Tuyên bố bảo vệ di sản thiên nhiên Sơn Đoòng (DECLARATION RE. THE PROTECTION OF SON DOONG)

Những người viết báo độc lập ở Việt Nam bức thiết lên tiếng cảnh báo về ý định và hành động xây dựng cáp treo, gây xâm hại nguy hiểm đối với di sản thiên nhiên Sơn Đoòng.

1. Sơn Đoòng là hang động nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Di sản này có tọa độ 17°27’25.88”Bắc, 106°17’15.36”Đông, nằm tại xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Sơn Đoòng được ông Hồ Khanh người địa phương tìm thấy năm 1991 và được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố rộng rãi vào năm 2009.

clip_image002

 

Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, hình thành từ 2-5 triệu nămtrước. Hang có chiều rộng 150 mét, cao 200 mét, dài ít nhất 5km, có dòng sông ngầm dài 2,5km, cột nhũ đá cao 70m, có nguồn sinh thái đặc biệt so với bên ngoài (số liệu được công bố bởi Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh).

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình là tác nhân chính gây ra sự xâm hại đối với di sản thiên nhiên Sơn Đoòng. Là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, vào tháng 11/2014, chính quyền tỉnh này đã đồng ý cho Tập đoàn Sun Group khảo sát để nghiên cứu xây dựng cáp treo ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Dự án cáp treo trên có giá trị lên đến 3.000 tỷ đồng Việt Nam (khoảng 150 triệu USD), dự kiến dài 10,6 km gồm 2 chặng và đi qua 3 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, xuất phát từ cửa động Phong Nha đến ga thứ nhất tại Trạ Ang dài 6.788 m, và ga thứ hai đến cửa sau động Sơn Đoòng dài 3.872 mét. Nhà ga này chỉ cách cửa động khoảng 300 mét.

3. Dự án cáp treo của Tập đoàn Sun Group và hành động chính quyền Quảng Bình thông qua một cách hoàn toàn thiếu trách nhiệm dự án này đã vi phạm Luật Di Sản thế giới và các điều luật về bảo vệ di sản do chính phủ Việt Nam ban hành. Cụ thể:

- Vi phạm Công ước Di sản thế giới trong việc tiến hành các hoạt động xây dựng nhân tạo, làm thay đổi tính nguyên vẹn của khu di sản thế giới: Khoản II - Điều 4 (Về trách nhiệm bảo tồn cho thế hệ); Khoản II - Điều 6.3 (Nguyện kiên quyết không dùng bất cứ biện pháp nào có thể phương hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến di sản văn hoá và tự nhiên).

- Xâm hại tiêu chí (i) và (iv) về địa chất, địa mạo; tiêu chí (viii) về giá trị nổi bật toàn cầu (Nghị quyết WHC-12/36.COM/8E) của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) khi dự án được xây dựng trên nền địa chất đá vôi – làm ảnh hưởng đến địa tầng của Sơn Đoòng (theo Viện Địa chất và địa vật lý biển (Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam). Xâm hại tiêu chí (x) về giá trị bảo tồn nguyên trạng sự đa dạng sinh học của UNESCO khi dự án cáp treo với tần suất chuyên chở lên tới1.000 người/h, dẫn đến nguy cơ về sự ô nhiễm tiếng ồn, rác thải đối với Sơn Đoòng và cảnh quan xung quanh. Quá trình mở tuyến cáp dù sử dụng công nghệ cáp công vụ, nhưng quá trình chuyển vật liệu, mở đường công vụ cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái xung quanh Sơn Đoòng.

- Vi phạm các Nguyên tắc của Công ước quốc tế về du lịch văn hoá của ICOMOS, trong đó: Nguyên tắc 2 - Điểm 2.3 (Các chương trình phát triển du lịch phải được căn cứ trên một sự hiểu biết toàn diện các mặt đặc thù); Nguyên tắc 2 - Điểm 2.6 (Trước khi các địa điểm di sản được xúc tiến hoặc phát triển cho du lịch mở rộng, các dự án quản lý phải đánh giá các giá trị thiên nhiên và văn hoá của nguồn lực. Phải xác lập thoả đáng những giới hạn thay đổi có thể chấp nhận được, đặc biệt là về tác động của số lượng khách tham quan lên các đặc trưng hình thể, tính toàn vẹn, sinh thái và tính đa dạng sinh học của địa điểm).

- Vi phạm nghiêm trọng Điều 32 - Điểm 1.a của Luật Di sản Văn hóa 2009 (Việt Nam) khi xây dựng cáp qua 3 phân khu thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.

4. Chính quyền tỉnh Quảng Bình đã thiếu sự trung thực khi không báo cáo đầy đủ và liên tục về dự án cáp treo Sơn Đoòng (trong quy hoạch chung xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng) cho Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (từ tháng 4/2014 – đến hết 31/10/2014).

Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Việt Nam còn đồng ý cho UBND tỉnh Quảng Bình lập dự án xây dựng tuyến cáp treo từ trung tâm Phong Nha vào khu vực hang Sơn Đoòng.

Dù vẫn trong quá trình lập dự án, và sẽ còn đưa lên chính quyền T.Ư cũng như văn phòng UNESCO tại Việt Nam thẩm định/ phê duyệt, nhưng những diễn biến vừa qua cho thấy nguy cơ về “nhóm lợi ích” tại Việt Nam, một yếu tố có thể đưa Sơn Đoòng vào diện bị đe dọa tiềm tàng trong một tương lai không xa. Rất nhiều tiền lệ xâm hại thiên nhiên ở Việt Nam đã cho thấy trước điều đó.

Trên cơ sở những luận điểm nêu trên, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - một tổ chức Xã hội dân sự tại Việt Nam - lên tiếng:

- Yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình, chính phủ Việt Nam tôn trọng Khoản II, Điều 4 và Khoản 2 Điều 6.3 Công ước Di sản Thế giới; Tiêu chí (i), (iv), (x) của UNESCO; Nguyên tắc 2 của Hiến chương Quốc tế về Du lịch Văn hóa; Điều 32, điểm 1, 3 của Luật Di sản văn hóa 2009 (sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 98/2010 NĐ-CP; Nghị định số 70/2012; Quyết định số 1272/QĐ-TTg. Theo đó, tạm dừng mọi khảo sát đối với dự án cáp treo, nghiêm túc có công văn giải trình với IUCN vào tháng 2 năm 2015 (theo khuyến nghị của UNESCO).

- Yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình, Chính phủ Việt Nam phải có những hành xử “vì môi trường, vì sự gìn giữ di sản cho thế hệ sau”, theo đó, phải có đánh giá đầy đủ, khách quan và thông tin rộng rãi về dự án cáp treo trong khu vực động Sơn Đoòng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng). Lắng nghe ý kiến từ người dân, các chuyên gia khoa học, các nhà hoạt động môi trường, các cơ quan truyền thông báo chí nhà nước, các tổ chức dân sự trước khi đi đến một quyết định về việc tiến hành cáp treo trong khu vực Sơn Đoòng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng).

- Kiến nghị tổ chức UNESCO có những hành động kiên quyết (bao gồm khuyến nghị về bảo tồn) và thiết thực (liên quan đến tính minh bạch, thẩm định công bằng) tác động của dự án đối với Sơn Đoòng. Chủ động giám sát các hoạt động xây dựng nhân tạo liên quan đến khu vực Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với tổng diện tích 123.326,66 ha. Trong trường hợp tỉnh Quảng Bình tiếp tục có các hành vi thiếu trung thực trong báo cáo về dự án và lập dự án, nhằm tiếp tục các hoạt động làm tổn hại động Sơn Đoòng, chúng tôi khuyến nghị UNESCO.

+ Hủy bỏ việc xem xét/ công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới lần 2 theo tiêu chí đa dạng sinh học tại kỳ họp Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 39 diễn ra trong tháng 6/2015, tại thành phố Bonn (Đức).

+ Trong trường hợp tỉnh Quảng Bình tiếp tục các hoạt động xâm phạm động Sơn Đoòng, khuyến nghị UNESCO tước bỏ danh hiệu Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hoặc có những hành động mạnh mẽ khác nhằm tránh tiền lệ xấu trong việc xâm hại Di sản sau khi được công nhận.

- Kiến nghị các tổ chức như: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO); Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP); Liên đoàn Bảo toàn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế Giới (WWF), Tổ chức Thiên nhiên Thế giới (WNO ), Tổ chức Bảo vệ Động Thực vật Quốc tế (FFI); Trung tâm thông tin môi trường toàn cầu (GEIC); Tổ chức hòa bình xanh (GO), Tổ chức Du lịch thế giới (WTO), và các tổ chức phi chính phủ (NGO)*, cá nhân bảo vệ môi trường hữu trách có liên quan cùng lên tiếng, kêu gọi “Giữ nguyên trạng động Sơn Đoòng và cảnh quan khu vực xung quanh động, xem khu vực động Sơn Đoòng như một giá trị đặc biệt quan trọng, và không bị xâm hại bởi các công trình nhân tạo trước, trong và sau thời điểm tuyên bố này.”

Việt Nam, ngày 17 tháng 11 năm 2014

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Email: ijavn@ijavn.org

Nơi gửi Tuyên bố:

* Cơ quan Việt Nam:

Chính phủ Việt Nam

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ Xây Dựng

* Tổ chức quốc tế:

IUCN: congress@iucn.org

UNEP: unepinfo@unep.org

WTO: enquiries@wto.org

WWF: wwf@wwfgreatermekong.org

FFI: ffi@ffi.org

GEIC: secretariat@thegef.org

GO: supporter.services.int@greenpeace.org

v.v…

Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/11/tuyen-bo-bao-ve-di-san-thien-nhien-son.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn