Chuyên gia quốc tế vạch ý đồ của Trung Quốc khi xây dựng hải đăng ở Trường Sa

Dân trí- Các chuyên gia quốc tế nhận định, việc Trung Quốc xây 2 ngọn hải đăng phi pháp ở Trường Sa là một động thái nguy hiểm nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

clip_image002

Một trong số 2 ngọn hải đăng phi pháp của Trung Quốc (Ảnh: CCTVNEWS)

An Bình

Trong tương lai, khi Mỹ điều tàu chiến áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, các sĩ quan trên tàu sẽ phải cân nhắc ứng phó ra sao với 2 ngọn hải đăng phi pháp mà Bắc Kinh mới khánh thành tại quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng này.

Chuyên gia quốc tế nói gì?

Giới chức Trung Quốc bao biện rằng các ngọn hải đăng trên bãi Châu Viên và Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa sẽ trợ giúp tìm kiếm và cứu hộ hàng hải, an ninh biển và giảm nhẹ thảm họa.

Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà ngoại giao và chuyên gia hải quân nước ngoài cho rằng 2 ngọn hải đăng cho thấy một động thái tinh vi của Trung Quốc nhằm trợ giúp các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Mặc dù Hải quân Mỹ và các nước khác phần lớn dựa vào các thiết bị điện tử để xác định vị trí tàu của họ nhưng các ngọn hải đăng vẫn được sử dụng trong một số trường hợp.

Bất kỳ hành động nào nhằm sử dụng hải đăng có thể rơi vào một chiến lược “nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bằng cách buộc các nước khác phải công nhận chủ quyền của Bắc Kinh”, ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho hay.

“Nếu tàu hải quân và các tàu khác từ các nước khác, trong đó có Mỹ, buộc phải sử dụng chúng, điều đó có thể hiểu là sự công nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc”, ông Storey nói thêm.

Trevor Hollingsbee, một nhà phân tích tình báo hải quân về hưu tại Bộ Quốc phòng Anh, cho rằng việc xây dựng các ngọn hải đăng trên các bãi ngầm cải tạo là một động thái “nguy hiểm” của Trung Quốc.

“Việc sử dụng hải đăng đang giảm dần khắp thế giới, nhưng luôn có những lúc không tránh được việc dùng nó, và điều đó cũng không phải là ngoại lệ ở Biển Đông”, ông Hollingsbee nói.

Việc tham khảo các ngọn hải đăng nhiều khả năng sẽ khiến chúng lọt vào các lộ trình đi biển quốc tế, sổ ghi chép và nhật ký của hải quân các nước. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc xây dựng hiệu quả bức tranh chiếm đóng hợp pháp về lâu dài dù có gặp phải bất kỳ sự phản đối ngoại giao chính thức nào từ các bên cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Các ngọn hải đăng củng cố chiến lược của Bắc Kinh nhằm dần “thay đổi hiện trạng trên vùng biển này”, ông Storey nhấn mạnh.

Giới chức hải quân phương Tây, cả đương nhiệm và về hưu, đều nói rằng sự ra đời của các thiết bị định vị điện tử hiện đại, trong đó có hệ thống GPS của Mỹ, đồng nghĩa với việc vai trò của các ngọn hải đăng bị giảm đi đối với tất cả các loại hình đi biển.

Nhưng đi vào bên trong vùng vài km quanh các thực thể trên biển như các bãi ngầm, hoặc khi các thiết bị điện tử bị trục trặc, các tàu phải dựa vào hải đăng để xác định vị trí.

Mỹ khẳng định không ảnh hưởng

Trung Quốc đã cải tạo 7 bãi ngầm tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông trong 2 năm qua. Các đường băng và các cơ sở khác mà Trung Quốc đang xây dựng trên đó đã khiến Mỹ và các nước khác trong khu vực lo ngại bởi Bắc Kinh có thể sử dụng các công trình đó cho phục đích quân sự.

Mỹ nhiều lần khẳng định không công nhận bất kỳ tuyên bố lãnh hải nào của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo được xây dựng trên các khu vực trước kia là bãi ngầm.

Giới chức Mỹ không xác nhận hay phủ nhận các nguồn tin nói rằng Hải quân Mỹ sẽ sớm tiến hành các hoạt động tự do hàng hải bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi được hỏi về các thông tin này hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter nói Mỹ sẽ hoạt động ở bất kỳ đâu miễn là luật pháp quốc tế cho phép.

Sĩ quan chỉ huy Bill Clinton, một phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Mỹ, không nói chi tiết trong trường hợp nào thì các tàu nước này sẽ sử dụng các hải đăng của Trung Quốc. Nhưng quan chức này khẳng định chúng “không ảnh hưởng tới khả năng của Hạm đội 7 trong việc hoạt động tại các vùng biển quốc tế ở Biển Đông”.

Trung Quốc mới đây đã đổi giọng, tìm cách giảm căng thẳng với các quốc gia Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh còn nói rằng các đảo nhân tạo “sẽ không ảnh hưởng tới tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Ông Gary Roughead, cựu tham mưu trưởng hải quân Mỹ, cho biết tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn ở Bắc Kinh mới đây rằng quy mô các cảng và sân bay mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa đã gây ra những lo ngại chính đáng.

“Tôi không nhìn thấy các khách du lịch tới thăm những địa điểm xa xôi như vậy”, ông Roughead nói.

A.B

Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/chuyen-gia-quoc-te-vach-y-do-cua-trung-quoc-khi-xay-dung-hai-dang-o-truong-sa-20151018163352199.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn