THƯ NGỎ

Gửi các anh Cảnh sát Cơ động đã đến Đốm lửa Đồng Tâm

(hay ‘Những ngày đáng nhớ’)

Nguyễn Duy Nghĩa

Mừng các anh từ Đốm lửa Đồng Tâm trở về bình yên, không ai bị sứt mẻ, dù chịu cơ mưa gạch đá, dù nằm suông cả tuần trên nền nhà Văn hóa chỉ có chiếu cói và bình nước lã công cộng. Thật là những ngày đang nhớ.

Các anh đổ bộ đến Đồng Tâm, nai nịt gọn gàng, sao vạch cấp bậc rõ ràng, công cụ hỗ trợ chống bạo loạn kinh hoàng. Khi về, các anh “tay không”. Theo nghĩa bóng vì việc thu hồi đất đai không thành tức không hoàn thành nhiệm vụ. Theo nghĩa đen là khi đi ra khỏi Nhà Văn hóa thôn Hoành xộc xệch quân trang, lễ mễ khuân đồ, không hàng không lối, không còn sao vạch, không công cụ hỗ trợ. Các anh nghĩ lại xem khi các anh về với dân đâu có phải đầm ấm, vui vầy như cảnh “Bộ đội về làng” một thời quân với dân như cá với nước? Ngày ấy, “Các anh về mái ấm nhà vui/Cất tiếng hát câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ/Các anh về tưng bừng trước ngõ/Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau/Mẹ già bịn rịn áo nâu. Vui đàn con ở rừng sâu mới về(1).

Từ hôm tiễn các anh bằng các tràng vỗ tay, bà con thôn Hoành như thoát được cơn ác mộng. Những ngày ấy ở thôn Hoành, đêm nào cũng ông ổng tiếng chó sủa, kẻng gõ liên hồi, rầm rập chân chạy báo động, cổng làng ngõ xóm canh phòng cẩn mật, già tỉnh giấc mất ngủ, trẻ giật mình khóc thét. Bà con không sợ các anh mà sợ bóng, sợ vía bọn giang hồ có tổ chức, trà trộn, vờ gây rối, rồi đổ vấy cho bà con vi phạm thì biết giãi bày với ai. Dân tình thời nay cực thế đấy.

Lúc các anh dàn hàng ngang che khiên tiến là theo lệnh chỉ huy, nhưng khi lùi tránh né thì hẳn không phải để bảo vệ dân mà an toàn cho chính mình. Trơ thân giữa hỗn trận nhỡ ra thì vạ đến thân. Càng nghĩ càng cảm phục sự thức thời của các anh bị giam cả tuần trong nhà… Văn hóa! Sức vóc các anh với võ thuật cao cường, tay vo mỗi chiến sỹ có thể chấp cả chục tên côn đồ, dù mới chỉ “gạt tay trúng má” đã cho phóng viên biết lễ độ tại cầu Nhật Tân, Hà Nội, huống hồ trông nom Nhà Văn hóa chỉ có một ông già hóp hép, cửa giả sơ sài, móc khóa mỏng manh cùng vài ba chị em được cắt cử lo cơm nước. Nhưng các anh đã nhu mì như chưa ngoan thế bao giờ. Khi ra khỏi phòng giam không xô lấn, nhanh chạy thoát thân. Vị chỉ huy còn gập người vái ngang, lạy dọc. Đúng là siêu biết điều. Vậy mà có kẻ độc mồm bảo các anh đầu hàng không điều kiện. Đúng là giọng điệu phản động của các thế lực thù địch. Mấy ngày dài lưng trên chiếu giải bệt nền nhà, ăn đạm bạc dù hơn mức sống bình dân, uống nước suông, không cỗ bài giết thời gian, chẳng hớp rượu bù khú giải khuây nỗi buồn, chắc ai nấy đều được trải nghiệm giác cảm “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (Một ngày trong tù bằng nghìn năm ở ngoài). Cũng chắc là không ai dám thổ lộ tâm can với đồng đội nhưng mung lung thì có, đại loại như “tự giữ mình trước chờ cấp trên đến cứu”. Yên với dân thì dân che chở, dù không được nằm nệm êm, mở điều hòa, xem TV, chít chát…, nhưng chắc có ngày về toàn vẹn.

Dường như bất cứ người lính nào ngày nay được cử đến những nơi dân buộc phải bày tỏ nguyện vọng mà thường bị cho là bị các thế lực phản động kích hoạt thành điểm nóng, phải tính trước điều này. Quân lệnh như sơn, không thể không hành quân, không chiến đấu. Thoăn thoắt tay chân… hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công lênh thuộc về cấp trên. Còn nhớ, sau khi chỉ huy thành công “Trận đámh đẹp” với Ông Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, Hải Phòng, Đại tá, Giám đốc được phong hàm thiếu tướng. Run tay, rủn chân không đạt mục tiêu chí ít cũng bị phê bình, kiểm điểm là nhụt chí khí, thiếu tinh thần, không dám xả thân. Nhỡ đụng vào dân thì khốn sẽ chịu tội không thấm nhuần lời dạy “Đối với dân phải kính trọng lễ phép”. Nhưng ngộ nhỡ bọn côn đồ liều mình thì các anh lãnh đủ. Dù đồng đội xếp hàng quanh anh, chia sẻ sâu sắc với anh đã “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nhưng hậu quả thì không ai sẻ chia. Các con anh bơ vơ, vợ anh đứt gánh. Cha mẹ, ruột thịt, họ hàng gần xa, thân bằng cố hữu, bà con lối xóm không thể nào sẻ chia. Không danh hiệu vàng son nào cho anh, cho mẹ anh - Bà mẹ Việt Nam, bù đắp nổi.

Qua những ngày giáp mặt với Đốm lửa Đồng Tâm hẳn các anh đã tự biết mình chỉ là cái thanh gươm có mắt, lá chắn biết đi. Không hơn không kém.

Chúc các anh gan yếu, tay mềm.

N.D.N.

__________

(1) Trích lời Bài hát “Bộ đội về làng”, nhạc Lê Yên, thơ Hoàng Trung Thông

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn