Người quyết định “thực đơn”

Hạ Đình Nguyên

Hóng tin về hội nghị Trung ương Đảng 13, rồi 14, và 1 ngày trù bị, Đại hội 12 đang bắt đầu, cơ man là tin tức tấp nập, sốt dẻo, đồn đoán của các phe nhóm làm cát bụi bay mù, không còn biết rõ đâu là bộ mặt thật của các nhân vật trong “kịch bản”, mà kịch bản cũng không kém phần bí mật và bất ngờ! Đặc biệt là nhân vật chính, ông Tổng Bí thư, người quyết định thực đơn cho đại tiệc!

Tôi lại nghĩ đến việc chọn món ăn trong một quán nhậu.

Thông thường thì mọi người đều hỏi ý nhau là chọn món gì, luôn có sự tương nhượng để có đồng thuận. Cái đó cũng có thể nói là tinh thần “dân chủ” hoặc là một nét văn hóa trong ăn uống, nó có cái đẹp của tinh thần dân chủ và tính cộng đồng. Không ai ham ăn đến độ tự mình quyết định gọi tất cả món mà mình ưa thích, hoặc cố mánh mung để làm cái việc ấy.

Việc Đại hội Đảng 5 năm một lần, để bầu người đại diện lên nắm vai trò lãnh đạo quốc gia, thế mà người dân Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ làm Cách mạng hay theo Cách mạng (!) chưa từng được tham gia cái gọi là bầu người đại diện cho mình, dù một lần. Các vị lãnh đạo tối cao và cận tối cao ấy như từ bóng tối chui ra, như từ đất trồi lên, như từ trời rơi xuống, nói chung là rất bất thình lình. Như ông Nông Đức Mạnh, ông Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Phú Trọng… Ai giỏi lắm, không tính là người địa phương, thì hầu hết chỉ biết cái tên, và biết ông ta làm chức quan gì đó ở một nơi xa…

Họ không phải là người của công chúng, họ là người thuộc về Đảng, là chuyện của bí mật, bất ngờ. Không phải do người dân dốt nát đền nổi không biết, mà do họ không có quyền bầu, như một người ngoài cuộc, nên không quan tâm. Họ phải ăn cái món bắt buộc hơn nửa thế kỷ nay do người cầm đầu quyết định, dù không hợp khẩu vị hay trái tì vị, thí dụ thấy khét, hôi, hay nhiễm chất độc Trung Quốc chẳng hạn, cũng phải ráng ăn, vì cái tội là họ không ham quyền lực.

Lần này, không chỉ là nhân dân – đương nhiên rồi – mà cả 1510 đại biểu cả nước của Đảng, về Ba Đình trẩy hội, chẳng lẽ nào cũng phải “nhai nuốt” cái thực đơn do một người quyết định, là ông chủ tiệc Nguyễn Phú Trọng, với cái quyền là Tổng Bí thư?!

Nhưng tình huống hiện nay đã đổi khác.

Dân chúng rất quan tâm, và thực khách của đại tiệc không ngoan như thuở nào, để chịu cảnh hữu danh vô thực, bảo gì làm nấy, đâu đặt ngồi đấy như con gái ngày xưa đi lấy chồng, may nhờ tủi chịu.

Cái thực đơn ấy bây giờ thì mọi người đều rõ vì ông ấy đã bày lên bàn:

(Trọng – Phúc – Quang – Ngân).

Nghe nói, thực khách không thỏa mãn các món ăn tiền định ấy, nhất là cái món chủ lực gọi tên là Tổng Bí thư, nên đòi gọi thêm món. Món gọi thêm thì ông chủ tiệc giữ kín, làm thinh, chỉ nói lấp lửng, nửa vời: “Vâng, thực đơn ‘rất tập trung’!”. Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Dù sao, thực khách chẳng lẽ bỏ tiệc mà đứng dậy ra về, cũng tiếc mà cũng tức chăng?

Dù sao, tôi vẫn thấy tình hình chung là có tiến bộ, ở chỗ “dám gọi thêm”. Như trước đây thì đừng hòng! Ông chủ tiệc vặn cổ tức khắc, không cho nằm hầm thì cũng mò tôm thôi. Nhưng thời đại đã khác, cái tiến bộ ấy không phải do ông chủ tiệc “không có tham vọng quyền lực” làm ra, mà ngược lại là do khí trời đất tạo nên, không cưỡng nổi! Ban Chấp hành Trung ương chẳng lẽ tệ lắm sao!

Nghe nói, thực đơn mới cho món chủ lực được đưa ra là một dũng sĩ “một mình một ngựa” tình nguyện xung trận. Dũng sĩ ấy có ba đặc điểm nổi bật nhất, rất gây ấn tượng và cũng gây cười nhất:

- Là người Bắc (?)

- Có “lý luận” (!)

- Không có tham vọng quyền lực (!)

Và cả một giỏ “cần xé” đựng đầy những câu nói bất hủ khác, chưa từng có ở đâu: Chống tham nhũng phải có biện chứng. Đường Tăng thỉnh kinh mà còn phải hối lộ. Cuối thế kỷ, Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện chưa chắc đã hoàn chỉnh (2100 - 2014 = 86 năm nữa = nhà ngoại cảm xã hội chủ nghĩa). Mình thế nào người ta mới tiếp (chuyến đi châu Âu). Còn mình thế nào mà người ta không tiếp thì không nói (Tổng thống Brazin mời mà không tiếp vì bài “nói phét”của chàng ở Cuba). Biển Đông vẫn bình yên nên ta mới ngồi đây bàn chuyện đại hội Đảng, v.v. Và những hành vi độc đáo khác: Hai mươi cú điện thoại nóng mà bỗng dưng bị nguội vì Tập không bắt máy. Được Tổng Thống Obama tiếp ở cái phòng mà Điếu Cày từng ngồi trước đó và vẫn vô cùng hả hê!). Nhưng hành vi quan trọng nhất là suốt thời gian Trung Quốc xâm lược biển, đảo Việt Nam và áp bức bắn giết ngư dân, ông chưa một lời nào“mích lòng” Tập. Lại được Tập an ủi bằng 21 phát đại bác chào mừng lừa mị, là rất hả dạ. Người ta nghĩ đến cái từ bình yên, ổn định thốt ra từ ông ấy đồng nghĩa với bãi tha ma mà quân dân đã nằm xuống ở rừng, ở biển.

Suốt nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, và ngay từ khi nhận chức, ông đã dồn mọi tâm huyết vào nỗ lực chính, là cố triệt hạ cho được một người, thông qua kịch bản “đã hổ diệt ruồi” giống y Tập Cận Bình, với khẩu hiệu chống tham nhũng, ông ta đã rất kiên trì, dai dẳng như đối với một thứ kẻ thù truyền kiếp. Nhưng rồi ông này biến thành “đồng chí X”, như ẩn số của một phương trình toán học, lại gây cười cho bàn dân thiên hạ về chính nhóm tác giả viết và diễn kịch bản.

Suốt nhiệm kỳ 5 năm, ông không để lại một sách lược chiến lược nào cho quốc kế dân sinh, từ chống ngoại xâm đến phát triển kinh tế, chỉ có một số lý luận vẩn vơ mà ông rất tự hào, và việc “chống đồng chí X” tỏ ra là cụ thể nhất, toàn tâm, toàn ý và cũng lôi cuốn được một số người ăn theo. Để làm được việc này, ông đã trải qua những tháng ngày trăn trở toan tính, nhưng dứt khoát, như ông nói không vì có tham vọng quyền lực, mà chỉ một lòng muốn làm Tổng Bí thư thêm một thời gian nữa, nửa nhiệm kỳ cũng được. Hiện tượng và bản chất như một cặp song sinh.

Không cần nhớ hết những điều về ông Nguyễn Phú Trọng. Đúng chuẩn, là “người miền Bắc, có lý luận, và không có tham vọng quyền lực”, thế mà quyền lực cứ lù lù tiến tới, trong mọi thứ mưu kế của bóng đêm. Người ta gọi là Lú, là nói về mặt thiện tri thức, chứ nó đầy ắp về mặt bất thiện tri thức.

Giá như tôi mà dự tiệc, thì dứt khoát tôi không ghé đũa vào nhân vật tự cho là mình “không ham quyền lực”, cũng mong là món ấy sẽ còn nguyên, chỉ dành riêng cho các chị phục vụ mang về.

Có thể bản thân ông Trọng trở thành một đề tài nghiên cứu hấp dẫn, điển hình, dành cho giới nghiên cứu sinh, nghiên cứu về một Tổng Bí thư đặc biệt, hiếm có của Đảng Cộng sản Việt Nam ở giai đoạn đầu của thế kỷ 21, và cũng sẽ là trường hợp duy nhất trong suốt thế kỷ này. Một con người đặc biệt như thế, lại có thể đứng đầu một cái đảng có lịch sử đầy máu lửa như Đảng Cộng sản Việt Nam? Từ đó câu hỏi chuyển sang cho chính cái đảng ấy, và tiếp theo là cái dân tộc đã sản sinh ra nó: Lẽ nào Việt Nam là một dân tộc có tính lệ thuộc và không đủ tầm vóc để có một tư duy độc lập? Chỉ biết làm sát thủ Kinh Kha theo lệnh của thằng nhóc Thái tử Đan? Vậy thì làm sao có thể giải thích được Lịch sử tồn tại của một dân tộc?

Còn bảy lần mặt trời mọc nữa là Đại hội 12 kết thúc. Và điều gì xảy ra sau cuộc “đại tiệc đầu người” ấy? Không khí vẫn oai bức của buổi giao mùa mà quyền lực đen và mệnh lệnh hành chánh không thể nào cản được.

Tâm trạng chung của người dân đều mong muốn một sự đột biến, đảo ngược. Bất kể là ai, ngoài ông ấy.

Nếu chẳng may vận nước quá xui, xảy ra sự “lên ngôi” một lần của ông Trọng, một cách nhìn khác có thể xem đó là điều tích cực, bởi nó thúc đẩy lịch sử nhanh hơn trong quá trình tiến tới, như trong Kinh Dịch nêu: “Vật cùng tắc biến. Biến tắc thông”. Cái “cùng” là đỉnh điểm của sự suy thoái, cũng là điểm chín mùi cho sự chuyển biến. Ông Trọng còn, là Đảng biến dạng, nó mở đầu một cục diện mới có tính triệt để hơn. ./.

H. Đ. N.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn