Các nhà báo, blogger bị «bắt khẩn cấp»

Hoà Vân

Hai vụ bắt blogger trong tuần qua nhắc lại : ở Việt Nam, dù là một nước hoà bình từ nhiều thập kỉ nay, nghề viết lách (nhà văn, nhà báo, blogger) vẫn là một nghề nhiều nguy hiểm. Công cụ đàn áp người viết thì nhiều, nhưng nổi bật phải kể đến Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 (dưới đây sẽ gọi tắt là "điều 258").

Điều này đề ra «tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân». Khung hình phạt của nó là «phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm». 

Với cách viết mơ hồ, chung chung, đi ngược hẳn các nguyên tắc luật pháp thông thường đòi hỏi sự rõ ràng, phân minh, điều 258 hiển nhiên chỉ giao quyền cho Nhà nước «xử» những người công khai phản kháng những chính sách, hành xử, của Nhà nước và đảng cầm quyền (từ «tổ chức» trong tội danh). Ngay cả từ «công dân» ở đây cũng chỉ có thể - và đã xảy ra một lần – là một công dân «bình đẳng hơn những (công dân) khác», theo cách nói của George Orwell trong Trại Súc vật, nói cách khác, là những công dân có chức có quyền ở một cấp «không nhỏ». Các trường hợp «xâm phạm lợi ích» của phó thường dân (xin lỗi, «công dân») khác dĩ nhiên thuộc phạm vi của Luật dân sự, Nhà nước chẳng hơi đâu mà hình sự hoá chuyện ông X «xâm phạm lợi ích» của bà Y nếu bà này không thuộc bộ máy. Mục tiêu ở đây «cao» hơn: bóp nghẹt mọi đòi hỏi tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Một khía cạnh nữa, tuy kỹ thuật nhưng cho thấy rõ hơn mục tiêu bóp nghẹt đó. Lần giở lại những thông tin được đưa ra trong các vụ bắt bớ vì điều 258, người ta thấy toàn là các vụ « bắt khẩn cấp », như thể những người bị bắt chuẩn bị bỏ trốn hoặc mới có hành động gì nguy hiểm, phải ngăn chặn ngay, nhưng cơ quan điều tra lại chẳng hề đưa ra được chứng cớ nào để chứng minh hai khả năng ấy – kể cả những «chứng cớ » nguỵ tạo như kiểu «hai bao cao su đã qua sử dụng » trong vụ Cù Huy Hà Vũ ! Mới đây, trong hai vụ bắt các blogger Hồng Lê Thọ và Quê Choa Nguyễn Quang Lập, công an còn sáng tạo ra khái niệm «bắt quả tang (đang không làm gì !)». Nói theo ngôn ngữ của công an: không có thủ đoạn hèn hạ nào mà «chúng tao» không dám làm, bắt là bắt thôi, đừng ai hỏi vì sao, vô ích.

Ai là đối tượng mà điều 258 nhắm tới ?

Trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Người Việt (California) tháng 8 năm 2013, nhà báo – blogger Phạm Đoan Trang cũng nhấn mạnh mục tiêu nói trên: «Điều 258 đặc biệt được chính quyền sử dụng để bắt nhà báo». «Nhà báo» ở đây dĩ nhiên không chỉ là những người viết cho các báo chí chính thống, mà cả những blogger (những người viết blog), nhất là từ những năm cuối thập kỷ 2000 – 2010, khi việc sử dụng Internet lan rộng ở Việt Nam.

Chị nói thêm: «Trong điều kiện Việt Nam thì việc làm thống kê là bất khả thi, vì rất có thể là đã có nhiều người bị bắt vì Điều 258 mà dư luận không biết». Tuy nhiên, trong một bài viết chung với luật sư Trịnh Hữu Long trên Mạng lưới blogger Việt Nam, tác giả nêu lên con số «ít nhất 32 người từ 2006 tới nay» đã bị bắt theo điều này, kể cả một số người mà công an «cứ bắt cái đã», nếu cần thì đổi tội danh sau!

Trong điều kiện đó, những vụ việc mà chúng tôi nêu ra dưới đây dĩ nhiên chỉ có giá trị như những ví dụ điển hình, và không thể được coi như toàn bộ hồ sơ các vụ bắt bớ vì điều 258 này. Lại càng không phải toàn bộ hồ sơ những vụ bắt bớ các nhà báo và blogger, dưới những tội danh khác cũng mơ hồ như tội «lợi dụng tự do, dân chủ»: tội «tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam» (điều 88 Luật Hình sự) hay «phá hoại chính sách đoàn kết» (điều 87), hoặc nặng hơn, tội «hoạt động nhằm lật đổ chính quyền» (điều 79) v.v.

Những người đã được trả tự do, sau thời gian tạm giam hoặc đã hết hạn tù

Tháng 5 năm 2008, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) bị bắt về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan tới vụ PMU18, nhưng rút cục đã bị truy tố ra toà về tội «lợi dụng tự do, dân chủ…» (điều 258). Trong phiên toà ngày 15.10.2008, Nguyễn Việt Chiến bị kết án 2 năm tù giam (ông được trả tự do trước thời hạn, vào ngày 15.1.2009), còn Nguyễn Văn Hải bị kết án 24 tháng tù treo và được trả tự do ngay tại toà.

Ngày 13 tháng 6.2013, nhà báo – blogger Phạm Viết Đào bị « bắt khẩn cấp » vì điều 258, các blog của ông bị xoá hết, và ngày 19.3.2014 ông bị toà án Hà Nội kết án 15 tháng tù (địa chỉ chúng tôi đưa đây là blog mới, sau khi ông được trả tự do ngày 13.9.2014).

Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một trường hợp đặc biệt. Ông bị bắt ngày ngày 20.4.2008 và bị đưa ra toà về tội « trốn thuế », nhưng ai cũng biết tội danh chính của ông là tham gia thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do (vào tháng 9.2007). Bị kết án 30 tháng tù (tính từ ngày bị bắt), ông chờ đợi được trả tự do sau khi mãn hạn vào ngày 20.10.2010, nhưng lại bị giữ trong tù để «điều tra thêm» về các hành vi tuyên truyền chống nhà nước (điều 88), và bị đem ra xử vào tháng 9.2012 về tội danh này (sau gần 2 năm giam giữ không có cơ sở pháp lý nào, và không cho gia đình bất kỳ thông tin nào), cùng với hai người bạn trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là các blogger Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Trong phiên toà xử tội phạm rất nghiêm trọng đó (nhưng lại diễn ra lúi xùi chỉ trong một ngày, gia đình người thân đều không được tham dự), ông bị kết án 12 năm tù, bà Tạ Thị Phong Tần 10 năm và ông Phan Thanh Hải 4 năm tù. Ngày 21.10 vừa qua, nhà cầm quyền Hà Nội bất ngờ «trả tự do» cho ông, nhưng lại dẫn ông ra thẳng sân bay đưa sang Los Angeles (không phải với lý do «đoàn tụ gia đình» vì ông không có thân thích ở đây).

Cuối tháng 8 năm 2009, các blogger Bùi Thanh Hiếu (blog Người Buôn Gió, tác giả những bài viết mang tên «Đại vệ Chí dị»), Phạm Đoan Trang (lúc đó là nhà báo VietnamNet, blog Trang The Ridiculous, nay là Đoan Trang), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blog «Mẹ Nấm») cùng bị bắt trong vụ in áo thun «Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam». Cả ba được trả tự do sau khi hết hạn tạm giam (9 ngày), nhưng tiếp tục bị quấy nhiễu nhiều lần sau đó. Người Buôn Gió hiện đã được sang Đức khi có lời mời của thị trưởng Weimar. Phạm Đoan Trang đang học tiến sĩ ở Mỹ.

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, nổi tiếng hơn với blog Cô gái Đồ Long bị bắt khẩn cấp ngày 26.10.2010 cũng về tội «lợi dụng tự do, dân chủ» nhưng người ta mau chóng được biết là trong trường hợp này điều 258 đã được viện ra do một bài blog «liên quan tới diễn viên múa Linh Nga và người chồng tương lai là Nguyễn Khánh Trọng, con trai của Nguyễn Khánh Toàn, thượng tướng công an, thứ trưởng Bộ Công an». Có lẽ đây là trường hợp là duy nhất mà người bị buộc tội vi phạm điều 258 vì đã «xâm phạm lợi ích» của một cá nhân (chữ «công dân» trong tội danh, như đã nói trên). Xem bài của Phong Quang trên mặt báo này. Cô gái Đồ Long được tại ngoại ngày 20.1.2011, sau gần ba tháng bị giam cầm, rồi được «miễn truy cứu hình sự» ngày 8.4.2011.

Gần đây hơn, vụ nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt ngày 17.7.2012 vì bị tình nghi có «hoạt động lật đổ» (ông bị nghi ngờ là đứng sau trang mạng «Quan làm báo» rất nổi đình đám lúc đó), tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt lên đến án tử hình, nhưng chỉ bị tạm giam tới đúng khi hết thời hạn (4 tháng) thì được tha. Hiện nay, ông đã cũng với một vài người cùng chính kiến thành lập Hội nhà báo độc lập và trang mạng Việt Nam thời báo.

Những người hiện còn bị giam cầm

Trước hết, cần nhắc lại, trong vụ Câu lạc bộ các Nhà báo tự do, tuy Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã được ra khỏi tù và bị đưa thẳng sang Mỹ, hai người bạn của ông là bà Tạ Thị Phong Tần và ông Phan Thanh Hải vẫn còn bị tù đày dài hạn vì một bản án vô nhân, có mục đích trấn áp những người quyết tâm đòi tự do báo chí.

Gần như cùng thời gian với vụ Phạm Viết Đào, ngày 26.5.2013 công an Đà Nẵng đã phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ Công an tiến hành bắt blogger Trương Duy Nhất, chủ blog Một góc nhìn khác (hiện đã bị khoá). Diễn Đàn đã đưa tin này trong mục Thấy trên mạng, với đường dẫn về nhiều bài viết, bình luận của giới nhà báo «lề trái» trong và ngoài nước. Ngày 4.3.2014, sau gần 10 tháng «tạm giam», ông mới được đưa ra xử tại toà án Đà Nẵng, và bị kết án 2 năm tù. Do không nhận tội, và kháng án, ông được đưa ra một phiên toà phúc thẩm ngày 26.6.2014, và bị toà này xử y án hai năm.

Tù nhân 258 nổi tiếng nhất dĩ nhiên là Nguyễn Hữu Vinh, biệt danh Anh Ba Sàm, từ tên của trang mạng thông tin hàng đầu ở Việt Nam, mà anh là người sáng lập và điều hành cho tới gần đây. Nổi tiếng không phải vì anh là con một vị lão thành cách mạng (ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên bộ trưởng Bộ Lao động – 1965-1974, nguyên đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên Xô), mà chính vì trang mạng Ba Sàm (thành lập vào tháng 9.2007, đã nhiều lần bị đánh sập !), đi đầu trong các hoạt động mở rộng thông tin chính trị - xã hội đến đông đảo người dân, vượt qua các kiểm duyệt, cấm kỵ của đảng (với châm ngôn "Phá vòng nô lệ"), được cộng đồng công nhận «gần như là một biểu tượng của cuộc đấu tranh của các blogger vì quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt» (lời nhà báo Phạm Đoan Trang, trả lời đài RFI ngày 19.7.2014). Anh bị bắt ngày 5.5.2014 cùng với một cộng tác viên, bà Nguyễn Thị Minh Thuý. Sau khi anh bị bắt, đã có 51 người đồng ký tên vào Yêu cầu trả tự do cho Nguyễn Hữu Vinh, trong đó có giáo sư Chu Hảo, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Hà Sĩ Phu… Yêu cầu này được gửi đích danh cho ông bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Ngày 30/10/2014, tức là gần 6 tháng sau khi bắt giam đối tượng, Cơ quan An ninh điều tra mới đưa ra Bản kết luận điều tra vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Nhân dịp này, giáo sư Hoàng Xuân Phú đã viết một bài dài vạch ra rất nhiều sai phạm về tố tụng trong vụ án. Kinh nghiệm cho thấy «Toà án nhân dân» chưa bao giờ biết nhận sai trong các cáo trạng của mình, cụ thể Anh Ba Sàm và chị Nguyễn Thị Minh Thuý sẽ bị kết án như thế nào, người ta vẫn phải đợi…

Cũng như, còn phải đợi không biết tới bao giờ các blogger bị bắt đầu tháng này, các blogger Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập mới được/bị đem ra xử, và bị kết án như thế nào. «9 ngày, nếu không thấy về thì chắc khoảng 3 năm» như lời Bọ Lập trấn an vợ khi bị bắt, hay hơn nữa?

Một câu hỏi khác không thể không đặt ra: sau Bọ Lập rồi tới ai?

Trong bài trả lời phỏng vấn của BBC ngày 6.12, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng sau các vụ bắt bớ blogger này, có thể có thêm nhiều người khác 'bị bắt' dù ông không đoán được ai có thể là 'mục tiêu' tiếp theo. Nhưng, ông cũng cho rằng mặc dù có các vụ bắt bớ gần đây, sẽ không có chuyện giới blogger, phản biện và các nhà hoạt động bị 'trùng xuống' hoặc 'chùn tay'.

"Tôi nghĩ cũng chẳng ai chùn vì vụ này", ông nói.

Và đó là điều chính quyền sẽ thấy, rất nhanh. Đừng nghĩ bắt «vài tên đầu sỏ» là xong chuyện. Thời Internet, hơn bao giờ hết, Dân mới là chính. Mà dân thì ở khắp nơi, không dễ «tổ chức», nhưng cũng không dễ đè bẹp đâu, các vị ạ.

H.V.

Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/cac-nha-bao-blogger-bi-bat-khan-cap

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn