Vĩnh biệt Anh – một giọt Người rất sáng rất trong

PV

Cho dầu nếu hồn anh sắp cạn

Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng

Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn?

Một giọt Người rất sáng rất trong”

Việt Phương

Thành phố Hồ Chí Minh sáng 8.5, sau một đêm mưa lắc rắc nhẹ hạt, trời lại xanh cao vời vợi hắt những tia nắng vàng chanh rộn ràng vào căn phòng của giáo sư Tương Lai trên tầng 16 của một tòa nhà có cảnh quan rất đẹp, chứa trọn một dòng sông dặt dìu và vòm trời xanh cao vời vợi... Nơi đây đang diễn ra cuộc họp mặt của những người từng thân quen nhau, nhưng lại rất khó gặp nhau bởi họ thường bị công an phong tỏa không cho khỏi nhà trong những ngày “nhạy cảm” với các cuộc “khiếu kiện đông người” ở đâu đó. Và hôm nay cũng thế, một vài người trong số họ không thể có mặt dù đã trần tình với “nhà chức trách” lời “thề” chỉ đến nhà giáo sư Tương Lai để dự buổi lễ tưởng niệm Nhà thơ Việt Phương.

Tên nhà thơ thì có thể các em (công an) không biết, song đến nhà giáo sư Tương Lai thì cũng lại là “địa chỉ nhạy cảm”. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là thật, cho thấy đây là một cuộc họp mặt khá đặc biệt. Đặc biệt cả về Người và Việc: Lễ tưởng niệm Nhà thơ Việt Phương, (6.12.1928 – 6.5.2017).

Chỉ có điều, trong Thư mời dự buổi TƯỞNG NIỆM VIỆT PHƯƠNG lại do hai người ký, giáo sư Đào Công Tiến và giáo sư Tương Lai, chắc là với ngụ ý là buổi lễ được tổ chức với danh nghĩa là Tổ đại diện ở phía Nam Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây mà ông Tiến là tổ trưởng cùng kết hợp với những trí thức, nhân sĩ từng gặp gỡ gắn bó, yêu quý và ngưỡng mộ Việt Phương ở phía Nam do ông Tương Lai mời gọi. Vì thế mà chúng tôi thấy đang trò chuyện với các vị Trần Đình Bút, Nguyễn Văn Kích… có nhiều gương mặt quen thuộc như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Sơn Phước, An Bình Minh… Râm ran những câu chuyện, những kỷ niệm vốn chìm sâu trong ký ức của những người thương tiếc, cảm phục và quý trọng con người vừa rời cuộc thế bụi bặm này để đi vào cõi vĩnh hằng. Những xúc động qua những mẩu chuyện và ký ức về nhà thơ Việt Phương, nhà lý luận Việt Phương tưởng như không dứt trong một khung cảnh ấm áp, ân tình... Ở chính diện của căn phòng, một bàn thờ đơn sơ, một lư hương nho nhỏ trước chân dung người vừa nằm xuống mà kỹ sư Tô Lê Sơn đã phóng to, trang trọng lồng trong khung kính vừa kịp mang tới. Nhà thơ Việt Phương như trong ánh mắt sáng trong và nụ cười hiền từ như đang nói với những người bạn quý mến đã đến với mình trong thoang thoảng hương trầm dịu ấm.

Giáo sư Tương Lai khai mạc buổi lễ bằng một bài viết xúc động chỉ mới thảo xong qua một đêm thức trắng để làm sao chuyển tải được ý tưởng đã dồn nén trong tựa đề: “Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người” để tưởng niệm người ông tận lòng thương yêu kính phục. Bài viết đầy ắp kỷ niệm về một người Anh, một người bạn lớn mà ông đã gắn bó suốt hơn nửa thế kỷ. Ông nghẹn ngào dồn nén:

- “... Day dứt nhớ câu “Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn. Một giọt người rất sáng rất trong” để mà cố gạn lấy “một giọt người” trong bộn bề suy ngẫm nhằm lấy đà mà viết đôi dòng về người anh, người bạn lớn của tôi suốt 63 năm kể từ ngày gặp anh. Nhưng vẫn không sao “gạn” nổi.

Câu trên trích trong một bài thơ mà anh đã gửi tặng một tuần sau khi tôi đã trở lại Sài Gòn để nhấn lại cái ý anh đã nói khi cầm cuốn ghi chép về “Mênh mông thế sự” tôi đưa tặng anh và chị Tú Lan: “mình thích cái tên sách này, nó hợp với cảm nhận của mình và thể hiện được cách tư duy và tâm trạng của TL”. Đối với tôi, đây là một lời khen tặng.

Để rồi, trong lần gặp cuối cùng khi hai anh em ôm nhau khóc bên giường bệnh tại bệnh viện: “thế là chịu thua rồi anh Phương ơi, giờ đây thì viết sao được nữa. Đành phải vậy thôi anh ơi”. Anh nắm chặt, rất chặt bàn tay tôi, thoáng cười trong nước mắt.

Giáo sư Tương Lai

Cố kìm giọt nước mắt, Tương Lai nghẹn ngào: “Anh Phương ơi, kém anh 8 tuổi đời, tôi đâu còn đủ sức “lặn xuống sâu đắm đuối gặp chân trời” mà chúng ta cùng hướng tới! Tôi chỉ là một “ngọn cỏ”, cứ cho đã “được tôn trọng là cỏ”, một “con người” tự biết và dám sống thế nào để “được tôn trọng là người” như anh viết đi chăng nữa, thì vẫn còn quá xa để với tới được cái cao cả của anh “được bao nhiêu cũng là được cả” để mà thoát khỏi những day dứt : Đã vĩnh viễn nằm xuống một nhân chứng sống của một thời đoạn lịch sử bi hùng, đầy biến động dữ dội mà với một trí tuệ siêu việt, một trái tim trong sáng nồng cháy, một nhân cách cao thượng và dung dị đã nhìn thấy, trải nghiệm và suy tư!I.

Ông tự hỏi: “Liệu có phải là định mệnh đã được viết ra:

Bao giờ đến lúc chia xa

Trái tim giữ lại trong ta chút mình”...

Giáo sư Tương Lai kể:

- “Một lần gặp nhau ở Hà Nội, giữa buổi làm việc với anh Sáu Dân, Việt Phương chép mấy câu thơ của anh vào một tờ giấy được gỡ ra từ cuốn sổ rồi chuyển cho tôi Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước

Chảy dưới cầu kia để lại gì.

Tôi hiểu đây là một kiểu hài hước tự diễu mình và diễu tất cả bọn tôi. Tối hôm ấy, sau bữa cơm ở nhà số 6 Hồ Tây chỉ có hai thầy trò, khi rót chén trà chuyển mời ông Sáu Dân tôi kèm theo tờ giấy chép thơ đó. Đọc xong ông ấy cười, chả là vì có lần ông Sáu nói với tôi sau một buổi làm việc khá gay cấn chưa thể đưa ra một kết luận dứt khoát: “Chắc rồi ông Việt Phương hôm nay lại sẽ làm một bài thơ!”.

Vào những năm cuối đời, Việt Phương dành phần lớn thời gian của mình cho thơ, và Việt Phương đúng là một nhà thơ. Vả chăng con người “Thấu mọi nhẽ thăng trầm thực ảo” ấy vẫn cứ “Thế mà khờ khạo như bóng mây”. Cho nên nhà lý luận uyên bác ây vẫn mê đắm với thơ, dù vẫn biết rõ rằng “Thì thơ ngơ ngẩn là thơ/Thì người đông đảo bơ vơ là người”.

Phải chăng con người ấy đã ngộ ra được cái lẽ lớn ở đời “Sự thật ơi ta đã tỏ mặt mình” khi “đã qua rồi yêu giận ghét khinh”! Cách nay đúng 10 năm, anh viết:

Tám mươi tuổi tập ú tim

Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ

Ấy vậy mà cũng đúng vào buổi ấy nhà thơ Việt Phương viết “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” có tầm vóc lý luận uyên bác và sắc sảo có ý nghĩa thực tiễn rất sống động và mạnh mẽ mà những vị giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng danh nổi như cồn khó bén được đến gót”.

Buổi tưởng niệm kéo dài hai tiếng đồng hồ vầ kết thúc bằng một phút im lặng dành để tiễn đưa một con người ứng đáng là người đúng nghĩa. Không bi lụy, mà là thấm đẫm tình người. Giáo sư Trần Đình Bút hơn Việt Phương đến bốn tuổi, nghẹn ngào gọi Việt Phương bằng em trong cố gắng kìm nước mắt: “Việt Phương ơi! Em là một con người thông minh, giỏi giang sớm có tư duy, lý luận sắc sảo. Anh biết em từ khi em 22 tuổi. Anh còn nhớ một lần em khuyên anh trước khi anh đi học nước ngoài, rằng anh ráng học cho thành tài... Đến bây giờ anh mới thấy anh cũng chưa thành tài và cũng chưa giúp được gì nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước như em đã làm. Anh đã phụ lòng em...”.

Giáo sư Trần Đình Bút

Phải chăng khi nói vậy, vị giáo sư già khiêm nhường ấy muốn làm nổi bật lên nét dáng “lồng lộng con người” của một người vừa nằm xuống. Nhà báo Huỳnh Sơn Phước nối lời vị giáo sư bằng những kỷ niệm khó quên về ân tình và những lời khuyên nhủ của một người từng trải nghiệm trong việc dùng ngòi bút để chuyển tải ý tưởng và tâm huyết của mình đối với cuộc đời, với con người, với đất nước với những nhà báo trẻ của tờ “Tuổi Trẻ” mà ông gần gũi. Nhắc đến chuyện “Tuổi Trẻ” đã từng thường xuyên đăng những bài của Quang A, Tương Lai và những ngòi bút gai góc khác để muốn nói lên bản lĩnh muốn tự vượt lên chính mình vói những lời nhắn gửi chân tình nhưng rất nghiêm cẩn. Huỳnh Sơn Phước rất ấn tượng với hình ảnh Việt Phương gợi lên tòa báo phải biết đứng trên vai những trí thức và chuyên gia có bản lĩnh và tâm huyết để báo có thể đến với người đọc và nâng họ lên.

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước

Không thể kể hết ra đây những ấn tượng sâu đậm khác trong nỗi niềm tâm sự vừa được nói ra, có khi chỉ vài câu, vài từ trong xốn xang những kỷ niệm được thốt ra trong buổi tưởng niệm và sau buổi tưởng niệm khi ngồi lại với nhau kể cả những người không thể đến đã nhắn gửi qua điện thoại, những người vì điều kiện riêng phải xin phép đi trước sau khi nghe đọc xong lời tưởng niệm, những email gửi đến sau khi nhận được thư mời nhưng vì hoàn cảnh riêng không có mặt…

Mà cũng đúng thôi, làm sao đưa lên trang viết được đầy đủ tâm tình của những người thương nhớ và cảm phục “một con người rất xứng đáng là NGƯỜI đã ra đi ở tuổi 90” đang có mặt tại buổi tưởng niệm hôm nay hoặc vì những lý do khác nhau đã không thể có mặt. Xin dẫn ra đây một đoạn rất ngắn trong email một người bạn vong niên của giáo sư Tương Lai gửi đến vào khuya ngày 7.5.2017 mà ông đã cho người viết bài này xem: “Một bài tiễn biệt sâu đậm, đầy tình thương yêu và xót xa như một huyết thư... Trong những dòng tiễn biệt của một nhà văn Pháp trong đám tang của Guy de Montherland: Nếu tôi cũng hưởng được sự mến thương của bạn bè trong buổi tiễn đưa anh như vậy thì việc giã từ cuộc đời này sẽ nhẹ nhàng biết bao...”.

Việt Phương đã có được sự nhẹ nhàng ấy. Thì chẳng phải trong “Lời tiễn biệt” giáo sư Tương Lai đã viết đấy thôi: “Anh đang trầm mặc và thanh thản nhìn lại những chặng đường anh đã đi”. Anh đã nhẹ nhàng bước trên cỏ mọc đường trần để đến với cõi vĩnh hằng khi đã sống xứng đáng trọn một đời người. Anh thanh thản đến với thế giới của những Người Hiền và hãy yên tâm để lại một ước vọng tiên tri:

Sẽ có một thời mọi hòn đá được tôn trọng là đá

mọi cọng rơm được tôn trọng là rơm

mọi ngọn cỏ được tôn trọng là cỏ

mọi con người được tôn trọng là người.

Chúng tôi tin rằng mai đây điều đó sẽ thành hiện thực,

Thưa anh Việt Phương, chắc rằng những người dự lễ tưởng niệm hôm nay đều muốn nói lên điều đó. Xin vĩnh biệt Anh - Một giọt Người rất sáng rất trong.

PV. 9.5.2017

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn