hà Nội và các vùng lân cận cũng đổ xuống đường nhưng là để xem pháo hoa. Hay người lớn ở Sài Gòn thì chỉ biết ngậm ngùi than thở cho sự “biến mất” của thương xá Tax, một công trình kiến trúc có tuổi đời hơn 130 năm, những hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm mà không dám xuống đường phản đối, đừng nói gì đến xuống đường đòi tự do dân chủ…

clip_image002

Một số đông bạn trẻ Việt nam hò reo mừng tại các buổi bắn pháo bông tại Hà Nội tốn hàng tỷ đồng

Còn blogger Viết từ Sài gòn thì cho rằng sự hững hờ, hồn nhiên vô trách nhiệm ấy là một sự tha hóa của cả một thế hệ

Và cái đích đến của họ là sự vong thân một cách toàn diện.

Người lớn ở Sài Gòn thì chỉ biết ngậm ngùi than thở cho sự “biến mất” của thương xá Tax, một công trình kiến trúc có tuổi đời hơn 130 năm, những hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm mà không dám xuống đường phản đối

blogger Song Chi

Đó là điều đáng buồn, đáng xấu hổ, thậm chí đáng nhục của quốc gia, dân tộc. Nhưng đó lại là thắng lợi lớn của kẻ cầm quyền độc tài. Vì đối với nhà nước độc tài, không có gì đáng quí và đáng có hơn hàng nhiều thế hệ, thậm chí cả một dân tộc trở nên ngu ngốc, coi trọng miếng ăn và hưởng thụ nhưng không quan tâm gì đến vận mệnh đất nước cũng như tương lai con em, tương lai đất nước sẽ về đâu.

Song Chi cố gắng tìm kiếm nguyên nhân của sự tha hóa và vong thân ấy, và bà kết luận rằng Đất độc thì cây khó mà sinh quả ngọt.

Mảnh đất độc địa nào ghê gớm như vậy?

Mảnh đất độc địa của giáo điều và chiếc bình vôi nên vất đi

Blogger Cánh Cò viết về người cộng sản, những người có trách nhiệm lớn nhất trong việc tạo dựng môi trường xã hội của Việt nam hôm nay

Việc coi thường mọi giá trị nhân văn của người cộng sản đã để lại vết cháy xém trên cơ chế không thể nào tẩy rửa

Nhà văn Phạm Đình Trọng nói với chúng tôi về cái cách nhìn của người cộng sản về con người, trong lúc ông gần như bị giam lõng dù không có một bản án dân sự hay hình sự nào:

“Ở chế độ này người ta không nhìn nhận chúng tôi là con người nữa, mà như bầy súc vật, họ muốn làm thế nào thì làm. Đã là con người thì phải có những quyền tối thiểu là tự do đi lại, ăn uống, hít thở.”

Cánh Cò Viết tiếp về những phát ngôn của các nhà lãnh đạo cộng sản trong thời gian gần đây rằng: Nói không cần ai nghe và do đó trách nhiệm của lời nói là một khái niệm hết sức cộng sản.

Một trong những lời nói đó là câu phát biểu của một quan chức cao cấp rằng bùn đỏ trên Tây Nguyên đang tràn ra từ các hồ chứa chất thải do khai thác quặng bauxite là không độc hại và nó chỉ là bùn có màu đỏ. Nhà khoa học Tô Văn Trường đã ngao ngán đặt câu hỏi là những quan chức ấy nói lấy được hay nói chỉ để nói!

Nhưng câu nói nổi tiếng nhất chắc có lẽ là của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam về công việc chống tham nhũng hiện nay. Ông nói rằng chống tham nhũng như ném chuột và không nên làm vỡ chiếc bình quý.

Câu nói nổi tiếng này không ngờ là đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong suốt hai tuần lễ liền.

Blogger Kami thì đoán rằng ông Trọng nói thế như là một thông điệp gửi đến các đối thủ chính trị nguy hiểm của ông là ông đã đầu hàng.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì thẳn thắng nói rằng chiếc bình đó chính là đảng cộng sản.

Cây bút Thế Thanh cũng đề cập tới chiếc bình cộng sản ấy trong một bài phê bình tác phẩm Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh trên trang của nhà văn Phạm Thị Hoài. Thế Thanh viết rằng sở dĩ Trần Đĩnh còn chưa bị nhà cầm quyền cộng sản đụng tới vì thực ra ông vẫn chưa động tới cái bình của họ, cái bình mà nhà hoạt động dân sự Nguyễn Quang A nói rằng nó chỉ là chiếc bình vôi cần vứt đi.

Còn nhà kinh tế Alan Phan thì dí dỏm hơn, ông viết rằng chuyện những người điên quản lý trại giam như người Mỹ vẫn hay trào lộng không nguy hiểm bằng để những con chuột quản lý kho gạo!

Câu chuyện dân chủ Việt nam

Tổng kết hơn nửa thế kỷ cai trị của người cộng sản ở Việt nam, blogger Nguyễn Hưng Quốc viết:

Những người cộng sản, trước khi giành được chính quyền, chỉ hướng tới tương lai và dùng cái tương lai xa xôi và không tưởng ấy để chiêu dụ dân chúng và tập hợp lực lượng; sau khi giành được chính quyền, họ chỉ quay về với quá khứ, dùng cái quá khứ tranh đấu và chiến thắng ấy để biện chính cho quyền lực mình đang nắm giữ và muốn tiếp tục nắm giữ mãi mãi. Hình như không bao giờ họ sống và nhìn vào hiện tại để thấy tất cả những tai ương và khốn khổ do họ tạo ra cho người khác và cho cả dân tộc.

Giải thích điều này Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nói ngắn gọn:

Lý thuyết của họ là dựa trên vô sản, nhưng do độc quyền nên khi họ có quyền rồi thì họ thành tư sản.

Và những nhà tư bản đỏ hiện cai trị Việt nam không còn dễ dàng nữa, vì như blogger Cánh cò viết:

Thông tin đã thành bão, giấc mơ bịt miệng nhân dân của lãnh đạo đã tan vỡ, những mảnh vỡ ấy đâm thấu tim gan xã hội và làm cho tiếng ta thán của cộng đồng ngày một lớn hơn.

Họ (người cộng sản) chỉ quay về với quá khứ, dùng cái quá khứ tranh đấu và chiến thắng ấy để biện chính cho quyền lực mình đang nắm giữ và muốn tiếp tục nắm giữ mãi mãi. Hình như không bao giờ họ sống và nhìn vào hiện tại để thấy tất cả những tai ương và khốn khổ do họ tạo ra cho người khác và cho cả dân tộc

blogger Nguyễn Hưng Quốc

Ngoài những lời ta thán thì cũng đã có những con người can đảm hơn, can đảm nói lên sự thật, như facebooker Đặng Bích Phượng viết rằng viết lên sự thật mà đi tù thì cũng viết.

Nhưng liệu sự dũng cảm ấy đã đủ để làm nên một cuộc thay đổi cho xã hội Việt nam tốt đẹp hơn?

Với một cái nhìn nhiều lý trí hơn tình cảm blogger Kami nhận xét về phong trào dân chủ ở Việt nam trong bài Bài học nào cho phong trào Dân chủ VN từ biểu tình ở Hong Kong?

Trong bài này Kami đề cập đến chuyện gần đây Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, người chống lại sự can thiệp của đảng cộng sản vào công việc độc lập của luật sư đoàn. Trong tuần lễ vừa qua luật sư Trừng bị cơ quan an ninh Việt nam thẩm vấn. Kami viết rằng:

Một câu hỏi được đặt ra là: Các tổ chức XHDS ở Việt nam đã đứng ở đâu trong lúc xảy ra câu chuyện ở Đoàn Luật sư TP. HCM và tại sao họ không có bất cứ hành động gì để bày tỏ sự ủng hộ trong cuộc đấu tranh đơn độc của LS. Nguyễn Đăng Trừng?

Sự thất bại của các hoạt động chính trị đông người của các tổ chức XHDS ở Việt nam trong những ngày gần đây nhất, như: Biểu tình phản đối bắn pháo  hoa hay Trao Kiến nghị Yêu cầu Quốc hội Bạch hóa vấn đề Hội nghị Thành Đô, đã cho thấy các hoạt động này chủ yếu mang tính hình thức, a dua nhằm gây tiếng vang và thiếu sáng tạo.

Câu hỏi Bài học nào của Kami dường như trở nên khó trả lời hơn khi nhìn những bức ảnh của blogger Nguyễn Lân Thắng mô tả một đám đông trẻ trung hớn hở bên lề một con phố Hà nội đầy rác sau đêm pháo hoa!

K.H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/democra-betwe-fir-wk-10202014081422.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn