Bài viết bổ túc cho bài “Giáo dục với học phí và nhà nước với ngân sách, thế nào cho phải lẽ?”

Đinh Phương

Sau khi bài viết có tên “Giáo dục với học phí và nhà nước với ngân sách, thế nào cho phải lẽ?” (xin tạm gọi là bài chủ) [1] được đăng ở một số trang mạng, người viết có nhận được một số phản hồi, trong đó có phản hổi từ trang Bauxite Việt Nam và trang JIAVN chỉ ra hai nhầm lẫn. Người viết đã nhầm con số 2% GDP là chi cho giáo dục của Mỹ, và 0,9% GDP là chi cho giáo dục của VN. Điều này không đúng như bản kiến nghị do Nhóm GS Ngô Bảo Châu (BKN) đưa ra. Người viết xin cáo lỗi các tác giả BKN và bạn đọc, và xin được trình bày lại ở dưới cho phù hợp. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn này không làm mất đi độ xác tín của những lập luận mà người viết đã đưa ra trong bài chủ, mà may mắn hơn, một số những dữ liệu và thống kê khác chưa được phơi bày, rất đặc trưng, lại được tìm ra. Xin cảm ơn Bauxite Việt Nam đã cho đường link của Worldbank [2] để tham khảo.

(Quí vị có nhu cầu đọc bài chủ đã chỉnh sửa, xin vào trang lưu của người viết:

https://dinhphuonggermany.wordpress.com/2015/08/23/y-ki-en-phan-bien-lai-ban-doi-thoai-giao-duc-cua-nhom-giao-su-ngo-bao-chau/)

Theo BKN, Mỹ đầu tư cho giáo dục ĐẠI HỌC là 2% GDP, và VN đầu tư cho giáo dục ĐẠI HỌC là 0,9% GDP chứ không phải số % GDP đầu tư cho toàn ngành giáo dục của cả hai nước như người viết đã nhẩm lẫn.

Từ đây người viết cũng dựa theo cách tính của bài chủ để đưa ra con số phù hợp và tỷ lệ mà hai nhà nước Mỹ cũng như VN đã đầu tư thế nào cho toàn ngành giáo dục, và xa hơn, cho giáo dục đại học.

Đ.P.

Tổng tài trợ cho toàn ngành giáo dục của Mỹ và của VN:

Theo bảng thống kê cùa Worldbank [2] thì 2011 Mỹ chi cho giáo dục là 5,4% GDP tính ra là

814.086 triệu US$ hàng năm, và VN chi cho giáo dục là 6,3% GDP tính ra là 7731,5 triệu US$. Và nếu tính theo đầu người thì Mỹ chi 2553US$/người riêng cho giáo dục, còn VN cũng tính theo đầu người thì con số chi cho giáo dục xấp xỉ là 83US$ hàng năm. Nếu đem so sánh số tiền bằng US$ này của hai nước thì Mỹ đầu tư cho giáo dục tính theo đầu người gấp 31 lần số tiền VN đầu tư cho giáo dục. Tính ra, VN đầu tư cho giáo dục chỉ bằng 3% của Mỹ cho mỗi đầu người. Điều này có tác động gì đến đời sống dân nghèo mà đặc biệt là ở cấp 1, cấp 2, cấp 3? (Việc này người viết trong khuôn khổ sẽ bàn ngắn ở dưới). Một tỷ lệ rất đau lòng.

Tổng tài trợ cho giáo dục đại học của Mỹ và của VN (Phần này xin được thay thế cho phần nhầm lẫn ở bài chủ):

Con số mà Mỹ đầu tư cho giáo dục ĐẠI HỌC 2% GDP tính ra là 301.513 triệu US$ hàng năm, và VN đầu tư cho giáo dục ĐẠI HỌC 0,9% GDP tính ra là 1.104,5 triệu US$. So ra ngân sách dành cho giáo dục ĐẠI HỌC của Mỹ hàng năm gấp hơn 270 lần của Việt Nam, chứ không phải gấp 2 lần (2/0,9) như BKN dẫn ra. Và như vậy đúng là một so sánh khấp khểnh mà ở bài chủ người viết ví là kiểu “so sánh bò-gà bằng nhau”.

Đi sâu hơn nữa, nếu tính tổng số sinh viên Mỹ xấp xỉ 15 triệu người thì Mỹ đầu tư cho giáo dục đại học mỗi đầu sinh viên là 20.100US$ hàng năm. Cùng cách tính trên, VN với số sinh viên là 1,9 triệu người thì hàng năm nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học cho mỗi đầu sinh viên là 581,3US$ (con số này chưa trừ thất thoát). Như vậy Mỹ đầu tư cho giáo dục đại học tính theo đầu sinh viên vẫn gấp 34,6 lần so với VN. Nói cách khác, VN đầu tư cho giáo dục đại học cũng chỉ có 2,9% so với Mỹ. Những tỳ số “giật mình”!

Những nhận định mới:

Việc mà trong BKN nêu thoáng qua như là một sự ngẫu nhiên rằng đa số sinh viên thuộc con nhà khá giả thật ra không ngẫu nhiên chút nào!

Chúng ta thử đặt ra câu hỏi: Tại sao sinh viên đa số thuộc gia đình khá giả? Căn bản có hai câu trả lời: Một là vì tại dân nghèo dốt và lười! Và hai là sinh viên không thể nghèo! Câu trả lời thứ nhất xin được dành cho những người được coi là “mất trí”, và câu trả lời thứ hai xem ra huề vốn nhưng đúng với thực tế.

Theo quan sát của người viết, học sinh từ tiểu học đến trung học trước hết là bị nhà nước “bỏ rơi”, các em không được chăm lo để cắp sách đến trường. Hầu như mọi gia đình đều cố gắng cho con em mình vào học hết cấp 1 (tiểu học) bởi chi phí còn thấp, hơn nữa các em chưa làm được gì cả, cũng là một hình thức gửi gắm để cha mẹ có thì giờ làm việc khác. Đến khi bắt đầu vào cấp 2 (lớp 6 đến lớp 9), chi phí bắt đầu tăng vọt, đa số các gia đình nghèo không đủ sức cho con em mình theo học nữa, mặt khác tập tành cho các em lao động vặt vãnh để kiếm thêm thâu nhập cho gia đình, thế là một số lớn các em bị “rớt” lại trên vỉa hè. Đế khi vào cấp 3 (lớp 10 đến lớp 12) câu chuyện lại càng bi đát hơn, học phí, lệ phí các kiểu tăng chóng mặt, áp lực chi thêm từ thầy cô, các gia đình nghèo không có cách nào khác là cho con nghỉ học, và cũng bắt đầu vào tuổi lao động chính thức, nên các em kiếm việc làm phụ giúp gia đình thay vì làm “con bệnh” trong nhà. Thế là đợt cuối cùng, con nhà nghèo bị “rớt” lại trong các công xưởng lao động tay chân vặt vãnh, và chất xám cứ theo “quy trình” mà chảy xuống ruộng xuống mương, trật lại đa số sinh viên thuộc gia đình khá giả.

Và để lý giải tại sao sinh viên VN ra trường có trình độ thấp:

Không loại trừ chương trình đào tạo có vấn đề từ cơ bản, ngoài ra, với giáo dục, một tiêu cực rất nghiêm trọng đã xảy ra trong xã hội. Những sinh viên con nhà khá giả chưa chắc đã giỏi, nhưng vì có tiền, họ cứ đi học cho có. Đã từ trung học, họ dùng đủ mọi hình thức mua chuộc đút lót để có thể có điểm đậu, để có thể có bằng cấp với kết quả ghi thật cao mà thực chất là những cái đầu rỗng tuếch. Tôi vừa đọc bài viết ngắn của ông Trương Nhân Tuấn ở Pháp viết rằng [3] con ông ấy về VN làm việc cho một công ty, cần 3 người kỹ sư lập trình, nhận 3 kỹ sư VN tốt nghiệp ở VN vào làm việc, và hướng dẫn 3 kỹ sư này tới lần thứ 6 để lập trình một đề án nhưng cuối cùng họ vẫn không làm được, sau đó phải sa thải và phải nhận người Ấn Độ vào làm việc.

Thú thực khi đọc bản kiến nghị của nhóm GS NBC, và viết tới đây, người viết rất hoài nghi về tương lai của đất nước, rất nghi ngờ khả năng của các trí thức trong tiến trình cải cách để cải tiến đất nước, nghi ngờ giới lãnh đạo qua các phát biểu, nghi ngờ các bộ trưởng của các ban ngành, bởi họ đụng đâu là… đổ đấy. Thực ra, người viết (một mình) tới lúc này không bỏ ra nhiều thời gian nhiều để viết cho nội dung này. Đương nhiên rất chú trọng vào sự thực, bằng phương pháp quan sát (observation) rất bình thường, và bằng vốn liếng toán học của mình (chỉ cần trình độ tốt nghiệp phổ thông là đủ), là có thể tổng kết và đưa ra những kết luận những chỉ số như trên.

Hoàn cảnh của VN khác những nước tiên tiến rất nhiều, GDP của họ cao, họ có lý để bắt sinh viên lãnh một phần trách nhiệm tài chính cho việc học hành, họ không có vấn đề với trình độ của sinh viên học sinh… Còn ở VN, GDP thấp, cơ chế chung và cơ chế cho giáo dục bất cập, vẫn đang loay hoay đi tìm, chưa có một giải pháp giáo dục nào cụ thể để cải tiến trình độ sinh viên, cử nhân, tiến sĩ…

Trong khi đó không khó để nhận bắt những ưu thế từ những chương trình của các nước tiên tiến, người viết có cảm tưởng là những người đương quyền giàu về vật chất nhưng nghèo về kiến thức, có cái máu muốn làm lạ, lấy dân làm chuột bạch, hứng chí thi nhau đưa ra đổi mới này cải cách nọ nhưng thực chất chỉ tốn kém, gây xáo trộn, chẳng đem lại kết quả nào. Sinh viên nhìn chung vẫn kém cỏi, thậm chí cử nhân, GS, TS cũng bày biện những kém cỏi này trong mỗi lần phát biểu, tham luận; đất nước vẫn tối tăm, tồi tàn. Chẳng nói thì ai cũng rõ: VN có số cử nhân, GS,TS cao nhất thế giới so với dân số, nhưng chưa có một công trình phát minh nào được thế giới đăng kiểm từ VN. Chúng ta nghĩ gì?

Người viết hạn chế bài này ở đây. Xin nói tóm lại, nếu muốn đất nước phát triển, “trận đánh lớn” của giáo dục không gì khác hơn sẽ là:

Ø Đưa ra tiêu chí hoạt động rõ ràng cho giáo dục.

Ø Thay đổi hệ thống giáo dục, người viết sẽ đưa ra trong thời gian sắp tới một vài mô hình mà một số nhà nước tiên tiến đã áp dụng thành công.

Ø Tổ chức, sắp xếp lại nhân sự phù hợp với tài năng, phù hợp với vị trí.

Ø Khuyến khích việc tự quản và tự chủ của các cơ sở giáo dục, nhưng cũng ràng vào trách nhiệm liên đới, tiêu chuẩn không phải là “doanh thu” mà sẽ là “lợi nhuận”, tạo ra thu nhập thêm, bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ø Rà soát lại ngân sách và tài trợ tương ứng cho nhu cầu cải cách.

Ø Tăng lương phù hợp cho các thầy cô, các nhà khoa học có thực tài được sử dụng

Ø Đầu tư cho giáo dục từ tiểu học đến đại học, thay vì tăng học phí nói chung.

Ø Tránh để cho chất xám rơi vãi trên vỉa hè (cấp 1), ngoài đồng (cấp 2), và ở các nơi lao động rẻ tiền (cấp 3).

Ø Nghiên cứu lại một cách khoa học chương trình giáo dục ở các cấp, không tiếp tục lấy thêm một thế hệ nữa làm chuột bạch. Dùng biện pháp hữu hiệu gắt gao diệt mua bằng giả, mua quan bán chức. Nâng cao chất lượng sinh viên ra trường.

Ø Nghiên cứu cải thiện môi trường sinh sống ăn học của sinh viên học sinh, nhất là các sinh viên nghèo từ quê lên.

Ø Và điều quan trọng: Giải toả áp lực chính trị vào học đường.

Cơ bản là thế có đúng không thưa các nhà khoa học?!

Đ.P.

___________

[1] http://boxitvn.blogspot.de/2015/08/giao-duc-voi-hoc-phi-va-nha-nuoc-voi.html

[2] http://data.worldbank.org/indicator/SE.XPD.TOTL.GD.ZS

[3] https://www.danluan.org/tin-tuc/20150817/truong-nhan-tuan-co-nhieu-that-bai-do-minh-nhung-cung-co-rat-nhieu-that-bai-den-tu

Tham khảo:

http://nces.ed.gov/fastfacts/display.asp?id=372

http://www.iie.org/Services/Project-Atlas/United-States/International-Students-In-US

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn