Bản Lên tiếng về vụ sát hại em Đỗ Đăng Dư của các Tổ chức Xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam

Kính gởi

- Toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước

- Các Chính phủ dân chủ năm châu, các Tổ chức Nhân quyền quốc tế

- Các cơ quan báo chí hoàn vũ và những người thiện chí.

          Hồi tháng 3 năm nay, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm đã báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội là từ tháng 10-2011 đến tháng 9-2014, có 226 công dân chết tại nhà giam giữ, trại tạm giam của công an trên cả nước (con số thực chắc cao hơn nhiều). Ngoài ra, việc giải quyết các trường hợp chết oan vì tay công an như ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội, anh Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, anh Ngô Thanh Kiều tại Phú Yên, cháu Tu Ngọc Thạch ở Khánh Hòa v.v… đã không hề theo pháp luật văn minh quy chuẩn.

          Công luận quốc dân và quốc tế chưa hết bàng hoàng và phẫn nộ trước các sự kiện quái đản ấy, thì xảy ra vụ việc em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, thuộc thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), bị đánh trọng thương trong trại tạm giam số 3 Xa La (Hà Đông) rồi chết thê thảm tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Theo sự cung cấp tin tức từ báo lề dân và sự phân tích tin tức của báo lề Đảng, thì trong vụ việc này, việc chà đạp công lý pháp luật đã tới tột cùng và thói tàn nhẫn vô nhân đạo đã đến đỉnh điểm.

          Do đó chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự độc lập VN, nhận định như sau:

          1- Ngày 05-08-2015, do bị tình nghi đã lấy trộm chưa tới 2 triệu đồng của nhà hàng xóm nên Đỗ Đăng Dư đã bị công an xã Đông Phương Yên tiến hành bắt giữ (dẫu gia đình đã xin bồi thường), sau đó chuyển lên công an huyện Chương Mỹ. Từ đó gia đình không hề nhận được bất kỳ thông báo, hay lệnh tạm giữ tạm giam nào cũng như không được gặp mặt Đỗ Đăng Dư.

          Một nhóm luật sư, đứng đầu là luật sư Ngô Ngọc Trai, đã đặt vấn đề: với tuổi vị thành niên, với tội trộm cắp vặt, dựa vào điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự và điều 138 Bộ luật Hình sự, em Dư có đáng bị bắt và tạm giam không? Ngoài ra, quy định nào cho phép công an bất cần thông báo bằng văn bản cho gia đình và cấm cản gia đình thăm gặp?

          2- Ngày 04-10-2015, một công an tên Dũng (quản giáo trại tạm giam) đã gọi điện yêu cầu gia đình đến bệnh viện Hà Đông thăm Dư. Sau khi nhận 500.000 đồng lót tay của bà Đỗ Thị Mai (mẹ nạn nhân), công an Dũng mới cho vào và nói với bà: “cháu Dư bị tiêu chảy(!?)”. Phần bà thì thấy con mình nằm dưới đất, tay bị xích, chân bị cùm.

          Một ngày sau, Đỗ Đăng Dư được đưa vào bệnh viện Bạch Mai. Công an cho biết em bị suy nhược cơ thể. Phần bà Mai thì thấy con trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, thân thể sưng phù với nhiều vết bầm tím. Suốt thời gian Dư nằm điều trị, gia đình và thân nhân liên tiếp gặp phải sự sách nhiễu, bó buộc giữ kín thông tin về tình trạng của em, không được chia sẻ cho các trang mạng xã hội lẫn giới hoạt động nhân quyền, cũng chẳng được quyền túc trực để chăm sóc nuôi bệnh. Công an sắc phục, thường phục có mặt dày đặc tại chỗ để ngăn chặn việc đưa tin, chụp ảnh. Phần bệnh viện thì cho biết nội tạng của Dư đã hỏng hết, não phù nề, nhưng có lúc lại để kiến bò nhung nhúc lên em.

          3- 19g ngày 10-10-2015, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thông báo cùng gia đình rằng Dư đã chết và ngay lập tức được chuyển xuống nhà xác. Em đã qua đời trong cô đơn, đớn đau, tức tưởi vì không có sự chứng kiến của thân thuộc. Mẹ và anh chị nạn nhân chỉ biết gào khóc sau cánh cửa khóa chặt của nhà xác bệnh viện. Công an thì nhẫn tâm im lặng hoàn toàn. Hôm sau, cuối cuộc thảo luận với họ, gia đình và luật sư đã nhờ tới pháp y quân đội. Sau gần 4 tiếng mổ xẻ và khám nghiệm tử thi, biên bản pháp y chỉ ghi lại các dấu thương tích bên ngoài, chứ không ghi lại các dấu thương tổn ở não và nội tạng, mặc dù não bị phù nề do chấn thương, khiến cho luật sư nhân chứng từ chối đồng ký tên vào (sau đó ông có thông báo cho công luận). Phải chăng công an cố tình che giấu nguyên nhân dẫn đến cái chết oan khuất của Dư, vì ngay cả biên bản pháp y cũng bị họ toa rập với quân đội che đậy và đánh tráo?

          4- Lúc này, báo chí nhà nước mới lên tiếng. Tờ An ninh Thủ đô số ra ngày 11-10 nói rằng Đỗ Đăng Dư đã bị một người cùng buồng giam hành hung. Đây cũng là một trẻ vị thành niên tên Vũ Văn Bình. Bình đánh Dư chỉ vì “tội” không rửa bát dĩa sạch(!?). Bài báo còn sốt sắng cho biết mọi diễn tiến, công an huyện Chương Mỹ đều báo cáo với công an Hà Nội và Bộ Công an. Đặc biệt Bộ trưởng Trần Đại Quang – dù đang bận tham dự Hội nghị lần thứ 12 Trung ương Đảng – cũng lập tức chỉ thị điều tra vụ em Dư bị đánh chết, còn Giám đốc Công an Hà Nội thì đề nghị khẩn trương làm sáng tỏ vụ việc, theo kiểu “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”! Đài truyền hình và nhiều tờ báo quốc doanh khác cũng đưa ra một bản tin giống nhau và một luận điệu tương tự.

          Nhiều nhà phân tích, đặc biệt nhiều người từng trải qua trại tạm giam và nhà tù đều nhận xét bản văn báo chí có dạng một kịch bản dàn dựng, mang tính lèo lái dư luận, giọng điệu hết sức đểu giả, chứa nhiều điều phi lý mâu thuẫn, tạo ra một con dê tế thần để che đậy bàn tay tội ác và che giấu thủ phạm đích thực là công an. Trùm dư luận viên còn ngụy biện rằng đó chỉ là một tai nạn y như tai nạn giao thông, xảy ra do sự bất tuân thủ kỷ luật an toàn(?!)

          5- Chưa chịu buông tha, sau khi Dư đã được chôn cất, lực lượng công an mặc thường phục vẫn thường xuyên rình rập nhà em để khủng bố gia đình và khách viếng, chà đạp nỗi bất hạnh của tang gia. Đỉnh điểm là sáng ngày 16-10, khi 26 nhà hoạt động xã hội và dân oan nhiều tỉnh đến chia sẻ niềm đau với gia đình và thắp hương cho kẻ xấu số, khoảng 10 công an xã Đông Phương Yên và huyện Chương Mỹ mặc thường phục xông vào gây rối, chửi bới và đánh đập họ. Quá căm phẫn trước hành vi độc ác, bất chấp lễ nghĩa của đám côn đồ này, cha mẹ em Dư đã  phải đuổi chúng ra ra ngoài trong tiếng gào khóc đớn đau uất hận. Thế mà bọn chúng từ ngoài đường vẫn chửi vào những người đến thắp hương là “phản động, phản quốc, bán dân, bán nước”, còn mai phục ở bãi đổ xe để tiếp tục đánh ông Trương Văn Dũng khi ông ra về.

          6- Cũng trong cùng ngày, bà Đỗ Thị Mai đã viết đơn gửi "Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc", yêu cầu cơ quan này vào cuộc để làm sáng tỏ trước quốc tế cái chết đầy uẩn khúc của con bà và tìm ra kẻ thủ ác trực tiếp, vì gia đình bà không tin rằng Dư đã bị bạn tù sát hại. Đơn kêu oan viết bằng máu của một con người này cho thấy gia đình nạn nhân (và có lẽ của mọi gia đình gặp nạn tương tự) xem hệ thống tòa án tại Việt Nam như không hiện hữu, xem bộ mặt công lý của chế độ chỉ là trò hề, xem chữ ký vào Công ước Cấm tra tấn và cái ghế Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam chỉ là màn lừa gạt, nên chẳng lạ gì khi chỉ vài hôm sau, công an lẫn Chính quyền đã đích thân tới gia đình nạn nhân để yêu cầu rút lại lá đơn đó và hứa sẽ bồi thường ít nhiều, bằng không sẽ chẳng có một xu bạc, thậm chí chính gia đình nạn nhân có thể sẽ bị sách nhiễu và có thể tù tội tiếp không chừng (như trong vụ cháu Tu Ngọc Thạch). Đây lại thêm một trò lăng nhục công lý, vì xét theo phương diện hình sự, thủ phạm phải bị truy tố, và xét theo phương diện dân sự, nạn nhân phải được đền bù.

          7- Nhận thấy đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự và là tội phạm diễn ra trong hoạt động tư pháp, nhóm luật sư bênh vực công lý nêu trên đã dựa vào điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự và điều 296 Bộ luật Hình sự, để yêu cầu chính các cơ quan hữu trách của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải đích thân điều tra vụ việc.

          Nhưng với hệ thống chính trị bất phân lập tam quyền và với hệ thống tư pháp thường thấy có sự toa rập giữa công an, kiểm sát và quan tòa như hiện nay, có hy vọng gì sự thật sẽ được sáng tỏ và công lý sẽ được thực thi. Ngay hai án tử hình cho Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải mà công luận thấy là oan ức và đã được trao cho Quốc hội để tái xem xét, thì tới nay –sau hơn một năm- vẫn trong tình trạng dẫm chân tại chỗ!

          Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự độc lập VN, khẩn thiết kêu gọi:

          1- Thưa quốc dân đồng bào, lại thêm một oan hồn nữa cảnh báo chúng ta: Hôm qua, hôm nay là chúng tôi, ngày mai có thể là con là cháu, là chồng là vợ, là cha là mẹ, là anh là em hoặc chính bản thân quý vị sẽ rơi vào trường hợp oan khuất ấy, nếu như tất cả vẫn tiếp tục lặng thinh, lo cho cái tổ của chính mình, mặc kệ cái ác cái xấu ngang dọc tung hoành trên đất nước, mặc kệ bạo quyền tà lực  tác oai tác quái trong xã hội suốt 7 thập niên qua. Dân tộc chúng ta đã sống chung với tội ác lâu quá rồi đến mức chẳng còn nghe thấy gì nữa, đang chìm trong giấc ngủ mê giữa ban ngày và rất cần được những oan hồn đánh thức. Bởi lẽ tội ác không được phép quên lãng và bạo quyền không được phép tồn tại.

          2- Hỡi Đảng Cộng sản, Bộ Chính trị và Bộ Công an, từ ngày các người du nhập thứ học thuyết Mác-xít ngoại lai, toàn thể dân tộc đã bị đem ra làm vật thí nghiệm thê thảm; từ ngày các người đưa ra chiêu bài “giải phóng” lường gạt, hàng triệu đồng bào VN đã phải mất mạng vô ích; từ ngày các người chủ trương xây dựng một thứ Xã hội chủ nghĩa không tưởng, trọn vẹn đất nước càng thêm suy thoái tụt hậu, vô số dân lành sống trong điêu linh chết trong khốn khổ. Nhưng máu các nạn nhân của bạo quyền không ngớt kêu oan tới trời và rền vang trong lịch sử, và chẳng có tội ác nào mà không sớm muộn sẽ bị trừng phạt, các người hãy nhớ lấy!

          3- Nhà cầm quyền VN hãy mau chóng tiến hành việc cải cách tư pháp: quyền im lặng phải được quy định, việc lấy lời khai bị can phải có luật sư tham gia, phòng giam giữ và phòng hỏi cung phải lắp máy ghi âm ghi hình, toàn thể các trại tạm giam và trại giam phải giao về cho Bộ Tư pháp và 3 thẩm quyền điều tra, công tố, xét xử phải hoàn toàn độc lập.

          Làm tại Việt Nam ngày 24-10-2015

          Các tổ chức xã hội dân sự đồng ký tên

1- Bạch Đằng Giang Foundation. Đại diện: Thạc sĩ Phạm Bá Hải.

2- Ban Chấp hành Khối Nhơn sanh Đạo Cao Đài. Đại diện: Các Chánh trị sự Võ Văn Quang, Trần Quốc Tiến, Trần ngọc Sương.

3- Ban Đại diện Khối Nhơn sanh Đạo Cao Đài. Đại diện: Các Chánh trị sự Hứa Phi, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Bạch Phụng.

4- Defend The Defenders website. Đại diện: Ông Vũ Quốc Ngữ.

5- Diễn đàn Xã hội Dân sự. Đại diện: Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

6- Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại diện: Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa.

7- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý. Đại diện: Chánh thư ký Lê Quang Hiển.

8- Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo VN. Đại diện: Ông Nguyễn Bắc Truyển

9- Hội Bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Thị Vân.

10- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng.

11- Hội Cựu Tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bs Nguyễn Đan Quế và Lm Phan Văn Lợi.

12- Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam. Đại diện: Cô Huỳnh Thục Vy, Bà Nguyễn Thị Hài, Bà Trần Thị Nga.

13- Hội thánh Tin lành Chuồng bò. Đại diện: Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng.

14- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.

15- Mạng lưới Blogger Việt Nam. Đại diện: Cô Nguyễn Thị Hợi.

16- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải.

17- Phòng Công lý Hoà bình DCCT Sài Gòn. Đại diện: Linh mục Đinh Hữu Thoại.

Sài Gòn báo. Đại diện: Linh mục Lê Ngọc Thanh.

18- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Đại diện: Hòa thượng Thích Không Tánh.

clip_image001

   

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn