Xung quanh chuyện “giải phóng vỉa hè” các đô thị lớn: Sài Gòn, Hà Nội...

1. Chuyện dẹp vỉa hè của quan lớn

Khanh Nguyen

Ngày hôm qua, khi tôi phản biện, đặt vấn đề này trong một trang của người quen, có người nói rằng "nhiều chuyện", "đổi mới cần mạnh tay"...

Hôm nay tôi dẫn ý kiến của một luật sư để thấy rõ hơn.

Quả là luật pháp rất "nhiều chuyện" trước những chuyện "mạnh tay" – vì bởi không có cái nhìn xuyên suốt của luật pháp, đất nước này sẽ chìm đắm trong việc lạm quyền, mơ hồ của hình thái mị dân nhào trộn với tệ sùng bái cá nhân.

Trong ý kiến của mình, tôi cũng đặt vấn đề rằng dân không thể liều lĩnh chiếm vỉa hè để làm ăn lâu dài, nhưng vì họ đã nhận được cam kết bảo kê từ các loại quan con vòi vĩnh đút lót, ăn tiền thuê chỗ.

Nên nhớ, ở đô thị tên gọi Hồ Chí Minh này, dân buôn bán không dễ sống yên với hàng ngày trùng trùng xe tải của công an, trật tự đô thị ruồng bố. Dân phòng cướp gánh hàng, xe hủ tíu của dân nghèo chỉ vì đậu lại mà chưa biết chỗ chung chi.

Đó là vấn nạn của chế độ tạo ra cho xã hội, và người dân luôn trở thành bao cát bị đấm đạp mỗi khi có chương trình thể hiện cho hành động và uy lực của nhà cầm quyền.

Đập và dẹp của dân, có vạch mặt được bọn quan lại sâu mọt đó không? Hay chỉ là trò mị dân rồi bảo an cho hệ thống của nhau, chỉ có thường dân là chuốc khổ.

Nếu yêu thương con người và đất nước này, thì hãy hành động như một người bình thường với một chu trình đúng luật pháp và tử tế. Còn kèn trống biểu diễn, thì đã có bọn phường tuồng.

K.N.

Tb: tiếc cho những tờ báo có tên gọi hay nội dung liên quan đến luật pháp, nhưng không còn đủ sức người để nói về luật pháp.: Top of Form

Nguồn: FB Khanh Nguyen

 

2. Vỉa hè của ai? Tại sao Hà Nội kêu khó khi giải phóng vỉa hè?

Chu Mộng Long

Vỉa hè của ai? Biết nhưng nói ra chết liền!

Về lí thuyết, vỉa hè là tài sản công cộng. Nhưng cái lí thuyết này đúng là màu xám khi nói rộng ra, mọi thứ tồn tại trên đất nước này, từ đất đai đến vùng trời, từ núi rừng đến hải đảo đều thuộc công cộng. Hiến pháp hiến định chủ quyền đất nước thuộc về toàn dân do nhà nước quản lí. Đến cái nhà anh đang ở cũng chỉ là quyền sử dụng tạm thời.

Vì cái lý thuyết ấy màu xám nên mới xảy ra chiếm đoạt, tranh chấp thường xuyên. Thực tiễn sống động cho thấy, kẻ nào mạnh, kẻ ấy được quyền sử dụng, không kể là nhà nước hay nhân dân.
Ôi cái cây đời về quyền sở hữu ở nước ta nó xanh tươi đến mức, nhà nước thì luôn chiến thắng nhân dân, nhưng lại thất bại trước các nhóm lợi ích, kể cả nhóm lợi ích có tính chất xã hội đen.

Chẳng lẽ nhà nước ta yếu hơn các thế lực này?

Thật khó tin. Nhưng cứ nhìn vào cảnh cưỡng chế thu hồi đất của nhân dân. Có thể là thu hồi hàng trăm hecta đất cho một dự án. Có thể là thu hồi vài tấc đất khi dân xây dựng lấn ra vỉa hè. Nhà nước luôn chiến thắng!

Nhưng đến khi đã có cái vỉa hè sau chỉnh trang đô thị, nơi cần an toàn cho người đi bộ, đội quân nhà nước mỗi lần ra quân hùng hậu, càn quét xong rồi đâu lại vào đấy. Nhà nước luôn thất bại thảm hại!

Chính quyền Hà Nội nói: đòi vỉa hè cho người đi bộ là rất khó; Hà Nội có tính đặc thù, không thể áp dụng theo cách của Quận phó Quận 1 Đoàn Ngọc Hải, TP Hồ Chí Minh!!!

Không nói rõ ra người ta cũng biết vì sao khó, vì sao có tính đặc thù. Khó vì mỗi tấc vỉa hè đã có quyền sử dụng của các nhóm lợi ích? Đặc thù vì các nhóm lợi ích này nuôi chính quyền không cần qua đóng thuế? Dọn dẹp các nhóm lợi ích này khác nào bất hiếu với cha mẹ mình? Phải chăng chính quyền Hà Nội vì đạo lí mà không thể ra tay như Đoàn Ngọc Hải tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh?

Tôi nghe giang hồ đồn như vậy. Nếu không phải thì hãy giải thích rõ xem vì sao chính quyền cưỡng chế đất đai của dân dễ như trở bàn tay dù có nơi trái luật rành rành, mà lại bất lực trước sự lấn chiếm ngang nhiên bất hợp pháp của các nhóm lợi ích giữa thanh thiên bạch nhật? Giải thích vì sao tại Hà Nội, xe chỉ cần dừng đỗ bất cứ chỗ nào là có ngay một lực lượng đến đòi tiền giữ xe mà không cần phiếu giữ xe?

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

 

3. Giành lại cái... vỉa hè!

Bổn Đình Nguyễn

Vỉa hè đương nhiên là của ngưòi đi bộ, nó phải thông thoáng, nhưng tại các đô thị lớn nhỏ của VN nó lại là của người kinh doanh. Trong số họ, có người nghèo, bám vỉa hè để sống, nhưng những vỉa hè đắt giá nhứt, lại thuộc người giàu, thuộc các công ty và cả nhà nước.

Chuyện ông Hải dẹp vỉa hè tôi đồng ý 100%, vì tôi từng thấy nhiều lần, chỉ vì không thể đi trên vỉa hè, người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường và bị tai nạn, bị cướp giựt.

Động thái của ông Hải đã lan qua quận 3, quận Phú nhuận, và quận Gò vấp cũng nghe nói sắp dẹp vỉa hè.

Đề nghị cư dân fb, trong phạm vi của mình, chụp hình, quay phim những vỉa hè bị lấn chiếm, trước tiên là nhà nước và các công ty cỡ bự, đưa lên thành một phong trào để ủng hộ việc chính đáng này.

Tôi chỉ lo việc này không thành công, chỉ có tính ngắn hạn, bởi vỉa hè là cái máy in tiền của mấy ông công an khu vực và trật tự đô thị. Điều này không nói thì ai cũng biết.

B.Đ.N.

Nguồn: FB Bổn Đình Nguyễn

 

4. Tôi không thấy ông Phó này làm gì trái luật

LS. Trần Vũ Hải

Nhiều người cho rằng ông Phó Chủ tịch Quận 1 - TPHCM làm sai trình tự luật khi dẹp vỉa hè quận 1 trong tuần qua. Quan sát các video và hình ảnh, tôi không thấy ông Phó này làm gì trái luật.

Nếu người dân, doanh nghiệp, đơn vị nào cho rằng ông Phó làm trái luật, gây thiệt hại đến họ, họ đều có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi trái luật của ông ta. Sẽ có khá nhiều luật sư sẵn sàng giúp họ đó. Riêng tôi nhận giúp ông Phó này, và bảo đảm ông sẽ không thua!

clip_image002

clip_image003

T.V.H.

Nguồn: FB Vu Hai Tran

 

Đọc thêm

 

1. Đòi vỉa hè cho người đi bộ, Hà Nội “kêu” khó

Tú Anh-Trường Phong

TPO - Trước việc TP Hồ Chí Minh, trong đó có quận 1 đang ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường một cách cương quyết, thì lãnh đạo một số quận, phường trung tâm của Hà Nội cho rằng “khó” thực hiện.

clip_image005

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội diễn ra thường xuyên

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, việc chống lấn chiếm vỉa hè luôn được quận coi trọng, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. “Công việc này được Hoàn Kiếm ra quân làm thường xuyên. Chúng tôi ra quân làm công việc này từ năm 2016, năm nay quận sẽ tiếp tục triển khai. Năm 2017, chúng tôi ra quân làm từ mồng 5 Tết…”, ông Long nói.

Trả lời câu hỏi của PV về việc, liệu Hà Nội có thực hiện quyết liệt được như ở TP Hồ Chí Minh, khi mà lãnh đạo quận 1 đã trực tiếp chỉ đạo liên ngành và xử lý rất cương quyết, không bỏ qua trường hợp vi phạm nào? Ông Long cho rằng, “Hà Nội có cách làm của mình”.

Trong khi đó, khi trao đổi với PV về vấn đề này, ông Chu Trọng Xa - Bí thư phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, các quận phường của Hà Nội muốn làm được như ở quận 1 phải tập trung nhiều lực lượng. “Tôi cũng đang xem mạng về thông tin ở TP Hồ Chí Minh ra quân xử lý vỉa hè. Muốn Hà Nội làm được như thế phải do từ trên, phải tập trung nhiều lực lượng, chứ chờ vào mấy ông tự quản, mấy ông trật tự phường thì khó”, ông Xa nói. “Việc này phải có cơ chế chứ nó liên quan cả đời sống của người dân mà làm như ở quận 1 chưa chắc đã ổn. Theo tôi làm nghiêm là tốt”, ông Xa nói. Theo vị này, ngay từ đầu năm phường đã ra quân triển khai việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, nhưng rồi nhiều người cũng nói “đầu voi, đuôi chuột” sau đợt cao điểm. 

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ông Vũ Đại Phong thì cho rằng, mỗi nơi có đặc thù riêng nên không thể triển khai rập khuôn như thế được. “Việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường chúng tôi làm thường xuyên. Nhưng mỗi nơi, mỗi địa phương đều có đặc thù của nó nên cách làm khác nhau. Có rất nhiều vấn đề ở vỉa hè, công tác quản lý đô thị đối với vỉa hè không chỉ là việc cho người đi bộ”, ông Phong nói.

Đang buông lỏng vỉa hè?

Liên quan đến vấn đề này, mới đây phát biểu tại buổi làm việc với Quận ủy Ba Đình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý, đã mấy năm thành phố lấy chủ đề công tác năm về trật tự văn minh đô thị mà thấy vẫn “chưa yên tâm”. Theo ông Hải, việc quản lý vỉa hè có vẻ như càng ngày càng lỏng. “Vỉa hè thì các đồng chí có thấy càng ngày càng bị lỏng không? Càng ngày càng  lấn tới. Tôi thấy các hộ kinh doanh càng ngày càng thoải mái”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, một thời thành phố rất kiên quyết chống mái che, mái vẩy mà bây giờ tình trạng đó lại xảy ra rất nhiều. Ông Hải yêu cầu trong năm 2017, Ban chỉ đạo 197 về trật tự văn minh đô thị phải vào cuộc. “Bây giờ phải vào cuộc để xử lý nhắc nhở, vận động người dân. Phải xử lý kiên quyết. Không thể đổ không cho người dân được. Tôi đề nghị các đồng chí không bao giờ được bằng lòng việc này”, ông Hải yêu cầu.

clip_image007

Liệu các quận trung tâm Hà Nội có dẹp được tình trạng lấn chiếm vỉa hè?

T.A. –T.P.

Nguồn: http://m.tienphong.vn/xa-hoi/doi-via-he-cho-nguoi-di-bo-ha-noi-keu-kho-1124111.tpo#ref-https://www.facebook.com/

 

2. Ông Đoàn Ngọc Hải "bứng" luôn vọng gác công an

Sỹ Đông - Quốc Chiến

(NLĐO) - Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM đã chỉ đạo dỡ bỏ vọng gác công an lấn chiếm vỉa hè.

Chiều 27-2, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải lại xuống đường để giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Lúc 16 giờ 30, một chốt bảo vệ trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên đường Võ Văn Kiệt bị ông Hải yêu cầu di dời vì lấn chiếm vỉa hè.

clip_image008

clip_image009

Di dời chốt bảo vệ trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Cũng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Hải còn chỉ đạo xe cẩu bứng hàng rào trước ngân hàng này. Bảo vệ ngân hàng ra can ngăn nhưng sau đó lực lượng chức năng vẫn kiên quyết tháo dỡ.

clip_image010

clip_image011

Dỡ hàng ráo lấn vỉa hè

Lúc 16 giờ, người đi đường và dân sống xung quanh Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Sài Gòn (nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cũng "sướng" vì một vọng gác công an bảo vệ ngân hàng này nằm giữa vỉa hè bị ông Hải chỉ đạo bứng.

clip_image012

Vọng gác công an nằm giữa vỉa hè

clip_image013

Ông Hải thấy và lập tức chỉ đạo "bứng"

clip_image014

Các lực lượng thực thi lập tức ra tay.

Trước đó, lúc 15 giờ, khi đi kiểm tra trên đường Nguyễn Công Trứ, ông Hải đã dứt khoát buộc di dời cây sứ trước Công ty CP Vận tải Biển Sài Gòn vì đã lấn chiếm vỉa hè. Cũng trên tuyến đường này, nhiều vật dụng lấn chiếm vỉa hè đã được thu gom dưới sự chỉ đạo của phó chủ tịch quận 1.

clip_image015

clip_image016

Dứt khoát di dời cây sứ vì đã lấn chiếm vỉa hè

clip_image017

Các vật dụng chiếm vỉa hè đều bị thu gom, không có ngoại lệ

S.Đ. – Q.C.

Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-doan-ngoc-hai-bung-luon-vong-gac-cong-an-20170227160305367.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn