Nhân Quốc hội bàn về cải cách chương trình giáo dục:

Quốc hội cần giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cải cách chương trình dạy học cho thời tương lai

Vũ Cao Đàm

Một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội lần này là cải cách chương trình giáo dục ở nước ta.

Thật ra cải cách chương trình giáo dục chỉ là cái ngọn. Đáng ra phải bàn từ cái gốc là toàn bộ công cuộc cải cách giáo dục, mà thế giới này đang gọi là cuộc cách mạng giáo dục.

Nhưng Quốc hội quyết định bàn về cải cách chương trình vẫn còn tốt hơn cái việc chỉ bàn rút từ 34 ngàn tỷ xuống còn 700 tỷ và bàn chuyện phân công ai viết sách, “quốc doanh” hay “ngoài quốc doanh”.

Nhận thức tình hình nghiêm trọng về sự lạc hậu của các chương trình giáo dục không chỉ của Việt Nam, mà của cả thế giới, mà Alvin Toffler gọi là “Sự bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ”, bài viết sau đây của nhà giáo Vũ Cao Đàm bàn về tính bức thiết phải cải cách chương trình, phải sớm loại trừ khỏi chương trình những môn học đã lạc hậu hàng trăm năm và tiến tới một nền giáo dục đào tạo những con người của tương lai.

Bauxite Việt Nam

Chương 18 bàn về Cách mạng Giáo dục trong cuốn sách Future Shock của Alvin Toffler, nhà nghiên cứu tương lai học người Mỹ đưa ra một nhận định làm tất cả chúng ta vô cùng sửng sốt: “Chương trình giáo dục hiện thời là sự bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ, nguyên văn tiếng Anh ông viết là “The present curriculum is a mindless holdover from the past” [1].

Là một nhà giáo đã đứng trên bục giảng trên nửa thế kỷ, bằng những điều chính mình chứng kiến trên đất nước chúng ta, tôi phải thốt lên, rằng, Toffler đã đưa ra một nhận định làm tôi hết sức kinh ngạc vì sự xác đáng của nó.

Chúng ta đã và đang chứng kiến: Nhân loại đang đĩnh đạc tiến ngày càng sâu vào thế kỷ XXI, nhưng chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam vẫn giậm chân trên những dấu ấn của thời quá khứ, cái quá khứ còn xa hơn cái quá khứ mà Toffler đã phê phán khi bàn về chương trình giáo dục của thế giới đương đại.

Chúng ta thử quan sát chương trình luyện thi đại học về toán. Tất cả, tôi dám mạnh dạn nói là tất cả một trăm phần trăm những bài toán mà các thầy cô đang luyện cho các thí sinh ở các lò luyện thi đại học hiện nay đều lấy từ hai cuốn sách mà thế hệ chúng tôi đã nghiền theo kiểu thời chúng tôi gọi là “gạo cụ” đến thuộc lòng, đến nhàu nát, và còn sử dụng nó để kèm cặp ôn thi cho các thế hệ đàn em: Đó là cuốn Cours de Géométrie par une Réunion de Professeurs (Giáo trình hình học của một nhóm Giáo sư) với những bài thi từ đầu thế kỷ XX ở những thành phố nổi tiếng của Pháp, như Lyon, Marseille, Montpellier,... và cuốn Algèbre (Đại số học) của Brachet (Brachet có thời là Giáo sư toán ở Đại học Đông Dương).

Trong tủ sách của tôi, những cuốn sách này ghi rõ năm xuất bản từ đầu thế kỷ XX (Trên mạng tôi chỉ thấy cuốn sách Hình học của Réunion de Professeurs xuất bản năm 1954). Trời ơi, chúng ta đang đào tạo những con người của tương lai với những chương trình của hàng trăm năm trước.

Các môn học khác cũng không đứng ngoài số phận của môn toán. Môn học nào cũng đi theo lối mòn đó. Chẳng hạn, tôi xin đơn cử một ví dụ nữa, đáng ra triết học phải dạy cho người học những tri thức rất căn bản giúp phát triển vũ trụ quan sáng láng cho người học, thì chúng ta lại đang loay hoay dạy cho người học những mớ kiến thức triết học nói là “đỉnh cao trí tuệ” của giữa thế kỷ XIX, mang chính trị hóa nó, và coi những tri thức triết học của thế kỷ XX và XXI không phải là thứ triết học “của ta”. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ về sự lạc hậu của triết học: Triết học ngày nay vẫn dạy cho người học hai phạm trù cơ bản của triết học, là “vật chất” và “ý thức”? Từ cuối thế kỷ XX, chính xác là vào năm 1972, khi xuất hiện cuốn sách nổi tiếng Theory of Information (Lý thuyết thông tin) của Shannon, trên thế giới xuất hiện một phạm trù rất mới, đó là “thông tin”. Vậy thông tin là vật chất hay ý thức. Các nhà triết học giải thích bừa rằng, “thông tin” là vật chất? Nhầm to, thông tin không phải vật chất, bởi vì xét về mặt vật lý, thì vật chất có những trạng thái quen biết như rắn, lỏng, khí, trường, plasma... thì thông tin chẳng thuộc trạng thái nào. Vậy quy thông tin là ý thức? Cũng sai nốt, vì một (01) thông tin dẫn đến năm bảy ý thức hoàn toàn khác biệt nhau. Lấy một chuyện vui làm ví dụ, một nhóm người nghe một (01) “thông tin” có bán hê-rô-in rất rẻ ở ngoài phố, xuất hiện luôn một loạt ý thức: anh nghiện xuất hiện “ý thức” ra mua mươi “tép” để dành hút hít dần; người buôn xuất hiện “ý thức” mua luôn vài ba lố để bán kiếm lời; anh nhân viên an ninh phòng chống tệ nạn xã hội nảy ngay “ý thức” ra đó tóm cả lũ và hủy cả đống hê-rô-in... Chưa hết, lại còn “ý thức” nghiên cứu của mấy ông bà khoa học gia nữa chứ! Họ bày trò nghiên cứu đủ thứ, nào là xã hội học, kinh tế học, tội phạm học, tâm lý học, luật học, quản lý học... và đủ thứ... học khác liên quan tệ nạn xã hội này.

Trong những cuộc cãi vã trên thế giới về việc quy thông tin vào phạm trù “vật chất” hay “ý thức” thì các nhà nghiên cứu thông tin dõng dạc tuyên bố đầy hóm hỉnh: “Thưa các quý vị triết gia, thông tin không hề là vật chất ạ, mà thông tin cũng không phải là ý thức đâu ạ. Xin thưa rằng thông tin là... thông tin đấy ạ”. Chính một số nhà triết học đã đề xuất, là phải điền thêm vào bức tranh triết học một phạm trù thông tin, và hãy nói đến ba phạm trù của triết học này... Tôi xin cảnh báo: Các vị coi chừng kẻo bị đánh hội đồng đấy, nhất là ở Việt Nam. Các “nhà” triết học Việt Nam nhiều chữ lắm. Rất rất đông người trong họ vừa đa thư lại vừa ngoa ngôn. Các vị ấy diễn giải: “Vật chất” và “Ý thức” đẻ ra chủ nghĩa “Duy vật” và chủ nghĩa “Duy tâm”; nếu thêm “Thông tin” nữa, thì đẻ ra cái bọn chủ nghĩa... duy gì đây? Chẳng lẽ lại là... cái bọn chủ nghĩa “Duy tin” à??? Những nhà Marxist-Leninist “Duy vật” của ta có một cái “thế lực thù địch” là bọn “Duy tâm” đã phức tạp lắm rồi, nay lại thêm cái bọn “Duy tin” nữa thì có mà chết à!

Rồi các nhà thông tin học lại phải xúm vào cãi vã với các nhà vật lý học: Thưa các quý vị vật lý học, thông tin không phải là “chất” ạ, và thông tin cũng chẳng phải là “trường” đâu ạ. Thông tin là thông tin đấy ạ. Cái thông điệp này làm các nhà vật lý học điên đầu: Vậy nghiên cứu vật lý học về thông tin là nghiên cứu cái... giống gì đây? Chẳng lẽ thông tin không tìm được chỗ đứng nào trong đối tượng nghiên cứu của vật lý học à?

Trời ơi. Trình độ dân trí nỗi gì, mà mới chỉ có cái giống tưởng như vô thưởng vô phạt, là cái giống thông tin mà đã đẻ ra bao nhiêu thứ chuyện trên đời.

Lại xin quay về với triết học. Tôi đã nghe mấy nhà triết học phán rằng, cứ chiếu theo định nghĩa về vật chất của Lênin, thì thông tin chính thị là vật chất đấy. Ô hay nhỉ. Ông Lênin đâu phải là triết gia? Tôi đã tìm đủ các thứ Wiki..., không thấy ở đâu viết rằng Lênin là triết gia, mà chỉ thấy viết ông là nhà cách mạng vô sản thôi mà. Nhưng học thuyết cách mạng của ông thì... không phải tạm thời đi vào thoái trào, mà ngày càng thực sự phá sản trên quy mô toàn thế giới, kẻ đối thủ mà ông phê phán kịch liệt là Đệ Nhị Quốc tế thì ngày càng thắng thế so với Đệ Tam của ông đã được Stalin cho chết ngỏm từ thập niên bốn mươi. Nó thắng thế đến mức, các nhà lãnh đạo Việt Nam vốn sùng tín ông Đệ Tam Lênin vẫn lẳng lặng từ bỏ ông để đi theo Đệ Nhị: Kết bạn “chiến lược” với những quốc gia mà Đệ Nhị đang cầm quyền, nài xin viện trợ ODA từ các quốc gia Đệ Nhị và ... các đàn em của Đệ Nhị đang đóng vai trò chi phối, phát triển một nền kinh tế không còn độc tôn nhà nước sở hữu như đường lối kinh tế Đệ Tam của Lênin... Chưa hết, các nhà lãnh đạo của Việt Nam lại còn cổ xúy tư tưởng “Phát triển bền vững” theo chiến lược phát triển thế giới của Rio De Janeiro nữa chứ! Các bạn có biết “Phát triển bền vững” là của Đệ... nào đưa ra không? Chính là của Đệ... Quốc tế Xã hội chủ nghĩa có gốc từ Đệ Nhị đấy, mà người chủ xướng chính là Bà Gro Harlem Brundtland, Phó chủ tịch thứ nhất của Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, có thời là Thủ tướng Na-Uy, sau là Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho đến khi về hưu.

Nếu như các “nhà” nghiên cứu triết học của chúng ta đủ tỉnh táo, nhận ra, là, trên thực tiễn, Đảng CSVN, và ngay cả bậc “đại huynh”, là Đảng CS Tàu ô [2], đang rũ bỏ Lênin, thì cái gọi là “tư tưởng khoa học” của một người không phải nhà nghiên cứu triết học, là Lênin, cũng nên nhường diễn đàn cho khoa học được lên tiếng.

Biết anh Nguyễn Trung và anh Huệ Chi đang mong đợi chúng ta góp phần CHẤN HƯNG DÂN TRÍ, tôi viết bài này chỉ với một thông điệp: Chúng ta không thể chấn hưng dân trí với một chương trình giáo dục dưới cả mức “bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ”, mà nhà nghiên cứu tương lai học Alvin Toffler đã viết một cách đầy thận trọng trong cuốn sách Future Shock rất nổi tiếng của ông.

Việt Nam không thể cứ loay hoay mãi với chương trình giáo dục của thời quá khứ, kiểu như dạy chương trình toán theo sách có nguồn gốc từ hơn 100 năm trước hoặc chương trình triết với những tư tưởng triết học có niên đại từ trên 150 năm so với thời điểm chúng ta đang sống.

Kính mong các vị đại biểu Quốc hội lên tiếng giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng cải cách chương trình giáo dục, không phải bàn theo hướng 32 ngàn tỷ hay 700 tỷ, cũng không chỉ bàn theo hướng, sách giáo khoa do “quốc doanh” viết hay “ngoài quốc doanh” viết, mà cần trước hết theo hướng, mạnh dạn từ bỏ không nuối tiếc các chương trình giáo dục của quá khứ để đi vào tương lai, mà chúng tôi chưa nhìn thấy le lói một ý tưởng nào khi được “liếc trộm” Đề án trình Quốc hội tại phiên họp đang diễn ra trong những ngày này.

Mong lắm thay.

V.C.Đ.

Tác giả gửi BVN

Chú thích:

1. Alvin Toffler, Future Shock, 1970.

2. “Tàu ô” là cách gọi của dân ta khi đoàn quân Tàu ô hợp nhân danh Đồng Minh tràn vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn