Nhớ Tấn

Vũ Thư Hiên

Từ Hà Nội, Dương Tường gọi tôi: “Tấn đi rồi, Hiên ơi, sáng nay, lúc 6 giờ 15. Buồn quá!”

Buồn, chứ lại không ư? Còn hơn thế, Tấn đi. để lại cho mấy thằng bạn còn lại biết bao hụt hẫng, biết bao nuối tiếc.

Tôi muốn khóc, mà không còn nước mắt.

Bấm tay tính lại số bạn bè ngày ấy, thấy chỉ còn vài đốt nữa là hết. Mà tưởng chừng mới đây thôi, lũ chúng tôi, những đứa con của cách mạng, và cũng là những nghịch tử mà muốn thịt bằng hết, không có đủ đốt tay để mà đếm.

Có trời biết vì sao lại rơi vào trong lũ đầu bò đầu bướu chúng tôi ngày ấy một anh chàng củ mỉ cù mì, hiền lành rất mực, là Bùi Ngọc Tấn. Chỉ có thể giải thích theo lý lịch: lũ chúng tôi hầu hết xuất thân tiểu tư sản, nếu không tệ hơn, còn Tấn lại thuộc thành phần nông dân, là thứ được  Cộng sản coi là quân chủ lực (của , tất nhiên). Phải nói thêm một chút cho khỏi có sự hiểu nhầm về ngữ nghĩa: cái lối gọi lái “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) ở đây hoàn toàn không có nghĩa người có tư sản nhỏ, xí nghiệp hay là tiệm buôn, mà là cái biển tên khinh bỉ được cách mạng gắn cho những kẻ trót dại sinh ra ở thành phố, nhất là những tên có nước da trắng trẻo, lại còn đeo kính trắng.

Đời Bùi Ngọc Tấn nhiều nghịch lý. Điều tôi vừa kể là chỉ là nghịch lý lớn nhất. Tưởng chừng cái nghiệp cầm bút của anh tự nhiên phải gắn liền với thành phần xuất thân của anh. Đi với cách mạng, được cách mạng đào tạo, anh ắt phải trở thành một nhà văn cung đình như những người cùng gốc gác, hoặc những người kiên quyết từ bỏ gốc gác để một lòng theo cách mạng. Những người này hợp thành đội ngũ văn nô chuyên viết tụng ca rổn rảng hoặc tiểu sử hoành tráng đầy chiến công thấn xuất quỷ nhập của các “lãnh tụ” cách mạng… Giống anh về thành phần, cũng trong lũ chúng tôi, chỉ có Phù Thăng, tác giả cuốn Phá vây nổi tiếng với những dòng văn bộc trực chống chiến tranh giữa thời thịnh trị của đường lối cách mạng bạo lực, làm cho tướng Nguyễn Chí Thanh, người mưu toan chỉ huy cả đội quân văn chương vô sản, phải nổi điên để ra lệnh cấm.

Người bạn thân nhất của Bùi Ngọc Tấn là Hứa Văn Định. Cũng lại là một tình bạn tréo cẳng ngỗng, một nghịch lý nữa, có thể nói như thế. Hứa Văn Định là một nhà văn tài ba và ngang tàng, tiếc rằng được rất ít người biết đến. Trong khi Bùi Ngọc Tấn chăm chỉ viết những bài báo đầu tay theo văn trào người tốt việc tốt thì Hứa Văn Định đã có những truyện ngắn ngang ngược, bút pháp sỗ sàng, may mà không ai dám in, vì thế mới không bị đánh. Những tác phẩm được xuất bản Định gọi là “thứ văn chương vằn vện ấy mà”, còn những gì không thể in được anh xếp xó, chỉ để cho bè bạn thân thiết đọc. Hơn bè bạn ở chỗ có phòng riêng để ở, khi Tấn mới có tình yêu trong cái thời tình yêu bị dính liền với tội “hủ hoá”, Định nhường chỗ ở của mình cho Tấn và Bích gặp nhau để lang thang nhà này nhà khác, bạ đâu nằm đó.

Tôi quen Tấn là qua Hứa Văn Định, trong ngôi nhà khang trang đường Điện Biên Phủ, được bọn thanh kiếm và lá chắn của  tuyên xưng là “câu lạc bộ Pê tô phi” Hà Nội. Oan cho chúng tôi, vì trong những người thường xuyên lui tới nhà Định không phải chỉ có lũ đầu bò, mà có cả những người về sau này trở thành vai vế trong làng văn chính thống. Đến khi Liên Xô Trung Quốc chửi nhau như mổ bò, thậm chí còn giã nhau ở biên giới, thế giới cộng sản tan thành hai mảnh, mùi binh đao vừa mới phảng phất là những người này biến ngay lập tức, cứ như thể họ chưa từng có mặt. Còn lại là những kẻ không biết sợ: Kỳ Vân, Mạc Lân, Vũ Huy Cương, Từ Chi, Dương Tường, Phù Thăng, Tuân Nguyễn, Châu Diên… Mà cả những tên được gọi là đầu bò này cũng chả có gì đáng được coi là chính trị đúng nghĩa. Chẳng qua vì bực mình trước những ngang tai chướng mắt bề bề mà bật ra những lời nói ngược với xã luận báo  mà thôi. Gọi là chính trị là cái đó, chứ không phải cái nào khác.

Bùi Ngọc Tấn tránh xa cả cái chính trị vô hại ấy. Anh là người biết sợ. Và biết né. Trong anh không bao giờ có nhu cầu làm người dũng cảm, hoặc ít hơn, ngang ngạnh. Anh rón rén từng bước trên đường sáng tác để không chạm vào những cấm kỵ, anh lẩn tránh những thứ “có vấn đề” bằng nụ cười hiền hậu, bằng giọng nói rụt rè, dành say mê cho những “con chữ” (nói theo cách Dương Tường). Chẳng bao giờ Tấn khoe với chúng tôi những gì anh đang viết. Chúng tôi chỉ được biết anh viết gì khi sách đã in ra. Văn anh hiền lành như người anh vậy. Thứ văn ấy chúng tôi không đánh giá cao, chỉ mỉm cười khích lệ. Mà Bùi Ngọc Tấn cũng nhút nhát lắm khi nào không thể tránh phải nói về mình trước những ông bạn bặm trợn một khi đã bốc lên rồi thì trời cũng bằng vung.

Cộng sản đã biến con người hiền lành ấy thành cái gì thì ai cũng đã biết. Bỏ Bùi Ngọc Tấn vào tù,  được Chuyện kể năm 2.000 để phải cấm, phải tiêu huỷ. Rồi khi Bùi Ngọc Tấn nằm xuống thì phải sai lâu la đi giật băng tang trên vòng hoa của những người ái mộ. Những nhà văn được  tống vào tù như Bùi Ngọc Tấn rồi cũng sẽ lại quả cho  những món quà đắng. Xem ra thành công lớn hơn cả của  Cộng sản là xây dựng rất tốt nền công nghiệp chế tạo kẻ thù.

Bùi Ngọc Tấn vào hồi ấy hiền lành là thế, cho nên khi tôi rơi vào tù rồi, ngồi ngẫm xem ai trong bạn bè có thể cùng chung số phận với mình, thì Bùi Ngọc Tấn là người bị tôi loại ra đầu nước. Thế mà rồi người ta cũng bắt anh đi tù, mới lạ. Mà chẳng nói chắc được anh bị bắt vì cái gì. Biết đâu, trong lúc nào đó, ở nơi nào đó, Tấn đã trót dại nghĩ to một điều gì đó. Và thế là một hồ sơ được lập. Hồ sơ của công an có một đặc điểm, nó chỉ dày lên chứ không khi nào mỏng đi. Tin Bùi Ngọc Tấn vào tù đến với tôi rất chậm, mãi bốn năm sau tôi mới biết.

Trong việc chọn đối tượng cho sự trấn áp, nhà cầm quyền cộng sản nào cũng thế, cũng rất khó hiểu. Nhất là ở bên Tàu. Trong cuộc Đại Cách mạng văn hoá vô sản, các Hồng vệ binh đã lùng ra cả đống kẻ thù, từ những nhân vật hoạt động cách mạng trước “người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông cho tới chị nông dân sợ cả việc giết một con gà. Có thể nghĩ lẩn thẩn rằng khi thấy trung ương bắt bọn xét lại cấp trung ương thì nhà cầm quyền cấp tỉnh hay cấp thành phố cũng thấy mình phải hối hả xách còng số 8 đi bắt vài tên xét lại địa phương. Cho nó oách. Mà cũng có thể đoán già đoán non rằng người ta có cách tính khác, vượt xa cái đầu óc thiển cận của người bình thường như tôi. Nếu anh đoán được họ sẽ bắt ai theo một số tiêu chuẩn nào đó về kẻ thù là đúng, thì chỉ có một số nhỏ những ai tự xét thấy mình nằm trong tiêu chuẩn đó phát rét, chứ nếu người ta tóm cả những kẻ không ai nghĩ tới có thể bị bắt, thì cả xã hội sẽ sợ. Cả một xã hội sợ mới là cái nhà cầm quyền muốn có.

Vào cái thời có cuộc trấn áp “bọn xét lại chống Đảng” dân chúng không nhiều thì ít đều bực bội với cách cai trị của  trong nhiều mặt đời sống. Đến cả Nguyên Hồng, nhà văn được coi là cốt cán của Đảng, cũng rơi vào tâm trạng ấy. Tôi có ghi lại câu chuyện sau: Một hôm, Nguyên Hồng bắt gặp Bùi Ngọc Tấn đang đứng dưới tấm bảng lớn bằng cả bức tường để so vé xổ số. Nguyên Hồng thụi cho Bùi Ngọc Tấn một quả: “Cái thằng rõ ngu. Ở đời đã chán vạn cái thất vọng mà mày còn bỏ ra hai hào mua thêm một cái, đắt quá! Ngu!” Ít ngày sau, đến lượt Bùi Ngọc Tấn bắt được quả tang Nguyên Hồng cũng đang so vé số, cũng trước chính bức tường ấy. Tấn khoái lắm, đem câu nói của Nguyên Hồng hôm trước ra đay. Nguyên Hồng làm bộ sửng sốt: “Tao có nói thế à? Không có lẽ. Ở đời toàn là thất vọng, bỏ ra có hai hào mua được cả một cái hi vọng, rẻ ơi là rẻ!”.

Trong một lần ngồi cùng bè bạn, Bùi Ngọc Tấn chỉ tôi: “Tại sao tôi bị bắt á? Tại cái ông này này. Vi tôi chơi với ông ấy. Có vậy thôi. Vía ông ấy nặng lắm!”. Tấn nói không phải không có lý. Sau này tôi mới biết từng có những lời đồn đoán rằng Hồng Sĩ bị bắt là do chơi thân với Kỳ Vân. Kỳ Vân bị bắt vì chơi thân với Hoàng Minh Chính. Hoàng Minh Chính bị bắt vì kết bè với Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang… Nếu đúng là thế thì tôi nợ Tấn nhiều lắm.

Không hiểu sao, nhưng từ khi đi tù về, Bùi Ngọc Tấn bỏ hẳn cách mày tao mi tớ với bạn. Chừng anh sợ cả sự quen mui để lỡ lời trong xưng hô có thể mang lại hậu quả xấu. Từ trước Tấn đã không giao du tràn lan, nay lại còn kén chọn riết róng hơn nữa. Tấn không có bạn tào lao. Đến ngay bà vợ bé của “hoàng thượng”, tức tổng bí thư , cùng làm việc với Tấn trong toà soạn tờ Hải Phòng kiến thiết, cũng không được Tấn coi là bạn, cho dù sự kết thân ấy chỉ có lợi trở lên.

Bùi Ngọc Tấn cùng bà Hồng Ngọc (vợ ông Hoàng Minh Chính) và nhà văn Vũ Thư Hiên tại Paris

Nguồn ảnh: blog Bùi Ngọc Tấn

Tôi không ngờ rồi lại có cuộc gặp mặt Bùi Ngọc Tấn bên trời Tây sau một thời gian xa cách đằng đẵng. Ngồi trên giường, trong căn phòng áp mái rộng 14 thước vuông của tôi tại Paris, Tấn ứa nước mắt “Hề hề, đây là cái mình không ngờ. Cứ tưởng ông sang đây thì…”, Tấn bỏ lửng.

Tấn tới Paris lần này đúng vào dịp chị Hồng Ngọc, vợ anh Hoàng Minh Chính cũng từ Roma tới thăm tôi. Hai thằng cựu tù, một vợ tù, rủ nhau đi một chuyến ngao du châu Âu cho bõ những ngày khổ ải. Đó là một chuyến đi rất thú vị, ở đâu chúng tôi cũng được bạn bè đón tiếp nồng hậu. Đó là món quà có thể hình dung được nhưng luôn luôn bất ngờ của những người dân Việt xa xứ dành cho những kẻ ít nhiều dính dáng tới cuộc đấu tranh cho dân chủ hoá đất nước. Bùi Ngọc Tấn cảm động lắm. Khi cảm động, mắt anh chớp liên tục. Ấy là cách anh ngăn cho những giọt nước mắt khỏi trào ra.

Trên đường từ Munchen đi Vienna, tôi phát hiện thêm một Bùi Ngọc Tấn khác.

Đến Salzburg, thành phố địa đầu của Áo với Đức, sau khi mới đi thăm được vài thắng cảnh, viếng nấm mộ giả tưởng của Mozart, chị Hồng Ngọc bỗng lên cơn đau gì đó, mặt tái nhợt, mồ hôi vã ra. Đã định đưa chị vào bệnh viện, nhưng chị không chịu. Đành quay xe về Munchen. Thế là kế hoạch cho Tấn nghe nhạc giao hưởng ở giữa thủ đô âm nhạc thế giới không thành.

Trên đường, chúng tôi đi ven con hồ Chiemsee mênh mông đúng vào lúc hoàng hôn sắp tắt. Trên mặt hồ tràn trề ánh nắng bạc màu hồng của mặt trời đang lặn là một đàn thiên nga cả ngàn con bồng bềnh. Tấn hét lên: dừng lại! Xe vừa dừng là anh bật cửa lao ra, đứng sững trước cảnh tượng hùng vĩ của con hồ. Rồi anh hấp tấp chạy lại xe, lục giỏ bánh mì dự trữ khi đi đường, lấy ra một cái rồi chạy ào xuống mớn nước. Ở đó, Tấn bẻ vụn bánh mì, tung lên trời trong tiếng gọi tha thiết: “Thiên nga ơi, thiên nga! Lại đây, thiên nga ơi!”. Lập tức những con con thiên nga ở gần bay lại, ồn ào nhặt những mẩu bánh mì vừa chạm nước. Mặt Tấn rạng rỡ niềm vui kỳ lạ khi những con thiên nga dạn dĩ bơi lại gần anh, tưởng chừng có thể đưa tay vuốt ve bộ lông trắng mượt của chúng.

Bỗng tôi thấy mặt Bùi Ngọc Tấn buồn hẳn, nó xịu đi, đôi mắt lại chớp chớp. Anh lẩm bẩm nói với đàn chim trời: “Thiên nga ơi, thiên nga! Các em mới may mắn làm sao! Các em sinh ra ở phương trời này. Chứ các em ở quê anh ấy à… Thì các em vào nồi từ lâu rồi!”.

Quay trở lại xe, suốt đường về, anh ngả người trên ghế, mũ úp lên mặt, không nói câu nào. Tôi chợt hiểu ra: với một tình yêu xót xa với thiên nhiên như thế, thì với con người anh còn xót xa biết bao nhiêu.

Và chỉ với một tình yêu người đau đớn đến rỉ máu, Bùi Ngọc Tấn mới có thể để lại cho chúng ta những tác phẩm đầy lòng nhân ái.

V.T.H

Nguồn: http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nho-tan

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn