Thảo Vân và Nghị Lực Sống: Có Một Không Hai

Phùng Liên Đoàn(1)

clip_image001[1]

Thảo Vân với nụ cười thật hiền. Ảnh: Dân Việt 12-4-2015

Nhân GS Nguyễn Huệ Chi chuyển cho tôi xem trước bài viết của bạn Ngô Thị Hồng Lâm về “Gặp gỡ người con gái khuyết tật đầy nghị lực” tại Hà Nội, tôi xin viết thêm về hiện tượng “có một không hai” này, ở Việt Nam và có thể cả trên thế giới!

Tôi chưa gặp Thảo Vân lần nào mà chỉ biết qua thư tín và tin tức trên báo chí. Qua thư tín vì tôi có một chương trình cá nhân, bỏ tiền riêng dành dụm cả đời để cộng hưởng với những người đang giúp người Việt kém may mắn để cùng làm được nhiều hơn, tốt hơn. Không hiểu qua móc nối nào, có thể nhờ tài tìm kiếm trên Internet, Thảo Vân gửi thư cho tôi năm 2014 đề nghị “cộng hưởng”. Tôi đọc đơn của Thảo Vân mà cứ tưởng như đọc một chuyện bịa. Một phụ nữ sinh ra đã bị nạn chân tay không phát triển từ tấm bé, vậy mà đã theo hết lớp 12 tại vùng quê Nghệ An thiếu thốn đủ bề, sau đó tự học để thâu tóm được kiến thức không thua gì các người ra trường với bằng cử nhân, thạc sĩ. Cứ xem Thảo Vân nói tiếng Anh (tự học) thì rõ người phụ nữ này có kiến thức rất chuẩn về Anh ngữ. Cứ xem cách cô lướt Internet, lập trình hạch toán bằng phần mềm Excel, thì rõ người phụ nữ này đáng làm chuyên viên mở lớp dạy về tin học. Không những thế, Thảo Vân còn có tài điều khiển và ngoại giao, vì thế mới cáng đáng nổi chức Giám đốc “Trung tâm Nghị lực sống”, một trường dạy nghề cho người khuyết tật do chính cô và người anh cũng khuyết tật (nay đã quá cố) lập ra, trước là ở Nghệ An, sau chuyển ra Hà Nội. Trung tâm đã đào tạo được hơn 700 học viên có nghề IT (tin học) và 80% đã tìm được việc làm ổn định. Thật có một không hai!

Còn hơn thế nữa. mời các bạn xem đoạn youtube dưới đây để biết người phụ nữ ngồi bẹp trên xe lăn này xuất hiện trên chương trình TED (một chương trình phổ biến những trường hợp đáng ghi nhớ trên thế giới, đã từng ghi danh nhiều vị nguyên thủ quốc tế, nhiều doanh thương tỉ phú, nhiều ngôi sao màn bạc, nhiều vị có giải thưởng Nobel). Tôi ở Mỹ đã 50 năm, thấy mình và nhiều người Việt nói tiếng Anh trên TV không rõ ràng và tự tin như Thảo Vân. Thật có một không hai!


https://www.youtube.com/watch?v=GOcN0Mp8eQw&feature=youtu.be

Và sau đây là chuyện mới xảy ra vài tháng trước: Thảo Vân đã cộng tác với bạn bè tại Hà Nội, kể cả các bạn tại các Đại sứ quán ngoại giao như Úc và Ý, lập ra cuộc trình diễn thời trang cho người khuyết tật. Thật có một không hai!

http://giaitri.vnexpress.net/photo/lang-mot/nguoi-khuyet-tat-trinh-dien-thoi-trang-o-ha-noi-3316147.html

clip_image002[1]

Còn nữa, Thảo Vân đã không chùn bước ngồi “ăn vạ” hơn 7 giờ tại phi trường Đà Nẵng khi VietJet từ chối không cho cô lên máy bay về Hà Nội, mặc dầu hôm trước cũng VietJet đưa cô từ Hà Nội đi Đà Nẵng. Lý do họ đưa ra là Đà Nẵng không có “ống” đưa hành khách từ nhà chờ lên thẳng phi cơ và Thảo Vân không báo trước là cô không thể đi bằng chân của chính mình (Ai cũng biết, Việt Nam mình tài, có thể khiêng xe lăn của cô lên cầu thang phi cơ, cũng như hôm trước người ta khiêng cô xuống!) Ngang ngược hơn nữa, hai nhân viên của VietJet còn nói vé của Thảo Vân do VietJet Hà Nội cấp, vì thế cô phải làm việc với Hà Nội. Sau khi được bay về Hà Nội trên Vietnam Airline vào 12 giờ đêm, Thảo Vân đã đưa sự kiện bị nhân viên VietJet bạc đãi lên Facebook vì cô đã ghi được tất cả các hành xử của nhân viên VietJet. Sự kiện đã nổi bật thành một xì-căng-đan, nhiều cơ quan chức năng can thiệp, đòi hỏi VietJet xin lỗi Thảo Vân và phạt hai nhân viên kia mỗi người 5 triệu. Được “bồi thường vé máy bay” nhưng Thảo Vân viết, “cháu không nhận chú ạ!” 10 triệu tiền phạt kia để đâu thì chỉ có nhân viên chức năng biết! Hơn 20 bài báo và TV đã phúc trình về sự kiện này, bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Vài ví dụ:

http://www.doisongphapluat.com/cong-dong-mang/vietjet-air-tu-choi-van-chuyen-nguoi-khuyet-tat-a89649.html

http://www.baogiaothong.vn/chuyen-khong-ai-muon-d101240.html

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20150403/vietjet-khong-cho-nguoi-khuyet-tat-vi-pham-cong-uoc-quoc-te/729215.html

http://english.thesaigontimes.vn/40274/VietJetAir-refusal-to-carry-disabled-passenger-sanctioned.html

http://vietnamnews.vn/society/268711/airports-urged-to-obtain-ambulifts.html

http://www.dtinews.vn/en/news/017002/39310/airports-urged-to-obtain-ambulifts.html

Thật là có một nhưng chắc còn nhiều hai tại Việt Nam.

Không những thế, khi nghe tin nhiều tỉnh thành xin ngân sách xây tượng đài, như tại Sơn La, Thảo Vân đã xuống đường cầm biểu ngữ tự tạo: “Tôi không muốn thấy tượng đài ở khắp mọi nơi. Tôi muốn có các công trình công cộng tiếp cận cho người khuyết tật!”

clip_image004[1]

Thảo Vân đã rất chật vật trong việc tìm trường sở cho “Trung tâm Nghị lực sống”. Ở Hà Nội, một tấc đất là một tấc vàng, và tìm được người dung dưỡng thật tâm lâu dài cho người khuyết tật thì quả là hiếm. Có những năm phải thay đổi địa chỉ tới 6 lần vì chủ nhà họ ngại cho người khuyết tật thuê: họ sợ đen đủi, sợ không có tiền để trả, sợ mang bệnh tật vào nhà họ, sợ hàng xóm láng giềng dòm ngó! Thảo Vân tâm sự: “Bằng cấp bằng khen thì nhiều chú ạ, nhưng giúp đỡ vật chất cho trường cháu thì rất ít!” Thật có một không hai, và chỉ có ở Việt Nam!

Nhưng Thảo Vân vẫn lạc quan. Cô đã mua được một khu đất 250m2 tại Văn Giang, khu Ecopark. Thảo Vân đã nhờ bạn tại Úc và Hà Nội vẽ giùm nhà 3 tầng để làm trụ sở huấn luyện người khuyết tật! Tôi ở Mỹ không thể tưởng tượng nổi một trung tâm huấn luyện người khuyết tật lại phải thu nhỏ trong một khoảnh đất như vậy, không có thang máy. Tôi đề nghị bạn nào có “móc nối” giao thiệp với công ty quốc doanh gốm sứ Bát Tràng ngay cạnh Ecopark, xin mua “rẻ” một khu đất rộng hơn để giúp Thảo Vân xây “Trung tâm Nghị lực sống”.

Nhưng nói thì dễ, làm được mới khó.

clip_image006[1]Tôi viết bài này “thách đố” quí bạn của người khuyết tật tìm nơi cho “Trung tâm Nghị lực sống” phát triển mà không mỗi tháng phải dọn đi nơi khác. Tôi sẽ “cộng hưởng” một số tiền là 10,000 US$, số tiền tối đa tôi có sức trong lúc này. Thảo Vân cần 30,000 US$ mới xây nổi trung tâm có phương tiện tối thiểu. Xin đính kèm thư bên dưới.

Tôi mong người Việt khắp nơi nghĩ rằng: “Ta không làm thì ai làm?”. Thảo Vân đã làm một việc siêu việt. Chúng ta bắt tay giúp cho Thảo Vân thì không những là bây giờ đúng tình đúng lúc, mà còn là giúp cho cả hàng ngàn người khuyết tật trong nhiều chục năm tới (Theo thống kê, 6.5% trong số 90 triệu người Việt có khuyết tật này nọ!)

Xin viết thư về thaovan@nghilucsong.net, hoặc cho tôi, dlp.vasfcesr@gmail.com, hoặc cho bauxitevn@gmail.com. Hoặc cho cả ba!

P.L.Đ.

Phụ lục:

Ngày 20 tháng 1, 2016

Cô Nguyễn Thảo Vân, Giám Đốc

Trung Tâm Nghị Lực Sống

Phòng 602, Cao Tầng 7A, Bán Đảo Linh Đàm

Hanoi, Vietnam

RE: Thách Đố - Cộng Hưởng

Thân gửi chị Thảo Vân:

Tôi vui mừng được biết Trung Tâm Nghị Lực Sống đã thực hiện mỹ mãn thách đố trong năm 2015 của tôi với sự thâu nhận thêm học viên, chăm sóc ăn ở cho họ ngay tại chỗ, gửi họ đi khám sức khỏe, và tìm việc cho các học sinh ra trường.

Được biết một khó khăn lớn của Trung Tâm Nghị Lực Sống là phải thay đổi địa chỉ luôn vì không có hợp đồng thuê dài hạn, tôi đề nghị Thảo Vân tìm người giúp đỡ để mua đất xây trường. Tôi biết việc này ở Mỹ thì dễ nhưng ở Việt Nam thì không giản dị. Tuy nhiên ta không bắt tay vào làm thì không biết nó khó đến mức nào, và cũng không biết được những người bạn nào có thể giúp đỡ ta.

Vì thế, tôi thách Nghị Lực Sống thực hiện một phong trào đóng góp của bạn hữu và các tổ chức thiện nguyện giúp Nghị Lực Sống có trường học lâu dài bền vững. Tôi xung phong cộng hưởng các đóng góp đó, cứ một đồng thì thêm một đồng. Ví dụ, ông A đóng góp 100 US$ thì tôi sẽ cộng hưởng 100 US$, và cả 200 US$ đó đều nằm dưới tên ông A.

Vì tôi chỉ là một công dân về hưu, không phải là đại gia hoặc quan chức, tổng số tiền cộng hưởng của tôi tối đa là 10,000 US$.

Tôi tin rằng có một ngôi trường cố định như vậy sẽ giúp cho Nghị Lực Sống tránh phải đổi địa chỉ luôn, mà còn giúp được nhiều ngàn học viên khuyết tật trong nhiều năm tới.

Thân ái,

Phùng Liên Đoàn, 76 tuổi, hưu trí tại Mỹ

Tác giả gửi BVN

(1) TS Phùng Liên Đoàn là chuyên viên về an toàn và kinh tế điện hạt nhân, đã làm việc tại Mỹ hơn 50 năm. Nay về hưu và thấy con cháu đã tương đối tự lập, ông nguyện đem hết tài sản ít oi của mình để “thách đố- cộng hưởng” với bạn hữu giúp người Việt có nhu cầu.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn